(CHG) Hiện nay, sự "lộng hành" của hàng giả, hàng nhái đang trở thành vấn nạn nhức nhối của xã hội, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường. Hàng giả, hàng nhái đang là một thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp chân chính và cơ quan chức năng.
Theo đánh giá của các bộ, ngành, địa phương, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vào những tháng cuối năm đã phát sinh các "điểm nóng" tại nhều địa bàn trọng điểm trên tuyến biên giới Tây Nam, tuyến biển, tuyến đường hàng không và bưu chính quốc tế.
Thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, trong 9 tháng năm 2022, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện gần 100.000 vụ việc vi phạm; trong đó hơn 12.200 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; gần 83.000 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; trên 1.800 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ; khởi tố 380 vụ với 472 đối tượng; thu nộp ngân sách Nhà nước từ các vụ việc vi phạm 7.666 tỷ đồng.
Tính riêng ngành Hải quan, bên cạnh việc tạo thuận lợi thương mại, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại cũng liên tục được tăng cường nhằm tạo môi trường minh bạch, chống thất thu ngân sách Nhà nước. Kết quả, trong 10 tháng, toàn ngành Hải quan đã phát hiện gần 14.000 vụ vi phạm với giá trị hàng hóa gần 4.800 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 35 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 113 vụ vi phạm. Trong đó, riêng Cục Hải quan TP. HCM phát hiện 2.470 vụ, với trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 2.771 tỷ đồng; xử lý, thu nộp ngân sách Nhà nước trên 40,6 tỷ đồng (tăng 186,6% so với cùng kỳ năm 2021), khởi tố 2 vụ; chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố trên 50 vụ.
Lượng lớn thuốc tân dược giả bị Công an quận 8 thu giữ
Nguy hại nhất là hoạt động sản xuất và kinh doanh thuốc chữa bệnh giả. Công an quận 8, thành phố Hồ Chí Minh (ngày 17/12) công bố thông tin về việc đơn vị vừa triệt phá đường dây sản xuất thuốc chữa bệnh giả, bắt 7 đối tượng liên quan đồng thời thu giữ gần 20.000 sản phẩm thuốc tân dược giả mạo nhiều nhãn hiệu.
Kiểm tra hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ hơn 8.500 hộp thuốc tân dược giả mang nhãn hiệu Terpin-Codein, Decotyl, Asmascort, Glotal. Đây là các loại thuốc kháng sinh, trị ho, hen suyễn, giảm đau. Bước đầu, 4 đối tượng thừa nhận sản xuất thuốc giả rồi đem bỏ mối cho các đại lý kinh doanh thuốc để tuồn vào các cửa hàng, chợ thuốc trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Tại căn nhà trên đường Tô Hiến Thành gần chợ thuốc Tây quận 10 thành phố Hồ Chí Minh, khi tiến hành khám xét, cơ quan công an đã thu gần 9.000 sản phẩm thuốc chữa bệnh nhãn hiệu các loại như: Gold 500, Celecod 200, Cephalexin 500, Terpin Codein viên nang, Terpin Codein viên nén, Ciproxacin 500, Decotyl, Asmacort, Cepha Pharmacy 500, Cefadroxil 500, amoxicillin 500. Trong số này có nhiều loại thuốc đặc trị và thuốc kháng sinh liều cao chỉ bán theo đơn chỉ định của bác sĩ.
Cùng ngày, tại căn nhà khác trên đường Tô Hiến Thành, lực lượng chức năng tiếp tục thu giữ gần 1.000 sản phẩm thuốc chữa bệnh nhãn hiệu Metronidazol, Asmacort. Đây là hai loại thuốc trị nấm và hen suyễn.
Mở rộng điều tra, Công an quận 8 tiếp tục kiểm tra một căn nhà ở TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Tại đây, công an thu giữ 2.706 hộp thuốc chữa bệnh có nhãn hiệu Ciproxacin 500 và Augbactam. Đây là hai loại thuốc kháng sinh đặc trị nhiễm trùng và nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Kiên quyết “mạnh tay” với các hoạt động kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại, ngày 16/12 Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ đã tổ chức họp và tiến hành tiêu hủy gần 1.000 sản phẩm hàng hóa vi phạm với tổng giá trị trên 140 triệu đồng. Đây là số tang vật vi phạm hành chính đã được các lực lượng quản lý thị trường tỉnh phát hiện và tịch thu trong năm 2022, với gần 1.000 sản phẩm mỹ phẩm gồm kem dưỡng, dầu gội đầu, ủ tóc, sữa tắm, thuốc nhuộm, son môi và hơn 3kg pháo nổ.
Trước đó, Cục Quản lý thị trường Bạc Liêu (ngày 13/12) cũng đã chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tổ chức tiêu hủy hàng hóa là tang vật vi phạm hành chính bị lực lượng quản lý thị trường thu giữ trong thời gian qua. Đây là những mặt hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ gồm 14 chủng loại: Phụ tùng xe máy giả mạo nhãn hiệu Honda, mỹ phẩm, thuốc lá điếu nhập lậu, thuốc thủy sản, quần áo, nhang trừ muỗi, trà thành phần sấy khô, cá mòi, máy hút thuốc lá điện tử, máy xông mặt, đường cát, dầu gió, bài Tây, kem trộn…
Hàng hoá bị Cục Quản lý thị trường Ninh Bình phối hợp với các cơ quan liên quan tiêu huỷ
Ngày 15/12, Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình phối hợp với Sở Tài chính, Sở Y tế, Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh tiến hành tiêu hủy hàng hóa là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu gồm các thiết bị điện, đồ chơi trẻ em, mỹ phẩm… Đây là những mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng do lực lượng quản lý thị trường địa phương bắt giữ trong thời gian qua.
Theo Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới vẫn âm thầm diễn ra với phương thức, thủ đoạn tinh vi khó lường, tập trung vào một số hành vi như: Không khai báo, khai hải quan không đúng với thực tế hàng hóa; che dấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng; nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn; hàng hóa vi phạm được cất giấu tinh vi, giấu lẫn trong hàng hóa hợp lệ; lợi dụng các loại hình tạm nhập tái xuất, vận chuyển độc lập, vận chuyển kết hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Tại thị trường nội địa, hàng lậu, hàng giả được tuồn vào các cửa hàng tại các trung tâm thương mại lớn, các chuỗi siêu thị, các cửa hàng tiện lợi… Có thể dễ dàng nhận thấy các địa bàn từ thành phố đến nông thôn, thậm chí ở cả các chợ vùng sâu vùng xa…, hàng giả, hàng nhái đủ loại đang được bày bán khá phổ biến, thậm chí còn cạnh tranh trực tiếp với hàng thật. Mặc dù người mua hàng thừa biết việc tiêu thụ hàng giả là tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho nền kinh tế, làm thất thu cho ngân sách nhà nước, nhưng bởi hàng giả có giá rẻ hơn nhiều so với hàng thật, nên thu hút người tiêu dùng.
Bà Vũ Thị Minh Ngọc, quyền Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Kế hoạch - Tài chính, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết: Các sản phẩm được làm giả ngày càng tinh vi, rất khó phát hiện. Việc làm giả này không chỉ làm ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất, mà còn xâm phạm nghiêm trọng tới quyền lợi của người tiêu dùng. Điển hình như việc Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam trong 10 tháng năm 2022, đã phát hiện và phối hợp cùng cơ quan chức năng xử lý 292 trường hợp bán hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp, con số đó chưa phản ánh đúng thực tế.
Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, việc kiểm tra, xử lý vi phạm chỉ giải quyết được phần ngọn. Việc cần làm là tuyên truyền để người dân, người mua hàng biết cách phòng tránh, ngăn ngừa hàng giả, hàng lậu.
(Còn nữa)
1
Đắk Nông: Phát hiện và xử phạt cửa hàng kinh doanh quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas
(CHG)Vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cơ sở kinh doanh quần áo may sẵn tại thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông về hành vi trưng bày, bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Adidas đang được bảo hộ tại Việt Nam với số tiền xử phạt là 10.000.000 đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ 119 sản phẩm quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas.
Xem chi tiết