(CHG) Thị trường chứng khoán thời gian vừa qua bị rung lắc khá mạnh, khi lãnh đạo nhiều tập đoàn bất động sản lớn bị bắt và khởi tố liên quan đến hoạt động chứng khoán như: Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, FLC, chứng khoán Tân Việt.... Câu hỏi đặt ra là hàng triệu tỷ đồng được huy động từ phát hành trái phiếu thời gian qua đi về đâu? và đã được doanh nghiệp sử dụng như thế nào?
Hàng triệu tỷ đồng huy động từ trái phiếu đi về đâu ?
Vụ Tân Hoàng Minh bị hủy lô trái phiếu và lãnh đạo tập đoàn này bị bắt liên quan đến trái phiếu khiến 7.000 nhà đầu tư mua trái phiếu ngậm “trái đắng”. Sau nhiều tháng, đến thời điểm hiện nay nhà đầu tư vẫn mất ăn, mất ngủ vì không biết bao giờ mới nhận lại được tiền gốc.
Vụ việc Tân Hoàng Minh chưa lắng xuống, mới đây, Công ty CP Tập đoàn An Đông phát hành trái phiếu sai trái khiến lãnh đạo doanh nghiệp bị khởi tố lại làm vấn đề bùng lên, khiến nhà đầu tư bất an, công luận băn khoăn về hàng triệu tỷ đồng được huy động từ kênh trái phiếu đi về đâu, và được doanh nghiệp sử dụng như thế nào, trong khi nhiều lãnh đạo doanh nghiệp phát hành bị bắt và khởi tố ?
Việc huy động vốn qua kênh trái phiếu và việc sử dụng vốn đúng mục đích từ huy động trái phiếu, đã được pháp luật quy định và có đầy đủ hành lang pháp lý. Tuy nhiên mục đích sử dụng “thật” của nguồn vốn được các doanh nghiệp huy động từ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) không ai biết đi đâu về đâu và cũng không được tổ chức hay cơ quan nào giám sát ? Câu hỏi đặt ra là công tác quản lý thời gian qua có phần trách nhiệm của Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán Nhà nước....?
Ngân hàng Nhà nước nêu rõ chủ trương giám sát chặt chẽ tín dụng, đặc biệt là tín dụng bất động sản, thông qua việc ban hành các quy định, thông tư mới. Cụ thể, quy định về hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản theo hướng tăng lên 200% từ 01/01/2017 (từ mức 150%) theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN, giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn - Thông tư 08/2020/TTNHNN. Do đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản giảm dần từ trên 26% năm 2018 xuống khoảng 12% năm 2021.
Do ngân hàng giám sát chặt cho vay, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khối bất động sản không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn từ ngân hàng, đã chọn giải pháp huy động vốn thông qua kênh phát hành TPDN với lãi suất cao, thậm chí còn không có tài sản đảm bảo và chịu giám sát hoạt động giải ngân tiền như đi vay ngân hàng.
Số liệu thống kê cho thấy, tính đến cuối năm 2021, tổng dư nợ TPDN đang lưu hành trên thị trường đã lên tới gần mốc 1,2 triệu tỷ đồng, tương đương 52 tỷ USD, và hiện vào khoảng 1,5 triệu tỷ đồng. Thế nhưng, đường đi của dòng tiền này vẫn là một bí ẩn, bởi không cơ quan, tổ chức nào có thể giám sát. Khiến công luận băn khoăn về hàng triệu tỷ đồng được huy động từ trái phiếu doanh nghiệp đi đâu về đâu và làm gì không ai hay?
Theo số liệu báo cáo của Bộ Tài chính hồi tháng 6/2022 cho thấy, riêng năm 2021 có tới 20 doanh nghiệp BĐS huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp với tổng số nợ vay hơn 100.000 tỷ đồng, với lãi suất huy động TPDN của các doanh nghiệp này từ 8%/năm đến 12,9%/năm. Dẫn đầu là nhóm 5 doanh nghiệp gồm: Công ty CP đầu tư và xây dựng Vạn Trường Phát, Công ty CP Osaka Garden, Công ty TNHH kinh doanh bất động sản Mediterranena Revival Villas.... năm 2021 đã huy động gần 7.000 tỉ đồng nợ vay TPDN để làm dự án bất động sản.Trong 8 tháng đầu năm 2022, nhóm DN bất động sản huy động vốn qua kênh trái phiếu đạt giá trị hơn 47.000 tỷ đồng, chiếm 21,3% tổng giá trị trái phiếu phát hành, xếp thứ hai sau lĩnh vực ngân hàng (với lãi suất trung bình khoảng 10,2%). Cụ thể, Cty TNHH Đầu tư và Kinh doanh địa ốc Mỹ Phú phát hành 700 tỷ đồng trái phiếu DN riêng lẻ vào ngày 17/5/2022; Công ty Hội An Invest cũng phát hành một số đợt riêng lẻ trong tháng 5, huy động 300 tỷ đồng…
Bài học đắt giá cho nhà đầu tư
Thông qua kênh trái phiếu hoặc các dạng hợp đồng hợp tác, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, hợp đồng trái phiếu....hàng vạn nhà đầu tư đã “tích cực” bơm tiền cho doanh nghiệp. Thế nhưng họ lại không thể biết tài sản của mình đang được doanh nghiệp sử dụng vào mục đích gì. Đến khi lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt, lúc này nhà đầu tư mới tá hỏa tìm giải pháp để giảm thiểu rủi ro với những khoản đã đầu tư.
Ví như trường hợp nhiều nhà đầu tư sau khi tích cực “bơm vốn” cho Tập đoàn VSet Group qua các kênh trái phiếu, thỏa thuận hợp tác... đã phải khóc ròng khi các doanh nghiệp này “bội tín hoặc chậm thanh toán cả gốc và lãi (Tạp chí đã giới thiệu ở những số báo trước).
Ông Trương Văn Mẫn - Tổng giám đốc Tập đoàn VsetGroup (ảnh nguồn: Internet). Tập đoàn này chuyên kinh doanh cây hoa cảnh, nhưng trong một thời gian dài đã huy động số vốn "khủng" từ nhiều kênh chứng khoán khác nhau, và hiện đang bị rất nhiều nhà đầu tư tố là "quỵt" không thanh toán cả gốc và lãi.
Trường hợp Tân Hoàng Minh, Tập đoàn An Đông, hay Vạn Thịnh Phát là những con số rất khiêm tốn trong hàng triệu tỷ đồng, mà các doanh nghiệp thời gian qua đã huy động vốn thông qua các kênh chứng khoán khác nhau.
Tuy số vốn nhà đầu tư “bơm” vào trái phiếu rất lớn, đặc biệt là khối doanh nghiệp bất động sản, nhưng nhà đầu tư lại không thể giám sát được tài sản được doanh nghiệp sử dụng có hiệu quả và đúng mục đích?
Ngay cả trong giai đoạn xảy ra đại dịch Covid -19 (năm 2020 -2021), doanh nghiệp bất động sản vẫn phát hành lượng trái phiếu với số lượng lớn để huy động vốn, mặc dù trong thời điểm này số lượng dự án bất động sản được cấp phép mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Theo số liệu thống kê, chỉ tính riêng năm 2021, lượng trái phiếu mà các doanh nghiệp bất động sản phát hành lên tới 9 tỷ USD, cao gấp 3 lần lượng huy động được từ trái phiếu năm trước đó. Sang năm 2022, từ câu chuyện trái phiếu của Tân Hoàng Minh, Apec Group, VSet Group.... các doanh nghiệp đã thu hẹp con đường gọi vốn từ phát hành trái phiếu.
Bank Land Group sử dụng "mồi" bất động sản phân lô để huy động vốn thông qua các hợp đồng tác (ảnh nguồn: internet).
Một lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc Hà Nội cho biết, bản chất trái phiếu doanh nghiệp không sai, nhưng trong bối cảnh thị trường khát vốn, ngân hàng hạn chế cho vay, chủ đầu tư tìm đủ mọi cách huy động vốn. Đây là một kênh huy động tốt nhưng thị trường thì trắng đen lẫn lộn, vì bị buông lỏng quản lý.
“Các doanh nghiệp bất động sản có rất nhiều bài học từ những dự án chủ đầu tư huy động vốn. Có những doanh nghiệp phát hành trái phiếu huy động vốn xong rồi đem tiền đi đâu và làm gì thì không ai biết. Khi doanh nghiệp không thể trả lãi, bàn giao nhà cho nhà đầu tư, mọi việc mới vỡ lẽ. Từ câu chuyện của các doanh nghiệp vừa bị “sàng lọc” có thể coi đây cũng là tín hiệu tốt cho thị trường và nhà đầu tư phải trả bằng một bài học đắt giá”, vị này nói.
Ông Nguyễn Đỗ Lăng - Chủ tịch Apec Group (ảnh nguồn: Internet) và những mối liên hệ nhập nhằng sở hữu: JDJ, APS, API.. và Apec Group cũng là đơn vị được cơ quan chức năng nhắc tới do "gian lận" phát hành trái phiếu chui.
Do ham lãi cao nhà đầu tư đã mạnh tay “bơm vốn” cho Tân Hoàng Minh đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, và bài học này đắt giá này vẫn còn nguyên giá trị. Thế nhưng trên thị trường vẫn còn tồn tại rất nhiều doanh nghiệp đang huy động vốn tương tự Tân Hoàng Minh, hoặc dưới dạng kinh doanh đa cấp nhằm gian lận lợi thế thương mại, nhưng vẫn chưa được cơ quan chức năng quyết liệt ngăn chặn.
Hậu quả của vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, sẽ là dây truyền kéo chuyến tàu kinh tế của đất nước chậm đà tiến. Và sẽ gây tâm lý mất niềm tin vào TPDN của nhà đầu tư, ảnh hưởng trực tiến đến huy động vốn và nhu cầu của doanh nghiệp.
(Còn nữa)
32