(CHG) Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Nam Định (ngày 10/11) đã triệt phá thành công đường làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; lừa đảo chiếm đoạt tài sản với quy mô lớn.
Sáng ngày 10/11, tại xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, Ban chuyên án Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Nam Định bắt quả tang Trần Văn Hạnh (SN 1994, trú xã Giao Yến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) cùng Hoàng Văn Nguyện (SN 2000, trú xã Bạch Long, huyện Giao Thủy) đang tổ chức làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Các đối tượng trong đường dây làm giả giấy tờ bị lực lượng chức năng bắt giữ.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ hàng trăm văn bằng, chứng chỉ, giấy tờ giả cùng hàng nghìn phôi để sản xuất giấy tờ giả; 3 bộ máy vi tính, 2 máy in màu, 5 điện thoại thông minh và máy ép nhựa, 9 hộp mực in các loại màu, hàng nghìn tem nghi chống giả, sổ sách ghi chép khách hàng…
Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng triệu tập thêm 2 đối tượng khác là Nguyễn Trọng Tải (SN 1989, trú xã Giao Yến); Nguyễn Văn Toàn (SN 1989, trú xã Bạch Long, huyện Giao Thủy). Bước đầu, các đối tượng đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Tang vật bị cơ quan công an thu giữ.
Chỉ trong 1 tháng, các đối tượng đã sản xuất, bán và chuyển phát đến khách hàng thông qua dịch vụ bưu chính hơn 5.000 văn bằng, chứng chỉ, giấy tờ giả (bằng đại học, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, chứng chỉ hành nghề, giấy phép lái xe các loại, giấy khám sức khỏe…). Số tiền thu lợi bất chính là hơn 2 tỷ đồng.
Theo hồ sơ điều tra, nhóm đối tượng quảng cáo, bán hàng chủ yếu trên các trang mạng xã hội (facebook, tiktok...). Các đối tượng đưa ra cam kết phôi thật, bằng thật… để đánh vào tâm lý nhiều người không muốn bỏ thời gian đi học, thi nhưng vẫn có bằng thật. Khách hàng tìm đến là những người cần bằng cấp và không cần thi cũng đỗ.
Nhiều giấy tờ, chứng chỉ, văn bằng, GPLX giả bị công an thu giữ.
Khi nhận được đơn đặt hàng, các đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng gửi thông tin cá nhân (ảnh, họ và tên, ngày sinh, quê quán và loại giấy tờ yêu cầu) để sản xuất giấy tờ giả. Sau khi hoàn tất giấy tờ giả, các đối tượng thông qua hoạt động chuyển phát có thu tiền hộ (ship COD) giao đến khách hàng. Để đối phó với lực lượng chức năng và công ty chuyển phát, chúng thường không trực tiếp tới công ty chuyển phát mà thuê xe dịch vụ (xe ôm, grab), đồng thời khi khai báo hàng hóa thì ghi là khóa học ngoại ngữ, hợp đồng bản hiểm… Hiện vụ án vẫn đang được điều tra và mở rộng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, Cục An ninh chính trị nội bộ cũng đã phối hợp với Công an TP. Hà Nội triệt phá 1 đường dây làm giả giấy tờ tương tự, khởi tố 12 bị can, thu giữ nhiều con dấu giả (của một số bộ: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông Vận tải. Bộ Y tế, Sở Giao thông Vận tải, bệnh viện đa khoa, trường học 63 tỉnh thành...) cùng phương tiện, máy móc và hàng nghìn giấy tờ giả đã hoàn thiện.
Cục An ninh chính trị nội bộ khuyến cáo người dân tuyệt đối không đặt mua, sử dụng các loại giấy tờ giả này vì nếu sử dụng các loại giấy tờ này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, thậm chí có thể bị xử lý hình sự vì tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
2
Đắk Nông: Phát hiện và xử phạt cửa hàng kinh doanh quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas
(CHG)Vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cơ sở kinh doanh quần áo may sẵn tại thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông về hành vi trưng bày, bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Adidas đang được bảo hộ tại Việt Nam với số tiền xử phạt là 10.000.000 đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ 119 sản phẩm quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas.
Xem chi tiết