Tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm ngày Tết


(CHG) Thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, các tỉnh thành trên toàn quốc đã triển khai hàng loạt kế hoạch nhằm bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hoá cho những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán.
 
Ảnh minh hoạ. 

Hạn chế thực phẩm không rõ nguồn gốc
Những tháng cuối năm, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm được người dân cũng như các cơ quan chức năng quan tâm hơn bao giờ hết. Trước hiện tượng không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm; tình trạng buôn lậu thực phẩm qua biên giới, quảng cáo thực phẩm sai sự thật, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thuốc kích thích tăng trưởng diễn biến phức tạp; an toàn thực phẩm trong các khu công nghiệp, cơ sở giáo dục chưa bảo đảm… vẫn liên tiếp bị lực lượng chức năng phát hiện và xử lý, đã cho thấy việc cần thiết phải quan tâm tới an ninh, an toàn thực phẩm thời điểm này là việc làm cần thiết.
Nhằm đảm bảo công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và lễ hội Xuân 2023, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã có kế hoạch mở đợt cao điểm thanh tra, kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm. 
Theo kế hoạch, đợt cao điểm kiểm tra diễn ra từ ngày 15/12/2022 đến hết ngày 12/3/2023. UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các lực lượng chức năng thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết, lễ hội và có yếu tố nguy cơ cao từ các làng nghề chế biến thực phẩm; các cơ sở kinh doanh tại các chợ, siêu thị, thanh tra, kiểm tra liên ngành từ cấp thành phố đến xã, phường, thị trấn. 
Hoạt động kiểm tra nhằm nhắc nhở, cảnh báo và kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm theo đúng quy định pháp luật. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra…, một nhiệm vụ cần được các đơn vị kết hợp triển khai, đó là làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, quy định pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Triển khai đợt cao điểm, thành phố Hà Nội thành lập 4 đoàn Kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm. Trong đó, Đoàn số 1 do lãnh đạo Sở Y tế làm trưởng đoàn kiểm tra tại các quận, huyện: Thạch Thất, quốc Oai, Mỹ Đức, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Hà Đông. Đoàn số 2, do lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra tại các quận, huyện: Gia lâm, Long Biên, Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Xuân, Thanh Trì và Ba Đình.
Đoàn số 3 do lãnh đạo Sở Công thương làm trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra tại các quận, huyện: Thanh Oai, Chương Mỹ, Sơn Tây, Ba Vì, Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm. Đoàn số 4 do lãnh đạo Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội làm trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra tại các quận huyện: Đan Phượng, Phúc Thọ (Đông Anh), Mê Linh, Sóc Sơn, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Ứng Hòa.
Quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm, các đoàn của tuyến trên căn cứ vào tính chất vụ việc và thẩm quyền, để xử lý hoặc chuyển hồ sơ vi phạm cho cơ quan chức năng của địa phương là UBND các cấp nơi có cơ sở được thanh tra, kiểm tra hoặc thanh tra các sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương để tiếp tục xử lý theo quy định.
Tại Quảng Ninh, lực lượng chức năng địa phương đã ra quân thực hiện đợt cao điểm 60 ngày đêm tăng cường kiểm soát thị trường thực phẩm trên địa bàn. Lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Quảng Ninh đã liên tiếp phát hiện và xử lý gần 40 vụ vận chuyển, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Xử phạt vi phạm hành chính hơn 400 triệu đồng, tiêu hủy hơn 5 tấn thực phẩm không đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Trong đó, lực lượng QLTT đã phát hiện trên 2 xe ô tô đang vận chuyển hoa quả không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Trong đó có một xe chở khoảng 560kg quả lê, quýt tươi và chiếc xe còn lại chở tổng cộng 1.155kg hoa quả gồm quýt, lê, nho, hồng và táo tươi trên bao bì vận chuyển có in chữ nước ngoài, không có tem phụ bằng tiếng Việt.. 
Cũng trong đợt ra quân, Đội QLTT số 8 (ngày 1, 13 và 22/11) đã phát hiện xử phạt về hành vi vận chuyển, buôn bán hàng hóa là thực phẩm không rõ nguồn gốc với tổng số tiền phạt 18 triệu đồng, buộc tiêu hủy hơn 300kg thực phẩm là chân vịt ăn liền, chả cá viên, bì lợn...
Trong các khu chợ và cửa hàng kinh doanh thực phẩm tại thành phố Móng Cái, Đội QLTT số 4 đã kiểm tra và xử lý 6 vụ vi phạm quy định trong kinh doanh thực phẩm, xử phạt hành chính trên 80 triệu đồng, buộc tiêu hủy hơn 300 thực phẩm không rõ nguồn gốc gồm chân gà ăn liền, bánh gạo, rượu, sữa bột…với tổng trị giá hàng hóa tiêu hủy hơn 100 triệu đồng.
Triển khai kế hoạch mở đợt cao điểm thanh tra, kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm trong việc vận chuyển, sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và lễ hội Xuân 2023, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục chỉ đạo các đội QLTT tăng cường kiểm tra ,phát hiện và xử lý nghiêm đối với thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhằm ngăn chặn vấn nạn thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn… Đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng khi mua thực phẩm nên chọn những thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, không ham rẻ mà dễ bị mua phải những thực phẩm bẩn trà trộn, có nguy cơ gây hại cho bản thân và gia đình.

Lực lượng chức năng kiểm tra thực phẩm các chợ dân sinh tại Hà Nội. 

Phấn đấu không còn thực phẩm không an toàn
 Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh là nơi tiêu thụ lớn các loại nông sản, thực phẩm tươi sống từ các tỉnh, thành lân cận. Trong đó, thực phẩm đạt các tiêu chuẩn, đạt vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) chủ yếu được đưa vào các hệ thống phân phối hiện đại, còn tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống gần như chưa được kiểm soát.
Ngoài ra, chất lượng sản phẩm chưa ổn định, còn tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh ATTP, vẫn còn những hiện tượng vi phạm các quy định pháp luật về ATTP, ghi nhãn hàng hóa và truy xuất nguồn gốc, ảnh hưởng đến sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng và uy tín của những thương hiệu.
Tại các chợ dân sinh, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm hầu như không thể kiểm soát chặt chẽ toàn diện ở tất cả các mặt hàng. Tỷ lệ hàng có chứng nhận VietGap ở những địa điểm kinh doanh này rất thấp. Các nhà sản xuất, cung ứng hàng hóa cho các chợ ở TP. Hồ Chí Minh là những cơ sở sản xuất ở các địa phương, hợp tác xã... hoàn toàn không sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, cũng không thể đảm bảo được quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngược lại, hệ thống phân phối hiện đại thì tăng trưởng rất tốt về số lượng và quy mô, vấn đề ATTP cũng được bảo đảm tương đối chặt chẽ, quản lý chất lượng tương đối tốt và có tiêu chuẩn VietGap. Tuy nhiên, hệ thống phân phối này hiện chỉ đáp ứng khoảng 30% tổng lượng hàng lương thực, thực phẩm tươi sống. 
Được biết, mới đây (ngày 9/11) Ban quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh  đã công bố danh sách xử phạt vi phạm hành chính đối với 9 tổ chức, cá nhân với tổng mức phạt gần 125 triệu đồng. Trong đó, có 3 trường hợp kinh doanh sản phẩm động vật vi phạm: Thịt heo có mùi hôi, đưa thịt về sai nơi đã đăng ký và số lượng thịt thực tế nhiều hơn trong giấy chứng nhận kiểm dịch. Có 2 vụ áp dụng thêm hình thức xử phạt bổ sung là buộc tiêu hủy hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đối với thịt heo biến chất và chả lụa, nem không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Theo lãnh đạo Ban quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn còn tâm lý mới hết dịch bệnh, nên không thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết trong kinh doanh khi các hoạt động thẩm định, cấp phép của các cơ quan chức năng đã trở lại bình thường.

Lực lượng chức năng kiểm tra thực phẩm tại chợ Bình Điền TP. HCM.
Tại tỉnh Bắc Ninh, mới đây Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn đã ký ban hành kế hoạch thực hiện Đề án: “Bắc Ninh phấn đấu không còn thực phẩm không an toàn” giai đoạn 2022 – 2025. Đây là việc làm khẳng định sự quyết liệt của chính quyền và nhân dân địa phương đối với việc đẩy lùi vấn nạn thực phẩm không an toàn. 
Theo mục tiêu của đề án, địa phương phấn đấu đến năm 2025, 90% nông dân trồng rau thực hiện cam kết sản xuất rau an toàn; 80% cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ thực hiện cam kết chăn nuôi an toàn; tăng thêm 1 - 2 điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh; 100% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hoặc ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; các sản phẩm thực phẩm chiếm khoảng 60% trong tổng số các sản phẩm được chứng nhận OCOP; 100% các chợ phù hợp quy hoạch được kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm...
Nhằm đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh Bắc Ninh đã giao cho Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành chủ động triển khai nội dung kế hoạch. Đồng thời chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai các hoạt động thông tin tuyên truyền và thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; đảm bảo an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm và các chợ được quy hoạch; tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp trong kết nối, tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thực phẩm; đánh giá, phân hạng và công bố sản phẩm OCOP; chủ động triển khai các hoạt động chuyên môn: thông tin tuyên truyền; quản lý sản phẩm; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm; giám sát mối nguy; quản lý ngộ độc thực phẩm...
Những việc làm nêu trên đã cho thấy, nhận thức và trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân đối với vấn đề an toàn thực phẩm đã có chuyển biến tích cực; sức khoẻ, quyền lợi của người tiêu dùng đã được quan tâm. Đây là những tín hiệu cho thấy sự chuyển biến mạnh mẽ đối với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và lễ hội Xuân 2023, cũng như việc triển khai thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới. 
Còn lại: 1000 ký tự
Tạm giữ số lượng lớn hàng hóa nhập lậu và giả mạo nhãn hiệu

(CHG) Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị kiểm tra, phát hiện tạm giữ hơn 1.200 sản phẩm là mỹ phẫm, thực phẩm nhập lậu và hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, với tổng trị giá là 82.650.000 đồng.

Xem chi tiết
Tạm giữ lô dao cạo râu có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Gillete

(CHG) Lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An kiểm tra đột xuất siêu thị Trung Vân, phát hiện tạm giữ lô dao cạo râu có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Gillete, nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.

Xem chi tiết
Kiểm tra, xử lý 25 vụ vi phạm về hoạt động thương mại điện tử

(CHG) Lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng, trong năm 2023 và Quý 1 năm 2024 đã tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử và đã xử phạt và thu nộp ngân sách nhà nước hơn 430 triệu đồng.

Xem chi tiết
Kiểm tra xử lý trên 140 vụ việc, thu nộp ngân sách trên 1,6 tỷ đồng

(CHG) Cục QLTT thành phố Cần Thơ thực hiện kiểm tra 194 vụ, xử lý 141 vụ vi phạm hành chính, đã thu nộp ngân sách trên 1,6 tỷ đồng.

Xem chi tiết
Đồng Tháp: Phạt 18 triệu đồng kinh doanh hàng hóa nhập lậu

(CHG) Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp xử phạt 18 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu.

Xem chi tiết
2
2
2
3