(CHG) Sáng 9/11, tại Hà Nội, diễn đàn Đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số đã được tổ chức. Sự kiện đã thu hút sự tham gia của đại diện nhiều bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm đến hoạt động chuyển đổi số.
Diễn đàn do Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tập đoàn Meta tổ chức. Phát biểu khai mạc diễn đạt, ông Bùi Trung nghĩa – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: Chuyển đổi số mở ra cơ hội cho tất cả các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển có cơ hội để tăng trưởng nhanh hơn, vươn lên, thay đổi thứ hạng phát triển các quốc gia. Với chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ trong giai đoạn vừa qua, hiện nay Việt nam đã có ngành viễn thông và Công nghệ thông tin tương đối phát triển làm cơ sở cho việc phát triển hạ tầng kỹ thuật số, kết nối số và các nền tảng ứng dụng số phát triển, các yếu tố cần thiết cho quá trình chuyển đổi số của Chính phủ và doanh nghiệp.
Diễn đàn Đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số
Bên cạnh thuận lợi về chính sách, theo ông Bùi Trung Nghĩa, kinh tế số của Việt Nam năm 2021 đạt giá trị 21 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp hơn 5% GDP của đất nước. Kinh tế Việt Nam đang thay đổi nhanh thông qua việc áp dụng công nghệ số. Dự kiến, nền kinh tế số của Việt Nam đạt 57 tỷ USD năm 2025, đứng thứ hai Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng 29%/năm.
Có nhiều cơ hội, song theo các chuyên gia kinh tế, việc Việt Nam có thể tận dụng và nắm bắt cơ hội từ quá trình số hóa và chuyển đổi số hay không lại phù thuộc vào những cơ chế, chính sách hỗ trợ khu vực doanh nghiệp, nhất là khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, bởi đây là khu vực đóng vai trò quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Theo VCCI, Việt Nam hiện nay có gần 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động, với hơn 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đóng góp tới 45% GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động.
Liên quan đến những rào cản đối với doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ số, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, qua cuộc khảo sát gần đây do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện về chuyển đổi số cho thấy, nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn, rào cản để tiến hành chuyển đổi số. Cụ thể, 60,1% doanh nghiệp phản ánh rào cản mà họ gặp phải khi chuyển đổi số là lo ngại chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao; 52,3% doanh nghiệp phản ánh khó khăn về thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số, thay đổi thói quen của DN, người lao động.
Trong khi đó, với sự phát triển hiện nay, việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số có một ý nghĩa hết sức quan trọng, khi mà hơn 800 ngàn doanh nghiệp nhỏ và vừa, những đơn vị kinh tế linh hoạt, cần khả năng thích ứng cao, cần không ngừng nâng cao năng lực để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Do vậy, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan đối tác trong và ngoài nước để huy động nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp khắc phục khó khăn, rào cản để có thể nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thành công.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cũng cho rằng, các chính sách về chuyển đổi số đã được ban hành với cách tiếp cận là các nền tảng số để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện chuyển đổi số bằng các nền tảng số, thu hút hơn 500 nghìn doanh nghiệp tham gia và có khoảng 70 nghìn doanh nghiệp đã sử dụng các nền tảng số.
6