(CHG) Trung tâm thương mại Saigon Square bày bán công khai hàng giả, nhưng Cục Quản lý thị trường TP.HCM không thể xử lý dứt điểm khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi.
Câu hỏi về trách nhiệm hay năng lực thực thi công vụ?
Thời gian gần đây, hàng loạt các cơ quan báo chí đã lên tiếng phản ánh tình trạng buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc tại Trung tâm thương mại Saigon Square- địa điểm được mệnh danh là “thiên đường mua sắm” của thành phố Hồ Chí Minh. Song một điều khá bất ngờ là dù đã phát hiện cơ sở vi phạm được xem là "điểm nóng" về buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc nhưng Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh dường như vẫn chưa thể vận dụng chế tài của pháp luật để xử lý triệt để tình trạng trên. Thay vào đó, đơn vị này sử dụng “triết lý” không quản được thì…cấm và đưa ra giải pháp có vẻ “an toàn” hơn đó là đề xuất đóng cửa.
Và rồi, đến giờ Trung tâm Saigon Square hoàn toàn không bị đóng cửa như đề xuất và vẫn mặc nhiên tồn tại, tiếp tục bày bán các sản phẩm như chưa hề có cuộc…kiểm tra, sự tồn tại của Quản lý thị trường.
Những sản phẩm túi da được cho là không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán công khai tại Trung tâm thương mại Saigon Squate. Ảnh: Thuonghieuvacongluan
Đáng chú ý, trả lời báo chí, ông Lê Hồng Hải, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 4 cho hay, tại Trung tâm thương mại Saigon Square, Lucky Plaza, chợ Bến Thành (Q.1), hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, giả nhãn hiệu...ngày càng diễn biến phức tạp. Sau khi lực lượng chức năng tuyên truyền thì 100% hộ kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng lậu. Nhưng thực tế, các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó.
Vẫn theo lời ông Hải còn cho thấy sự coi thường kỷ cương phép nước của doanh nghiệp vi phạm khi mà lực lượng Quản lý thị trường đã mời chủ đầu tư Saigon Square lên để làm rõ trách nhiệm trong việc tổ chức cho thuê kinh doanh nhưng đơn vị này vẫn chưa đến làm việc (!).
Bản báo cáo chưa trung thực?
Báo cáo tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới của Tổng cục Quản lý thị trường vào tháng 7 năm 2022, với sự tham gia của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng các Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Trần Quốc Khánh, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh báo cáo cho rằng: Đơn vị đã tập trung vào công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn; tập trung kiểm tra các khu vực, địa bàn nổi cộm, các nhóm hàng hóa trọng điểm; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm nhằm ổn định thị trường.
Trái ngược với những từ ngữ báo cáo “đẹp” ấy, trước đó chỉ 2 tháng, báo chí phản ánh tình trạng hầu như những người bán hàng ở Saigon Square đều biết những sản phẩm mà mình bán là hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhưng lại vẫn “ngang nhiên” tư vấn, bán cho khách hàng như không có sự tồn tại của các cơ quan chức năng. Việt Nam đã tham gia Công ước Bern. Là thành viên của Công ước Berne, Việt Nam đã từng bước nghiên cứu và ban hành các quy định về Sở hữu trí tuệ đáp ứng yêu cầu mà Công ước này đặt ra cho các quốc gia thành viên. Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm du lịch rất đông khách quốc tế vậy nhưng không khó khi gặp nhiều khách quốc tế du lịch là những người nước ngoài đang mua hàng tại đây. Điều này làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam trong mắt người nước ngoài.
Không hiểu với thực tế đáng buồn ấy, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh có cảm thấy xấu hổ khi thản nhiên báo cáo “đã tập trung vào công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn; tập trung kiểm tra các khu vực, địa bàn nổi cộm, các nhóm hàng hóa trọng điểm; kiên quyết xử lý…”.
Lời cam kết bị lãng quên?
Được biết, tháng 11/2021, 63 người đứng đầu các Cục Quản lý thị trường địa phương đã được triệu tập về Hà Nội trong một hội nghị vô cùng đặc biệt: không báo cáo thành tích; không bao biện, kể lể chuyện thiếu biên chế, lực lượng mỏng, địa bàn rộng; không mang điện thoại vào phòng họp mà chỉ thẳng thắn đưa ra các khuyết điểm, yếu kém và đề ra các biện pháp cụ thể để khắc phục…
Sau đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh còn yêu cầu 63 cục trưởng ký cam kết, ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu nếu có cán bộ dưới quyền vi phạm.
Vậy nhưng đến nay, Trung tâm thương mại Saigon Square có thể được coi là “điểm nóng” của việc bày bán hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc thời gian gian dài nhưng các lực lượng chức năng trong đó có Quản lý thị trường TP.Hồ Chí Minh vẫn không thể xử lý dứt điểm thì những lời cam kết phải chăng đã bị lãng quên hay chưa được thực hiện triệt để?
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, truy quét vấn nạn hàng giả, hàng nhái tại Trung tâm thương mại Saigon Square và chợ Bến Thành năm 2020. Ảnh: ANTĐ
Đến đây dư luận có quyền đặt câu hỏi về năng lực thực thi công vụ của lực lượng Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh nói chung và trách nhiệm của Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh nói riêng. Liệu có hay không việc không thể xử lý dứt điểm “điểm nóng” Saigon Square hay lực lượng Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đang có dấu hiệu buông lỏng và những con số về thành tích trong báo cáo tổng kết cũng cần phải xem lại?
Mọi thứ phải có địa chỉ, cứ người đứng đầu mà nã
Sáng ngày 16/3, trong chương trình Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã nêu bật một số vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến công tác quản lý thị trường. Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, lãnh đạo, cơ quan chức năng và công chức trực tiếp quản lý địa bàn nếu để xảy ra tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ phức tạp, nghiêm trọng kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân mà không có giải pháp khắc phục kiên quyết, hiệu quả.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhắc đến vai trò của người đứng đầu của các cơ quan đơn vị trong lĩnh vực quản lý thị trường. Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới của Tổng cục Quản lý thị trường vào tháng 7 năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp tục nhắc đến vai trò của người đứng đầu. Bộ trưởng cho rằng: “Trong quá trình xử lý đề cao tính nêu gương của tập thể lãnh đạo, người đứng đầu; xử lý nghiêm người đứng đầu nếu để tình trạng kéo dài; đối với những trường hợp sai phạm cụ thể phải kiên quyết xử lý theo nguyên tắc Đảng và pháp luật nhà nước”.
Vấn đề này, tại Hội nghị tổng kết năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của lực lượng Quản lý thị trường, Tư lệnh ngành Công Thương cũng cho rằng lực lượng Quản lý thị trường đông, hoạt động phân tán, tính độc lập cao. Lực lượng này được trao quyền rất lớn cho nên nếu không gắn với trách nhiệm tương xứng thì không ổn và ông đề nghị xây dựng quy định gắn với trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị. “Mọi thứ phải có địa chỉ, cứ người đứng đầu mà "nã". Mỗi việc chỉ do một người, một tổ chức đảm nhiệm để dễ kiểm. Phân cấp phân quyền xong thì phải phân cấp trách nhiệm”, Bộ trưởng nói.
Trách nhiệm, quyền hạn đã được phân cấp, phân quyền trong khi hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn bày bán công khai tại Trung tâm thương mại Saigon Square trong thời gian dài, vậy người đứng đầu Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh, cụ thể ở đây là Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh ra sao?
Và rồi, sai phạm tại Trung tâm thương mại Saigon Square vẫn tồn tại như “trơ gan cùng tuế nguyệt”, thách thức sự nghiêm minh của pháp luật.
Việc nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc “dẹp nạn” hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc không chỉ của riêng lĩnh vực Quản lý thị trường mà qua sự việc Trung tâm thương mại Saigon Square còn phải kể đến trách nhiệm của những người đứng đầu chính quyền, địa phương của TP. Hồ Chí Minh. Bởi liên quan đến sự việc này một cán bộ quản lý thị trường cho biết còn có nguyên nhân do khi kiểm tra thì không được sự ủng hộ chỉ đạo ra quân đồng bộ của chính quyền địa phương. Trong khi đó, Chính phủ, các Bộ ngành đang quyết liệt đẩy lùi “vấn nạn” hàng nhái, hàng giả để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quyền lợi của doanh nghiệp thì tại các địa phương có nơi tái diễn thực trạng “trên nóng, dưới lạnh”, thiếu sự phối hợp hiệu quả với Quản lý thị trường. Từ thực trạng này, dư luận không khỏi hoài nghi và đặt ra câu hỏi trách nhiệm chính quyền và người đứng đầu các địa phương? Cụ thể đối với Trung tâm Saigon Square thì liệu đây có phải là đơn vị ‘không thể đụng tới”?
Liên quan đến sự việc tại Trung tâm thương mại Saigon Square, phóng viên Báo Công Thương đã liên hệ với ông Trương Văn Ba, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh. Khi phóng viên giới thiệu là cán bộ thuộc Báo Công Thương thì ông Ba đề nghị cử cán bộ sang trực tiếp sẽ trả lời cụ thể, rõ ràng. Khi phóng viên liên hệ với đơn vị thì cán bộ Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh tiếp tục đề nghị phải gửi công văn, đặt lại nội dung để sắp xếp làm việc, trả lời.
Nguồn: https://congthuong.vn/hang-gia-ban-ngay-trung-tam-thuong-mai-saigon-square-loi-cam-ket-co-bi-lang-quen-224180.html
4
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết