(CHG) Nhu cầu tiêu thụ thịt thú rừng và các sản phẩm từ động vật hoang dã nói chung đang biến Việt Nam trở thành một điểm nóng mua bán các sản phẩm này. Thời gian qua, lực lượng chức năng các địa phương liên tục phát hiện, bắt giữ các đối tượng nhập lậu, buôn bán động vật hoang dã.
Động vật hoang dã được bày bán công khai.
Ngang nhiên buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã
Theo một nghiên cứu mới đây của Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) và GlobeScan thực hiện năm 2021 tại Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Nhật Bản, Trung Quốc và Hoa Kỳ, có tới 7% tổng số người được hỏi khẳng định họ, hoặc một người mà họ quen biết đã mua các sản phẩm từ động vật hoang dã tại các khu chợ bán động vật hoang dã trong vòng 12 tháng qua.
Tỷ lệ này cao hơn ở Việt Nam với 14% và thấp nhất ở Myanmar là 4%. Đáng chú ý, 9% trong số người trả lời đã mua các sản phẩm từ động vật hoang dã chia sẻ, họ có thể và sẽ mua lại các sản phẩm động vật hoang dã trong tương lai.
Việc tiêu thụ thịt động vật hoang dã làm suy giảm nghiêm trọng quần thể các loài hoang dã, gây ra các loại tội phạm xuyên biên giới và trong nước, đồng thời làm tăng đáng kể nguy cơ lây truyền bệnh từ động vật sang người.
Theo ghi nhận từ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), các đối tượng buôn bán động vật hoang dã thường xuyên sử dụng nhiều tài khoản Facebook, Zalo khác nhau để quảng cáo, rao bán động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã trái phép như hổ, gấu, ngà voi, rượu rắn.
Do đó thời gian qua lực lượng chức năng các địa phương đã liên tục bắt giữ được hàng trăm sản phẩm, cá thể động vật rừng quý hiếm nghi nhập lậu.
Ngay từ những tháng đầu năm, sau khi tiếp nhận tin báo từ cộng đồng và tiến hành điều tra, Công an tỉnh Tây Ninh đã phát hiện và bắt giữ một đối tượng chuyên buôn bán động vật hoang dã tại xã Suối Ngô, huyện Tân Châu (tỉnh Tây Ninh). Tang vật thu giữ bao gồm: 1 cá thể rắn hổ mang chúa, 1 cá thể rắn hổ mang một mắt kính, 20 cá thể rùa hộp lưng đen, 5 cá thể rùa núi vàng và 1 cá thể mèo rừng cùng 1 cá thể trăn đất, 3 tủ đông lạnh chứa nhiều cá thể cheo cheo, nhím, 5 bình rượu ngâm rắn hổ mang một mắt kính và 5 chiếc móng gấu. Nhiều cá thể động vật hoang dã như mèo rừng, rắn hổ mang, trăn và rùa còn sống phát hiện tại nhà của đối tượng
Tiếp đến, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành Quyết định xử phạt hành chính và khởi tố bị can đối với ông Trịnh Ngọc Đồng (41 tuổi, ngụ xã Gia Bắc, huyện Di Linh) với số tiền xử phạt là 355,5 triệu đồng theo quy định tại Khoản 12, Điều 21 Nghị đinh 35/2019 của Chính phủ về hành vi “Tàng trữ động vật rừng trái phép và vi phạm các quy định về bảo vệ động vật rừng”.
Ông Trịnh Ngọc Đồng nuôi nhốt 1 cá thể Kỳ đà vân, là loài động vật rừng thuộc danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm nhóm IB; đồng thời, tàng trữ 1 cá thể Tê tê quý hiếm nặng 3 kg; 20 cá thể Cheo cheo trọng lượng 24 kg, 10 cá thể Cầy vòi hương trọng lượng 33,2 kg và 13 cá thể Sóc đen nặng 14,3 kg là động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB; 5 cá thể Don (họ nhím) trọng lượng 11,4 kg và 22 cá thể Dúi mốc lớn trọng lượng 19 kg là động vật rừng thông thường; 35 kg thịt, xương của cá thể Sơn dương quý hiếm.
Ngày 5/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Lê Thị Phương (SN 1986, trú tại số 8, ngõ 20, đường Kim Giang, phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) về hành vi “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.Phương bị bắt khi đang mang theo một bình thủy tinh bên trong chứa 1 cá thể rắn đã chết. Phương khai đây là rắn hổ chúa nặng khoảng 10kg được đối tượng nuôi, nhốt tại nhà ở tổ 3, phường Tiền Châu, TP. Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Phương đã giao bán cá thể rắn này trên mạng xã hội với giá 31 triệu đồng. Ngày 3/12, khi có khách đặt mua, Phương đã giết mổ cá thể rắn rồi mang đi giao hàng, trên đường di chuyển qua địa bàn huyện Lâm Thao thì bị Đội cảnh sát điều tra, Công an huyện Lâm Thao bắt giữ.
Động vật hoang được các đối tượng buôn bán thu gom, vận chuyển đi tiêu thụ đã bị các lực lượng chức năng bắt giữ.
Nhiều bệnh dịch nguy hiểm do sử dụng thịt thú rừng
Phát biểu tại buổi Họp báo “Phát động chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng của người thành thị” (ngày 21/10/2022), ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, thế giới ngày nay ghi nhận sự xuất hiện ngày càng nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có nguồn gốc từ động vật hoang dã lây sang người.
Điển hình như, Hội chứng suy giảm miễn dịch (AIDS/HIV), Ebola, Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS-Cov), đại dịch Covid-19 hay bệnh Đậu mùa khỉ đều là những bệnh lây truyền từ động vật, có nghĩa là chúng được truyền từ động vật sang người. Động vật không phải là nguyên nhân gây ra các đợt bùng phát này – trên thực tế,nếu như chúng sống trong môi trường tự nhiên thì hầu hết các mầm bệnh chúng mang theo khó có thể đe dọa tới con người. Nguyên nhân là do các hoạt động xâm lấn của con người vào những nơi hoang dã, dẫn đến sự tiếp xúc gần giữa các loài hoang dã và con người. Hành vi đặc biệt nguy hiểm và có rủi ro cao là săn bắt trộm, vận chuyển, buôn bán, chế biến và ăn thịt động vật hoang dã.
Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH) cho biết, trong vòng 60 năm qua đã có 335 bệnh mới nổi xảy ra trên người. Trong đó, 144 tác nhân gây bệnh (chiếm 43%) có nguồn gốc từ động vật hoang dã, đặc biệt từ các loài linh trưởng, thú ăn thịt (cầy, cáo), dơi, chim hoang dã, tê tê…
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệu, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), hiện các chính sách pháp luật về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã cơ bản đầy đủ và toàn diện, từ chế độ quản lý (theo chuỗi từ bảo tồn, khai thác, nuôi, chế biến, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu), đến xử lý các hành vi vi phạm và xử lý các mẫu vật bị buôn bán, tàng trữ trái pháp luật.
Bà Jan Vertefeuille, Cố vấn cấp cao về vận động chính sách của WWF-Hoa Kỳ nhìn nhận: “Phương pháp tiếp cận người tiêu dùng đã thay đổi hành vi của họ trong chiến dịch này là rất cần thiết, để thay đổi quan niệm của xã hội về tiêu dùng thịt thú rừng và ngăn chặn nguy cơ bùng phát đại dịch tiếp theo”.
Người dân thành thị là những người có thu nhập cao và có hiểu biết tại các tỉnh thành. Họ cần phải thay đổi niềm tin rằng thịt thú rừng là món ăn tươi, ngon, giúp họ chứng tỏ đẳng cấp trong xã hội, hoặc bồi bổ sức khỏe. Tuy nhiên, chính hành vi này lại có thể làm phát sinh và lan truyền các tác nhân gây bệnh từ động vật sang người.
Đại dịch Covid-19, theo một cách khác, đã cho chúng ta cơ hội nhìn nhận lại mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, đặt con người đứng trước một cuộc khủng hoảng kép: khủng hoảng đối với sức khỏe con người và cuộc khủng hoảng đối với nhiên nhiên. Chỉ có thay đổi hành vi tiêu thụ động vật hoang dã mới có thể góp phần phòng tránh được hiểm họa, bảo vệ được các loài động vật hoang dã, bảo vệ được nguồn gien và đa dạng sinh học.
Bài 2: Xử lý quá nhẹ loại tội phạm về động vật hoang dã ?
0
Đắk Nông: Phát hiện và xử phạt cửa hàng kinh doanh quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas
(CHG)Vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cơ sở kinh doanh quần áo may sẵn tại thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông về hành vi trưng bày, bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Adidas đang được bảo hộ tại Việt Nam với số tiền xử phạt là 10.000.000 đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ 119 sản phẩm quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas.
Xem chi tiết
Gian nan “cuộc chiến” phòng, chống vi phạm trong thương mại điện tử
(CHG) Trong thời đại công nghệ 4.0, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) đang phát triển mạnh mẽ và trở thành một phần không thể thiếu của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là cùng với sự phát triển của TMĐT là sự gia tăng các hình thức buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đe dọa cả người tiêu dùng và doanh nghiệp hợp pháp. Trong guồng quay đó, tỉnh Bình Dương cũng không phải là ngoại lệ khi thị trường trực tuyến trở thành điểm đến hấp dẫn cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Xem chi tiết