LTS: Thương mại điện tử là hoạt động mua bán hàng hóa và dịch vụ trên Internet. Đây là loại hình kinh doanh tiên tiến, kênh thương mại vô cùng thuận lợi để người bán hàng tiếp cận và tương tác với người tiêu dùng. Tuy nhiên, hình thức kinh doanh này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ: hàng giả; hàng nhái; hàng kém chất lượng; hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ... hàng hóa vi phạm các quy định của pháp luật.
Bản chất của việc kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử là quá trình tương tác giữa người bán và người tiêu dùng trên nền tảng kỹ thuật số, không gian ảo, bởi vậy hình thức kinh doanh này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, để các đối tượng kinh doanh những sản phẩm hàng hóa vi phạm các quy định của pháp luật lợi dụng trục lợi.
Rào cản lớn nhất đối với cơ quan chức năng trong việc thẩm tra, xác minh, kiểm tra, xử lý và kiểm soát những đơn vị này chính là việc các đối tượng kinh doanh hàng hóa vi phạm trên không gian mạng thường không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt hàng trực tuyến, phân tán hàng hóa nhiều nơi, chỉ giao hàng với số lượng nhỏ lẻ, khó xác định nguồn hàng. Việc giao hàng chủ yếu được thực hiện qua dịch vụ vận chuyển, các đối tượng thường che giấu thông tin cá nhân, địa chỉ liên lạc, mua bán, thanh toán, vận chuyển. Bởi vậy, việc xác định được đối tượng, đơn vị kinh doanh hàng hóa vi phạm trên các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội là vô cùng khó khăn không chỉ với người tiêu dùng, mà còn cả với các cơ quan quản lý nhà nước.
Khó khăn để xác định được đối tượng là thế, nhưng sau khi người dân, cơ quan báo chí đã cung cấp thông tin về các đối tượng và địa chỉ cụ thể, tuy nhiên, một số cơ quan chức năng lại chậm chễ trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin một cách triệt để. Điều này rất có thể sẽ để lại những hậu quả khó lường: hàng hóa vi phạm vẫn được “tuồn” ra thị trường; đối tượng tẩu tán hàng hóa vi phạm; niềm tin người tiêu dùng bị suy giảm; người tiêu dùng sử dụng những hàng hóa kém chất lượng dẫn đến những nguy cơ rủi ro;...
Gần đây, sau khi nhận được thông tin từ người tiêu dùng, Quỹ Chống hàng giả đã chuyển thông tin tới Tạp chí điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại, phóng viên Tạp chí CHG đã có buổi trao đổi thông tin và cung cấp hình ảnh hàng hóa vi phạm (người tiêu dùng cung cấp) tới Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh về việc tài khooản Tiktok mang tên “Vua Quạt”- đơn vị Cơ điện Yên Phong ( đường 286, thôn Yên Tân, xã Hòa Tiến, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) sản xuất, kinh doanh quạt dân dụng, quạt công nghiệp có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật. Thế nhưng, việc kiểm tra, kiểm soát dường như chưa được kịp thời.
Dấu hiệu vi phạm Nghị định 43/2017/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 111/2021/NĐ-CP
Thời gian qua, người tiêu dùng thông tin tới Quỹ Chống hàng giả về việc tài khoản Tiktok mang tên “Vua Quạt” livestream giới thiệu, tư vấn các sản phẩm quạt điện do đơn vị Cơ điện Yên Phong sản xuất có dấu hiệu kém chất lượng, không đảm bảo yếu tố an toàn theo các quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro: tiêu hao điện năng quá tiêu chuẩn; tiềm ẩn nguy cơ chập, cháy; tiềm ẩn rủi ro về an toàn cho người sử dụng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cung cấp thêm thông tin về đơn vị sản xuất, địa chỉ của doanh nghiệp, cũng như hóa đơn mua quạt điện, sản phẩm quạt điện có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật. Quỹ đã chuyển thông tin trên tới Tạp chí điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại (Tạp chí CHG).
Tài khoản Tiktok mang tên "Vua Quạt" thường xuyên tư vấn, giới thiệu các sản phẩm quạt điện.
Khảo sát của phóng viên cho thấy, trên nền tảng mạng xã hội Tiktok, hai tài khoản mang tên “Vua Quạt” thường xuyên đăng tải những video giới thiệu, tư vấn cho người tiêu dùng về các sản phẩm quạt điện do cơ sở Cơ điện Yên Phong sản xuất. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy, tài khoản trên không mở tính năng Titok shop, mà người này thực hiện việc “chốt đơn” trên zalo qua số điện thoại 09736xxxxx.
Có hay không việc hai tài khoản mang tên “Vua Quạt” không thực hiện liên kết với Tiktok Shop là để “né” việc kiểm tra, kiểm soát đối với những giao dịch hàng hóa? Điều này rất có thể dẫn đến việc gây thất thu ngân sách nhà nước trong việc thực hiện nghĩa vụ về thuế của cơ sở kinh doanh.
Theo thông tin, video và hình ảnh về sản phẩm do người tiêu dùng cung cấp, cũng như tên đơn vị kinh doanh và địa chỉ lắp ráp, phóng viên có buổi khảo sát thực tế tại đây và nhận thấy: nhà xưởng của đơn vị này rộng hàng nghìn mét vuông, nằm cạnh khu dân cư và trường mầm non. Tại khu vực sản xuất nhiều sản phẩm là trang thiết bị, phụ kiện để lắp đặt quạt được bày la liệt, ngổn ngang trong nhà xưởng: mô tơ, chân quạt, cánh quạt, lồng quạt, chân đế quạt... nhiều chi tiết sản phẩm có dấu hiệu rỉ sét. Việc trang bị bảo hộ lao động cho công nhân rất sơ sài, không đảm bảo an toàn lao động, có thể gây tổn hại sức khỏe cho chính những công nhân tại đây. Đáng quan tâm hơn nữa là tại xưởng lắp ráp và sản xuất của đơn vị Cơ điện Yên Phong chính là việc tiềm ẩn nguy cơ rủi ro về cháy nổ của đơn vị này như việc để: nylon; bao bì; hàng hóa ngổn ngang, choán hết lối đi. Nếu điều đó xảy ra, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm?
Nhiều thiết bị, phụ kiện như: mô tơ, chân quạt, cánh quạt, chân đế quạt, lồng quạt.... ngổn ngang trong nhà xưởng. Một số phụ kiện có dấu hiệu rỉ sét.
Quan sát tại xưởng sản xuất, phóng viên nhận thấy, sản phẩm quạt điện của đơn vị Cơ điện Yên Phong trên nhãn sản phẩm không thể hiện: tên hàng hóa; năm sản xuất; thông số kỹ thuật; thông tin cảnh báo... và hướng dẫn sử dụng.
Sản phẩm quạt điện do đơn vị Cơ điện Yên Phong sản xuất có dấu hiệu vi phạm Nghị định 43/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 111/2021/NĐ-CP.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Lê Hoan, Chánh văn phòng Quỹ Chống hàng giả cho biết: “Việc đơn vị trên không ghi cụ thể về tên sản phẩm; năm sản xuất, các thông số kỹ thuật; thông tin cảnh báo... hướng dẫn sử dụng, là dấu hiệu của việc vi phạm Nghị định 43/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 111/2021/NĐ-CP trong việc ghi nhãn hàng hóa đối với các sản phẩm điện, điện tử.
Đồng thời, theo quy định tại QCVN 4:2009/BKHCN, việc chứng nhận hợp quy quạt điện là một việc hoàn toàn bắt buộc của các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu quạt điện để đảm bảo chất lượng quạt phù hợp với tiêu chuẩn ban hành của nhà nước và an toàn cho người tiêu dùng”.
Ông Hoan cũng thông tin thêm: “Theo TCVN 7826:2015 Quạt điện – Hiệu suất năng lượng các loại quạt điện phải thực hiện kiểm tra hiệu suất năng lượng và dán nhãn năng lượng bao gồm: các loại quạt bàn, quạt trần, quạt đứng, quạt treo tường dùng trong gia đình và các mục đích tương tự. Nhãn năng lượng so sánh được hiển thị trên phương tiện, thiết bị lưu thông trên thị trường nhằm cung cấp cho người tiêu dùng biết các thông tin về hiệu suất năng lượng của phương tiện, thiết bị này so với các phương tiện, thiết bị cùng loại khác trên thị trường, giúp người tiêu dùng lựa chọn được phương tiện, thiết bị có mức tiêu thụ năng lượng tiết kiệm hơn”.
Việc đơn vị Cơ điện Yên Phong có dấu hiệu bất chấp các quy định của pháp luật khi sản xuất, kinh doanh các sản phẩm quạt điện không tuân thủ quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, thậm chí có thể dẫn đến chập, cháy, nổ, ảnh hưởng trực tiếp tới an toàn tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng.
Vu khống, bôi nhọ danh dự của cơ quan báo chí và phóng viên
Ngày 25/03/2024, phóng viên Tạp chí CHG có buổi trao đổi thông tin do người tiêu dùng cung cấp, cũng như quá trình khảo sát của phóng viên về việc tài khoản Tiktok “Vua Quạt” (tên và địa chỉ đơn vị sản xuất) về các dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh quạt điện tới Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh. Ông Phạm Huy Trọng, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Sau khi tiếp nhận thông tin từ Tạp chí điện tử CHG, chúng tôi sẽ tiến hành thẩm tra, xác minh, kiểm tra và xử lý (nếu có)”. Tuy nhiên, sau nhiều lần trao đổi qua điện thoại, sáng ngày 10/4/2024, phía Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh cho rằng: “Vẫn đang trong quá trình thẩm tra, xác minh”.
Sau khi tiếp nhận thông tin từ PV, người này liên tục có những lời lẽ bịa đặt, vu khống, xúc phạm danh dự đến cá nhân và cơ quan Báo chí.
Nhằm đưa thông tin đa chiều tới độc giả, cũng như mong muốn lắng nghe ý kiến từ phía đơn vị Cơ điện Yên Phong, phóng viên đã đến trao đổi thông tin với đơn vị trên theo giấy giới thiệu của Tạp chí điện tử CHG. Sau khi được người một người đàn ông (tư xưng là quản lý, chủ nhà) của đơn vị sản xuất Cơ điện Yên Phong mời vào làm việc, phóng viên giới thiệu về tên, chức vụ, đơn vị công tác. Tuy nhiên, ngay lập tức, người đàn ông này đã tiến hành quay video và có những lời lẽ xúc phạm, vu khống, bôi nhọ danh dự cơ quan Tạp chí, cũng như với phóng viên trong quá trình làm việc: “Sử dụng con dấu giả”; “Đi khè doanh nghiệp”; “Đi dọa doanh nghiệp”; “Đi hành doanh nghiệp”; “Con dấu scan”... tiếp theo đó, người này phát livestream trên nền tảng mạng xã hội Tiktok “Vua Quạt”. Trong quá trình livestream, người này và một số người xuất hiện cùng đã có những lời lẽ vô cùng thiếu văn hóa, thiếu chuẩn mực, buổi phát trực tiếp này, diễn ra ra gần 4 tiếng, cùng hàng nghìn lượt tương tác và bình luận.
Cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh, nơi “nóng” nơi “lạnh”
Ngay sau khi xảy ra sự việc, phóng viên đã liên hệ với UBND huyện Yên Phong, đề nghị cơ quan chức năng tại đây mau chóng vào cuộc nhằm bảo vệ uy tín, danh dự của cơ quan và cá nhân phóng viên. Phía UBND huyện Yên Phong đã chủ động mời Phòng văn hóa huyện và Công an huyện tới để làm việc, cũng như tiếp nhận thông tin từ phóng viên.
Chiều cùng ngày, phía lãnh đạo UBND huyên Yên Phong trực tiếp chỉ đạo Đội QLTT huyện chủ trì, Công an huyện và một số phòng ban phối hợp xác minh.
Đội Quản lý thị trường số 2 - Cục Quản lý thị trưởng tỉnh Bắc Ninh.
Tiếp đó, phóng viên đã trao đổi với ông Bùi Xuân Thắng, Phó đội trưởng Đội QLTT số 2 (phụ trách địa bàn huyện Yên Phong) và được ông Thắng cho biết: “Chúng tôi đón nhận thông tin và sẽ thẩm tra, xác minh vụ việc”. Sau đó, ông Thắng cho biết thêm: Cục QLTT tỉnh đã giao vụ việc cho đội Cơ động tiến hành thẩm tra, xác minh vụ việc, chúng tôi không dám xử lý chồng lấn (đã được biên tập) (?).
Lãnh đạo Đội QLTT số 2 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh.
Trước đó, một số người tiêu dùng bức xúc cho biết: “Những mong quyền lợi của mình được cơ quan chức năng bảo vệ, chúng tôi đã gọi vào số điện thoại đường dây nóng của Cục Quản lý thị trường (QLTT) qua đầu số 0967226199 để thông báo về những dấu hiệu vi phạm của đơn vị Cơ điện Yên Phong. Thế nhưng, sau rất nhiều lần gọi điện vẫn không có người nghe máy để tiếp nhận thông tin...”.
Có thể thấy, hành vi bôi nhọ, xúc phạm danh dự uy tín phóng viên, cơ quan báo chí của đại diện đơn vị Cơ điện Yên Phong là rất rõ ràng. Hành vi trên cần phải được các cơ quan chức năng xử lý kịp thời bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Bên cạnh đó, việc số điện thoại đường dây nóng của Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh thường xuyên “nguội lạnh” cũng là vấn đề mà dư luận rất băn khoăn và nêu ra nhiều câu hỏi.
27
Đắk Nông: Phát hiện và xử phạt cửa hàng kinh doanh quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas
(CHG)Vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cơ sở kinh doanh quần áo may sẵn tại thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông về hành vi trưng bày, bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Adidas đang được bảo hộ tại Việt Nam với số tiền xử phạt là 10.000.000 đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ 119 sản phẩm quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas.
Xem chi tiết