(CHG) Mặc dù người tham gia giao thông ở Việt Nam tuân thủ việc đội mũ bảo hiểm, nhưng vấn nạn mũ kém chất lượng đã làm cho việc tuân thủ này trở nên mất tác dụng.
Cảnh báo về chất lượng mũ bảo hiểm
Quỹ AIP phối hợp cùng Trường Đại học Y tế công cộng thực hiện đã thực hiện một nghiên cứu về chất lượng mũ bảo hiểm. Nhóm nghiên cứu đã thu thập ngẫu nhiên 540 mũ bảo hiểm đang được sử dụng của người lớn và trẻ em tại TP. HCM và Thái Nguyên để tiến hành nghiên cứu.
Theo số lượng mũ bảo hiểm dùng để khảo sát, có gần 26% số mũ được chọn khảo sát là mũ lưỡi trai, lớp vỏ nhựa mỏng, không có lớp xốp bảo vệ phần đầu của người sử dụng, nên không được xem là mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho người đi mô tô xe máy theo quy định (QTVN2: 2008/BKHCN-Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy).
Chỉ có 10,5% trong tổng số 540 mũ mang vào thử nghiệm đạt tiêu chuẩn đối với thử nghiệm va đập, theo quy trình thử nghiệm quy định. Như vậy, có tới 89,5% tổng số mũ được thử nghiệm là không đạt tiêu chuẩn chất lượng, không bảo vệ được người sử dụng khỏi nguy cơ chấn thương sọ não trong trường hợp có xảy ra va chạm giao thông.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, nhận định: “Kết quả của nghiên cứu trên đây phản ánh một phần về thực trạng sử dụng mũ bảo hiểm chưa đạt chuẩn chất lượng, dẫn đến sự hạn chế trong nỗ lực giảm thiểu tỷ lệ thương vong khi xảy ra va chạm.
Mặc dù lượng mẫu khảo sát còn ít, nhưng kết quả nghiên cứu cũng phần nào phản ánh tình trạng chất lượng mũ bảo hiểm trên thị trường. Đây là cơ sở để các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, khảo sát kỹ lưỡng, toàn diện hơn nhằm đưa ra những chính sách, giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng mũ bảo hiểm”.
Mũ bảo hiểm kém chất lượng là loại mũ không đạt yêu cầu về đảm bảo an toàn, thiếu những bộ phận quan trọng như lớp xốp (hấp thụ xung động, giúp giảm tác động va đập giữa hộp sọ và não bộ khi xảy ra va chạm). Việc chọn nơi mua mũ thuận tiện, giá bán rẻ và nhận thức chưa đúng của người tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc sử dụng phổ biến loại mũ chưa đạt chất lượng trên thị trường.
Mặc dù Việt Nam đã thành công trong việc duy trì tỷ lệ người sử dụng mũ bảo hiểm khá cao trên cả nước từ nhiều năm nay, nhưng vấn nạn mũ bảo hiểm kém chất lượng là một trong những hạn chế lớn nhất trong việc thực hiện quy định pháp luật về đội mũ bảo hiểm ở Việt Nam.
Nhức nhối mũ bảo hiểm "rởm"
Theo thống kê, mỗi ngày Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt – Đức (Hà Nội) tiếp nhận 40 - 70 ca TNGT, trong đó tỷ lệ chấn thương sọ não lên đến 50%. Điều đáng nói, phần lớn nạn nhân đều không đội mũ bảo hiểm hoặc dùng mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn. Tỷ lệ các bệnh nhân bị tổn thương não nghiêm trọng đã giảm từ 21% năm 2007 xuống 13,6% năm 2016, nhờ việc gia tăng đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn chất lượng trong nhiều năm qua.
Mũ bảo hiểm là thứ bắt buộc sử dụng đối với người tham gia giao thông bằng phương tiện xe máy. Tuy nhiên, dù là sản phẩm để bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người, nhưng nhiều người tham gia giao thông vẫn còn có tâm lý “đối phó” khi sử dụng mũ bảo hiểm. Từ đó, hàng loạt loại mũ bảo kiểm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán khắp nơi, từ cửa hàng cho đến lòng lề đường…
Lực lượng quản lý thị trường bắt một vụ giả mạo mũ bảo hiểm thương hiệu nổi tiếng.
Tại Hà Nội hay TP. HCM cũng như nhiều địa phương khác, không khó để bắt gặp những sạp mũ bảo hiểm bày bán trên khắp vỉa hè, lòng đường. Theo mắt thường có thể thấy, nhiều mũ bảo hiểm không đạt chuẩn, bởi nó có những đặc điểm như không đầy đủ bộ phận, cấu tạo lớp vỏ bên ngoài, không có tem nhãn xuất xứ và chưa được kiểm định cũng như dán tem hợp quy CR. Tuy nhiên, nhiều người vẫn ưa thích sử dụng những chiếc mũ “thiếu chất lượng” nhưng “thừa thời trang” này.
Những năm qua, các cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức tuyên truyền sâu rộng về tác hại của việc đội mũ bảo hiểm kém chất lượng đối với người tham gia giao thông. Các ngành chức năng cũng liên tục tổ chức những đợt kiểm tra các điểm kinh doanh mũ bảo hiểm, phát hiện và thu giữ số lượng lớn mũ bảo hiểm “rởm”. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn ra, và dường như không có hồi kết.
Mới đây, hình ảnh một phụ nữ bị tai nạn ngay ngã tư, chiếc mũ bảo hiểm vỡ nát ngay bên cạnh gây xôn xao trên các diễn đàn xã hội. Câu chuyện được thuật lại từ một bạn nam có tài khoản facebook Nguyễn Văn Đoàn chia sẻ: “Em gái này lái xe bị tai nạn khi rẽ qua ngã 4 Hàng Xanh không chú ý xe phía trước. Do đội mũ bảo hiểm thời trang nên khi ngã, mũ bị vỡ đâm vào đầu, chảy nhiều máu”.
Chứng kiến vụ việc, nhiều người không khỏi xót xa. Rõ ràng, đây là bài học cảnh tỉnh cho những ai chủ quan khi dùng mũ kém chất lượng. Nhiều người thắc mắc tại sao xảy ra rất nhiều TNGT gây chết người do đội mũ “rởm”, nhưng vẫn có người mua và người bán khá phổ biến.
Chị V.A (Quận 9, TP HCM) cho biết, trước đây mình cũng thích đội những loại mũ như vậy, vừa gọn nhẹ, giá thành rẻ, chỉ từ 30-50 nghìn đồng là có ngay chiếc mũ mới. Vì thế, mình đeo nó suốt thời gian dài, tuy nhiên sau khi xảy ra va chạm xe, mình đã từ biệt em nó. Bây giờ mình đã chú ý hơn khi lựa chọn mua những đồ dùng đảm bảo chất lượng, có tem mác rõ ràng.
Để bảo vệ người dân an toàn khi tham gia giao thông, cần tuyên truyền sử dụng và khuyến khích người dân lựa chọn mũ bảo hiểm uy tín, có dán tem hợp quy CR để đảm bảo sức khỏe và tính mạng của mình. “Đừng ham rẻ mà đánh đổi sức khỏe, đến lúc đó đã quá muộn”, đó là lời nhắc nhở mọi người trước quyết định lựa chọn chiếc mũ bảo hiểm, để đảm bảo được an toàn cho chính bản thân khi tham gia giao thông.
(Còn nữa)
5
Đắk Nông: Phát hiện và xử phạt cửa hàng kinh doanh quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas
(CHG)Vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cơ sở kinh doanh quần áo may sẵn tại thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông về hành vi trưng bày, bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Adidas đang được bảo hộ tại Việt Nam với số tiền xử phạt là 10.000.000 đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ 119 sản phẩm quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas.
Xem chi tiết