Đa dạng hình thức kết nối cung - cầu việc làm
Anh Nguyễn Minh Tuấn (phường Thanh Châu, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) là lao động tự do tại TP Hồ Chí Minh. Trong những ngày tháng 10, do lo ngại về tình hình dịch bệnh và không còn tích lũy để chi trả tiền nhà trọ cũng như sinh hoạt phí hằng ngày, anh đã quyết định trở về quê. Anh Tuấn cho biết, nếu được hỗ trợ về di chuyển, đặc biệt là nhà ở, anh sẵn sàng trở lại làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất ở các địa phương khác.
Từ cuối tháng 9, khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương rất lớn, khoảng 50.000 lao động. Nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động khi doanh nghiệp quay trở lại sản xuất, theo ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thì: Tỉnh đang tiếp tục kêu gọi NLĐ ở các địa phương khác quay lại làm việc, sẵn sàng tổ chức xe đưa đón và tiêm vắc xin đầy đủ. Cụ thể, NLĐ từ các địa phương khác trở lại tỉnh Bình Dương làm việc được ưu tiên tiêm vắc xin ngừa Covid-19 nếu chưa tiêm mũi 1, được đẩy nhanh tiến độ tiêm hai mũi để bảo đảm đủ điều kiện vào doanh nghiệp tham gia sản xuất. NLĐ được các doanh nghiệp tổ chức test nhanh và cấp giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm để làm căn cứ tham gia lưu thông. Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương cũng được giao làm đầu mối kết nối, thống nhất với các trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố về việc tiếp nhận, cung cấp thông tin liên quan đến việc đăng ký đến (trở lại) Bình Dương làm việc của NLĐ các tỉnh, thành phố.
Tổng công ty May 10 (Hà Nội) tổ chức Trường Mầm non May 10 tiếp nhận con của người lao động tại tổng công ty. Ảnh: MINH ĐỨC |
Tương tự tỉnh Bình Dương, mới đây, tại TP Hồ Chí Minh, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với các đơn vị tổ chức Ngày hội "Tiếp sức ngày trở lại" cho thanh niên công nhân và NLĐ với nhiều hoạt động ý nghĩa như: Tổ chức chuyến xe miễn phí đưa NLĐ quay lại khu công nghiệp, khu chế xuất; tổ chức gian hàng bán hàng giảm giá, tặng nhà trọ miễn phí, kết nối với các chủ nhà trọ để hỗ trợ, miễn giảm giá thuê phòng trọ... Đáng chú ý, trong khuôn khổ ngày hội, Trung ương Đoàn và Công ty Cổ phần Cung ứng nhân lực chất lượng cao CLC cũng tổ chức ra mắt ứng dụng công nghệ số i-HR tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh thiếu niên trên hệ điều hành iOS và Android trên phạm vi toàn quốc. Ứng dụng này sẽ thông qua hệ thống các tỉnh, thành đoàn để triển khai đồng loạt tới cấp huyện, xã và các đơn vị trực thuộc. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho 3 nhóm đối tượng là NLĐ-cơ sở giáo dục nghề nghiệp-doanh nghiệp/nhà tuyển dụng cùng tương tác trên một sàn điện tử, giảm tối đa thời gian chờ đợi, tìm kiếm việc làm; i-HR miễn phí hoàn toàn cho NLĐ.
Bảo đảm an toàn và chính sách đãi ngộ thỏa đáng
Để NLĐ yên tâm trở lại làm việc, các địa phương đã có chính sách hỗ trợ chi phí đi lại, thuê nhà, y tế; các nhu yếu phẩm... Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngoài những yếu tố trên, việc bảo đảm an toàn trong lao động và chế độ đãi ngộ là yếu tố hàng đầu để thu hút, giữ chân NLĐ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Chia sẻ về điều này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường cho biết, việc thu hút NLĐ quay trở lại doanh nghiệp phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là duy trì chế độ đãi ngộ thỏa đáng.
Nhìn nhận việc giải quyết nhà ở cho NLĐ là giải pháp căn cơ để họ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, đợt dịch lần thứ tư, các doanh nghiệp nào có ký túc xá hoặc khu lưu trú dành cho công nhân thì doanh nghiệp đó rất chủ động trong phòng, chống dịch và thực hiện phương án sản xuất "3 tại chỗ". Do đó, ông đề xuất trong các dự án khu công nghiệp cần luật định nội dung xây dựng khu lưu trú công nhân.
Đề cập giải pháp giữ chân NLĐ, thu hút NLĐ quay trở lại làm việc, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết, vấn đề quan trọng nhất là phải lo tốt về mức lương, thu nhập. Cùng với đó, phải chăm lo đến vấn đề an sinh, nên có một sàn an sinh tối thiểu để NLĐ có thể yên tâm như nhà trọ, nhà ở, sinh hoạt để có thể gửi con, chăm sóc con cái; y tế phòng, chống dịch và ưu tiên, đẩy mạnh tiêm vắc xin cho NLĐ...
Quan tâm giải quyết việc làm cho người lao động hồi hương
Sau cuộc hồi hương ồ ạt rời TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để về quê tránh dịch Covid-19, tới nay, nhiều người muốn quay trở lại để làm việc nhưng cũng không ít người có nguyện vọng ở lại quê nhà. Các địa phương đang tích cực triển khai những giải pháp nhằm ổn định cuộc sống cho NLĐ trở về từ vùng dịch.
Tư vấn, giới thiệu việc làm cho những người có nhu cầu chuyển đổi, tìm kiếm cơ hội việc làm mới tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: HÙNG KHOA |
Theo thống kê, trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, số công dân Ninh Bình trở về từ vùng dịch khoảng 7.000 người. Theo ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình: Bên cạnh việc thực hiện tốt công tác đón NLĐ từ vùng dịch trở về quê, Ninh Bình đã chủ động kế hoạch tìm kiếm, giải quyết việc làm cho người dân khi hồi hương. Theo đó, Ninh Bình đã tổ chức phát phiếu khảo sát tới từng NLĐ để nắm bắt nhu cầu việc làm, phân loại chuyên môn nghề nghiệp. Qua khảo sát, có hơn 70% người có nhu cầu ở lại quê nhà học nghề, tìm kiếm cơ hội việc làm mới. Cũng theo ông Nguyễn Hữu Tuyến, lợi thế của Ninh Bình có nhiều công ty, tập đoàn hoạt động và nhu cầu sử dụng lao động tại địa phương cũng rất cao. Ninh Bình xác định số NLĐ hồi hương lần này là nguồn nhân lực góp phần phát triển địa phương...
Thanh Hóa cũng là tỉnh có số lượng lớn NLĐ trở về từ vùng dịch. Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, số công dân Thanh Hóa đang lưu trú tại các tỉnh, thành phố trong cả nước là hơn 330.000 người. Từ ngày 27-4 đến nay, tỉnh Thanh Hóa có hơn 210.000 người trở về từ các vùng có dịch. Qua rà soát, trong số hơn 210.000 người trở về tỉnh có khoảng 42.500 lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm và đào tạo nghề tại quê nhà. Với phương châm không để lao động hồi hương thiếu việc làm, nhiều chính sách hỗ trợ, ưu tiên nguồn vốn vay để giải quyết việc làm đang được tỉnh Thanh Hóa khẩn trương triển khai, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. Những lao động tự tạo việc làm cho mình sẽ được ưu tiên vay vốn tại ngân hàng chính sách xã hội với lãi suất bằng lãi suất cho vay hộ cận nghèo, mức vay 100 triệu đồng/lao động, thời hạn vay 10 năm...
Thực tế cho thấy, bức tranh lao động hồi hương và câu chuyện an sinh không thể một sớm một chiều giải quyết được. Tại một số địa phương, do số lao động hồi hương quá đông nên việc giải bài toán việc làm ở các địa phương này không đơn giản. Cùng với đó, phần đông người trở về không có tích lũy để tự đầu tư phát triển kinh tế, trình độ tay nghề cũng cần phải đào tạo lại mới có thể đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp địa phương. Vì vậy, cùng với việc đánh giá, kết nối cung-cầu, các địa phương cần nhìn nhận lại một cách tổng thể công tác đào tạo nghề để NLĐ có thể thích ứng linh hoạt với những biến đổi; chú trọng hơn cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đến đầu tư tại địa phương và sử dụng lao động tại chỗ. (còn nữa)
Nguồn: Báo Quân Đội Nhân Dân
(CHG) Hiện nay, hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả không chỉ gây tổn hại nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng, làm suy giảm uy tín của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà còn tác động tiêu cực đến môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động thương mại điện tử. Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần hiểu rõ các mức xử phạt vi phạm hành chính được quy định trong Nghị định số 98/2020/NĐ-CP liên quan đến vấn đề sản xuất, buôn bán hàng giả để tránh rủi ro pháp lý và bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp.
Xem chi tiết(CHG) Lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng kiểm tra đột xuất 02 cửa hàng kinh doanh có hành vi trưng bày bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và xử phạt 24 triệu đồng.
Xem chi tiết(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết(CHG) - Trong 9 tháng đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) tỉnh Gia Lai đã quyết liệt thực hiện có hiệu quả các kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Xem chi tiết(CHG) – Lực lượng chức năng kịp thời phát hiện và ngăn chặn xe tải vận chuyển 1.563 chiếc áo, váy và áo vest có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu thương hiệu thời trang Zara, Mango đang trên đường đi tiêu thụ.
Xem chi tiết