(CHG) Thực tế hiện nay, khoảng cách về chất lượng giữa sách thật và sách giả không còn nhiều, do các đối tượng đầu tư lớn vào dây chuyền công nghệ in ấn hiện đại không kém cạnh gì so với các nhà in lớn. Lòng tin vào “sách thật” chưa bao giờ giảm sút như thời điểm này. Vậy đâu là nguyên nhân?
Sách giả tràn lan trên không gian mạng.
Hiện nay, sách giả, sách lậu ngày càng lộng hành và biến tướng. Ngoài hiện tượng sách giả, sách lậu tràn lan ở vỉa hè hay len lỏi vào nhà sách, giờ còn xuất hiện ngày càng nhiều và công khai trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, khiến cuộc chiến với sách giả càng trở nên gian nan.
Trước thực trạng đó, các đơn vị phát hành sách như First News, Alpha Books, Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Giáo dục... đã triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ sản phẩm. Đồng thời tuyên truyền nhiều hoạt động trực tuyến cũng như trực tiếp để bạn đọc phân biệt được sách giả - sách thật.
Thực tế Công ty FirstNews đã dùng giấy ford Nhật chất lượng cao để in sách với 3 màu, 4 màu nhưng vẫn không tránh được chuyện bị làm giả. Đáng báo động hơn trên sàn thương mại điện tử, các gian hàng sách giả đã và đang ngang nhiên chạy quảng cáo đại hạ giá sách lên đến 50%, thậm chí 70%.
Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty FirstNews - Trí Việt khẳng định sách giả, sách lậu đang lan truyền trên không gian mạng, nhanh, mạnh và nhiều không kém gì con virus gây hại, nguy hiểm đã tấn công loài người hai năm qua. Việc buôn bán sách giả trên không gian mạng nêu trên hiện đang rất khó kiểm soát. Các đối tượng đăng ảnh sách thật, quảng cáo hấp dẫn, giảm giả đến 70% để thu hút độc giả, sau đó ship đến những cuốn sách đầy lỗi chính tả, in ấn chất lượng kém...
Tình trạng buôn bán sách lậu hiện không những không thuyên giảm, mà còn có chiều hướng bùng nổ, được rao bán ngày càng công khai trên các trang mạng xã hội, nhất là trên các sàn thương mại điện tử lớn.
Liên quan tới vấn đề này, Công ty Cổ phần Văn hoá và Giáo dục Tân Việt đã trình báo với Phòng An ninh Văn hoá, Công An TP. Hà Nội về trường hợp 2 bộ sách bán chạy nhất của đơn vị đã bị in lậu và ngang nhiên bán giảm giá trên mạng.
Thậm chí, để xác minh đối tượng vi phạm bản quyền, công ty còn đặt mua hàng mà các đối tượng vi phạm bản quyền ngang nhiên quảng cáo trên mạng. Và khi đối chiếu với bản gốc thì bộ sách giả nhẹ hơn do chất liệu giấy mỏng, chất lượng in kém, bị nhoè nét.
Theo đại diện Tân Việt, việc làm sách giả không chỉ làm giảm doanh thu mà còn ảnh hưởng tới danh tiếng của người làm sách chân chính. Thậm chí, sách giả còn có những chi tiết sai sót, chất lượng sách thấp gây ảnh hưởng tới thông tin mà người đọc tiếp nhận.
Sách giả, sách lậu nhiều năm nay vẫn luôn là vấn đề nhức nhối của ngành xuất bản. Đặc biệt là giai đoạn dịch bệnh hoành hành khiến việc mua bán sách thông qua các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội hoạt động nhiều hơn bao giờ hết.
Bên cạnh đó, yếu tố thuận tiện, nhanh chóng trong việc giao dịch online đã vô tình tạo "đất sống" cho sách giả. Và như lời quảng cáo như "xả kho sách giá rẻ", để rồi nhận được cuốn sách kém chất lượng, khiến cho người yêu sách bức xúc và gây thiệt hại cho các nhà xuất bản.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực in ấn, xuất bản, hiện có nhiều lỗ hổng trong quy trình sản xuất sách, và nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề sách lậu, sách giả gồm:
Thứ nhất: Hoạt động liên kết xuất bản được thực hiện một cách lỏng lẻo, chưa có quy định rõ ràng trách nhiệm của mỗi bên tham gia liên kết xuất bản. Điều này dẫn tới thực tế là một số nhà xuất bản đang bán giấy phép xuất bản mà không cần biết xuất bản phẩm có nội dung ra sao, có bản quyền hợp pháp hay không.
Hai là cơ sở in chưa được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến việc in lậu sách tràn lan. Các cơ sở in được cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm và chịu sự điều chỉnh của Luật Xuất bản hiện hành thì mới được in ấn sách. Các cơ sở có chứng nhận đăng ký kinh doanh là được hoạt động in các sản phẩm in khác, nhưng vẫn thực hiện việc in xuất bản phẩm. Chính quy định này cũng gây khó khăn cho các các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý.
Ba là sự tham gia của loại hình sách điện tử và sách được buôn bán trên sàn thương mại điện tử. Hệ thống pháp luật hiện chưa quản lý hết được các hoạt động “trực tuyến” này.
Lực lượng chức năng đã phát hiện ra nhiều kho sách giả tại Hà Nội.
Luật Xuất bản 2012 được sửa đổi bổ sung năm 2018 đã có sự “nới rộng” điều kiện để các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực in ấn, xuất bản bằng hình thức liên kết xuất bản. Theo đó, nhà xuất bản chủ trì, hướng dẫn và phê duyệt cho phép đối tác liên kết xuất bản triển khai hoạt động xuất bản.
Tuy nhiên, quyền hạn và trách nhiệm của các đơn vị tham gia quy trình sản xuất và phát hành sách cũng được cụ thể bằng các loại giấy phép có giới hạn thời gian sử dụng. Các quy định này góp phần tích cực cho việc quản lý hệ thống nhà xuất bản, phát hành xuất bản trong cả nước và ở từng địa phương. Đồng thời, cũng tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc giám sát, thanh tra, kiểm tra các hoạt động in ấn nhằm kịp thời ngăn ngừa các hoạt động vi phạm pháp luật như in sách lậu, in trái phép xuất bản phẩm. Đây cũng là cơ sở pháp lý để đưa ra các chế tài xử lý phù hợp, đủ sức răn đe đối với các cơ sở in vi phạm quy định.
Không thể phủ nhận rằng, các đơn vị tư nhân tham gia vào quá trình xuất bản với vai trò liên kết với các nhà xuất bản đã mang lại lợi ích rất lớn đối với ngành xuất bản. Không chỉ khắc phục được các vấn đề hạn chế là thiếu vốn và việc quảng bá sản phẩm, các đơn vị liên kết còn mang đến lượng nhân lực lớn để mở rộng thị trường sách. Theo thống kê, hiện nay có khoảng 80-90% số đầu sách mỗi năm là sách liên kết, nhưng cũng 90% số sai phạm thuộc về sách liên kết xuất bản.
Tuy nhiên, chính sách liên kết xuất bản đã bộc lộ những “lỗ hổng” để sách giả, sách lậu tràn lan thị trường. Dù được thực hiện trên danh nghĩa liên kết xuất bản, nhưng phần lớn các khâu từ chọn bản thảo, biên tập đến in ấn, phát hành đều chủ yếu do các đơn vị tư nhân thực hiện, nhà xuất bản chỉ cấp giấy phép. Do đó, chỉ cần nhà xuất bản “lơ là” quản lý, là xuất hiện ngay sách giả, sách lậu, sách kém chất lượng.
Lĩnh vực hoạt động phát hành xuất bản phẩm điện tử (audio và ebook) cũng bộc lộ nhiều yếu điểm, khiến các nhà xuất bản “nản trí”, còn các đối tượng làm giả, làm lậu thì “thỏa sức tung hoành”. Do là ấn bản điện tử, nên việc kiểm soát khâu phát hành đã khó khăn, việc kiểm soát “bản quyền” lại càng trở nên khó khăn gấp nhiều lần.
Trong thời đại công nghệ như hiện nay, cá nhân người tiêu dùng cũng có thể tự “làm giả” sách “thật” bằng các ứng dụng trên điện thoại thông minh (scan hoặc photoshop), xuất bản thành file điện tử (pdf hoặc prc) và chia sẻ miễn phí hoặc bán trực tuyến qua các sàn giao dịch thương mại, hoặc mạng xã hội. Nếu cần, chính các bản file này có thể được in ra bằng một máy in cơ bản, và bán ra ở phiên bản giấy, mà không cần xin phép bất cứ cơ quan quản lý nào.
Như vậy, không khó để làm giả, làm lậu sách “thật”. Lợi nhuận thu được từ việc làm giả, làm lậu sách “thật” cũng rất lớn. Cơ quan quản lý nhà nước, dù rất cố gắng, nhưng vẫn không thể “xử lý” hết được các đối tượng vi phạm. Điều này còn chứng tỏ, chế tài xử phạt vi phạm đối với hoạt động in lậu, in nối bản không đúng quy định của pháp luật còn chưa thỏa đáng, dẫn đến việc ngay sau khi bị xử phạt, các đối tượng vẫn “tái diễn” hành vi vi phạm, bất chấp mọi chế tài pháp luật về lĩnh vực này.
Bài 4: Hình thức xử phạt chưa thỏa đáng?
6
Đắk Nông: Phát hiện và xử phạt cửa hàng kinh doanh quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas
(CHG)Vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cơ sở kinh doanh quần áo may sẵn tại thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông về hành vi trưng bày, bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Adidas đang được bảo hộ tại Việt Nam với số tiền xử phạt là 10.000.000 đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ 119 sản phẩm quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas.
Xem chi tiết