(CHG) Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về khái niệm hàng hóa không rõ nguồn gốc cụ thể như sau: “Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ” là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa”. Tuy nhiên, bất chấp các quy định của pháp luật, các cửa hàng mang thương hiệu Bunny Store và Shop Bé Tuệ ngang nhiên kinh doanh hàng hóa nhập lậu một cách công khai.
Hiện nay, pháp luật không có quy định định nghĩa rõ ràng thế nào là hàng nhập lậu. Thông thường, mọi người vẫn thường hiểu rằng hàng nhập lậu là hàng hóa nhập khẩu thuộc trong danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu mà không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật cũng được xem là hàng nhập lậu.
Vừa qua, Tạp chí điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại (CHG) đã đăng tải các bài viết:”Thanh Hóa: Quyền lợi của người tiêu dùng có được đảm bảo khi mua hàng tại Shop Bé Tuệ?” và “Thanh Hóa: Người tiêu dùng hoài nghi về nguồn gốc hàng hoá bày bán tại Bunny Store” về việc một số cửa hàng mang thương hiệu Bunny Store và Shop Bé Tuệ bày bán nhiều sản phẩm không nhãn phụ tiếng Việt, có dấu hiệu hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu và kinh doanh thuốc tân dược sai quy định của pháp luật.
Tiếp đó, Tạp chí CHG đã có công văn số 210/CV-TCCHG ngày 28/05/2024 về việc chuyển thông tin của người tiêu dùng tới Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Thanh Hóa.
Sau khi nhận được thông tin của Tạp chí CHG, ngày 21/06/2024, Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản số 913/QLTTTH-NVTH về việc thông tin kết quả xử lý thông tin phản ánh về dấu hiệu vi phạm pháp luật của cửa hàng Bunny Store và Shop Bé Tuệ.
Shop Bé Tuệ kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và hàng nhập lậu
Hộ kinh doanh Shop Bé Tuệ
Ngày 05/06/2024, Đội QLTT số 1 đã tiến hành kiểm tra đối với Hộ kinh doanh Shop Bé Tuệ. Quá trình kiểm tra và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, Đoàn kiểm tra xác định Hộ kinh doanh trên đã có 02 hành vi vi phạm hành chính: Trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Ngày 18/06/2024, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Shop Bé Tuệ. Phạt tiền: 6.750.000 đồng; Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu toàn bộ hàng hóa nhập lậu; Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Bunny Store liên tiếp vi phạm các quy định của pháp luật
Cửa hàng Bunny Store – Hộ kinh doanh Hoàng Hà Phương
Cùng ngày 05/06/2024, Đội QLTT số 1 đã tiến hành kiểm tra đối với cửa hàng Bunny Store – Hộ kinh doanh Hoàng Hà Phương. Quá trình kiểm tra và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, Đoàn kiểm tra xác định Hộ kinh doanh trên đã có hành vi vi phạm hành chính: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Ngày 12/06/2024, Đội QLTT số 1 đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Bunny Store. Phạt tiền: 6.000.000 đồng; Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa nhập lậu là mỹ phẩm các loại.
Ngoài ra, Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa cũng thông tin thêm, trước đó, ngày 13/05/2024, Đội QLTT số 10 đã phối hợp với Đội 3 – Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh Thanh Hóa tiến hành kiểm tra đối với Hộ kinh doanh Bunny Store. Quá trình kiểm tra và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, Đoàn kiểm tra xác định Hộ kinh doanh trên đã có hành vi vi phạm hành chính: Trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Bunny Store. Phạt tiền: 6.000.000 đồng; Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.
Có thể thấy những sai phạm một số cửa hàng mang thương hiệu Bunny Store và Shop Bé Tuệ đã được Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa chỉ ra rất rõ ràng và cụ thể. Những sai phạm trên nếu không được xử lý triệt để rất có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng và tính minh bạch của thị trường hàng hóa. Điều này thậm chí có thể là dấu hiệu của việc gian lận thương mại và ảnh hưởng trực tiếp đến tính cạnh tranh công bằng đối với các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
3
Đắk Nông: Phát hiện và xử phạt cửa hàng kinh doanh quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas
(CHG)Vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cơ sở kinh doanh quần áo may sẵn tại thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông về hành vi trưng bày, bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Adidas đang được bảo hộ tại Việt Nam với số tiền xử phạt là 10.000.000 đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ 119 sản phẩm quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas.
Xem chi tiết