(CHG) Được biết đến là nhà phân phối xe điện lớn tại khu vực huyện Kiến Xương, tuy nhiên trung tâm phân phối Hà Nam lại bị người tiêu dùng phản ảnh có dấu hiệu kinh doanh xe máy điện không đảm bảo về chất lượng.
Không thể xuất hóa đơn giá trị gia tăng (VAT)
Với ưu điểm nhỏ gọn, sử dụng tiện lợi, giá cả phải chăng lại không tốn xăng, không cần bằng lái (nhất là với học sinh), nên xe máy điện hiện đã trở thành một trong những phương tiện đi lại phổ biến của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích đó, xe đạp điện cũng tiềm ẩn những nguy cơ cháy nổ từ chính hệ thống điện của xe.
Xe máy điện có giá rẻ bất thường được bày "bán chình ình" tại Trung tâm phân phối xe điện Hà Nam, Km 13, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
Hiện nay dòng xe máy điện có rất nhiều chủng loại, mẫu mã, giá cả thì “thượng vàng hạ cám”. Ngoài những dòng xe có thương hiệu, được đăng kiểm, có tem kiểm định, bình ắc quy đảm bảo theo tiêu chuẩn nhất định của các hãng xe, cũng có rất nhiều dòng xe tự lắp ráp từ các phụ tùng trôi nổi ngoài thị trường, có giá thành rẻ hơn, nhưng cửa hàng không đảm bảo về chất lượng, nhất là chất lượng của bình ắc quy.
Một phần do thiếu hiểu biết về loại phương tiện này, cộng với tâm lý ham rẻ nên không ít người đã mua phải những chiếc xe đạp điện rởm, có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, tiềm ẩn nguy cơ về cháy nổ và không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Băn khoăn về vấn đề trên, người tiêu dùng trên địa bàn huyện Kiến Xương thông tin tới Tổng đài Chống hàng giả về việc Trung tâm phân phối xe điện Hà Nam (KM13 đường 39B, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) có dấu hiệu kinh doanh xe máy điện vi phạm các quy định về nhãn sản phẩm, một số sản phẩm xe máy điện bày bán tại đây chưa được cấp giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm. Nghi vấn đơn vị trên đang kinh doanh xe máy điện không rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu buôn bán hàng hóa nhập lậu. Quỹ Chống hàng giả đã chuyển thông tin trên tới Tạp chí điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại (CHG).
Không chỉ là nơi bán lẻ các loại xe máy điện, Trung tâm phân phối xe điện Hà Nam còn trực tiếp lắp ráp các loại xe máy điện và bán ra thị trường với giá rẻ "bất thường".
Qua quá trình khảo sát tại trung tâm phân phối xe điện Hà Nam, phóng viên ghi nhận: bên cạnh việc trưng bày và bán một số xe máy điện cho các hãng mà đơn vị này đang làm đại lý phân phối, tại đây cũng bày bán một lượng không nhỏ xe máy điện có dấu hiệu “trắng thông tin”, với giá trị chỉ từ 5,5 triệu đồng, đến 6,5 triệu đồng.
Theo quan sát của phóng viên Tạp chí CHG, những chiếc xe máy điện giá rẻ được bán tại đây có kiểu dáng nhỏ gọn, bắt mắt... hầu hết đều không được dán nhãn hàng hóa theo quy định bắt buộc; không có giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trường; không có chứng nhận hợp quy đối với các sản phẩm, hàng hóa... Đặc biệt, những chiếc xe máy điện tại đây đều không thể xuất hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) cho người tiêu dùng.
Cùng với việc kinh doanh xe máy điện giá rẻ “bất thường”, tại đây còn công khai bày bán nhiều sản phẩm là bình ắc quy các loại, trên vỏ bình có chữ nước ngoài (chữ tượng hình), không có nhãn phụ tiếng Việt, không có tem bảo hành, tem nhập khẩu của sản phẩm...
Quá trình khảo sát, mặc dù quan sát rất chi tiết chiếc xe máy điện giá rẻ đang bày bán tại Trung tâm phân phối xe điện Hà Nam, tuy nhiên phóng viên không thể tìm thấy: tem sản phẩm; chứng nhận hợp quy; không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, cũng như đơn vị kinh doanh trên không thể xuất hóa đơn giá trị gia tăng khi bán xe cho người tiêu dùng.
Thắc mắc với một nhân viên tư vấn bán hàng tại cửa hàng trên về chất lượng của các loại xe điện giá rẻ bày bán tại đây, cũng như mức độ an toàn trong quá trình lưu thông trên đường, mức độ an toàn về cháy nổ và thuế giá trị gia tăng của sản phẩm, người này cho biết: Những chiếc xe này là do Trung tâm lắp ráp, được phân phối cho nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Thái Bình, cũng như phân phối đi nhiều tỉnh thành. Về mức độ an toàn, phía trung tâm lắp ráp rất chuẩn, khách hàng không phải lo. Còn về cháy nổ, loại xe này sử dụng ắc quy nên không thể nào có cháy nổ xảy ra (đốt còn không cháy).
Nói như người này, những chiếc xe máy điện nêu trên đang được phí trung tâm nhập linh kiện, phụ kiện trôi nổi về tự lắp ráp và cung ứng ra thị trường cho người tiêu dùng, vậy không lẽ đây là những phụ kiện được nhập lậu từ nước ngoài về (?) Phía cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình cần đấu tranh, làm rõ đường đi của những linh phụ kiện trên, nếu là hàng nhập lậu, cần xử lý nghiêm minh.
Trả lời cho sự hoài nghi về quy trình sản xuất, xuất xưởng của các loại xe máy điện kể trên, cũng như các loại giấy tờ cần và đủ về sản phẩm: chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định trước khi đưa ra thị trường; chứng nhận về hợp quy của sản phẩm, người này chia sẻ thêm: Những chiếc xe trên có động cơ bé nên không cần phải giấy tờ gì cả (chỉ chạy được khoảng 45km- 50km). Nhà nước không đỏi hỏi... Xe này này sử dụng bình bình ắc quy, không phải dùng pin nên yên tâm, đốt nó cũng không cháy nổ... Hàng này nhà em lắp ráp nên anh yên tâm. Còn về hóa đơn giá trị gia tăng, nói thật hàng này làm gì có đầu vào mà đòi xuất hóa đơn đầu ra”(?)
Nói như người này, những chiếc xe máy điện nêu trên đang được phía Trung tâm xe điện Hà Nam nhập linh kiện, phụ kiện trôi nổi về tự lắp ráp và cung ứng ra thị trường cho người tiêu dùng. Vậy không lẽ đây là những phụ kiện được nhập lậu từ nước ngoài về (?) Phía cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình cần vào cuộc, làm rõ đường đi của những linh phụ kiện trên, nếu là hàng nhập lậu, cần xử lý nghiêm minh.
Hiểm họa chực chờ
Việc trung tâm phân phối xe điện Hà Nam kinh doanh xe máy điện tự lắp ráp, các loại bình ắc quy mập mờ về thông tin, không có nhãn phụ tiếng Việt... tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho người sử dụng: mất an toàn giao thông; nguy cơ cháy nổ; gian lận thương mại; gian lận thuế; dấu hiệu kinh doanh hàng hóa nhập lậu...
Các loại bình ắc quy có chữ tượng hình trên vỏ bình, không nhãn phụ tiếng Việt, không thể xuất được hóa đơn giá trị gia tăng, có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu được Trung tâm phân phối xe điện Hà Nam công khai bày bán.
Trong đó, nguy cơ về cháy nổ của những chiếc xe máy điện giá rẻ nói trên là rất cao, có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, không chỉ với người tiêu dùng, mà ngay chính đơn vị kinh doanh này. Bài học nhãn tiền về vấn đề trên chính là thời gian qua, nhiều vụ cháy cửa hàng kinh doanh xe đạp điện, xe máy điện xảy trên địa bàn cả nước, để lại những thiệt hại vô cùng nặng nề về cả người và tài sản. Điển hình như vụ cháy cửa hàng kinh doanh xe đạp điện, xe máy điện tại An Khánh, Hoài Đức là một ví dụ.
Theo chuyên gia trong lĩnh vực Phòng cháy chữa cháy (xin giấu tên) cho biết: “Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc xe điện cháy nổ mà mọi người, nhất là với những loại xe điện có giá rẻ, không rõ ràng về nguồn gốc, cũng như chưa được các cơ quan chức năng chứng nhận các tiêu chuẩn bắt buộc. Ví dụ: hệ thống bộ đổi điện từ dòng điện xoay chiều sang một chiều và ngược lại, cũng có thể là nguyên nhân chính gây ra cháy nổ ở xe đạp điện. Những mối hàn, đầu nối của những linh kiện không được cách điện tốt, nó có thể gây ra hiện tượng phóng điện làm cho hệ thống đó bị chập và dẫn đến cháy. Xe kém chất lượng thường có bình ắc quy không tốt, cấu tạo từ chì, thuộc nhóm chất thải nguy hại. Mỗi khi hỏng hóc, lượng chì và acid trong bình dễ chảy tràn ra ngoài, gây chập cháy rất nguy hiểm”.
Trung tâm phân phối xe điện Hà Nam quảng cáo là đơn vị tự lắp ráp, phân phối xe máy điện trên địa bàn huyện Kiến xương, cũng như tới một số huyện trên địa bàn tỉnh Thái Bình và địa bàn nhiều tỉnh thành. Thế nhưng điều bất thường ở chỗ, mặc dù trụ sở của cơ quan Quản lý thị trường phụ trách địa bàn huyện Kiến Xương nằm cách đó không xa, thế nhưng không hiểu vì lý do gì, một trung tâm phân phối, lắp ráp xe máy điện to như vậy, chình ình như thế mà những cán bộ của cơ quan này lại không hề hay biết.
Trách nhiệm để xảy ra vấn đề trên sẽ thuộc về ai? Liệu có hay không việc vi phạm đạo đức công vụ của cán bộ Quản lý thị trường? Chúng tôi sẽ thông tin tới độc giả khi đón nhận thông tin từ phía Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Bình.
Theo ông Nguyễn Lê Hoan, Chánh văn phòng Quỹ chống hàng giả: “Về kiểu dáng, nhìn chiếc xe bày bán tại Trung tâm phân phối xe điện Hà Nam gần giống chiếc xe đạp bình thường có gắn động cơ. Tuy nhiên xe đạp điện có khối lượng tầm 40 kg trở xuống và còn có bàn đạp trợ lực cho hệ thống để khi xe hết điện người sử dụng có thể đạp để di chuyển. Xe đạp điện có công xuất trung bình 250W, vận tốc trung bình 25km/h.
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ không định nghĩa xe đạp điện, nhưng có quy định về khái niệm xe đạp máy, bao quát cả xe đạp điện tại điểm e, d khoản 1 điều 3.
“e) Xe đạp máy là xe thô sơ hai bánh có lắp động cơ, vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25 km/h và khi tắt máy thì đạp xe đi được (kể cả xe đạp điện).”
“d) Xe máy điện là xe gắn máy được dẫn động bằng động cơ điện có công suất lớn nhất không lớn hơn 4 kW, có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h”.
Cũng theo ông Hoan: “Thông tư số 12/2022-TT-BGTVT quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải, tại Phụ lục I và II ban hành kèm theo thông tư số 12/2022-TT-BGTVT thì mặt hàng Xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện và xe đạp máy thuộc danh mục sản phẩm, hàng hóa phải chứng nhận hoặc công bố hợp quy.
Việc trung tâm phân phối xe điện Hà Nam không tuân thủ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh xe máy điện là vi phạm nghiêm trọng Thông tư số 12/2022-TT-BGTVT. Cụ thể, tại điểm Điều 3 thông tư số 12/2022-TT-BGTVT quy định như sau:
1. Danh mục sản phẩm, hàng hóa quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này áp dụng nguyên tắc sau:
a) Đối với sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu phải được chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định trước khi thông quan;
b) Đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất, lắp ráp trong nước phải được chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định trước khi đưa ra thị trường.
2. Danh mục sản phẩm, hàng hóa quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này áp dụng nguyên tắc sau:
a) Sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu phải được chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
b) Sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu quy định tại mục E Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này phục vụ thay thế, bảo hành có số lượng dưới 100 sản phẩm, hàng hóa cùng kiểu loại trong một lô hàng thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu được công bố hợp quy trên cơ sở kết quả tự đánh giá sự phù hợp hoặc được chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định nếu tổ chức, cá nhân có nhu cầu;
c) Thời điểm chứng nhận hoặc công bố hợp quy tại điểm a, điểm b khoản này được thực hiện sau khi sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu được thông quan và trước khi đưa ra thị trường;
d) Sản phẩm, hàng hóa sản xuất, lắp ráp trong nước phải được chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định trước khi đưa ra thị trường.
Đồng thời, cũng theo ông Hoan, tại Khoản 3, Điều 3 của thông tư này: Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ sơ công bố hợp quy đối với các sản phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật”.
4
Đắk Nông: Phát hiện và xử phạt cửa hàng kinh doanh quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas
(CHG)Vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cơ sở kinh doanh quần áo may sẵn tại thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông về hành vi trưng bày, bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Adidas đang được bảo hộ tại Việt Nam với số tiền xử phạt là 10.000.000 đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ 119 sản phẩm quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas.
Xem chi tiết