Thực trạng pháp luật về cầm cố giấy tờ có giá bảo đảm tiền vay của các ngân hàng thương mại và thực tiễn thi hành trên địa bàn tỉnh Quảng Bình


Bài báo nghiên cứu "Thực trạng pháp luật về cầm cố giấy tờ có giá bảo đảm tiền vay của các ngân hàng thương mại và thực tiễn thi hành trên địa bàn tỉnh Quảng Bình" do ThS. Phạm Diệu Linh (Trường Đại học Luật - Đại học Huế) thực hiện.

Tóm tắt:

Bài viết nghiên cứu về cầm cố giấy tờ có giá (GTCG) để bảo đảm tiền vay tại các ngân hàng thương mại (NHTM) nhằm tìm ra các giải pháp hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật. Đề tài được tiến hành nghiên cứu dựa trên sự so sánh đối chiếu với thực tiễn thi hành tại tỉnh Quảng Bình.

Từ khóa: cầm cố giấy tờ có giá, bảo đảm tiền vay, ngân hàng thương mại, khu công nghiệp.

1. Quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá

Cũng như các loại tài sản bảo đảm khác, khi nhận tài sản bảo đảm là GTCG để bảo đảm cho nghĩa vụ hoàn trả tiền vay của bên vay vốn, các NHTM phải thực hiện việc nhận tài sản bảo đảm theo một trình tự, thủ tục phù hợp với quy định của pháp luật và phù hợp với thực tế hoạt động của NHTM đó. Dựa trên cơ sở những quy định chung về việc nhận tài sản bảo đảm của của Bộ luật Dân sự 2015, Nghị định số 21/2021/NĐ-CP, Nghị định số 102/2017/NĐ-CP,... các NHTM đều tự xây dựng các quy định, hướng dẫn về trình tự, thủ tục nhận cầm cố GTCG làm tài sản bảo đảm riêng. Mỗi ngân hàng vì vậy đều sẽ thực hiện theo một cách riêng biệt nhưng đều hướng tới mục tiêu thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay bằng GTCG phù hợp với quy định của pháp luật và với tính chất, đặc điểm của từng loại GTCG cầm cố.

 Bước 1: Lập hồ sơ vay vốn

Khi có nhu cầu vay cầm cố tại các NHTM, khách hàng có đủ điều kiện theo quy định gửi tới ngân hàng hồ sơ đề nghị vay cầm cố. Bộ hồ sơ đề nghị vay cầm cố gồm: giấy đề nghị vay vốn theo hình thức cho vay có bảo đảm bằng cầm cố GTCG và bảng kê các GTCG đề nghị cầm cố để vay vốn. Bước này do cán bộ tín dụng của ngân hàng thực hiện. Bên cạnh đó, bộ hồ sơ vay vốn cần phải thu thập các thông tin như: năng lực pháp lý, năng lực hành vi dân sự của khách hàng; khả năng sử dụng vốn vay; khả năng hoàn trả vốn vay (gốc và lãi).

 Bước 2: Thẩm định hồ sơ

Sau khi nhận được đủ hồ sơ hợp lệ đề nghị vay vốn cầm cố theo quy định, ngân hàng sẽ thực hiện thẩm định hồ sơ hay còn gọi là phân tích tín dụng để đưa ra quyết định chấp thuận hay không chấp thuận cho vay cầm cố. Phân tích tín dụng là xác định khả năng hiện tại và tương lai của khách hàng trong việc sử dụng vốn vay và hoàn trả nợ vay. Mục tiêu của bước này là: phân tích tính trung thực, đầy đủ của những thông tin đã thu thập được từ phía khách hàng trong hồ sơ vay vốn, từ đó nhận xét thái độ, thiện chí của khách hàng làm cơ sở cho việc ra quyết định cho vay. Bên cạnh đó cũng tìm kiếm những tình huống có thể xảy ra dẫn đến rủi ro cho khách hàng, dự đoán những khả năng để khắc phục những rủi ro đó, dự kiến những biện pháp nhằm hạn chế rủi ro và hạn chế tổn thất cho ngân hàng.

Bước 3: Quyết định cho vay

Trong khâu này, ngân hàng sẽ ra quyết định đồng ý hoặc từ chối cho vay đối với hồ sơ vay vốn của khách hàng. Sau khi nhận được thông báo về việc chấp nhận cho vay cầm cố từ phía ngân hàng, khách hàng phải tiến hành chuyển giao các GTCG để làm tài sản cầm cố cho ngân hàng.

Bước 4: Đàm phán, thỏa thuận các điều khoản trong hợp đồng tín dụng và tiến hành ký kết hợp đồng tín dụng

Sau khi quyết định cho vay, NHTM thực hiện cầm cố các GTCG theo đúng danh mục GTCG đã được phê duyệt, ký hợp đồng tín dụng và tiến hành giải ngân theo quy định.

Thủ tục nhận cầm cố các loại GTCG tại các NHTM có sự khác biệt nhất định giữa các loại GTCG phát hành dưới hình thức chứng chỉ (như công trái, trái phiếu chính phủ, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu,...) và các loại GTCG phát hành dưới hình thức bút toán ghi sổ (như cổ phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu,...), cụ thể như sau:

Thứ nhất, về yêu cầu hồ sơ pháp lý của GTCG cầm cố: NHTM nhận cầm cố sẽ yêu cầu khách hàng cung cấp bản gốc GTCG cầm cố đối với các loại GTCG phát hành dưới hình thức chứng chỉ. Đối với GTCG phát hành dưới hình thức ghi sổ, hồ sơ pháp lý của tài sản bảo đảm mà khách hàng phải cung cấp là Giấy chứng nhận quyền sở hữu GTCG/Xác nhận của đơn vị quản lý/đơn vị phát hành GTCG về số lượng, giá trị GTCG thuộc sở hữu của khách hàng tại thời điểm nhận hồ sơ hoặc sổ cổ đông/Xác nhận của đơn vị phát hành/đơn vị lưu ký về số lượng cổ phiếu, giá trị cổ phiếu khách hàng đang nắm giữ/sổ cổ đông, Xác nhận phong tỏa của công ty chứng khoán (đối với chứng khoán đã niêm yết) hoặc Đơn vị phát hành (đối với chứng khoán chưa niêm yết).

Thứ hai, về thẩm định GTCG cầm cố. Các nội dung thẩm định đối với GTCG cầm cố thường bao gồm:

(i) Thẩm định tính pháp lý của GTCG: Đối với GTCG ghi danh phát hành dưới hình thức chứng chỉ (khách hàng giữ bản gốc), NHTM nhận cầm cố sẽ kiểm tra trực tiếp GTCG đảm bảo GTCG cầm cố còn nguyên vẹn, không bị rách, nhàu nát, sửa chữa, chắp vá,... đảm bảo GTCG không bị giả mạo và phù hợp với hồ sơ mà khách hàng cung cấp. Đối với GTCG ghi danh phát hành dưới hình thức bút toán ghi sổ, trường hợp GTCG chưa được lưu ký thì NHTM nhận cầm cố thực hiện việc kiểm tra Giấy chứng nhận quyền sở hữu GTCG tương tự như trường hợp GTCG ghi danh phát hành dưới hình thức chứng chỉ; trường hợp GTCG đang được lưu ký tại tổ chức lưu ký, NHTM nhận cầm cố liên hệ trực tiếp với tổ chức lưu ký GTCG đó để xác minh chủ sở hữu, số lượng, giá trị của GTCG. Đối với GTCG vô danh, NHTM nhận cầm cố xác minh trực tiếp với đơn vị phát hành về thông tin đợt phát hành GTCG vô danh.

(ii) Thẩm định tính khả mại của GTCG: NHTM nhận cầm cố căn cứ vào mặt sau của GTCG (đối với GTCG ghi danh phát hành dưới hình thức chứng chỉ) hoặc căn cứ vào các quy định, quy chế phát hành GTCG của đơn vị phát hành để kiểm tra, xác nhận khả năng của GTCG có được tham gia vào các giao dịch cầm cố, chuyển nhượng,... hay không. Đối với GTCG là cổ phiếu, NHTM nhận cầm cố tìm hiểu thêm thông tin về thị trường chứng khoán trong thời gian gần với thời điểm nhận cầm cố và thông tin cập nhật về đơn vị phát hành để tính toán tính khả mại của cổ phiếu (nếu có).

Như vậy, việc thiếu những quy định cụ thể về trình tự, thủ tục cầm cố GTCG bảo đảm tiền vay của các NHTM khiến việc cầm cố GTCG thiếu thống nhất, khiến các chủ thể lúng túng và mất nhiều thời gian nghiên cứu, áp dụng. Ở một khía cạnh khác, các NHTM có thể gặp khó khăn khi làm việc với khách hàng do quy định riêng về trình tự, thủ tục nhận cầm cố GTCG của ngân hàng này có phần “khó khăn”, “phức tạp” hơn ngân hàng kia. Do vậy, pháp luật cần ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn cụ thể về GTCG cũng như trình tự, thủ tục nhận bảo đảm bằng GTCG để biện pháp này phát huy hiệu quả cao hơn và được các bên lựa chọn áp dụng nhiều hơn trong hoạt động tín dụng ngân hàng.

2. Thực tiễn thi hành pháp luật về cầm cố giấy tờ có giá bảo đảm tiền vay tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

2.1. Những ưu điểm, thuận lợi

Thứ nhất, quy trình thực hiện thủ tục cầm cố GTCG đơn giản, nhanh chóng và ít tốn kém. So với các loại tài sản bảo đảm khác như bất động sản, phương tiện vận tải, máy móc thiết bị, hàng hóa luân chuyển, dây chuyền sản xuất, kinh doanh... thì thủ tục nhận cầm cố GTCG tại các NHTM được thực hiện nhanh chóng và thuận tiện hơn cả. Đối với bất động sản, cán bộ tín dụng của ngân hàng sẽ phải tìm hiểu thông tin tài sản, khách hàng và phải thẩm định trực tiếp bất động sản, quá trình nhận thế chấp bất động sản còn phải trải qua các bước công chứng, đăng ký thế chấp,... Thời gian để khách hàng có thể giải ngân sau khi hoàn tất thủ tục nhận thế chấp bất động sản sẽ mất khoảng 3 hoặc 4 ngày, tuy nhiên thời gian này có thể kéo dài thêm nếu như hồ sơ công chứng hay đăng ký thế chấp gặp sai sót, vướng mắc. Tương tự, đối với hồ sơ nhận thế chấp hàng hóa luân chuyển, dây chuyền sản xuất hay máy móc thiết bị, khâu thẩm định tài sản cũng sẽ mất nhiều thời gian do tài sản đa dạng, nhiều chủng loại, mẫu mã,... Việc nhận bảo đảm đối với những loại tài sản này tuy không phải thực hiện thủ tục công chứng hợp đồng bảo đảm, nhưng ngân hàng sẽ mất nhiều thời gian và chi phí hơn trong công tác quản lý tài sản bảo đảm sau cho vay. Đối với GTCG, thời gian thẩm định tài sản cũng như thời gian để hoàn tất thủ tục nhận cầm cố được rút ngắn hơn rất nhiều so với các loại tài sản như đã nêu do không phải di chuyển đến địa điểm có tài sản để thẩm định, không phải thực hiện thủ tục công chứng hợp đồng.

Thứ hai, thuận tiện trong quá trình kiểm tra giám sát tài sản bảo đảm. Đối với khoản vay có bảo đảm bằng GTCG thì kiểm tra việc sử dụng vốn vay cũng thường kiểm tra cả tài sản cầm cố là GTCG định kì hoặc đột xuất như đã thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng và hợp đồng cầm cố GTCG. Nếu như những tài sản bảo đảm khác là hàng hóa được lưu giữ trong kho, phương tiện vận tải được lưu hành trên đường bộ, đường thủy hay bất động sản vẫn được bên thế chấp sử dụng, quản lý,... thì cán bộ ngân hàng rất khó để có thể kiểm tra được cụ thể, kỹ càng. Riêng đối với tài sản cầm cố là GTCG, cán bộ ngân hàng rất dễ để kiểm tra, theo dõi sự biến động về giá trị (nếu có). Việc kiểm tra này sẽ giúp cho các NHTM có thể xử lý kịp thời, trong trường hợp ảnh hưởng đến bảo đảm an toàn tiền vay có thể phối hợp với bên cầm cố bổ sung tài sản bảo đảm khác hoặc chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân khác theo thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật.

Thứ ba, thủ tục phát mại đơn giản, nhanh chóng. Trong trường hợp có tranh chấp xảy ra dẫn đến phải xử lý GTCG để thu hồi nợ, nếu như việc xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản thì phải trải qua rất nhiều giai đoạn tố tụng, với sự tham gia của Tòa án, cơ quan thi hành án, cơ quan đấu giá, tốn rất nhiều thời gian và chi phí; hay đối với những tài sản bảo đảm khác như hàng tồn kho, máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất, phương tiện vận tải,... thủ tục phát mại cũng mất nhiều thời gian vì khó tìm được người mua hàng. Thực tế có rất ít trường hợp các bên khởi kiện tranh chấp tín dụng liên quan đến tài sản là GTCG.

2.2. Những khó khăn, vướng mắc

Thứ nhất, bất cập trong việc một người ký hợp đồng cầm cố GTCG với hai tư cách. Việc một người đồng thời kí với hai tư cách (bên bảo đảm và bên vay vốn) trong hợp đồng cầm cố GTCG là khá phổ biến đối với các trường hợp vay vốn tại các công ty trên địa bàn các Khu công nghiệp tại tỉnh Quảng Bình. Chẳng hạn, Chủ tịch hoặc Giám đốc của một công ty, là người đại diện theo pháp luật của công ty mang GTCG thuộc sở hữu cá nhân của mình để cầm cố bảo đảm cho khoản vay của công ty là hoàn toàn hợp pháp và chính đáng. Nếu hợp đồng cầm cố GTCG được kí giữa ba bên, tức là đưa thêm công ty với tư cách là bên vay vốn vào, thì càng đầy đủ, rõ ràng, minh bạch và chắc chắn hơn. Tuy nhiên lại tiềm ẩn rủi ro bị tuyên vô hiệu do vi phạm quy định về phạm vi đại diện tại khoản 3, Điều 141 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, khoản 3, Điều 141 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về phạm vi đại diện như sau: “Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Đây là quy định cần thiết và hợp lý trong các giao dịch dân sự nói chung để tránh các trường hợp lợi dụng trục lợi hoặc ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các bên tham gia quan hệ dân sự nói chung. Do chưa có “quy định khác” cụ thể, nên điều cấm này được hiểu quá máy móc đối với giao dịch cầm cố GTCG bảo đảm tiền vay của các NHTM.

Việc người đại diện theo pháp luật của công ty dùng GTCG của mình để cầm cố, bảo đảm tiền vay của công ty tại ngân hàng trên thực tế không hiếm gặp. Tác giả cho rằng, đó là việc làm hoàn toàn hợp pháp và chính đáng ngay cả trong trường hợp ngân hàng áp dụng mẫu hợp đồng cầm cố ba bên, bởi tư cách chủ thể khi tham gia xác lập hợp đồng của bên cầm cố và của người đại diện của công ty là hoàn toàn độc lập, riêng biệt. Thực tế, các NHTM vẫn để hai bên ký hợp đồng cầm cố GTCG 3 bên với tư cách chủ thể khác nhau. Hoặc phải “lách luật” bằng cách đề nghị Giám đốc buộc phải ủy quyền cho Phó giám đốc công ty ký thay mình, theo bản chất thì không có gì thay đổi.

Từ thực trạng này, tác giả cho rằng pháp luật cần có hướng dẫn chi tiết nội dung này, khắc phục tình trạng đa quan điểm khi áp dụng cùng một điều luật.

Thứ hai, bất cập trong việc xác định quyền sở hữu của GTCG cầm cố. Pháp luật hiện hành đều quy định một điều kiện có tính nguyên tắc đối với tài sản bảo đảm nói chung và đối với tài sản bảo bảo đảm là GTCG nói riêng là tài sản phải thuộc sở hữu của bên bảo đảm. Các NHTM nhận cầm cố GTCG là tài sản bảo đảm chỉ có thể xử lý được GTCG nếu GTCG thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bên bảo đảm.

Thứ ba, bất cập trong việc xử lý tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng cầm cố GTCG. Tranh chấp phát sinh trong hợp đồng cầm cố GTCG do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể là những nguyên nhân liên quan đến việc xác định giá trị của GTCG, liên quan đến việc xử lý GTCG cầm cố, do các doanh nghiệp có tranh chấp về giao dịch mua bán GTCG với tổ chức phát hành GTCG. Mặc dù, khi bên cầm cố dùng GTCG để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ vay cho bên vay, trong hợp đồng cầm cố GTCG đã có thỏa thuận ngân hàng được bán GTCG để bảo đảm vốn vay trong trường hợp GTCG có khả năng bị giảm sút giá trị. Tuy nhiên, việc xác định giá trị chính xác của GTCG thường không phải dễ dàng, nhiều trường hợp là không chính xác. Tranh chấp có thể xảy ra khi giữa ngân hàng và bên cầm cố không thống nhất được mức giới hạn cho phép bán GTCG. Tâm lý của bên vay vốn thường là cố giữ lại GTCG chờ giá lên cao mới bán, nhất là trong trường hợp bên cầm cố không phải là bên vay.

3. Đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật về cầm cố giấy tờ có giá bảo đảm tiền vay

Để hoạt động cho vay của các NHTM được an toàn, hiệu quả cần phải xây dựng một hành lang pháp lý thống nhất trong hoạt động cho vay của các NHTM. Điều này xuất phát từ yêu cầu lý luận và thực tiễn, quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam hiện nay và khắc phục sự không thống nhất, mâu thuẫn, chồng chéo của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để đưa ra những giải pháp và định hướng hoàn thiện phù hợp.

Trên thực tế, pháp luật về giao dịch bảo đảm chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu là công cụ pháp lý hữu hiệu để bảo vệ tốt nhất lợi ích cho các chủ thể trong quan hệ dân sự nói chung và trong hoạt động cho vay có bảo đảm của các ngân hàng thương mại nói riêng. Những năm gần đây, tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đã vượt ngưỡng an toàn. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng trên là có một bộ phận chủ thể trung gian lợi dụng các khe hở của pháp luật cùng với sự thiếu hiểu biết của người dân, sự non yếu trong nghiệp vụ và sự tha hóa về đạo đức của một bộ phận cán bộ tín dụng để tiến hành ký kết, thực hiện các hợp đồng có dấu hiệu lừa đảo, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng cho ngân hàng. Vì vậy, hoàn thiện pháp luật về giao dịch bảo đảm để khắc phục những nhược điểm yếu kém của pháp luật so với nhu cầu thực tiễn là một yêu cầu vô cùng quan trọng.

Pháp luật về cầm cố GTCG là một bộ phận của pháp luật điều chỉnh các giao dịch bảo đảm nói chung trong nền kinh tế thị trường nên trong quá trình hoàn thiện pháp luật về cầm cố GTCG phải đặt trong tổng thể hoàn thiện pháp luật về giao dịch bảo đảm. Rà soát lại tất cả các văn bản pháp luật có liên quan để tiến hành loại bỏ những quy định không phù hợp và hạn chế tối đa việc ban hành các văn bản hướng dẫn. Các quy định về giao dịch bảo đảm phải xuất phát từ những quy định nền tảng của Bộ luật Dân sự về quyền bảo đảm, về trái quyền, về nguyên tắc thỏa thuận bình đẳng trong quan hệ dân sự... Phải coi Bộ luật Dân sự là văn bản pháp lý gốc cho các quy định về giao dịch bảo đảm. Bên cạnh đó, các quy định khác về giao dịch bảo đảm phải phù hợp, có tính thống nhất với quy định của các văn bản pháp luật chuyên ngành như pháp luật về ngân hàng, pháp luật về chứng khoán,... Việc xây dựng các văn bản pháp luật trong tiến trình hoàn thiện pháp luật Việt Nam về giao dịch bảo đảm nói chung và giao dịch bảo đảm bằng biện pháp cầm cố GTCG nói riêng phải đáp ứng được các yêu cầu sau: Thứ nhất, các văn bản pháp luật phải tôn trọng những quy định mang tính kế thừa, có tính ổn định cao vì đó là kết quả của hoạt động phát triển kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam trong thời gian qua. Thứ hai, việc xây dựng hệ thống pháp luật về giao dịch bảo đảm bằng biện pháp cầm cố GTCG cần mạnh dạn đưa ra những quy định mới, phù hợp với tính chất và xu thế vận động của các quan hệ xã hội trong lĩnh vực dân sự - kinh tế. Thứ ba, hệ thống pháp luật của Việt Nam cần hoàn thiện theo hướng tiếp thu các bài học kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, những tư tưởng, quy định tiến bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Hệ thống văn bản pháp luật hiện hành về biện pháp bảo đảm nói chung được thiết lập khá đầy đủ, tuy nhiên một quy trình chuẩn cho việc thực hiện biện pháp cầm cố GTCG tại các NHTM lại chưa được pháp luật thiết lập. Pháp luật cần quy định cụ thể về trình tự, thủ tục cầm cố GTCG, trong đó xác định rõ các bước thực hiện cầm cố GTCG, cách thức định giá, xác định giá trị của GTCG, quy định dự liệu xử lý các trường hợp GTCG tăng, giảm giá trị, quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ và trách nhiệm phối hợp của các bên có liên quan đến giao dịch bảo đảm bằng GTCG như công ty lưu ký, tổ chức phát hành giấy tờ có giá,... Việc pháp luật đề ra cơ sở pháp lý mang tính nguyên tắc, đặc biệt là có quy định tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý về các nội dung có liên quan trong quy trình nhận cầm cố GTCG bảo đảm tiền vay tại các NHTM là cần thiết.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Thị Thành (2019). Phát triển thị trường tiền tệ ở Việt Nam sau khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới. Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội.
  2. Nguyễn Thị Anh Thơ (2018). Giấy tờ có giá - Một loại tài sản trong quan hệ pháp luật dân sự. Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Luật Hà Nội.
  3.  Nguyễn Văn Tuyến (2008). Bàn về giao dịch phát hành giấy tờ có giá. Nxb Trẻ, Hà Nội.
  4.  Bùi Đức Giang (2018). Sửa đổi chế định cầm cố tài sản – góc nhìn từ thực tiễn. Tạp chí Ngân hàng, số 5, tr.13-14.
  5.  Trần Luyện (2018). Để quy chế chiết khấu, tái chiết khẩu giấy tờ có giá đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng. Tạp chí Ngân hàng, số 2, tr.33-34.

 

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12 tháng 5 năm 2024]

Nguồn: Tạp chí công thương

Còn lại: 1000 ký tự
Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng thông tin Báo cáo tài chính của các Công ty TNHH tại thành phố Biên Hòa tỉnh Đồng Nai

Bài báo nghiên cứu "Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng thông tin Báo cáo tài chính của các Công ty TNHH tại thành phố Biên Hòa tỉnh Đồng Nai" do Sinh viên Phạm Thị Thanh Huyền - ThS. Nguyễn Thị Vững (Trường Đại học Đồng Nai) thực hiện.

Xem chi tiết
Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định chọn ngân hàng gửi tiết kiệm của khách hàng cá nhân thành phố Nha Trang

Đề tài: “Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định chọn ngân hàng gửi tiết kiệm của khách hàng cá nhân thành phố Nha Trang” do ThS. Lương Thị Kim Duyên - Giảng viên Khoa Kinh tế - Quản trị, Đại học Thái Bình Dương thực hiện.

Xem chi tiết
Tội phạm công nghệ cao lĩnh vực tài chính ngân hàng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0: Thực trạng và giải pháp

Bài báo nghiên cứu "Tội phạm công nghệ cao lĩnh vực tài chính ngân hàng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0: Thực trạng và giải pháp" do Đỗ Hữu Việt (Ngân hàng TMCP Kiên Long) và Bùi Thị Hạnh (Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển thương hiệu AMC Việt Nam) thực hiện.

Xem chi tiết
Kinh nghiệm xây dựng và phát triển công viên khoa học trên thế giới và gợi ý cho Việt Nam

Bài báo nghiên cứu "Kinh nghiệm xây dựng và phát triển công viên khoa học trên thế giới và gợi ý cho Việt Nam" do TS. Trần Thị Thu Hương (Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng) và TS. Nguyễn Thị Phương Thu (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) thực hiện.

Xem chi tiết
Nhận thức của sinh viên về ngân hàng số tại Trường Đại học Văn Hiến

Bài báo nghiên cứu "Nhận thức của sinh viên về ngân hàng số tại Trường Đại học Văn Hiến" ThS. Đào Văn Hảo (Khoa Kế toán - Tài chính, Trường Đại học Văn Hiến) và ThS. Nguyễn Huỳnh An (Khoa Kinh doanh & Luật, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn) thực hiện.

Xem chi tiết
2
2
2
3