(CHG) Thị trường Hà Nội suốt thời gian dài bị bủa vây bởi hàng hóa “nhiều không” và được bày bán công khai. Đây là thực trạng đến nay vẫn tồn tại và chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu.
Đa dạng hàng không nguồn gốc, xuất xứ
Nền kinh tế số, mô hình bán hàng đa kênh đã góp phần tạo nên một thị trường kinh tế rộng lớn, phong phú và đôi khi có những biến động ngoài dự đoán. Lợi dụng kênh bán hàng đa kênh, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng không hóa đơn hợp pháp… đã được nhiều thương nhân đưa vào thị trường để tiêu thụ, nhằm kiếm lợi bất chính từ việc tiêu thụ hàng hóa “nhiều không”...
Sở Công Thương Hà Nội. (Ảnh nguồn: Internet)
Trước kia, hàng rởm, hàng nhái đa phần là thực phẩm, bánh kẹo, rau quả, quần áo, giầy dép, mỹ phẩm... nhưng hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, cùng với nhu cầu của thị trường và tâm lý thích sính ngoại của người tiêu dùng, cộng thêm việc người tiêu dùng thích hàng giảm giá, nhiều cửa hàng đã lợi dụng chiêu khuyến mãi để bán hàng giả, hàng nhái…
Có thể thấy ngay cả các mặt hàng đắt tiền như điện thoại, máy tính, linh kiện máy tính… không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không hóa đơn hợp pháp, dưới vỏ bọc là hàng xách tay được nhiều thương nhân bày bán công khai trên các sàn thương mại điện tử và tại các shop có địa chỉ kinh doanh rõ ràng.
Khảo sát ba tuyến phố lớn tại Hà Nội là phố Xuân Thủy; Cầu Giấy và Mai Dịch… nhóm khảo sát thu được kết quả khá bất ngờ về hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng không hóa đơn hợp pháp như mũ bảo hiểm, ốp điện thoại… hoặc cao cấp hơn là điện thoại, máy tính, linh kiện máy tính… được bày bán công khai tại nhiều cửa hàng trên những tuyến phố này. Không chỉ bày bán công khai, sự kết hợp bán hàng online cũng ngập tràn hàng không nguồn gốc, xuất xứ, không hóa đơn hợp pháp…
Phiếu bảo hành đơn giản của Công ty Cổ phần tin học 3000Laptop cấp cho anh L.
Như trường hợp anh L. ở Cầu Giấy đã phản ánh tới Tạp chí Điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại (CHG). Anh L. cho biết, mình có đặt mua qua điện thoại 01 bộ sạc máy tính laptop hiệu Lenovo của Công ty Cổ phần tin học 3000Laptop, có địa chỉ tại đường Cầu Giấy, Hà Nội với giá 350.000 đồng. Tuy nhiên, khi nhận hàng, anh L. chỉ nhận được sạc máy tính, không có hóa đơn theo quy định pháp luật, không phiếu bảo hành của hãng máy tính Lenovo, hoặc dán tem nhãn của hãng… Theo anh L., trước khi mua hàng, anh đã liên hệ với đơn vị bán hàng và được khẳng định là hàng chính hãng, không phải hàng nhập lậu…
Giao diện của Hùng Mobile.
Khảo sát tại cơ sở Hùng Mobile tại địa chỉ đường Cầu Giấy. Trong quá trình khảo sát, nhóm thu được kết quả khảo sát cho thấy doanh nghiệp này bán hàng ra không hề xuất bất cứ hóa đơn VAT nào, dù các mặt hàng đươc bán ra có giá trị tới vài triệu đồng… để giải thích cho việc không xuất hóa đơn, nhân viên bán hàng cho rằng đây là hàng xách tay, hoặc hàng đã mở seal fullbox và chỉ được bảo hành tại hệ thống cửa hàng của Hùng Mobile…
Khảo sát việc mua điện thoại không xuất hóa đơn tại một thương hiệu ở phố Thái Hà (Hà Nội).
Ngậm trái đắng vì mua phải hàng "nhái"
Gần đây nhất là trường hợp chị T. mua điện thoại iPhone 12 mới nguyên đai, nguyên kiện ở Cửa hàng XT Mobile, có địa chỉ tại số 209 Hồ Tùng Mậu. Nhưng khi mang về sử dụng chị T. đã phải nhận "trái đắng", hàng loạt các lỗi hỏng lần lượt xuất hiện gồm: Máy mới nhưng đã bị hở keo màn hình, camera rung giật và thậm chí liên tục phát ra âm thanh như thiết bị đang bị chập cháy bên trong, tắt máy mà âm thanh vẫn phát ra đầy khó hiểu. Chị T. có gọi điện phản ánh nhiều lần nhưng đều được trả lời là chờ đợi để sắp lịch, phải đợi lâu cửa hàng mới giải quyết.…
Theo nhiều người mua hàng tại hệ thống XT Mobile, điểm chung dễ nhận thấy khi mua điện thoại tại XT Mobile là giá rẻ so với thị trường, không có hoá đơn đỏ khi bán hàng và nhiều chiếc điện thoại Iphone được bán ra không thể tra được mã Imei trên hệ thống website của hãng Apple.
XT Mobile Thái Hà (ảnh, nguồn:Internet)
Cũng liên quan đến 2 hệ thống cửa hàng “XT Mobile” và “Điện thoại mới”, thời gian gần đây hệ thống XT Mobile tại TP. HCM cũng liên tục gửi đơn đến cơ quan chức năng tố cáo việc XT Mobile Hà Nội giả mạo thương hiệu của đơn vị này.
Trước việc bị tố giả mạo thương hiệu và liên tục bị người tiêu dùng “bóc phốt”, trong thời gian ngắn XT Mobile đã liên tiếp đổi tên thành “XT mobi” và “XT phone” để tiếp tục hoạt động.
Liên quan đến vấn đề này, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội đã tiếp nhận thông tin phản ánh và chỉ đạo kiểm tra xác minh, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. (1)
Theo quy định tại Điều 18 Thông tư 39/2014/TT-BTC về việc bán hàng hóa, dịch vụ không bắt buộc phải xuất hóa đơn, bao gồm: Tất cả các giao dịch bán hàng hóa, dịch vụ có giá trị thanh toán dưới 200.000 VNĐ thì bên bán không nhất thiết phải lập hóa đơn (trừ trường hợp bên mua yêu cầu bên bán xuất hóa đơn). Đối chiếu vào Thông tư 39, như vậy với sản phẩm xạc máy tính laptop mà anh L. mua có giá trị thanh toán là 350.000 đồng, Công ty Cổ phần tin học 3000Laptop phải xuất hóa đơn thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đơn vị này đã không xuất hóa đơn cho người mua hàng, đã đủ dấu hiệu của việc gian lận thuế?
Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp, Giám đốc Công ty Luật HPVN.
Theo Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp, Giám đốc Công ty Luật HPVN cho biết, các hành vi gian lận thuế VAT rất đa dạng, được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, đối với trường hợp các doanh nghiệp thực hiện để gian lận thuế VAT là giảm thuế đầu ra.
Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp cho rằng, việc khai thiếu thuế đầu ra là một trong những hành vi sai phạm phổ biến. Để thực hiện điều này các doanh nghiệp sẽ bán hàng nhưng không xuất hóa đơn, mục đích là giấu doanh thu đầu ra để tránh nộp thuế, thậm chí là chiếm đoạt thuế. (2)
Sản phẩm đèn bắt muỗi của một cơ sở ở Hà Nội bán ra toàn bộ phần hướng dẫn là chữ nước ngoài, nghi hàng nhập lậu.
ThS Trần Thanh Thảo (Đại học Luật TP. HCM) phân tích: Hành vi khách quan của tội trốn thuế là hành vi không thực hiện đúng nghĩa vụ bắt buộc mà pháp luật quy định về việc đóng thuế. Thông thường, người phạm tội sử dụng thủ đoạn gian dối để không phải nộp tiền thuế hoặc để nộp tiền thuế ít hơn mức thuế phải nộp bằng cách thực hiện các hành vi theo quy định của Điều 108 Luật Quản lý thuế. Đó là không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp; hay không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán. Đó còn là sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp... (3)
Hành vi gian lận thuế được thực hiện dưới bất cứ hình thức nào, nó đều gây ra những tổn hại nhất định tới ngân sách nhà nước, tạo áp lực lớn cho các cơ quan quản lý, khiến môi trường doanh nghiệp cạnh tranh trở nên không lành mạnh, gián tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.
(Còn nữa)
----------------------
1: https://laodong.vn/xa-hoi/om-cuc-no-vi-ham-dien-thoai-iphone-gia-re-1175320.ldo
2: https://diendandoanhnghiep.vn/gian-lan-thue-gtgt-bai-1-nhan-dien-thu-doan-kiem-loi-bat-chinh-226712.html
3: https://plo.vn/tu-vu-luat-su-tran-vu-hai-mo-xe-toi-tron-thue-post532148.html
62
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết