Chủ động chặn hàng cấm khi giao thương trở lại bình thường


(CHG) Khi hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh trở lại bình thường, cùng với dòng chảy hàng hóa ngày càng tấp nập là nguy cơ lớn về buôn lậu, đặc biệt là hàng cấm như ma túy, động vật, sản phẩm động vật hoang dã… 
Vụ nhập lậu ngà voi lớn nhất từ trước đến nay tại cảng Hải Phòng do Cục Hải quan Hải Phòng chủ trì bắt giữ ngày 20/3/2023. Ảnh: T.Bình 
Khi hàng không… dậy sóng!
Xin được mở đầu bài viết bằng những con số đáng chú ý liên quan đến tình hình buôn lậu qua đường hàng không. Chỉ trong quý 1/2023, số vụ vi phạm qua tuyến đường này do toàn Ngành phát hiện lên đến 460 vụ, tổng trị giá hàng vi phạm 123,8 tỷ đồng, tăng tới 185,7% số vụ và tăng 148,25% trị giá hàng vi phạm so với cùng kỳ 2022.
Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Hùng Anh chia sẻ, các chuyên án vẫn đang được điều tra nên chưa thể thông tin cụ thể, nhưng những con số nêu trên cho thấy tình trạng đáng báo động về tình hình tội phạm buôn lậu những tháng đầu năm, đặc biệt trên tuyến hàng không.
Lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu phân tích: với những ưu đãi về chế độ chính sách, sự phát triển của thương mại điện tử, phương thức chuyển phát nhanh, dịch vụ ký gửi hàng hoá, hành lý... nên các đối tượng trong và ngoài nước đã móc nối, cấu kết hình thành đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ… Đặc biệt, việc vận chuyển các chất ma túy qua đường hàng không có chiều hướng tăng đột biến cả về số vụ và khối lượng tang vật. Các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn như cất giấu¸ nguỵ trang ma tuý thành hàng hóa, hành lý ký gửi thông thường, thậm chí liều lĩnh mang theo hành lý xách tay…
Trước tình hình đó, lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để kịp thời đấu tranh, phát hiện, bắt giữ. Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan đã chủ động, tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng trong nước và quốc tế để đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy, buôn lậu động, thực vật hoang dã.
Có lẽ vì thế mà lịch làm việc của lãnh đạo đơn vị nòng cốt như Cục Điều tra chống buôn lậu luôn kín. Việc gặp gỡ, trao đổi với phóng viên để chia sẻ thông tin, phối hợp tuyên truyền luôn ở trong trạng thái tranh thủ vào khung giờ nghỉ trưa hoặc qua điện thoại.
“Tháng 4, Cục tham mưu lãnh đạo Tổng cục Hải quan chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) và công an một số địa phương để đánh giá tình hình, đề ra giải pháp phòng ngừa, đấu tranh tội phạm ma túy trên tuyến đường hàng không. Ngoài ra, theo phân công của lãnh đạo Tổng cục, lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu tham dự hai sự kiện quốc tế quan trọng. Đó là, Diễn đàn Hải quan cấp cao khu vực về phòng chống ma tuý (tại Hồng Kông, Trung Quốc tháng 2/2023), có sự tham dự của hơn 100 đại biểu đến từ 40 đoàn. Mới đây là Hội nghị khởi động chiến dịch Con rồng Mê Kông 5 (tại Thượng Hải, Trung Quốc, từ ngày 11 - 13/4) với sự tham gia của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tổ chức quốc tế… Các hoạt động này cộng với những giải pháp đã và đang triển khai thể hiện sự chủ động của ngành Hải quan trong đánh giá tình hình và tổ chức các biện pháp đấu tranh, bắt giữ”, Cục trưởng Nguyễn Hùng Anh chia sẻ.
Một điểm đáng ghi nhận khác là qua hàng loạt chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ từ Tổng cục Hải quan, công tác đấu tranh chống buôn lậu, nhất là đấu tranh với tội phạm ma túy xuyên quốc gia ngày càng được triển khai bài bản. Điều này thể hiện qua số vụ bắt giữ tăng cao và bắt giữ được các đối tượng trong đường dây- điều vốn ít khi thực hiện được trong các vụ việc những năm trước.
“Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”
Cùng với tuyến hàng không, địa bàn cảng biển cũng xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp liên quan đến hàng cấm, với sự tinh vi, táo tợn của các đối tượng buôn lậu. Điển hình là các vụ nhập lậu ngà voi do Cục Hải quan Hải Phòng bắt giữ trong quý 1/2023.
“Ngay vào dịp năm hết tết đến và đầu xuân năm mới 2023 các đối tượng đã tìm cách đưa hàng trăm kg, thậm chí hàng tấn ngà voi nhập lậu từ châu Phi về khu vực cảng Hải Phòng. Như vụ bắt 490kg ngà voi, lô hàng được đưa về Việt Nam ngày 22/1/2023 (tức 29 Tết), còn thời điểm mở tờ khai vào 28/1 (rơi vào thứ 7 và mùng 7 Tết Quý Mão, chỉ 1 ngày sau thời điểm đi làm trở lại sau kỳ nghỉ Tết)”, Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng Nguyễn Duy Ngọc chia sẻ.
Thậm chí ở vụ bắt giữ hơn 7,6 tấn ngà voi và sản phẩm ngà voi (ngày 20/3/2023) lớn nhất ở địa bàn Hải Phòng từ trước đến nay, các đối tượng còn vận chuyển lô hàng từ Angola rồi chuyển tải tại Singapore trước khi đưa về Hải Phòng nhằm che giấu tuyến đường vận chuyển. Đồng thời mô tả tên hàng hóa bằng ngôn ngữ không phổ thông (thể hiện là lạc nhân) và sử dụng thông tin người nhận hàng không chính xác... Đây là những thủ đoạn mới hết sức tinh vi nhằm trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan Hải quan.
Tuy nhiên, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, với sự chủ động trong triển khai các biện pháp nghiệp vụ, Cục Hải quan Hải Phòng đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, bắt giữ (các vụ việc đã được Tạp chí Hải quan đăng tải).
Những dẫn chứng ở hai tuyến trọng điểm nêu trên chỉ là những ví dụ điển hình cho thấy tình hình buôn lậu đã và đang có những diễn biến hết sức phức tạp. Đặc biệt, theo nhận định của các chuyên gia, nhà quản lý, khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động buôn lậu, nhất là hàng cấm sẽ diễn biến phức tạp hơn, bởi các đường dây tội phạm quốc tế sẽ tìm mọi cách để “tiêu thụ hàng tồn” trong hơn hai năm đại dịch.
Hy vọng rằng, với sự chủ động, quyết liệt của ngành Hải quan, sự phối hợp hiệp đồng tác chiến các của lực lượng chức năng và các địa phương những đường dây, ổ nhóm tội phạm buôn lậu xuyên quốc gia sẽ được kịp thời phát hiện, bắt giữ./.

Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/chu-dong-chan-hang-cam-khi-giao-thuong-tro-lai-binh-thuong-173830-173830.html

Còn lại: 1000 ký tự
Nghệ An: Xử phạt 01 doanh nghiệp kinh doanh trang sức giả mạo nhãn hiệu

(CHG) Lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định xử phạt 01 doanh nghiệp tư nhân kinh doanh vàng có hành vi buôn bán trang sức giả mạo nhãn hiệu, với mức xử phạt tiền là 55 triệu đồng.

Xem chi tiết
Quảng Ngãi: Liên tiếp xử phạt các hộ kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu

(CHG) Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ngãi liên tiếp kiểm tra đột xuất, xử phạt 03 hộ kinh doanh hàng hóa giả mạo các nhãn hiệu Nike và Gucci, với tổng số tiền hơn 53.000.000 đồng.

Xem chi tiết
An Giang: Thu giữ số lượng lớn hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

(CHG) Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang thực hiện kiểm tra, thu giữ số lượng lớn hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam

Xem chi tiết
Cà Mau: Xử phạt hơn 270 triệu đồng vi phạm về kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.

(CHG) Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau ban hành Quyết định xử phạt hơn 270 triệu đồng vi phạm về kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền, giả mạo nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ CHANEL tại Việt Nam.

Xem chi tiết
Đồng Tháp: Phạt tiền 140 triệu đồng về hành vi vi phạm nhãn hàng hóa.

(CHG) Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp thực hiện kiểm tra, phát hiện cơ sở kinh doanh hàng hóa có nhãn ghi không đúng quy định về nhãn hàng hóa, hàng hóa thuốc bảo vệ thực vật, trên nhãn có hình ảnh, chữ viết không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa, phạt tiền 140 triệu đồng.

Xem chi tiết
2
2
2
3