(CHG) Theo những người làm thuỷ điện, chưa có năm nào, tình trạng thuỷ văn lại kém như hiện nay. Hầu hết các hồ thuỷ điện trên cả nước đều xuống mực nước chết và dưới mực nước chết khiến việc sản xuất, cung cấp điện gặp khó khăn.
Ông Mai Đức Tiệp - quản đốc phân xưởng vận hành, Nhà máy thủy điện Sơn La cho biết, hơn 13 năm trong nghề cũng là hơn 13 năm kể từ khi tổ máy đầu tiên đi vào hoạt động, đây là lần đầu tiên mực nước hồ thủy điện Sơn La xuống mức thấp kỷ lục và phải vận hành dưới mực nước chết (175m). Những ngày gần đây, các tổ máy gần như dừng hoạt động, nếu chạy thì cũng rất hạn chế vì hồ đã ở mực nước chết.
Mức nước chết tại hồ thuỷ điện Sơn La (Ảnh: Đình Dũng).
Trong điều kiện mực nước chết, cột nước tổ máy giảm, tua bin có nguy cơ rung, đảo tổ máy, nhiệt độ các tổ máy có nguy cơ tăng lên nên nhà máy phải tăng cường ứng trực, tăng người đi kiểm tra thiết bị, tăng chu kỳ kiểm tra với tần suất từ 30 phút đến 2 h/1 lần.
"Mục tiêu làm sao cả 6 tổ máy luôn sẵn sàng để đáp ứng điện lưới khi có yêu cầu" - ông Tiệp chia sẻ.
Điều này cũng tương tự đối với thuỷ điện Lai Châu và nhiều thuỷ điện khác trên dòng sông Đà.
Hiện trên dòng sông Đà (gồm các nhánh) có 5 thuỷ điện gồm: Hòa Bình (1900), Sơn La (2400) và Lai Châu (1.200) và Nhà máy Thủy điện Huội Quảng (520 MW) và Bản Chát (180 MW).
Với tổng công suất lên tới hơn 6.000 MW, các thuỷ điện trên sông Đà đã cung cấp sản lượng điện khoảng 25 tỷ kWh/năm cho hệ thống điện quốc gia, góp phần đảm bảo điện cho miền Bắc và thủ đô Hà Nội.
Trừ hồ thuỷ điện Hoà Bình, nước các hồ ngày 8/6 ở mực nước chết (mực nước hồ/ mực nước chết). Cụ thể, Hồ Lai Châu: 265.5 m/ 270 m; Hồ Sơn La: 175.05/175 m; Hồ Hòa Bình: 103.58/80m (yêu cầu mực nước tối thiểu: 81.9 m); Hồ Bản Chát: 431.80m/431m.
Như vậy với tình trạng thiếu nước tại các hồ thuỷ điên như hiện nay thì việc sản xuất cung ứng điện đang gặp nhiều khó khăn.
Đoạn sông qua Thị xã Mường Lay (Điện Biên) bị trơ đáy, nứt nẻ (Ảnh: Đình Dũng).
Thông tin về việc cung cấp điện, lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực cho biết, đến thời điểm này chỉ hồ thuỷ điện Hoà Bình còn nước trong hồ và có thể duy trì phát điện đến khoảng 12-13/06. Tổng công suất không huy động được của các nguồn thủy điện miền Bắc nêu trên sẽ ở mức 5.000 MW và có thể lên đến 7.000MW khi hồ thủy điện Hòa Bình về mực nước chết. Như vậy, tính đến ngày 06/6/2023, công suất khả dụng của thuỷ điện là 3.110 MW chỉ đạt 23,7% công suất lắp.
Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện ở khu vực miền Bắc có thể lên mức 23.500 - 24.000MW trong những ngày nắng nóng sắp tới. Điều này đồng nghĩa, hệ thống điện miền Bắc sẽ thiếu hụt khoảng 4.350MW với sản lượng không đáp ứng được trung bình ngày khoảng là 30,9 triệu kWh (ngày cao nhất có thể lên tới 50,8 triệu kWh).
Trước những khó khăn trên, cơ quan chức năng mong muốn được người dân chia sẻ, đồng thời khuyến nghị tăng cường các biện pháp tiết kiệm điện bằng việc giảm chiếu sáng, giảm sử dụng các thiết bị làm mát nhất là điều hoà, không sử dụng cùng lúc các thiết bị điện trong giờ cao điểm buổi trưa và buổi tối.
Báo cáo cập nhật sáng 9/6 của Bộ Công Thương cho thấy, hiện nước về các hồ thuỷ điện trong đó có các thuỷ điện trên dòng sông Đà đang khá dần lên. Hy vọng tình trạng cấp điện sẽ được cải thiện trong thời gian tới.
Cụ thể, mực nước Thủy điện Lai Châu lúc 08h00 ngày 09/6/2023 là 267.41m, cao hơn mực nước chết (MNC) là 2.41m (MNC là 265.0m); Mực nước thượng lưu hồ chứa thuỷ điện Sơn La thời điểm 07h00 ngày 09/6/2020 là 175,42m trên mức nước chết 0,42m (MNC 175m).
Nguồn: https://congthuong.vn/dien-mien-bac-gap-kho-khan-vi-han-han-song-da-can-nuoc-257398.html
2