(CHG) Theo các chuyên gia kinh tế, để xử lý triệt để vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng lậu đang tồn tại công khai, náo nhiệt tại xã Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) phải bắt đầu từ công tác cán bộ. Đặc biệt, cần xử lý nghiêm những cán bộ có hành vi tham nhũng, bảo kê, tiếp tay cho sai phạm.
Cán bộ quản lý thị trường hướng dẫn cách làm “luật”
Tạp chí Điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại ngày 13/5 đăng tải bài viết “Chình ình hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ ở khu vực chợ Ninh Hiệp và ẩn số bảo kê” phản ánh tình trạng khu vực chợ Ninh Hiệp bày bán la liệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng lậu. Đặc biệt, nhiều tiểu thương phản ánh về tình trạng bảo kê, làm luật…
Hình ảnh phản cảm tại chợ Ninh Hiệp.
Tiết lộ với phóng viên về việc tại sao hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng lậu được bày bán công khai tại khu vực các chợ trên địa bàn xã Ninh Hiệp, một tiểu thương nơi đây cho biết: “Ở đây phần lớn các gian hàng đều không có hóa đơn (giá trị gia tăng), bởi đã "làm luật" hết rồi, khi cơ quan chức năng đi kiểm tra sẽ thông báo trước cho các tiểu thương trong chợ cất giấu hàng giả...”.
Một lái xe chở hàng thuê tuyến Ninh Hiệp - Vĩnh Phúc cho hay: “Tiền làm “luật” một năm cũng khoảng 20 đến 30 triệu đồng cho một xe thường xuyên vận chuyển hàng hóa từ khu vực chợ Ninh Hiệp đi các tỉnh. Nếu không đóng "luật", xe chỉ cần xếp hàng lên, lăn bánh là bị bắt giữ rồi...”.
Từ những thông tin mà các tiểu thương cung cấp, chúng tôi tiếp tục khảo sát và thật bất ngờ khi chính một cán bộ phụ trách địa bàn xã Ninh Hiệp lại hướng dẫn chúng tôi cách thức “làm luật”.
Cụ thể, một cán bộ tên T cho biết: “Xe chuyển hàng các anh cứ đỗ ở đây hàng ngày. Nếu anh em mình phối hợp với nhau thì em sẽ hỗ trợ anh. Trừ những việc có chỉ đạo của cấp trên hoặc báo chí phản ánh thì bắt buộc phải làm. Hôm nào các anh lên đội để báo cáo lãnh đạo về tên tuổi, biển số xe… Đã vào bãi này rồi thì chẳng xe nào thoát. Thông thường sẽ làm "luật" theo năm. Nếu một năm làm luật 2 lần thì 30 triệu. Đây chỉ là riêng cơ quan này không tính các lực lượng khác”.
Cán bộ tên T hướng dẫn cách làm luật.
Ngay sau đó, chúng tôi đã liên hệ và cung cấp hình ảnh của cán bộ tên T này tới đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 8, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội và được ông cho biết: “Đây đúng là cán bộ thuộc Đội Quản lý thị trường số 8”.
Cần xử lý nghiêm để làm gương
Thực tế cho thấy, chợ Ninh Hiệp được cho là một trong những trung tâm giao thương nhộn nhịp bậc nhất Việt Nam. Đây là đầu mối cung cấp, bán buôn, bán lẻ các mặt hàng quần áo, giày dép, túi xách... cho các tiểu thương trong cả nước. Bởi vậy, việc xử lý vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tại khu vực xã Ninh Hiệp không chỉ mang tính chất địa phương mà còn góp phần bảo vệ người tiêu dùng cả nước.
Việc cán bộ quản lý thị trường có biểu hiện dung túng, bao che cho sai phạm không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng, cũng như tính minh bạch của thị trường hàng hóa, mà còn làm xấu đi hình ảnh của người cán bộ quản lý thị trường. Liệu cách làm việc như của vị cán bộ quản lý thị trường tên T nêu trên có đáp ứng được mục tiêu và kỳ vọng mà đồng chí Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường đã đề ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023: Cấp đội là hạt nhân trong việc xây dựng người quản lý thị trường chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại.
Trước đó, năm 2019 đồng chí Trần Hữu Linh cũng đã ban hành Quyết định số 3972/QĐ-TCQLTT với tinh thần là nói không với các vi phạm. Mỗi địa bàn sẽ làm liên tục trong nhiều ngày và có thể đột xuất quay lại kiểm tra để nắm được mức độ vi phạm, tái diễn của các tiểu thương.
Công khai bày bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu tại chợ Ninh Hiệp.
Những năm qua, việc đào tạo, lựa chọn đội ngũ cán bộ quản lý thị trường luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ưu tiên hàng đầu. Đa phần đội ngũ lãnh đạo đều là những người có đủ đức, đủ tài để gánh vác công việc phục vụ nhân dân. Thế nhưng, vẫn còn những “con sâu làm rầu nồi canh”.
Việc một cán bộ thực thi công vụ với nhiệm vụ chính là kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại có cách làm việc như trên là hành vi phản cảm và gây bức xúc trong dư luận. Hành vi trên là rất đáng phê phán và cần phải xử lý nghiêm để làm gương theo đúng tinh thần mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo: Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần làm tích cực hơn nữa, mạnh mẽ, quyết liệt và hiệu quả cao hơn nữa, không né tránh, đùn đẩy, không có vùng cấm, không có ngoại lệ…
17
Đắk Nông: Phát hiện và xử phạt cửa hàng kinh doanh quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas
(CHG)Vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cơ sở kinh doanh quần áo may sẵn tại thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông về hành vi trưng bày, bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Adidas đang được bảo hộ tại Việt Nam với số tiền xử phạt là 10.000.000 đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ 119 sản phẩm quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas.
Xem chi tiết