(CHG) Tình trạng mạo danh bác sĩ làm việc tại các bệnh viện lớn, lên mạng phán bệnh và bán thuốc không nguồn gốc, xuất xứ đang tái diễn nhiều trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Youtube, Fanpage, TikTok… Để tránh tiền mất, tật mang, người tiêu dùng nên tránh xa và tự tạo kháng thể với những thông tin và thuốc này.
Phức tạp nạn mạo danh bác sĩ để lừa đảo
Thời gian qua, báo chí đã tốn khá nhiều giấy mực cảnh báo về vấn nạn trên mạng xã hội tình trạng mạo danh bác sĩ các bệnh viện lớn để lừa đảo khám chữa bệnh, bán thuốc không nguồn gốc, xuất xứ… Nhưng gần đây, thực trạng này vẫn tiếp diễn với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến thương hiệu, uy tín của bệnh viện, gây hoang mang trong cộng đồng, người bệnh và người nhà bệnh nhân.
Mới đây, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã phải phát đi cảnh báo về việc trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, fanpage, TikTok… xuất hiện những thông tin giả mạo là nhân viên y tế, đội ngũ chuyên gia, thậm chí, lợi dụng danh tiếng của các lãnh đạo Bệnh viện Nội tiết Trung ương để lừa đảo.
Facebook lấy hình ảnh và tên của TS Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương để giới thiệu sản phẩm, tư vấn điều trị bệnh là trang giả mạo. (Ảnh: Vietnamnet)
Đại diện Bệnh viện Nội tiết Trung ương khẳng định, Facebook Nguyễn Hạnh, Nguyễn Hữu Thắng, TikTok Nguyễn Huy Cường cùng các nhóm cộng đồng có tên trên giới thiệu hay tư vấn là nhân viên của Bệnh viện Nội tiết Trung ương là không đúng. Đặc biệt, Facebook lấy hình ảnh và tên của TS Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương để giới thiệu sản phẩm, tư vấn điều trị bệnh là trang giả mạo. Bệnh viện yêu cầu tất cả trang trên phải gỡ bỏ toàn bộ thông tin, hình ảnh, bài viết đã mạo danh bác sĩ của bệnh viện.
Theo Bệnh viện Nội tiết Trung ương với nhiều thủ đoạn tinh vi, các trang giả mạo này đã thực hiện tư vấn, khám bệnh trực tuyến, giới thiệu bán thuốc điều trị bệnh đái tháo đường (tiểu đường), bệnh tuyến giáp, mồ hôi tay chân… và các bệnh nội tiết khác nhằm trục lợi từ người bệnh. Nhiều đối tượng còn ngang nhiên trà trộn trực tiếp đóng giả làm người bệnh và người nhà bệnh nhân bắt chuyện với bệnh nhân thật để bán nhiều loại nhân sâm, tam thất không rõ nguồn gốc, không có hạn sử dụng, nhãn mác, không ghi bất kì thành phần gì bên trong với giá cao lên tới 3 - 5 triệu đồng/liệu trình điều trị. Nhiều người bệnh cả tin đã bị lừa và mua phải những sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc này.
Mạo danh Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để lừa đảo bán thuốc.
Chị Đ.T.G. (Nam Định) cho biết, chị thấy trang fanpage lấy tên Viện Nội tiết Trung ương - Khoa Tuyến giáp chia sẻ clip về phẫu thuật tuyến giáp, với hàng chục nghìn lượt xem, có logo Bệnh viện Nội tiết Trung ương, nên đã liên hệ xin tư vấn vì chị cũng đang bị nghi mắc căn bệnh này khi đi khám tại Bệnh viện tỉnh Nam Định.
"Mặc dù nhìn page rất ít người like, tôi cũng hơi nghi ngờ, nhưng tôi nghĩ là page của khoa nên ít người theo dõi hơn. Trên clip có gắn thông tin “đăng ký số điện thoại, bệnh tình để được tư vấn thêm”, nhưng liên hệ mà không nhận được phản hồi. Mấy ngày sau vào lại thấy page đã bị khóa tôi mới biết là trang giả mạo, may mà chưa kịp liên hệ tư vấn gì nếu không cũng bị lừa rồi”, chị Đ.T.G. chia sẻ.
Còn chị T.T.L. (Hà Nội) cho biết, chị vừa phẫu thuật K giáp tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương được 1 tháng nhưng trong lúc chị đang nằm viện có một người tự xưng là cán bộ y tế của bệnh viện gọi điện hỏi chị được nhập viện chưa. Khi chị nói đã nhập viện rồi thì người này lại hỏi chị đã có lịch mổ chưa. Cảnh giác, chị hỏi lại vị bác sĩ này tên gì, ở khoa nào sao lại có số điện thoại của chị thì người này cúp máy luôn. Nếu chưa nhập viện, chắc chị cũng dễ bị đối tượng giả danh này tìm cách lừa đảo.
Nhiều tài khoản mạng xã hội mạo danh Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Gần đây, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng lên tiếng về việc bị các đối tượng mạo danh nhằm lừa đảo người bệnh và người nhà người bệnh để trục lợi. Không chỉ mạo danh, sử dụng những danh xưng lập lờ liên quan đến bệnh viện, một loạt trang fanpage giả mạo vừa được lập ra đã ngang nhiên sao chép và đăng tải lại các bài đăng, logo, ảnh bìa trang fanpage chính thức của Bệnh viện 108.
Theo đại diện bệnh viện, các trang giả mạo này còn cắt ghép hình ảnh, video về bệnh viện trên các kênh thông tin đại chúng và lồng tiếng quảng cáo cho sản phẩm, hòng tạo niềm tin và lôi kéo người theo dõi trang, từ đó tổ chức kinh doanh các mặt hàng thuốc trái phép.
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã phải phát đi thông báo trên các phương tiện truyền thông: Bệnh viện không cung cấp, liên kết kinh doanh bất kỳ sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng nào bằng hình thức trực tuyến (online). Bệnh viện chỉ bán thuốc khi có đơn của bác sĩ tại các nhà thuốc của bệnh viện trong khuôn viên tại địa chỉ duy nhất số 1 Trần Hưng Đạo, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội.
Mạo danh bác sĩ thực hiện hành vi lừa đảo có thể bị phạt tù đến 7 năm
Đây không phải là lần đầu các bệnh viện lớn bị mạo danh để quảng cáo, bán thuốc chữa bệnh. Thời điểm đầu tháng 5, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên cũng liên tiếp nhận được phản ánh của người bệnh về việc có người giả danh bác sĩ của Khoa Cơ xương khớp. Các đối tượng đều gọi điện thoại cho bệnh nhân mới được ra viện để bán sữa với chiêu bài “bồi hoàn sức khỏe”.
Hàng loạt bệnh viện lớn khác gồm: Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Mắt Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Quân y 103… cũng đều gặp tình trạng tương tự.
Tình trạng mạo danh lương y, thầy thuốc, để tạo niềm tin cho người bệnh diễn ra rất phổ biến. Mục tiêu của những người này là bán được nhiều thuốc hoặc thực phẩm chức năng, trục lợi trên niềm tin của người tiêu dùng.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, sự “lộng hành” của các đối tượng lừa đảo, mạo danh nói trên làm ảnh hưởng lớn đến thương hiệu, uy tín của bệnh viện, gây hoang mang trong cộng đồng nói chung và đối tác, người bệnh, người nhà người bệnh nói riêng. Hơn nữa, hành vi của các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi, khó phát hiện khiến các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn cho biết, theo quy định pháp luật, các đối tượng mạo danh bác sĩ để bán thuốc và các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, xuất xứ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể, người nào mạo danh bác sĩ để bán thuốc nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm, tù chung thân, tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi. Đặc biệt, đối với trường hợp mạo danh bác sĩ và lấy danh nghĩa của cơ quan, tổ chức để thực hiện hành vi lừa đảo thì có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Nhóm nghi phạm mạo danh bác sĩ, cán bộ làm việc tại Bệnh viện Mắt Trung ương và Sở Y tế Hà Nội tại cơ quan công an. (Ảnh: Công an TP, Hà Nội)
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn cũng đưa ra cảnh báo, thực tế cho thấy, các hành vi lừa đảo trên mạng xã hội ngày càng tinh vi và nghiêm trọng. Các cơ quan chức năng khẳng định việc lợi dụng quảng cáo trên mạng xã hội là hành vi mới phát sinh, gây nhiều hệ quả nghiêm trọng. Chính vì vậy, người dân khi có bệnh thì cần phải đến các cơ sở y tế đã được cấp phép để chuyên gia y tế khám và hướng dẫn chữa trị. Cùng với đó, người dân cũng nên tìm hiểu kỹ thông tin, khám chữa bệnh và mua thuốc tại các cơ sở y tế uy tín, được Nhà nước cấp phép theo đúng quy định, để tránh tình trạng tiền mất, tật mang.
Với tâm lý có bệnh thì vái tứ phương, “còn nước còn tát”, rất nhiều người đã sẵn sàng bỏ tiền để mua các loại thực phẩm chức năng được quảng cáo như thần dược trên mạng xã hội từ những lương y mạo danh này, để rồi nhẹ dạ cả tin mà sập bẫy lừa của các đối tượng lừa đảo.
Mặc dù các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp xử lý nhưng bằng nhiều cách khác nhau, vấn nạn này vẫn diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn gây bức xúc lẫn lo lắng trong xã hội. Vì vậy, người dân cần nâng cao nhận thức, tránh bị sập bẫy lừa, tiền mất tật mang./.
(CHG) Lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng kiểm tra đột xuất 02 cửa hàng kinh doanh có hành vi trưng bày bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và xử phạt 24 triệu đồng.
Xem chi tiết(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết(CHG) - Trong 9 tháng đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) tỉnh Gia Lai đã quyết liệt thực hiện có hiệu quả các kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Xem chi tiết(CHG) Trên 10.000 chai nước hoa không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu nhập lậu được kinh doanh chủ yếu trên Tiktok, Facebook vừa bị Tổ TMĐT, Cục Nghiệp vụ QLTT đột xuất kiểm tra và tiến hành tạm giữ. Đây là sản phẩm được một hot Tiktoker thường xuyên livestream bán trên Tiktokshop.
Xem chi tiết(CHG) Lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng kiểm tra thị trường Tết Trung thu năm 2024 vừa qua, xử phạt 37 đơn vị kinh doanh thực phẩm và đồ chơi trẻ em, với tổng số tiền xử phạt hơn 376 triệu đồng.
Xem chi tiết