(CHG) Trong năm 2022, Hải quan Việt Nam đã tham gia nhiều nhóm điều phối các chiến dịch có sự hợp tác của các nước để điều tra, chống buôn lậu, gian lận thương mại, điển hình như chiến dịch Mê Kông với sự tham gia của 6 nước đã đấu tranh chống buôn lậu và vận chuyển trái phép các chất ma tuý và động thực vật hoang dã thuộc danh mục CITES.
Lực lượng Hải quan Việt Nam đẩy mạnh hợp tác quốc tế về chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Cơ sở pháp lý cho hoạt động hợp tác quốc tế
Với Công ước quốc tế về hỗ trợ hành chính lẫn nhau nhằm ngăn ngừa và trấn áp các vi phạm Hải quan (Công ước Nairobi) và Công ước quốc tế về hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan (Công ước Johanesburge), đã thiết lập quan hệ hợp tác đa phương giữa các nước thành viên, trên cơ sở hỗ trợ hành chính trong việc trao đổi thông tin về kiểm soát Hải quan nói chung. Công ước này nhằm tạo ra cơ sở pháp lý để tăng cường hiệu quả của công tác điều tra chống buôn lậu và chống gian lận thương mại, tạo cơ sở cho công tác chia sẻ thông tin nghiệp vụ hải quan.
Bên cạnh đó, các Hiệp định về hợp tác và hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong lĩnh vực Hải quan giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước: Hàn Quốc (1995); Mông Cổ (2003); Belarus (2008); Ucraina (2010); Nga (2010); Các Thỏa thuận hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan, gồm hợp tác trao đổi thông tin, chống buôn lậu và các vi phạm hải quan: Trung Quốc (1993); Campuchia (2007), Liên hiệp Anh và Bắc Ai –len (2007), Pháp (2009), New Zealand (2010), Australia (2010); Italia (2012), Xu-đăng (2012), Ác-hen-ti-na (2012), Hồng Kông – Trung Quốc (2013), Cuba (2013), Lào (2014) đã đảm bảo tương thích với các văn kiện quốc tế khác về hỗ trợ hành chính lẫn nhau, tạo cơ sở cho các hoạt động trao đổi thông tin hải quan và hình thành các trung tâm thông tin.
Song song với đó, luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, và Luật Hải quan 2014, với nhiều quy định về hợp tác quốc tế về hải quan nói chung và về phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại nói riêng. Chẳng hạn, tại Điều 6, Luật quy định về các hoạt động hợp tác quốc tế về hải quan. Tại điều 94, trong quy định về hệ thống thông tin hải quan, Luật xác định: “Kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu với hệ thống thông tin,... của Hải quan các nước và tổ chức quốc tế theo quy định của pháp luật”. Luật cũng dành Điều 96 quy định cụ thể về hoạt động thu thập thông tin hải quan ở nước ngoài, để “xác minh các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới ...”.
Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, ngày 21/1/2015 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát và kiểm soát hải quan (Điều 101 về các biện pháp kiểm soát hải quan, từ điều 105-109) quy định về hoạt động thu thập và cung cấp thông tin hải quan, bao gồm thông tin phục vụ hoạt động chống buôn lậu và gian lận thương mại; Nghị định số 59/2018/NĐ-CP, ngày 20/4/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/2/2015 của Chính phủ, quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan. Theo đó, điểm 53 sửa đổi, bổ sung khoản 1 – Điều 106 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, ngày 21/2/2015 quy định Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc thu thập thông tin hải quan ở nước ngoài để thực hiện nghiệp vụ này.
Các đại biểu trong khối ASEN tại Hội thảo khu vực về Quy tắc xuất xứ và xác định trước xuất xứ hàng hóa. Ảnh: HQVN
Tăng cường hợp tác, nâng cao vai trò trong ASEAN
Với vai trò nước đồng sáng kiến, Hải quan Việt Nam tham gia nhóm điều phối chiến dịch OPERATION MEKONG DRAGON (Con Rồng Mê Kông), (OMD1) được thực hiện từ tháng 9/2018 với sự tham gia đầy đủ của 06 nước trong tiểu vùng, cho đến nay đã thực hiện thành công 4 chiến dịch (OMD1, OMD2, OMD3, OMD4) và 1 giai đoạn mở rộng. Với những kết quả đáng ghi nhận từ Chiến dịch tiểu khu vực, từ chiến dịch 2, phạm vi của chiến dịch đã được mở rộng ở mức độ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm đấu tranh chống buôn lậu và vận chuyển trái phép các chất ma tuý, động thực vật hoang dã thuộc danh mục CITES.
Kết quả, tổng số vụ bắt giữ qua 4 chiến dịch được các thành viên báo cáo, gồm 4 giai đoạn chính và 1 giai đoạn mở rộng là 2.249 vụ ma túy và động thực vật hoang dã CITES, tang vật thu được 84.086,64 kg ma túy, 2 triệu viên ma túy các loại, hơn 150 tấn gỗ và hơn 1500 sản phẩm từ động thực vật hoang dã.
Trong đó, hỗ trợ công tác điều tra phá án trong chuyên án mang bí số M918 bắt giữ hơn 500 kg Ketamine tại TP Hồ Chí Minh và bắt giữ 4 đối tượng có quốc tịch Đài Loan và Trung Quốc có liên quan; trao đổi thông tin cho lực lượng chức năng Philippines bắt giữ 276 kg ma túy đá với cùng phương thức cất giấu trong các gói trà.
Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa lực lượng chống buôn lậu của Hải quan Việt Nam với hải quan các nước, trên thực tế vẫn còn nhiều hạn chế từ khuôn khổ pháp lý cho đến thực tiễn triển khai. Hình thức hợp tác chủ yếu vẫn là hỗ trợ hành chính, nên tạo ra những khó khăn không nhỏ trong triển khai các hoạt động nghiệp vụ điều tra, xác minh, cũng như hạn chế giá trị pháp lý cho hoạt động thu thập thông tin, tài liệu phục vụ cho đấu tranh chống buôn lậu. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới công tác đấu tranh chống buôn lậu chưa đạt được hiệu quả cao nhất. Do vậy, một trong những giải pháp là hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại trong quản lý nhà nước về hải quan.
Từ ngày 14 đến ngày 18/11/2022, tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Giám sát quản lý về Hải quan – Tổng cục Hải quan Việt Nam phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và Quỹ hội nhập ASEAN - Nhật bản (JAIF) đã tổ chức thành công Hội thảo khu vực về Quy tắc xuất xứ và xác định trước xuất xứ hàng hóa tại TP.HCM.
Với sự tham dự đông đủ của hơn 30 cán bộ là đại diện hải quan các nước thành viên ASEAN, chuyên gia từ Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), Hải quan Nhật Bản cũng như các chuyên gia về xuất xứ hàng hóa trong khu vực, Ban thư ký ASEAN, Hội thảo đã đánh dấu một khoảng thời gian đã rất lâu, từ 2014 đến nay, ASEAN mới lại có một Hội thảo khu vực về vấn đề xuất xứ hàng hóa.
Trên thực tế, Hội thảo đã được Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN thông qua từ năm 2020, tuy nhiên do đại dịch Covid-19 nên không thể diễn ra theo đúng thời gian dự kiến. Đây là một trong những hội thảo khu vực đầu tiên được tổ chức không theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, do đặc tính kỹ thuật nghiệp vụ của các vấn đề liên quan đến xuất xứ, các nước ASEAN thống nhất hội thảo trong lĩnh vực này, cần tổ chức trực tiếp để có thể trao đổi, nắm bắt nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Trong thời gian 5 ngày làm việc, hội thảo tập trung vào nội dung về xuất xứ của tất cả các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà ASEAN đã ký với các nước đối tác như ASEAN – Trung Quốc, ASEAN – Nhật Bản, ASEAN – Hàn Quốc, ASEAN – Úc, Newzeland…, có sự so sánh giữa các FTA cũng như đặt ra, thảo luận các tình huống cụ thể về các vấn đề như quy định về vận tải trực tiếp, hóa đơn bên thứ ba, C/O cấp sau.
Đại diện mỗi nước ASEAN cũng có bài trình bày Báo cáo quốc gia về quy định nội luật liên quan đến cơ cấu tổ chức triển khai thực hiện công tác quản lý xuất xứ hàng hóa, thủ tục hải quan về xuất xứ, xác định trước xuất xứ, các vướng mắc gặp phải và giải pháp tương ứng.
Chuyên gia từ Tổ chức Hải quan thế giới WCO, Nhật Bản và chuyên gia khu vực cũng đưa ra các khuyến nghị hữu ích cho các nước ASEAN và kinh nghiệm của mình về các lĩnh vực cụ thể như: Làm thế nào để tăng cường hơn nữa việc áp dụng các quyết định trước về xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu, cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho nhà nhập khẩu/xuất khẩu/nhà sản xuất; làm thế nào để tận dụng tốt hơn nữa hiệu quả của các FTA thông qua quy tắc xuất xứ hàng hóa, khuyến nghị chuyển dần từ kiểm tra xuất xứ tại 1 khâu, sang kiểm tra xuất xứ tổng thể tại nhiều khâu trong quy trình làm thủ tục Hải quan.
Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích tăng cường năng lực thực thi cho các cán bộ hải quan trong khu vực, xây dựng mạng lưới trao đổi thông tin để xác minh C/O, khuyến khích các nước thành viên ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực xuất xứ hàng hóa, đặc biệt trong bối cảnh các nước hướng tới áp dụng rộng rãi cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, chứng từ chứng nhận xuất xứ điện tử…
Với việc chủ trì tổ chức thành công tốt đẹp Hội thảo này, vị thế của Hải quan Việt Nam đã thêm một lần nữa được khẳng định trong mắt của các bạn Hải quan đồng nghiệp trong khu vực cũng như trên thế giới.
(Còn tiếp)
6
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết