(CHG) Ngày 7-9, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 6 đối tượng Nguyễn Văn Anh, 23 tuổi; Từ Thái Nguyên, 20 tuổi; Phí Văn Hưng, 23 tuổi; Phùng Văn Nam, 23 tuổi và Nguyễn Văn Luân, 26 tuổi; Phùng Trí Dũng, 35 tuổi, trú ở Hạ Bằng, Thạch Thất, Hà Nội về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và che giấu tội phạm.
Các đối tượng này nằm trong đường dây lừa đảo liên tỉnh qua mạng xã hội facebook, zalo với thủ đoạn mới mà Công an Bắc Ninh vừa triệt phá.
Giả danh đại gia thép để lừa đảo
Anh Trần Văn Dũng (nick facebook là Dũng Trần) ở thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh bị đối tượng giả danh bạn anh là Lưu Quang Hưởng lừa đảo chiếm đoạt của anh 350 triệu đồng. Theo trình bày của anh Dũng thì tối 29-8, từ nick facebook của anh Lưu Quang Hưởng nhắn tin vay anh 60 triệu đồng có việc gấp, gửi vào tài khoản ngân hàng mang tên Lưu Quang Hưởng. Tưởng bạn mình vay thật, anh Dũng chuyển vào tài khoản đối tượng cung cấp. Đến sáng 30-8, từ facebook Lưu Quang Hưởng lại đề nghị vay thêm 250 triệu nữa chuyển khoản vào tài khoản Đỗ Văn Tiến.
Thấy chuyển vào tài khoản tên khác, anh Dũng đã gọi điện lại cho anh Hưởng và thấy có hình bạn mình đang nói chuyện nên tin tưởng gửi tiếp. Sau đó, nick Lưu Quang Hưởng lại hỏi vay tiền nhưng do tài khoản anh Dũng hết tiền nên không chuyển được. Anh Dũng nhờ bạn chuyển cho tài khoản do facebook Lưu Quang Hưởng cung cấp thêm 95 triệu nữa nhưng bị lỗi không chuyển được. Sau đó, anh Dũng bất ngờ khi anh Hưởng gọi điện lại nói mình bị hack facebook và đối tượng đã giả danh anh để vay tiền. Cùng là nạn nhân giống anh Dũng, có 2 người bạn của anh Hưởng ở Hưng Yên và Long Biên, Hà Nội cũng gửi cho tài khoản do facebook Lưu Văn Hưởng cung cấp với số tiền 205 triệu đồng.
Được biết, anh Lưu Quang Hưởng là người kinh doanh lớn trong ngành thép nên giao dịch rộng, quen biết nhiều với những người có kinh tế khá giả. Bên cạnh đó, anh Hưởng xưa nay làm ăn uy tín nên khi hỏi vay số tiền lớn mặc dù qua mạng nhưng mọi người vẫn tin tưởng, chuyển ngay mà không cần gọi điện lại xác thực. Sau khi biết mình bị lừa, anh Dũng đã đến Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bắc Ninh trình báo. Xác định đây là đường dây lừa đảo tinh vi, các đối tượng đều hiểu biết công nghệ, trực tiếp Đại tá Bùi Duy Hưng, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh; Đại tá Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT đã chỉ đạo CBCS Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao điều tra, làm rõ. Sau một thời gian ngắn tích cực, khẩn trương điều tra, sử dụng đồng bộ các biện pháp công tác, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh đã điều tra, làm rõ nhóm đối tượng lừa đảo. Ngày 31-8 và 1-9, Công an Bắc Ninh đã phối hợp với Công an TP Hà Nội bắt giữ các đối tượng trên.
Nạn nhân tự quay clip gửi kẻ lừa đảo
Nhóm đối tượng này không chỉ đơn thuần dùng thủ đoạn chiếm đoạt tài khoản facebook của nạn nhân rồi giả danh nạn nhân đi lừa đảo như nhiều vụ việc trước đây mà đã nâng cấp thủ đoạn lên “tầm cao” mới. Chúng lập hẳn tài khoản ngân hàng mang tên nạn nhân, quay clip có hình ảnh mặt nạn nhân rồi mới dùng để lừa đảo.
Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, các đối tượng đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng các hành vi từ lừa chủ facebook để chiếm tài khoản đến việc mở tài khoản ngân hàng, quay clip có mặt của nạn nhân. Chính vì tinh vi như vậy nên khi các nạn nhân gọi điện lại xác minh cũng không phát hiện được.
Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận, lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, người dân không trực tiếp đến ngân hàng giao dịch mà thường liên hệ qua mạng xã hội và bằng hình thức chuyển khoản, các đối tượng đã bàn bạc, thống nhất hack Facebook để thực hiện âm mưu.
Theo đó, Văn Anh là người khởi xướng, rủ Từ Thái Nguyên và Phí Văn Hưng tham gia lừa đảo. Văn Anh lên mạng “quét” các nick có stick xanh (đã được facebook xác minh chính chủ) để bắt đầu thực hiện hành vi. Sở dĩ chúng chiếm đoạt tài khoản của những người có stick xanh vì đây là những người quan hệ rộng, có lượng bạn bè, người theo dõi lớn nên được tin tưởng, bạn bè cũng nhiều người có kinh tế khá giả. Bằng thủ thuật quét tài khoản, Văn Anh đã phát hiện tài khoản anh Lưu Quang Hưởng nên đã lập mưu chiếm đoạt.
Hắn lấy số sim rác, lập tài khoản zalo rồi nhắn vào số zalo của anh Hưởng đăng trên mạng, tự xưng là nhân viên bảo trì của facebook, phát hiện tài khoản của anh Hưởng có lỗ hổng bảo mật nên cần khắc phục nếu không sẽ bị đóng tài khoản. Anh Hưởng tưởng thật, đã nhắn tin qua lại với Văn Anh, làm theo yêu cầu của đối tượng, từ chụp 2 mặt căn cước công dân, đưa mật khẩu facebook, đưa địa chỉ gmail và mật khẩu gmail đăng ký facebook cho Văn Anh. Thậm chí, khi hắn đổi mật khẩu facebook và gmail, các nhà dịch vụ yêu cầu xác thực bằng mã tự động gửi qua điện thoại, anh Hưởng cũng tin tưởng cung cấp ngay; thậm chí quay clip trực diện khuôn mặt để gửi cho chúng khi bị yêu cầu.
Không ngờ, đây chính là thủ đoạn tinh vi của Văn Anh và đồng bọn để chiếm đoạt tài khoản facebook có stick xanh của anh vì ngay sau khi có mật khẩu và mã xác minh, đối tượng lập tức đổi mật khẩu, chiếm đoạt tài khoản của anh. Chỉ trong ngày 29 và sáng 30-8, Văn Anh và Hưng đã giả danh anh Hưởng nhắn tin vay của hàng loạt bạn bè trong nick chat của anh với số tiền lớn như trên. Cao tay hơn nữa, với hình ảnh chụp 2 mặt CCCD, clip quay khuôn mặt, chúng đã giả danh anh Hưởng mở luôn 2 tài khoản ngân hàng chính chủ tên anh Hưởng để lừa đảo. Sau khi biết hành vi phạm tội của mình đã bị Cơ quan Công an phát hiện, truy tìm, Văn Anh và Nguyên đã liên hệ với Nam, Luân và được hai đối tượng này đưa đi trốn.
Đêm trắng truy bắt nhóm lừa đảo liên tỉnh
Nhận được tin báo của bị hại, dưới sự chỉ đạo của Đại tá Bùi Duy Hưng, Đại tá Phạm Văn Lương, CBCS Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh đã tập trung xác minh. Chỉ sau mấy tiếng tập trung các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng phát hiện nhóm đối tượng lừa đảo có hộ khẩu thường trú ở Hạ Bằng, Thạch Thất, Hà Nội. Ngay trong chiều 30-8, tổ công tác của Phòng Cảnh sát hình sự Công an Bắc Ninh đã phố hợp với Công an Hà Nội tổ chức bắt giữ các đối tượng. Phát hiện thấy “động”, Văn Anh và Nguyên lập tức bỏ trốn. Lực lượng chức năng đã bắt giữ được Phí Văn Hưng.
Về phía Văn Anh và Nguyên, sau khi biết bị Công an truy lùng, chúng gọi điện cho Nam và Luân kể sự tình và đề nghị được giúp đỡ đi trốn. Luân và Nam đồng ý, thuê phòng nghỉ của một nhà nghỉ ở đường Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình để 4 đứa cùng trốn tại đây.
Sau khi “vồ hụt” Văn Anh và Nguyên, suốt đêm 30 và ngày 31-8, lực lượng chức năng tiếp tục rà soát và phát hiện các đối tượng đang lẩn trốn ở nội thành Hà Nội nên di chuyển vào để tổ chức truy bắt. Do Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội, khu ngõ có nhà nghỉ trên đang trong diện cách ly nên việc tiếp cận gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, chủ nhà nghỉ không hợp tác, ngầm báo cho các đối tượng bỏ trốn. Chính vì vậy, lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn trong việc bắt giữ đối tượng. “Vây bắt từ khoảng 17h chiều đến 18h ngày 31-8, chúng tôi bắt được 2 đối tượng che giấu tội phạm là Phùng Văn Nam là Nguyễn Văn Luân. Hai đối tượng chính là Nguyễn Văn Anh và Từ Thái Nguyên đã trèo sang các nhà bên cạnh bỏ trốn” – Thượng tá Nguyễn Văn Bình cho biết.
Được biết, khu nhà nghỉ trên gồm 11 tầng, liền kề nhiều biệt thự, khu cao tầng, trong đó có 4-5 biệt thự bỏ hoang nên các đối tượng đã trèo từ nhà nghỉ sang các nhà bên cạnh rồi đi vào các khu nhà cao tầng, biệt thự bỏ hoang để bỏ trốn. Với quyết tâm bắt bằng được đối tượng, trắng đêm 31-8, các lực lượng thuộc Công an Hà Nội và Công an Bắc Ninh đã chốt chặt tất cả các đường, sau đó “quây” từng nhà bỏ hoang, từng khu cao tầng để bắt đối tượng. Sau 1 đêm “quần nát” khu vực trên, đến sáng 1-9, lực lượng chức năng đã bắt giữ được Văn Anh và Nguyên khi mỗi tên trốn ở một biệt thự bỏ hoang.
Làm rõ hành vi “rửa tiền”
Bước đầu điều tra, cơ quan Công an tỉnh Bắc Ninh xác định, trong thời gian từ tháng 10-2020 đến nay, nhóm đối tượng trên đã gây ra hơn 40 vụ hack Facebook, chiếm đoạt trên 2 tỷ đồng của khoảng hơn 20 bị hại tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, trong đó có 1 bị hại ở thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Công an tỉnh Bắc Ninh đã thu giữ tang vật của vụ án gồm 1 xe ô tô, 1 bộ máy vi tính, hơn 70 triệu đồng và nhiều tang vật liên quan.
Sau khi bắt được 4 đối tượng trên, Công an Bắc Ninh đã tổ chức đấu tranh, làm rõ “đường đi” của số tiền các đối tượng chiếm đoạt được. Qua đó, đã xác định, đối với hai tài khoản ngân hàng mang tên chính chủ Lưu Quang Hưởng, sau khi bị hại chuyển tiền vào, các đối tượng lập tức chuyển sang tài khoản khác. Số tiền gửi vào tài khoản Đỗ Văn Tiến cũng đã được chia nhỏ ra các tài khoản khác sau đó mua thẻ điện thoại, thẻ games online.
Xác định nhóm đối tượng trên có hành vi “rửa tiền”, Công an Bắc Ninh đã rà soát tất cả các mối quan hệ, làm rõ và bắt giữ đối tượng “rửa tiền” sử dụng tài khoản Đỗ Văn Tiến. Đối tượng này không phải tên là Tiến mà tên là Phùng Chí Dũng nên đã tổ chức vây bắt. Đến ngày 3-9 Dũng đã bị bắt.
Bước đầu, lực lượng chức năng đã làm rõ, tài khoản mang tên Lưu Quang Hưởng là do đối tượng Văn Anh dùng CMND và clip quay khuôn mặt của anh Hưởng để mở dưới hình thức online. Tài khoản Đỗ Văn Tiến do Phùng Chí Dũng mua được, sử dụng để nạn nhân chuyển tiền. Sau khi các bị hại chuyển vào tài khoản, lập tức, Dũng chuyển sang 10 tài khoản khác, sau đó mua thẻ điện thoại, thẻ games online để bán ra, thu tiền “sạch” chia nhau. Dũng được hưởng 20% tổng số tiền chiếm đoạt được, còn lại Văn Anh và Nguyên và Hưng chia nhau, trong đó Văn Anh hưởng phần chính.
Theo các điều tra viên, việc “rửa tiền” của các đối tượng rất dễ dàng và nhanh chóng. Chúng mua các thẻ games, thẻ điện thoại sau đó bán lại cho người có nhu cầu. Chỉ trong khoảng 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ, chúng có thể bán hết hàng trăm triệu tiền thẻ, nên chúng rút tiền rất nhanh để tẩu tán tang vật, chia tài sản. Hiện, Công an Bắc Ninh đang tiếp tục điều tra, mở rộng, truy bắt các đối tượng liên quan.
Nguồn: Báo Công An Nhân Dân
(CHG) Lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng kiểm tra đột xuất 02 cửa hàng kinh doanh có hành vi trưng bày bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và xử phạt 24 triệu đồng.
Xem chi tiết(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết(CHG) - Trong 9 tháng đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) tỉnh Gia Lai đã quyết liệt thực hiện có hiệu quả các kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Xem chi tiết(CHG) Trên 10.000 chai nước hoa không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu nhập lậu được kinh doanh chủ yếu trên Tiktok, Facebook vừa bị Tổ TMĐT, Cục Nghiệp vụ QLTT đột xuất kiểm tra và tiến hành tạm giữ. Đây là sản phẩm được một hot Tiktoker thường xuyên livestream bán trên Tiktokshop.
Xem chi tiết(CHG) Lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng kiểm tra thị trường Tết Trung thu năm 2024 vừa qua, xử phạt 37 đơn vị kinh doanh thực phẩm và đồ chơi trẻ em, với tổng số tiền xử phạt hơn 376 triệu đồng.
Xem chi tiết