(CHG) Thực trạng quảng cáo thương hiệu CellphoneS không phép hiện nay tại nhiều tuyến phố, ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, mang đậm "dấu ấn" văn hóa kinh doanh "đu cây", "bám cột"… làm cho hình ảnh đô thị thêm phần nhếch nhác. Không biết đến khi nào, những cách quảng cáo "rác" theo kiểu thương hiệu CellphoneS mới được triệt xóa?
"Đu cây", "bám cột" có thể là trốn thuế?
Khảo sát trong một thời gian ngắn ở nhiều đô thị lớn, nhóm khảo sát ghi nhận có sự gian lận không nhỏ về quảng cáo ngoài trời. Những quảng cáo ngoài trời này có thể gây thất thu ngân sách và trốn thuế… Điển hình là sự xuất hiện rất nhiều quảng cáo "rác" không phép thương hiệu CellphoneS. Đặc điểm chung của những loại hình quảng cáo không phép này là kiểu kinh doanh theo dạng "đu cây", "bám cột"…
Quảng cáo "bám cột'" thương hiệu CellphoneS trên đường Trần Não, TP. Thủ Đức (chân cầu Bình Triệu). Ảnh: Nguyễn Long
Trong quá trình khảo sát, chúng tôi đã ghi nhận trên nhiều tuyến phố của TP. HCM xuất hiện nhiều quảng cáo "rác" không phép thương hiệu CellphoneS. Doanh nghiệp này đã tận dụng mọi địa điểm, mọi khoảng không để quảng cáo sản phẩm đang kinh doanh như: Treo băng - rôn bám vào nhiều trụ điện, thậm chí còn treo vắt ngang tại nhiều điểm cây xanh…
Không chỉ ở TP. HCM, khi di chuyển tới tỉnh Bình Dương và Đồng Nai… những quảng cáo "đu cây", "bám cột" thương hiệu CellphoneS xuất hiện trên nhiều tuyến phố… mặc dù những quảng cáo không phép được treo công khai, bám chắc vào trụ điện và cây xanh đô thị… nhưng các cơ quan chức năng chưa xử lý, khiến bộ mặt ở những đô thị này thêm nhếch nhác…
Quảng cáo "bám cột" thương hiệu CellphoneS trên đường Hồ Thị Hương, TP. Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Nguyễn Long
Những tưởng quảng cáo không phép thương hiệu CellphoneS chỉ "đu cây", "bám cột" ở những địa phương phía Nam, nhưng ngay tại Thủ đô Hà Nội, bản lĩnh "đu cây" để quảng cáo thương hiệu CellphoneS cũng được khẳng định. Thể hiện khá rõ nét là tại nhiều tuyến phố và công viên trung tâm ở Thủ đô gồm: Đường Nguyễn Phong Sắc, Công viên cây xanh đối diện Cung Trí thức thành phố, đường Huỳnh Thúc Kháng, đường Thái Hà, đường Nguyễn Chí Thanh… có sự xuất hiện của nhiều băng - rôn quảng cáo thương hiệu CellphoneS đu chắc vào nhiều cây xanh đô thị.
Quảng cáo "đu cây" thương hiệu CellphoneS trên đường Nguyễn Phong Sắc. Ảnh: Nguyễn Long
Từ những ví dụ điển hình trên có thế thấy, quảng cáo thương hiệu CellphoneS "đu bám" khá chắc chắn vào cây xanh cũng như bám dính vào trụ điện… Những quảng cáo thương hiệu CellphoneS dạng "đu cây", "bám cột" này bị công luận, báo chí lên án khá mạnh mẽ. Vậy nhưng những loại quảng cáo này vẫn ngang nhiên "đu cây" và bám đủ số ngày theo quy định trong Luật Quảng cáo? Phải chăng, đang có sự bàng quan trước vấn nạn "rác" quảng cáo ở đô thị?
Sau khi bài viết “Dấu hiệu CellphoneS gian lận và quảng cáo chui?” đăng tải, Tạp chí Điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại (CHG) đã nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc tâm đắc với nội dung phản ánh, cùng với đó là phàn nàn về rác quảng cáo thương hiệu CellphoneS.
Bạn đọc phản ứng với những quảng cáo nghịch mắt
Bạn đọc có tên H. bình luận: Ngay giữa Thủ đô mà vẫn để tình trạng quảng cáo nhiều sản phẩm của CellphoneS treo vào cây xanh đô thị ở nhiều khu vực công viên cây xanh, đường phố như thế là không thể chấp nhận được. Doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc họ quảng cáo đàng hoàng thể hiện uy tín của doanh nghiệp và họ sẽ không treo quảng cáo lên cây xanh như thế…
Bạn đọc tên N. thì cho rằng, việc treo quảng cáo thương hiệu CellphoneS vào cây xanh đã gây mất mỹ quan đô thị, nhìn rất nghịch mắt… những quảng cáo này nếu đứt dây, quấn vào người tham gia giao thông thì rất nguy hiểm, tai nạn hoàn toàn có thể xảy ra, cơ quan quản lý của Hà Nội cần phải xử phạt thật nặng doanh nghiệp…
Quảng cáo không phép dạng "đu cây" thương hiệu CellphoneS. Ảnh: Nguyễn Long
CellphoneS dịch sang tiếng Việt là điện thoại cầm tay, nhưng thời gian gần đây doanh nghiệp này đã mở rộng kinh doanh thêm nhiều mặt hàng điện tử khác nữa. Theo như giới thiệu, đến nay CellphoneS có hệ thống 115 cửa hàng điện thoại – máy tính – phụ kiện, đây là minh chứng cho sự lớn mạnh của CellphoneS sau hơn 10 năm phát triển. Tuy nhiên, sự xuất hiện nhiều quảng cáo rác, không phép gian lận "đu cây", "bám cột" khiến thương hiệu CellphoneS đang bị phản tác dụng với người tiêu dùng...?
Điều quan ngại là những quảng cáo thương hiệu CellphoneS được treo ở nhiều điểm cây xanh, cũng như trụ điện, vi phạm nghiêm trọng Luật Quảng cáo 2012, sửa đổi bổ sung năm 2018. Thế nhưng, những quảng cáo này vẫn ngang nhiên tồn tại, phải chăng công tác quản lý của Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trong cả nước chưa thực sự hiệu lực, hiệu quả…
Quảng cáo "đu cây" thương hiệu Cellphones trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Long
Việc xuất hiện nhiều quảng cáo thương hiệu CellphoneS treo khắp các trụ điện, cây xanh công cộng... gây phản cảm, ảnh hưởng thẩm mỹ người nhìn và khiến diện mạo đô thị nhếch nhác, ảnh hưởng trực tiếp đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội.
Luật Quảng cáo đã có, Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành đã rõ - cá nhân, tổ chức có nhu cầu thực hiện quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng - rôn thì không mất phí, chỉ cần gửi hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo đến cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương trước khi thực hiện quảng cáo 15 ngày. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, nếu không có ý kiến trả lời thì tổ chức, cá nhân được thực hiện sản phẩm quảng cáo đã thông báo.
Thương hiệu CellphoneS được quảng cáo bằng mọi chiêu trò "đu cây", "bám cột". Ảnh: Nguyễn Long
Luật cho phép được quảng bá sản phẩm, thương hiệu chỉ cần nội dung không vi phạm quy định về thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam; không mang tính chất kỳ thị dân tộc, phân biệt chủng tộc, xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, định kiến về giới, về người khuyết tật; không sử dụng các từ ngữ "nhất", "duy nhất", "tốt nhất", "số một" hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự… Luật cũng quy định, các sản phẩm quảng cáo thể hiện trên bảng quảng cáo, băng - rôn phải ghi rõ tên, địa chỉ của người thực hiện; cấm treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng.
Quy định pháp luật là vậy, thế nhưng quảng cáo thương hiệu CellphoneS đang treo ở nhiều trụ điện cũng như cây xanh; chưa rõ là các băng - rôn này đã có hồ sơ thông báo quảng cáo đến cơ quan có thẩm quyền địa phương và được chấp thuận hay không, nhưng thực tế đã có không ít quảng cáo thiếu tên, địa chỉ… của người thực hiện băng - rôn quảng cáo và treo trụ điện là đã thấy vi phạm Luật Quảng cáo.
Liên tục xuất hiện nhiều quảng cáo "đu cây", "bám cột" thương hiệu CellphineS. Ảnh: Nguyễn Long
Nghị định 38/2021/NĐ-CP thay thế cho Nghị định số 158/2013/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/06/2021. Nghị định này tăng nặng mức xử phạt để tăng hiệu quả thực thi pháp luật trong hoạt động quảng cáo trước đây bị cho là mức phạt còn quá nhẹ.
Theo đó, chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm quy định về quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng - rôn tại khoản 1, Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, nêu rõ: Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng với hành vi treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng; điểm b, khoản 2, Điều 34 quy định phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng với hành vi làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội (trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, khoản 1 và khoản 3 Điều 43, khoản 3 Điều 48 Nghị định này). Bên cạnh đó, theo điểm b, khoản 4, Điều 42 Nghị định này cũng quy định phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi không thông báo về nội dung, thời gian, địa điểm quảng cáo, số lượng bảng quảng cáo, băng - rôn./.
Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở VH-TT TP. Hà Nội khẳng định, trước khi báo chí phản ánh về quảng cáo ngoài trời, Sở và các cơ quan chức năng đã có nhiều động thái nhằm chấn chỉnh, đưa hoạt động này vào nề nếp. Hằng năm, Sở đều xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo; ban hành quyết định thành lập đoàn liên ngành kiểm tra công tác quản lý nhà nước về quảng cáo, biển hiệu. Sở cũng thường xuyên có văn bản đôn đốc các quận - huyện - thị xã tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời. Năm 2023, sở tiếp tục thực hiện nghiêm kế hoạch kiểm tra công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này.
Sở VH-TT TP. Hà Nội cho biết vừa tham mưu cho UBND TP. Hà Nội ban hành Kế hoạch 90 "Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong hoạt động quảng cáo ngoài trời, biển hiệu trên địa bàn" nhằm thực hiện Chương trình 06 của Thành ủy. Theo đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các Sở - ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương, trong công tác quản lý nhà nước về quảng cáo, biển hiệu trên địa bàn thành phố. Năm 2022, Sở cũng đã tổ chức hội nghị gặp mặt, đối thoại với đại diện các hiệp hội, 50 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo…
Sở VH-TT TP. Hà Nội sẽ siết chặt công tác kiểm tra, hậu kiểm, giám sát, xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo, bảo đảm sự công bằng, nghiêm minh; dần đưa hoạt động này đi vào nề nếp, ổn định, nhất là những việc báo chí và dư luận quan tâm. Công khai, minh bạch những hành vi vi phạm để doanh nghiệp quảng cáo nghiêm chỉnh thực hiện các quy định của pháp luật; tạo sân chơi bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế, đóng góp cho nhà nước và thành phố. |
126
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết