(CHG) Ngày 28/6, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP. HCM tổ chức Hội nghị “Vai trò cộng đồng Người Việt Nam ở nước ngoài với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP. HCM năm 2023. Theo Luật sư Nguyễn Tri Thắng, Phó Chủ tịch Quỹ Chống hàng giả (ACF), Cuộc vận động cần lập đường dây nóng phản ánh các sản phẩm, hàng hóa có dấu hiệu bị làm giả, làm nhái hoặc bị xâm phạm sở hữu trí tuệ...
Quang cảnh hội nghị
Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự về những nội dung như: Vai trò của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở các nước; các sở, ban, ngành Thành phố; doanh nhân người Việt ở nước ngoài trong việc kết nối, hỗ trợ, xúc tiến thương mại đưa hàng hóa Việt Nam nói chung, TP. HCM nói riêng ra nước ngoài trong thời gian qua; và một số quy định mới của các nước, nhất là thị trường châu Âu liên quan đến xuất, nhập khẩu trong năm 2023.
Tham luận tại hội nghị, Luật sư Nguyễn Tri Thắng - Phó Chủ tịch Quỹ Chống hàng giả (ACF) kiến nghị, Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Thành phố cần thiết lập đường dây nóng phản ánh các sản phẩm, hàng hóa có dấu hiệu bị làm giả, làm nhái hoặc bị xâm phạm sở hữu trí tuệ; phối hợp với các Hiệp hội doanh nghiệp thông tin, xử lý các vấn đề liên quan đến hàng giả; tổ chức công bố những mặt hàng đang bị làm giả để người tiêu dùng được biết…
Luật sư Nguyễn Tri Thắng - Phó Chủ tịch Quỹ Chống hàng giả (ACF) phát biểu tại hội nghị.
Theo ông Nguyễn Ngọc Mỹ - Việt Kiều Úc, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), trong thời gian qua, VAFIE có nhiều hoạt động quảng bá hàng hóa Việt Nam, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài.
“Để đưa hàng Việt ra nước ngoài cần tận dụng sức mạnh đại đoàn kết của trên 5 triệu kiều bào đang sinh sống ở các nước bằng các cách thức như: sử dụng kênh phân phối sẵn có của kiều bào, thông tin và quảng bá sản phẩm qua các Hiệp hội người Việt Nam ở nước ngoài; tận dụng tính đột phá của công nghệ 4.0 để phát triển kênh thương mại điện tử và ưu tiên danh mục hàng hóa chất lượng cao để quá trình xuất khẩu được thuận lợi hơn”, ông Mỹ nhấn mạnh.
Ông Phạm Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Quan hệ Kinh tế, Khoa học và Công nghệ - Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao cho rằng, trong thời gian qua, các cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước đã triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tuyên truyền, quảng bá hàng Việt ở nước sở tại, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, ông Hùng thừa nhận việc đưa hàng Việt đi các nước qua kênh phân phối của người nước ngoài vẫn nhiều hơn kênh của người Việt và kiều bào. Nói về phương hướng trong thời gian tới, ông cho rằng: cần tiếp tục phát triển các kênh phân phối, quan trọng nhất là thiết lập mạng lưới doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài. Đây chính là đầu mối để phân phối, giới thiệu hàng Việt ra nước ngoài. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng hoạt động hội, mở rộng khả năng quy tụ và hỗ trợ các doanh nghiệp của các tổ chức.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP. HCM đề nghị, trong thời gian tới, Thành phố tiếp tục tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp để nâng cao chất lượng cuộc vận động cụ thể là việc tăng cường thúc đẩy các hoạt động tuyên truyền, vận động, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp thành phố, phát triển hệ thống phân phối, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, nhất là khu vực tập trung nhiều người Việt sinh sống…/.
4