Liên quan đến vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, theo Cơ quan CSĐT Bộ Công an, Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn tài chính Kế toán và Kiểm toán Nam Việt (viết tắt là Công ty Kiểm toán Nam Việt) chi nhánh phía Bắc, có địa chỉ tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, do Bùi Thị Ngọc Lân là Giám đốc đã làm sai lệch kết quả kiểm toán tạo điều kiện để Tân Hoàng Minh “hô biến” những hồ sơ tài chính bết bát của các công ty con thành báo cáo tài chính đẹp đẽ nhằm phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, thay vì làm việc với Ban Giám đốc, Ban Quản trị Công ty Ngôi Sao Việt và Công ty Soleil theo đúng chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam, Bùi Thị Ngọc Lân lại trực tiếp thống nhất, thỏa thuận với Phùng Thế Tính, Phó Giám đốc Trung tâm Tài chính kế toán, kiêm Kế toán trưởng của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, kiêm Kế toán trưởng Công ty CP Đầu tư và Du lịch Khách sạn Soleil để ký hợp đồng kiểm toán.
Ngày 8/6/2021, Công ty Kiểm toán Nam Việt chi nhánh phía Bắc ký 2 hợp đồng kiểm toán số 7.11 và 7.12/2021/HĐKT/AASCN.PB với Công ty Ngôi Sao Việt và Công ty Soleil trị giá mỗi hợp đồng là 121 triệu đồng (đã bao gồm VAT) với nội dung kiểm toán Báo cáo tài chính riêng và Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 của Công ty Ngôi Sao Việt và Công ty Soleil.
Bùi Thị Ngọc Lân giao Trần Thị Linh, Kiểm toán viên trưởng nhóm kiểm toán Công ty Ngôi Sao Việt và Nguyễn Thị Nguyên Nhung, Kiểm toán viên Trưởng nhóm kiểm toán Công ty Soleil, cùng các trợ lý kiểm toán thực hiện nhiệm vụ.
Theo thỏa thuận, đề nghị của Phùng Thế Tính, Bùi Thị Ngọc Lân với vai trò phụ trách tổng thể 2 cuộc kiểm toán đã thực hiện không đầy đủ các quy định của Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, nhiều khoản mục chủ chốt chưa thực hiện kiểm tra hoặc thiếu bằng chứng kiểm toán nhưng vẫn đưa ra kết luận như: Khi tiếp cận hồ sơ pháp lý, hồ sơ kế toán của Công ty Ngôi Sao Việt và Công ty Soleil cho đến khi phát hành báo cáo kiểm toán độc lập đã không trao đổi, làm việc với Ban Giám đốc, Ban Quản trị các công ty để tìm hiểu về tình hình quản trị, hoạt động kinh doanh, chấp nhận khách hàng, các vấn đề về nội dung, kết quả kiểm toán.
Đối với hạng mục đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn (D200) không kiểm tra, soát xét đối chiếu với các tài liệu gốc trong việc tăng giảm các khoản đầu tư, mà chỉ căn cứ vào là các hợp đồng chuyển nhượng bản photocopy đề ngày 30/12/2020 giữa Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Soleil với các nhân viên Tân Hoàng Minh để xác định đến thời điểm 31/12/2020 các công ty này không có công ty con và công ty liên kết, nhằm né tránh việc phải kiểm toán báo cáo tài chính hợp nhất.
Đồng thời, thông qua các hợp đồng này để ghi nhận “khống” doanh thu từ hoạt động tài chính trên kết quả kinh doanh năm 2020 cho các công ty; gồm: Công ty Ngôi Sao Việt 80 tỷ đồng, đối với khoản chuyển nhượng vốn góp tại Công ty Mạnh Loan cho Lê Mạnh Dũng (vốn góp ban đầu 1.180 tỷ đồng, giá chuyển nhượng 1.260 tỷ đồng) và Công ty Soleil 391 tỷ đồng, đối với khoản chuyển nhượng vốn góp tại Công ty Bắc Hà cho Lê Mạnh Dũng (vốn góp ban đầu 700 tỷ đồng, giá chuyển nhượng 1.091 tỷ đồng).
Hạng mục phải thu nội bộ và phải thu khác ngắn hạn, dài hạn đối với 2 khoản uỷ thác đầu tư cho Nguyễn Đức Tính (1.492 tỷ đồng) và Lê Hồng Trang (894 tỷ đồng) là các nhân viên Tân Hoàng Minh không có cơ sở để ghi nhận khoản lãi 10,45%/năm, tương đương 715 tỷ đồng, nhưng vẫn chấp nhận bút toán ghi nhận doanh thu “khống” từ hoạt động tài chính cho Công ty Ngôi Sao Việt.
Việc điều chỉnh các bút toán nêu trên đã “làm đẹp” tình hình hoạt động tài chính, sản xuất kinh doanh của Công ty Ngôi Sao Việt và Công ty Soleil, thể hiện trong năm 2020 các công ty này làm ăn có lãi.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ năm 2020 sau khi kiểm toán của Công ty Ngôi Sao Việt thể hiện Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh bị âm 464.302.018.888 đồng. Tại Bảng cân đối kế toán năm 2020 sau khi kiểm toán của Công ty Soleil thể hiện Tài sản ngắn hạn là 1.455.073.993.933 đồng, nhỏ hơn nợ ngắn hạn là 1.722.677.805.082 đồng, đây là các dấu hiệu nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của hai công ty, nhưng không làm việc với Ban Giám đốc, Ban Quản trị các công ty về nội dung trên, không yêu cầu có phương án nhằm đảm bảo khả năng hoạt động liên tục và cũng không nêu ý kiến trên tại Báo cáo kiểm toán độc lập.
Ngày 23/6/2021 và 24/6/2021, Bùi Thị Ngọc Lân, đại diện Công ty Kiểm toán Nam Việt chi nhánh phía Bắc ký phát hành Báo cáo kiểm toán độc lập số 216/2021/BCKT/AASCN.PB và số 219/2021/BCKT/AASCN.PB đối với Báo cáo tài chính tại thời điểm 31/12/2020 của Công ty Soleil và Công ty Ngôi Sao Việt, với ý kiến dạng chấp nhận toàn phần.
Theo đánh giá của Cơ quan CSĐT và Bộ Tài Chính, ý kiến kiểm toán dạng chấp nhận toàn phần đối với báo cáo tài chính năm 2020 của Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Soleil là không phù hợp theo yêu cầu của Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam do kiểm toán viên chưa thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán. Kiểm toán viên vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam trong việc cung cấp dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính.
Tại cơ quan CSĐT, Bộ Công an, Bùi Thị Ngọc Lân cũng thừa nhận quá trình thực hiện kiểm toán, Lân và nhóm kiểm toán đã không tiến hành kiểm tra một số hạng mục quan trọng, chưa thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán, không tiến hành đối chiếu tài liệu gốc nhưng vẫn ký phát hành báo cáo kiểm toán độc lập số 216/2021/BCKT/AASCN.PB và số 219/2021/BCKT/AASCN.PB ngày 24/6/2021 với ý kiến dạng chấp nhận toàn phần với báo cáo tài chính tại thời điểm 31/12/2020 của Công ty Soleil và Công ty Ngôi Sao Việt trái với chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam. Cùng với Đỗ Anh Dũng, Đỗ Hoàng Việt, Bùi Thị Ngọc Lân cũng bị Cơ quan CSĐT, Bộ Công an đề nghị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Nguồn: Báo Công An Nhân Dân
(CHG) Đội Quản lý thị trường số 6 tỉnh Khánh Hòa cho biết, vừa phát hiện 10 cơ sở vi phạm về buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Crocs được bảo hộ tại Việt Nam, Đội đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt trên 140 triệu đồng; đồng thời buộc tiêu hủy trên 700 đơn vị sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Crocs với tổng giá trị hàng hóa tiêu hủy trên 100 triệu đồng.
Xem chi tiết(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết(CHG) - Trong 9 tháng đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) tỉnh Gia Lai đã quyết liệt thực hiện có hiệu quả các kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Xem chi tiết(CHG) – Lực lượng chức năng kịp thời phát hiện và ngăn chặn xe tải vận chuyển 1.563 chiếc áo, váy và áo vest có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu thương hiệu thời trang Zara, Mango đang trên đường đi tiêu thụ.
Xem chi tiết(CHG) Vừa qua, Cục Quản lý thị trường TP Cần Thơ ban hành Kế hoạch số 18/KH-QLTTCT về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu, thuốc lá giả…
Xem chi tiết