LTS: Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu là một trong những vấn đề nhức nhối không chỉ của xã hội, mà còn là của các cơ quan chức năng. Hệ lụy mà nó gây ra ảnh hưởng không nhỏ tới xã hội như: Sức khỏe; tài chính... niềm tin của người tiêu dùng; tính minh bạch của thị trường hàng hoá; làm giảm uy tín của các nhà sản xuất chân chính...
Tại Thành phố Hồ Chí Minh vấn nạn trên đang diễn ra khá phổ biến trong một số ngành hàng: Thời trang; linh kiện, phụ kiện điện thoại, hóa mỹ phẩm; thực phẩm, thực phẩm chức năng... Đặc biệt, tình trạng này đang tồn tại công khai tại một số trung tâm thương mại lớn, chợ dân sinh.
Cục quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh
Bài 1: Nghênh ngang kinh doanh linh kiện, phụ kiện điện thoại vi phạm quy định pháp luật
Thời gian qua, người tiêu dùng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên phản ảnh tới Tổng đài Chống hàng giả (Quỹ Chống hàng giả) về việc hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa kém chất lượng... ngập tràn trong thành phố, không có sự kiểm soát và đang có chiều hướng gia tăng. Quỹ Chống hàng giả đã bàn giao thông tin tới Tạp chí Điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại (CHG). Qua quá trình khảo sát trên nhiều địa bàn thuộc thành phố, phóng viên nhận thấy thông tin do người tiêu dùng cung cấp hoàn toàn có cơ sở.
Một số của hàng kinh doanh linh kiện, phụ kiện điện thoại trên đường 3 tháng 2, TP Hồ Chí Minh
Cụ thể, khảo sát tại tuyến đường 3 tháng 2, quận 10, một tuyến phố vốn nổi tiếng kinh doanh các mặt hàng linh kiên, phụ kiện, thiết bị điện thoại. Tại đây, các cửa hàng mọc lên như nấm với đủ các quy mô lớn, nhỏ. Tuy nhiên, khách hàng dường như tập trung chủ yếu vào một số cửa hàng lớn như: Cửa hàng Phương Anh; cửa hàng Đại Hào; cửa hàng 793...
Trong quá trình khảo sát, phóng viên nhận thấy hàng hóa tại các cửa hàng trên rất phong phú và đa dạng: Ốp lưng điện thoại; kính cường lực; sạc điện thoại; tai nghe các loại; loa bluetooth các loại; thiết bị dùng để Livestream... phần lớn phụ kiện điện thoại tại đây có nhãn gốc là tiếng nước ngoài, không nhãn phụ tiếng Việt, thậm chí nhiều loại hàng hóa trắng thông tin trên sản phẩm. Đối với các sản phẩm là ốp điện thoại đang được bày bán tại đây đang có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các nhãn hàng lớn như: Gucci; Dior, Louis Vuitton... Điều đáng nói, hành vi lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, buôn bán, gây cản trở đối với người tham gia giao thông, hay việc nhân viên của các cửa hàng trên thường xuyên chèo kéo khách hàng khi họ đang lưu thông trên tuyến phố gây mất an toàn giao thông, thế nhưng tại đây lại không có bất cứ bóng dáng của lực lượng chức năng nào (?).
Điều đáng nói, nhiều loại hàng hoá đang được bày bán trong các cửa hàng trên đều không thể xuất hoá đơn giá trị gia tăng (VAT) theo yêu cầu của khách hàng, nhân viên tại cửa hàng Phương Anh và Phú Hào cho biết.
Anh V.T.D, quản lý của một hệ thống kinh doanh điện thoại có tiếng nằm trên đường 3 tháng 2 bức xúc: “Họ kinh doanh các sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng trôi nổi, có thể dẫn tới việc cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh. Bởi vậy, chúng tôi thấy rất thiếu công bằng... Thực sự, tôi cũng không hiểu sao họ (các cửa hàng kinh doanh phụ kiện điện thoại nêu trên) lại có thể ngang nhiên tồn tại lâu như vậy?”.
Bên cạnh đó, Anh V.T.D cũng khuyến cáo: “Với các sản phẩm hàng hóa là đồ công nghệ như: Điện thoại; Laptop; Ipad... nếu sử dụng phụ kiện trôi nổi, không rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ có thể dẫn tới những hậu quả rất khó lường: Chập cháy; cháy nổ; giảm tuổi thọ của sản phẩm”.
Gần 20 cán bộ “đánh cắp” thời gian công sở, sử dụng tài sản công sai mục đích
Nhằm thông tin đa chiều tới độc giả, ngày 25/7/2023, phóng viên của Tạp chí điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại (CHG) đã đặt lịch làm việc với cửa hàng cung cấp linh - phụ kiện điện thoại Đại Hào và cửa hàng phụ kiện Phương Anh. Tuy nhiên, các cửa hàng trên đều đưa ra lý do "Đang đi vắng", hoặc “Không cần thiết phải trao đổi thông tin, không cần phải làm việc”, bởi vậy, phóng viên không thể ghi nhận ý kiến của người quản lý của hai cơ sở kinh doanh nêu trên.
Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó cục trưởng và các cán bộ của Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh trong buổi làm việc
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tình trạng trên đã tồn tại từ lâu trên địa bàn thành phố và chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Chúng tôi sẽ ghi nhận và tiến hành kiểm tra hai cơ sở trên cũng như xử lý nghiêm sai phạm (nếu có).
Trước đó, ngày 24/7, phóng viên đã tới Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh để đặt lịch làm việc với nội dung: Trao đổi thông tin về hàng tiêu dùng trên địa bàn thành phố. Trong nội dung làm việc, phóng viên Tạp chí CHG có ghi rõ: “Rất mong có buổi làm việc giữa Tạp chí Điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại và Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, để cung cấp thông tin các đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh hàng tiêu dùng trên địa bàn thành phố".
Nhà hàng Yeebo - số 76 Nguyễn Văn Trỗi, Phú Nhuận, TP.HCM
16h30 phút ngày 25/7, phóng viên tiếp tục quay lại Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh để bổ sung thêm nội dung làm việc theo yêu cầu của đồng chí Cục trưởng. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, phóng viên ghi nhận 3 xe biển xanh đang chở hàng chục cán bố đến Nhà hàng Yeebo có địa chỉ tại số 76 đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận. Một cán bộ của Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Hôm nay, mọi người đi liên hoan mừng đồng chí Huy được bổ nhiệm vào vị trí Phó Cục trưởng”.
Phải chăng việc gần 20 cán bộ "đánh cắp" thời gian như trên chính là một phần nguyên nhân dẫn đến: “Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu... trên địa bàn Thành Phố Hồ Chí Minh đang tiếp diễn và phức tạp”- trích lời ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó cục trưởng Cục QLTT thành phố (?)
Liên quan đến vấn đề hàng hóa tại những cửa hàng kinh doanh phụ kiện như bài viết đã nêu, ông Hồ Trường Giang, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại cho biết: Nghị định số 98/2020/ NĐ- CP ngày 26/8/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định cụ thể về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng quá hạn sử dụng… mức phạt có thể lên đến 200 triệu đồng tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
Nghị định này cũng quy định buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại; buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn; buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm; buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng giá trị tang vật, phương tiện vi phạm đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật…
Nghị định 98/2020/ NĐ-CP áp dụng mức tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân thực hiện. Trong trường hợp hành vi vi phạm do tổ chức thực hiện, mức phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân.
Phạt tiền gấp hai lần: Hàng hóa nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi.
3
Đắk Nông: Phát hiện và xử phạt cửa hàng kinh doanh quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas
(CHG)Vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cơ sở kinh doanh quần áo may sẵn tại thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông về hành vi trưng bày, bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Adidas đang được bảo hộ tại Việt Nam với số tiền xử phạt là 10.000.000 đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ 119 sản phẩm quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas.
Xem chi tiết