Đồng loạt tăng giá
Do ảnh hưởng của giá xăng dầu, một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đều đã rục rịch tăng giá bán từ đầu tháng 3 tới nay. Theo tìm hiểu của Báo Công Thương tại một số chợ dân sinh và cửa hàng tạp hóa trên địa bàn Hà Nội, nhiều mặt hàng đã tăng mạnh.
Cụ thể như tại chợ Đồng Xa (Mai Dịch), giá các loại gạo như Tám Thái, Tám Điện Biên có giá 160.000 – 180.000 đồng/bao 10kg thì nay đã tăng thêm 180.000 – 310.000 đồng/bao. Trứng gà ta trước có giá 30.000 – 40.000 đồng/chục, tăng lên 5.000 - 10.000 đồng. Nước mắm tăng 5.000 - 10.000 đồng/lít. Mì chính cũng tăng 7.000 - 10.000 đồng/kg.
Theo các tiểu thương tại chợ Đồng Xa, trong các mặt hàng tăng thì dầu ăn là tăng nhiều nhất. Cụ thể, giá dầu ăn Meizan Gold trước giá 62.000 đồng/chai 2 lít giờ tăng lên 90.000 đồng; một số khác như dầu ăn Simply trước 50.000 - 52.000 đồng/chai 1 lít đã lên tới 64.000 - 68.000 đồng/chai.
Chị Nguyễn Thị Lành, tiểu thương tại chợ cho biết: "Trước đây, khi giá xăng dầu chưa có sự điều chỉnh theo hướng tăng lên, tôi nhập một thùng 2 can dầu ăn loại 10 lít chỉ có giá là 375.000 đồng/thùng nhưng ở thời điểm hiện tại, giá nhập đã lên đến gần 700.000 đồng/thùng. Do mặt hàng này tăng cao nên tôi cũng hạn chế nhập hơn và đành nhập một số loại rẻ hơn bán. Vì nếu mình bán cao quá thì người dân cũng không mua".
Hầu hết các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đều tăng từ 10 - 15% |
Theo chị Phạm Thị Xinh, chủ cửa hàng tạp hoá trên đường Lê Đức Thọ, Nam Từ Liêm, Hà Nội, từ đầu năm đến nay, mối buôn liên tục báo tăng giá. Mì tôm tăng từ 80.000 đồng lên 102.000 đồng/thùng; đường từ 17.000 đồng/kg hiện lên 25.000 đồng/kg; bánh kẹo tăng 1.000-2.000 đồng/sản phẩm; các loại bia cũng tăng khoảng 10% so với đầu năm…
“Hiện nay, hầu hết các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đều tăng từ 10 - 15%. Các đầu mối cung cấp hàng đều thông báo đợt nhập tới giá sẽ tiếp tục tăng. Mặc dù đã cố gắng giữ giá tốt nhất cho khách hàng, nhưng khi giá nhập tăng cao, nếu không điều chỉnh giá bán thì chúng tôi không có lãi”, chị Xinh cho hay.
Việc hàng hoá thiết yếu tăng giá đồng loạt đang gây áp lực lớn đối với người tiêu dùng khiến họ "thắt lưng buộc bụng" hơn. Bởi lẽ, việc hàng hoá đồng loạt tăng giá đã trực tiếp ảnh hưởng đến chi tiêu, sinh hoạt của người dân. Đặc biệt với những người thu nhập thấp.
Chị Nguyễn Thị Linh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ: "Tiền lương công nhân của cả hai vợ chồng hàng tháng chỉ được khoảng 12 triệu đồng. Vừa phải nuôi bố mẹ già ở quê và hai con ăn học, rồi tiền thuê trọ. Bình thường với số tiền này cả gia đình tằn tiện cũng đủ chi tiêu, giờ cái gì cũng tăng khiến cuộc sống của chúng tôi đã khó khăn càng khó khăn hơn”.
Là người phụ trách công việc nội trợ chính trong gia đình, chị Vũ Thuý An, trú tại Phú Đô, Nam Từ Liêm không khỏi lo lắng mỗi khi đi chợ. Chị An cho biết: “Hai năm nay dịch dã hai vợ chồng thu nhập đã bấp bênh, tiền dư dả thì không có, nay các nhu yếu phẩm cái gì cũng tăng giá chóng mặt khiến vợ chồng tôi không khỏi lo lắng. Thu nhập thì có hạn, việc chi tiêu ngày càng nhiều hơn nên đành phải thắt chặt chi tiêu vào những thứ không thiết yếu”.
Doanh nghiệp bán lẻ tìm cách “kìm” giá
Lý giải về tình trạng này, nhiều doanh nghiệp sản xuất và cung ứng hàng hoá cho biết, giá xăng dầu tăng kéo theo các loại chi phí như sản xuất, vận chuyển, giá thành nguyên liệu tăng nên buộc các doanh nghiệp phải tăng giá để bù đắp chi phí.
Thực tế cho thấy, trước tình hình biến động của nguồn nguyên vật liệu đầu vào, các nhà cung cấp nguyên liệu lẫn đơn vị sản xuất kinh doanh đã đưa ra thông báo về kế hoạch tăng giá hàng hóa. Cụ thể, đại diện Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt chia sẻ, hiện nay một số đơn vị cung cấp nguyên liệu đầu vào cho công ty đã thông báo kế hoạch tăng giá dao động từ 10-20%. Từ việc điều chỉnh của các đối tác, công ty đang chịu lỗ từ 100-200 đồng/quả trứng (trứng gà, trứng vịt) khi đưa ra thị trường.
Tương tự, theo chị Mai Thị Hoa, đại diện một công ty chuyên cung cấp thực phẩm trên địa bàn Hà Nội cho biết, không chỉ giá nguyên vật liệu tăng mà chi phí vận chuyển, giao nhận đều lần lượt được điều chỉnh tăng giá gần đây đang gây nhiều khó khăn cho các đơn vị cung ứng thực phẩm.
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ đang cố gắng trì hoãn việc tăng giá của các sản phẩm |
“Việc điều chỉnh tăng giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của công ty, tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải điều chỉnh giá bán tăng theo cơ chế thị trường, tùy theo chủng loại sản phẩm, nhằm hạn chế thấp nhất việc tăng giá đến tay người tiêu dùng” – chị Hoa cho hay.
Để hỗ trợ, chia sẻ với người tiêu dùng, một số doanh nghiệp trong ngành bán lẻ đã tìm cách liên tục chạy luân phiên chương trình khuyến mãi, giảm giá và trợ giá cho người dân, đồng thời, vừa tìm cách “kìm” giá từ các nhà cung cấp.
Đại diện siêu thị MM Mega Market Việt Nam cho biết: Giá xăng dầu tăng gấp 3 lần đã ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí vận chuyển, chi phí bao bì, chi phí vận chuyển quốc tế và hoạt động kinh doanh khôi phục trở lại sau đại dịch COVID-19. Ngoài ra, giá nguyên vật liệu như bột mì và bơ tăng cũng sẽ tác động đến giá thành sản phẩm.
“Chúng tôi đã cố gắng trì hoãn việc tăng giá của các sản phẩm. Hiện, chúng tôi đang làm việc thật chặt chẽ với các nhà cung cấp để có mức giá điều chỉnh hợp lý nhất", đại diện siêu thị Mega Market Việt Nam cho hay.
Theo vị đại diện này, hai tuần một lần, đơn vị triển khai chương trình khuyến mại như nhân 2 hoặc 5 lần tích điểm thẻ, mua nhiều lợi nhiều. Thậm chí, các mặt hàng thiết yếu, hóa mỹ phẩm và mặt hàng thực phẩm tươi sống giảm đến 50%.
Tại hệ thống bán lẻ WinCommerce cũng triển khai nhiều chương trình tương tự. Đại diện WinCommerce cho biết, thị trường tiêu dùng hiện nay đang có xu hướng bước vào mặt bằng giá mới khi nhiều nhà cung cấp, nhà kinh doanh điều chỉnh tăng giá do tác động bởi giá xăng dầu tăng cao. Đơn vị đã nhận được đề nghị điều chỉnh giá của rất nhiều nhà cung cấp khi giá xăng dầu tăng cao. Trước sức ép tăng giá rất lớn, chúng tôi đã buộc phải điều chỉnh nhẹ một số mặt hàng như: Đường, gia vị, mỳ gói, dầu ăn. Song, để hỗ trợ, sẻ chia người tiêu dùng, chúng tôi đã chủ động đàm phán với các nhà cung cấp nhằm trì hoãn việc tăng giá một số mặt hàng, đặc biệt với nhóm nhu yếu phẩm.
Nguồn: Báo Công Thương
(CHG) - Chiều ngày 31/10, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp với Cục Quản lý thị trường TP.HCM tổ chức kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh tại chợ Bến Thành và đã phát hiện nhiều sai phạm.
Xem chi tiết(CHG) - Mục tiêu của Thaco trong năm 2024, sẽ xuất khẩu đạt giá trị gần 140 triệu USD thông qua đơn hàng từ các doanh nghiệp FDI.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/9, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Cục QLTT tỉnh Ninh Thuận cho biết đang tạm giữ 48 xe đạp điện không hoá đơn chứng từ hợp pháp để tiếp tục xử lý theo quy định.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 13/9, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Bình Thuận cho biết, vừa phối hợp với một số đơn vị chức năng kiểm tra một cơ sở kinh doanh, phát hiện và thu giữ hơn 1 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 13/9, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 thuộc Cục QLTT tỉnh Bình Thuận cho biết, vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hai đơn vị kinh doanh xăng dầu do vi phạm về điều kiện trong hoạt động kinh doanh.
Xem chi tiết