(CHG) Không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp, nền kinh tế, hàng giả, hàng nhái còn ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) vừa tiến hành kiểm tra một số địa điểm kinh doanh tại Trung tâm thương mại Saigon Square (quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) và thu giữ rất nhiều sản phẩm gồm: Mắt kính, gọng kính, túi xách, túi đeo, ví, giày, dép, dây thắt lưng... có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Louis Vuitton, Nike, Adidas, Dior, Montblanc, Hermes, Chanel, The North Face, Michael Kors, Burberry, Gucci, prada, YSL, Porsche, Coach, Valentino...
Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) liên quan đến vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
TS Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
- PV: Quan điểm của ông như thế nào về vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đối với nền kinh tế, doanh nghiệp và sức khoẻ người tiêu dùng?
- TS Lê Đăng Doanh: Hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ không chỉ gây tác động ảnh hưởng đến nền kinh tế, đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp làm ăn chân chính, đến môi trường đầu tư, kinh doanh kinh doanh của Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi, sức khoẻ, thậm chí tính mạng của người tiêu dùng.
Trong đó, đối với nền kinh tế, việc buôn bán hàng giả, hàng nhái sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, lưu thông hàng hoá trong nước, môi trường đầu tư và uy tín của quốc gia. Đối với doanh nghiệp làm ăn chân chính, việc hàng hoá của họ bị làm giả, làm nhái sẽ ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu, đến niềm tin của người tiêu dùng về thương hiệu đó, khiến doanh nghiệp không thể cạnh tranh được với hàng giả, hàng nhái và mất thị phần, phải chật vật để tồn tại và phát triển.
Còn đối với người tiêu dùng, tôi cho rằng họ là người chịu thiệt hại nhiều nhất, vì mua phải hàng kém chất lượng, độ bền và độ tinh xảo không đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, với một số hàng giả, hàng nhái trong một số lĩnh vực như thực phẩm, thuốc chữa bệnh có thể dẫn đến tác hại về sức khoẻ, tính mạng con người.
Vì vậy, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cần được “mạnh tay” hơn nữa trong thời gian tới, để tạo cơ hội cho phát triển kinh tế, doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
- Trước thông tin báo chí phản ánh tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán công khai tại Trung tâm Thương mại Saigon Square, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) vừa tiến hành kiểm tra và thu giữ rất nhiều sản phẩm có dấu hiệu làm giả. Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, ông nhìn nhận về vấn đề này ra sao?
Tôi rất hoan nghênh hành động này của Tổng cục QLTT nói riêng và Bộ Công Thương nói chung trong công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái thông qua đợt ra quân tại Trung tâm thương mại Saigon Square cũng như rất nhiều vụ việc bắt giữ liên quan đến vấn nạn hàng giả, hàng nhái thời gian vừa qua.
Điều này là rất cần thiết, bởi nó không chỉ mở ra cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là những doanh nghiệp làm ăn chân chính có thể cạnh tranh một cách sòng phẳng trên thị trường, mà còn mở ra cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam có thể hội nhập vào kinh tế thế giới. Bởi nền kinh tế Việt Nam không thể phát triển và hội nhập được, nếu như vấn nạn hàng giả, hàng nhái vẫn không được giải quyết triệt để.
Đặc biệt, theo tôi được biết, sau đợt ra quân của Tổng cục QLTT tại Saigon Square thì nhiều cửa hàng tại đây đã tự động đóng cửa vì họ nhận thức được rằng không thể kinh doanh trên cơ sở hàng giả, hàng nhái được. Điều đó sẽ tạo tác động tốt đối với việc ngăn chặn vấn nạn hàng giả, hàng nhái không chỉ tại Saigon Square mà còn tại nhiều nơi khác.
Tổng cục QLTT thu nhiều sản phẩm có dấu hiệu giả mạo tại Saigon Square.
- Mặc dù rất quyết liệt, nhưng để làm sạch được vấn nạn hàng giả, hàng nhái lại không hề đơn giản, nhất là trong bối cảnh người tiêu dùng vẫn “dễ dãi” khi chấp nhận mua hàng nhái để có giá rẻ hơn rất nhiều và nhiều người vì lợi nhuận vẫn bất chấp vi phạm pháp luật để kinh doanh những mặt hàng này. Trong bối cảnh đó, để giải quyết triệt để vấn nạn này, chúng ta cần có những giải pháp như thế nào, thưa ông?
- Tôi đồng ý với việc để giải quyết vấn nạn hàng giả, hàng nhái không đơn giản vì những lý do trên. Chúng ta cũng không thể kỳ vọng vào một thời gian ngắn có thể làm sạch vấn nạn này, nhưng không vì thế mà chúng ta không hành động, không quyết liệt và bỏ mặc cho hàng giả, hàng nhái lộng hành. Trên cơ sở đó, tôi mong muốn, Bộ Công Thương và Tổng cục QLTT cần quyết liệt hơn nữa trong ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhất là vào những tháng cuối năm khi nhu cầu mua sắm hàng hoá đăng tăng cao, nhằm bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, để giải quyết triệt để vấn nạn hàng giả, hàng nhái, chúng ta cần hoàn thiện chính sách pháp luật về vấn đề này, có những chế tài xử phạt thật nặng những người buôn bán, kinh doanh, cũng như tiếp tay cho buôn bán kinh doanh những mặt hàng này. Từ đó, phân cấp, phân quyền cho các chính quyền địa phương để có các biện pháp ngăn chặn hàng giả, hàng nhái một cách hiệu quả hơn.
Tôi cũng cho rằng, việc vấn nạn hàng giá, hàng nhái vẫn còn “đất sống” một phần là bởi người tiêu dùng vẫn còn “dễ dãi” trong lựa chọn sản phẩm và không quyết liệt nói không đối với những mặt hàng kém chất lượng. Vì thế, bên cạnh nâng cao hiểu biết, kỹ năng lựa chọn sản phẩm cho người tiêu dùng, tổ chức các hình thức tuyên truyền, vận động để người tiêu dùng hiểu được tác hại của việc sử dụng hàng giả, hàng nhái từ đó nói không đối với hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, cũng nên tổ chức các cuộc triển lãm, giới thiệu cho người tiêu dùng cách phân biệt hàng giả, hàng nhái và đưa ra thông tin công khai địa chỉ mua sắm hàng chính hãng để người tiêu dùng có thể tìm đến mua sắm.
Cùng với đó, Bộ Công Thương và Tổng cục Quản lý thị trường cũng cần phối hợp với các cơ quan chức năng, tổ chức những đợt kiểm tra, toàn diện và có biện pháp quản lý hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trong từng lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ và ngăn chặn nguy cơ hàng giả, hàng nhái từ nước ngoài vào Việt Nam.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: https://congthuong.vn/tsle-dang-doanh-vu-triet-pha-hang-gia-tai-sai-gon-square-gop-phan-tao-co-hoi-phat-trien-cho-doanh-nghiep-225946.html
2
Đắk Nông: Phát hiện và xử phạt cửa hàng kinh doanh quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas
(CHG)Vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cơ sở kinh doanh quần áo may sẵn tại thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông về hành vi trưng bày, bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Adidas đang được bảo hộ tại Việt Nam với số tiền xử phạt là 10.000.000 đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ 119 sản phẩm quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas.
Xem chi tiết