(CHG) Trong năm 2022, nhiều vụ buôn lậu hạt điều đã được các cơ quan chức năng xử lý, thậmchí có vụ việc khởi tố vụ án hình sự. Để xử lý nghiêm đối với việc buôn lậu và gian lận thương mại đối với mặt hàng này , Tổng cục Hải quan đã có văn bản gửi Cục Điều tra chống buôn lậu và một số Cục Hải quan tỉnh, thành phố đôn đốc thực hiện chuyên đề đối với hoạt động buôn lậu hạt điều.
Hạt điều là sản phẩm được sử dụng nhiều trong những ngày Tết.
Gian lận thương mại trong buôn lậu hạt điều
Những ngày giáp Tết là thời điểm những sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm được nhiều người lựa chọn, trong đó hạt điều dường như là mặt hàng không thể thiếu trên bàn khách mỗi nhà. Sức tiêu thụ hạt điều trên thị trường cũng là nguyên nhân làm cho tình trạng buôn lậu hạt điều ngày càng diễn biến phức tạp, và có chiều hướng gia tăng tại một số tỉnh như TPHCM, Bình Phước, Bình Dương, Bình Định, Đồng Nai, Đắc Lắc, Gia Lai, Khánh Hòa, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lào Cai, Nghệ An.
Cũng đã có nhiều vụ buôn bán hạt điều bị cơ quan chức năng xử phạt vì hành vi buôn lậu. Điển hình nhất là tai Bình Phước – là địa phương có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh hạt điều. Được biết, trong năm 2022 Cục Hải quan Bình Phước đã ban hành 3 quyết định khởi tố vụ án buôn lậu hạt điều với tổng lượng điều thô lên tới gần 19.000 tấn, tương ứng trị giá trên 550 tỷ đồng.
Những vụ việc có vi phạm lớn như: Cục Hải quan Bình Phước đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Buôn lậu” xảy ra tại Công ty TNHH MTV SXTM Tuấn Thịnh (thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước).
Được biết, từ ngày 23/01/2017 đến tháng 7/2022, Công ty Tuấn Thịnh mở 33 tờ khai nhập khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu (E31) với tổng trọng lượng điều thô là 3.611 tấn, tương đương trị giá tính thuế là trên 166 tỷ đồng. Cũng trong thời gian này, công ty mở 2 tờ khai xuất khẩu điều nhân với tổng khối lượng 53 tấn. Theo hồ sơ hải quan, lượng nguyên liệu điều thô chưa bóc vỏ thuộc các tờ khai nhập khẩu loại hình E31 còn tồn là 2.828 tấn.
Cơ quan chức năng đã kiểm tra tình hình sử dụng, tồn kho nguyên liệu, vật tư máy móc, thiết bị và hàng hóa xuất khẩu tại trụ sở Công ty Tuấn Thịnh. Làm việc với lực lượng chức năng, đại diện công ty xác nhận 2.828 tấn nguyên liệu thô không còn tồn kho theo khai báo hải quan. Tính theo đơn giá bình quân, khối lượng hàng này tương đương trị giá là 130 tỷ đồng, số tiền thuế nhập khẩu tương ứng là 6,5 tỷ đồng.
Ông Đặng Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Tuấn Thịnh khai nhận, công ty đã trực tiếp bán sản phẩm nhân hạt điều làm từ 2.828 tấn điều thô đã nhập khẩu tại 33 tờ khai theo loại hình E31 cho 2 khách hàng. Trong đó, một doanh nghiệp ở Bình Phước đã ký 24 hợp đồng mua bán nhân hạt điều với tổng trọng lượng gần 558 tấn, trị giá 72,2 tỷ đồng. Một doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh ký 1 hợp đồng mua 7,5 tấn nhân hạt điều, trị giá 1,08 tỷ đồng.
Làm việc với cơ quan chức năng, cả 2 doanh nghiệp này đều xác nhận có mua bán điều nhân với Công ty Tuấn Thịnh. Công ty Tuấn Thịnh đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đối với 2.828 tấn hạt điều thô. Như vậy, hành vi của Công ty Tuấn Thịnh đã xâm phạm đến hoạt động quản lý kinh tế Nhà nước về xuất khẩu, nhập khẩu, có dấu hiệu của tội phạm buôn lậu quy định tại khoản 4, Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Lợi dụng những sơ hở của chính sách ưu đãi thuế GTGT, nhiều doanh nghiệp đã tìm cách trục lợi. Cụ thể, doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu theo loại hình E31, sau đó chỉ sản xuất một phần nhỏ nguyên liệu để xuất khẩu nhằm che mắt cơ quan quản lý, lượng lớn nguyên liệu còn lại được chế biến để tiêu thụ nội địa. Đây là thủ đoạn không mới, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn tìm cách lợi dụng gây ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh cũng như thất thu cho ngân sách Nhà nước.
Cục Hải quan Bình Phước cũng đã phát hiện lượng điều thô tồn kho thực tế tại Công ty Phúc An thiếu 13.285 tấn, tương đương trị giá 555 tỷ đồng, tính theo đơn giá bình quân của nguyên liệu hạt điều thô nhập khẩu các năm 2016, 2017 và 2018. Số tiền thuế nhập khẩu tạm tính theo phương pháp bình quân tương ứng là 27,8 tỷ đồng.
Nhận thấy có dấu hiệu buôn lậu, Công an tỉnh Bình Phước, Viện kiểm sát nhân dân và Cục Hải quan tỉnh đã tiến hành điều tra, xác minh vụ việc. Kết quả cho thấy, từ năm 2013 đến năm 2018, Công ty Phúc An mở 121 tờ khai nhập khẩu điều thô theo loại nhập nguyên liệu sản xuất xuất khẩu với khối lượng 26.174 tấn, trị giá tính thuế là gần 1.116 tỷ đồng.
Sau đó, công ty đăng ký 17 tờ khai nhập khẩu, khai bổ sung chênh lệnh giảm với số lượng là 226.749kg hạt điều thô nguyên liệu. Tính đến ngày 11/12/2018, số lượng hạt điều thô nguyên liệu công ty nhập khẩu là 25.892 tấn.
Trong số điều thô đã nhập khẩu này, công ty mới chỉ mở 1 tờ khai chuyển tiêu thụ nội địa mã loại hình A42 với số lượng hạt điều thô nguyên liệu là 55.451kg và mở 149 tờ khai xuất khẩu mã loại hình E62 với số lượng 2.343 tấn điều nhân thành phẩm, tương đương 11.717 tấn điều thô nguyên liệu được đưa vào sản xuất và tái nhập khẩu hàng hóa xuất khẩu bị trả lại theo mã loại hình A31 với số lượng 11 tấn điều nhân thành phẩm, tương đương 55 tấn điều thô nguyên liệu.
Như vậy, số lượng hạt điều nhân thành phẩm mà Công ty Phúc An đã xuất khẩu là 2.332 tấn tương đương 11.662 tấn hạt điều thô nguyên liệu theo định mức đã khai báo, số lượng hạt điều thô nguyên liệu còn chưa sản xuất là 14.230 tấn.
Cuối tháng 12/2018, lượng điều thô còn tồn thực tế tại kho của Công ty Phúc An chỉ vọn vẹn 160 tấn điều nhân thành phẩm, tương đương 798,8 tấn điều thô nguyên liệu. Như vậy, số điều thô chênh lệch tồn kho thực tế thiếu so với khai báo là 13.285 tấn, trị giá 555 tỷ đồng và số thuế tạm tính là gần 27,8 tỷ đồng.
Cục Hải quan Bình Phước đã quyết định khởi tố vụ án buôn lậu hạt điều xảy ta tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phúc An.
Cần xử lý nghiêm buôn lậu và gian lận thương mại về sản xuất, kinh doanh hạt điều.
Tăng cường, kiểm tra và xử lý nghiêm buôn lậu hạt điều
Theo Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) những tháng đầu năm 2022, lượng hạt điều nguyên liệu nhập khẩu tăng đột biến, bất thường, từ thị trường Campuchia. Chỉ trong mấy tháng đầu năm những lượng nhập khẩu lên đến cả triệu tấn vượt xa kết quả nhập khẩu cả năm của nhiều năm trước đó và cả năng lực sản xuất hạt điều của Campuchia.
Liên quan đến chuyên đề kiểm tra vi phạm đối với hạt điều nhập khẩu, sơ bộ đến hết năm 2022 cơ quan Hải quan đã khởi tố 8 vụ. Trong đó, Cục Kiểm tra sau thông quan 1 vụ, Cục Điều tra chống buôn lậu 2 vụ, Cục Hải quan Bình Phước 5 vụ. Quan trọng hơn, qua chuyên đề này đã giúp bảo vệ thương hiệu của ngành hàng nông sản xuất khẩu quan trọng và uy tín, bảo vệ vị thế xuất khẩu điều hàng đầu thế giới của Việt Nam.
Xác định các hành vi gian lận trong nhập khẩu hạt điều sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp làm ăn chân chính, uy tín, thương hiệu của hàng hóa Việt Nam và gây thất thu ngân sách, Cục Kiểm tra sau thông quan đã tập trung nguồn lực, quyết liệt triển khai chuyên đề kiểm tra nhằm làm rõ những nghi vấn, những dấu hiệu bất thường về hoạt động xuất nhập khẩu hạt điều.
Quá trình đơn vị tiến hành kiểm tra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 một số tỉnh, thành phía Nam, trong đó có tỉnh Bình Phước, bắt đầu thực hiện chủ trương giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến công tác thu thập thông tin, xác minh, làm việc với doanh nghiệp. Dù vậy, với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm khắc phục khó khăn, Cục đã khẩn trương tranh thủ thời gian để đảm bảo thực hiện kiểm tra theo kế hoạch, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Kết quả kiểm tra, Cục đã ấn định thuế, xử phạt vi phạm hành chính đối với 16 doanh nghiệp với số tiền là 9,79 tỷ đồng, tiến hành khởi tố 1 vụ việc (như đề cập ở trên) và chuyển 4 vụ việc tới Công an tỉnh Bình Phước xem xét khởi tố.
Ngoài ra, Cục Kiểm tra sau thông quan đã báo cáo lãnh đạo Tổng cục Hải quan giao một số cục hải quan địa phương tiến hành kiểm tra sau thông quan đối với 34 doanh nghiệp. Đồng thời, chuyển danh sách 280 doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro để các Cục Hải quan địa phương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch kiểm tra theo quy định.
Căn cứ báo cáo kết quả triển khai của các cục hải quan địa phương đối với chuyên đề hạt điều nhập khẩu theo loại hình nhập sản xuất xuất khẩu, Tổng cục Hải quan yêu cầu các hải quan địa phương thực hiện các nhiệm vụ: Rà soát các hồ sơ đã thực hiện kiểm tra sau thông quan, xác minh, điều tra mặt hàng hạt điều nhập khẩu theo loại hình nhập sản xuất xuất khẩu để lưu trữ theo quy định.
Đáng chú ý, Tổng cục Hải quan yêu cầu trường hợp có nghi vấn sai phạm phải xử lý triệt để hoặc trao đổi với cơ quan điều tra. Rà soát tổng hợp đánh giá các hành vi vi phạm của các doanh nghiệp nhập khẩu hạt điều theo loại hình nhập kinh doanh để mở rộng kiểm tra, xử lý theo quy định.
0
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết