Bán trang sức bằng “niềm tin”
Có thể nói Ngọc Hiền Pearl Farm là một trong những trung tâm kinh doanh ngọc trai, đồ lưu niệm vô cùng nổi tiếng tại thành phố Phú Quốc. Với bề dày kinh nghiệm (30 năm) trong lĩnh vực nuôi cấy ngọc trai biển tại Phú Quốc, “đến nay Ngọc Hiền đã và đang khẳng định được vị thế thương hiệu trang sức ngọc trai thời thượng hàng đầu Phú Quốc với du khách trong và ngoài nước” (lời quảng cáo của Ngọc Hiền tại website://ngochienpearl.com). Vì vậy, giá bán các sản phẩm ngọc trai, trang sức vàng, bạc đính kèm ngọc trai ở đây có giá bán vô cùng đắt đỏ: từ vài trăm nghìn đến vài trăm triệu đồng/01 sản phẩm, hoặc 01 bộ sản phẩm.
Những tưởng danh tiếng của Ngọc Hiền Pearl Farm sẽ là động lực để doanh nghiệp này khắc phục nhược điểm, phát huy thế mạnh, phát triển bền vững, vì quyền lợi người tiêu dùng, tạo dựng niềm tin đối với du khách trong và ngoài nước.
Thực tế dường như đang chứng minh ngược lại. Đằng sau vẻ hào nhoáng, hoành tráng của một trung tâm kinh doanh ngọc trai, trang sức gắn ngọc trai và các hàng xa xỉ phẩm, là một loạt dấu hiệu vi phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh hàng tiêu dùng. Trong đó, ngày 11/8/2024, Tạp chí CHG đã có bài viết: “Ngọc Hiền Pearl Farm có đang kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ” là minh chứng điển hình cho một vài vi phạm của đơn vị này.
Ngoài ra, người tiêu dùng cũng “tố” đơn vị này có dấu hiệu bán các sản phẩm thuộc nhóm đồ trang sức bằng “niềm tin”: không ghi đầy đủ thông tin trên nhãn hàng hóa đối với các sản phẩm là ngọc trai; không ghi hàm lượng vàng (tuổi vàng) đối với sản phẩm vàng trang sức có gắn ngọc trai; định lượng đối với sản phẩm bạc trang sức có gắn ngọc trai; không xuất hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) cho khách mua hàng...
Chị N.H.N, một du khách đến từ tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: “Đoàn của chúng tôi 30 người, được hướng dẫn viên đưa vào trung tâm mua sắm ngọc trai (Ngọc Hiền) để thăm quan và mua sắm. Trong đoàn nhiều người mua ngọc trai về làm đồ lưu niệm lắm”.
Vừa nói chị N. vừa băn khoăn: “Tôi cũng mua một sản phẩm chuỗi cổ ngọc trai kết hợp bạc với giá 3,4 triệu. Tuy nhiên, tôi khá băn khoăn tại sao khi mua hàng xong, phía Ngọc Hiền lại chỉ đưa tôi phiếu xuất hàng, mà không có hóa đơn VAT.
Khi yêu cầu nhân viên tư vấn của Ngọc Hiền check mã QR Code và mã vạch của sản phẩm ngọc trai đã mua, người này giải thích: “Ngọc trai thường ít ai check mã vạch lắm. Mã vạch này hiển thị một số thông tin của công ty chứ không thể hiện từng sản phẩm... Không giống như cô tra Google về mỹ phẩm, nó sẽ hiển thị thông tin của từng sản phẩm và các thông số này kia... Bây giờ cô vào nông trại có giấy tờ của bên con rồi thì cô cứ yên tâm”.
Theo như chị N.H.A chia sẻ: “Sau khi sử dụng phần mềm icheck quét lên mã QR Code của sản phẩm thì hiển thị ra dòng ký tự khó hiểu: 26SB005400FPW067B5. Tôi tiếp tục check mã số, mã vạch của sản phẩm, trên màn hình điện thoại chỉ thể hiện dòng chữ: Vòng tay bạc ngọc trai, giá đang cập nhật, tiếp đó là hình ảnh lá quốc kỳ, bên cạnh ghi hai chữ Việt Nam, cùng dãy mã vạch và mã số. Phần dưới cùng ghi nội dung: thông tin được đóng góp bởi Công ty TNHH MTV Ngọc trai Ngọc Hiền”.
Quả thật, khi quan sát miếng đề can (giống nhãn hàng hóa) đính kèm sản phẩm chuỗi cổ ngọc trai kết hợp bạc của chị N. và trên sản phẩm lắc tay bạc xi ngọc trai (do một du khách trước đó gửi tới Quỹ Chống hàng giả), phóng viên nhận thấy một mặt thể hiện giống mã QR Code. Mặt còn lại thể hiện những kẻ sọc đứng, cùng dãy số ghi phía dưới, rất giống ký tự của mã vạch và mã số. Khi phóng viên thực hiện thao tác kiểm tra thông tin bằng phần mềm icheck, kết quả hoàn toàn trùng khớp với như những gì chị N. đã nêu ở trên.
Nhẫn bạc trang sức gắn ngọc trai, không có nhãn hàng hóa khiến chị A. nghi ngờ về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
Cùng thắc mắc như chị N.H.N, chị V.T.A, một du khách đến từ Hà Nội tỏ rõ sự nghi ngờ về sản phẩm: “Tôi có mua một sản phẩm là nhẫn bạc có gắn ngọc trai của Ngọc Hiền. Tuy nhiên, trên chiếc nhẫn không có tem nhãn ghi thông tin sản phẩm. Tôi chỉ nhận được một phiếu xuất hàng (không phải hóa đơn VAT), có ghi mã hàng hóa. Điều này khiến tôi rất nghi ngờ về nguồn gốc, cũng như chất lượng bạc- thành phần chính của sản phẩm”.
Vi phạm về việc ghi nhãn
Trao đổi với ông Nguyễn Lê Hoan, Chánh Văn phòng Quỹ Chống hàng giả về những thắc mắc của chị A. và chị N., cũng như sau khi xem những tài liệu do phóng viên cung cấp ông Hoan cho rằng: “Nghi ngờ của khách mua hàng tại Ngọc Hiền không hẳn là thiếu cơ sở. Bởi theo quy định tại điều 3 nghị định 43/2017/NĐ-CP: “Nhãn hàng hóa là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa; Ghi nhãn hàng hóa là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa lên nhãn hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát”.
Bên cạnh đó, ông Hoan cũng cho biết thêm: “Tại Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 111/2021/NĐ-CP bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa phải thể hiện các nội dung tiếng Việt: a) Tên hàng hóa; b) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; c) Xuất xứ hàng hóa.
Trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa theo quy định tại khoản 3.
Tại Điều 15 Nghị định này yêu cầu: Các nội dung bắt buộc khác phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của mỗi loại hàng hóa quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và quy định pháp luật liên quan. Trường hợp hàng hóa có tính chất thuộc nhiều nhóm quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và chưa quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa căn cứ vào công dụng chính của hàng hóa tự xác định nhóm của hàng hóa để ghi các nội dung theo quy định tại điểm này.
Trường hợp do kích thước của hàng hóa không đủ để thể hiện tất cả các nội dung bắt buộc trên nhãn thì phải ghi những nội dung quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này trên nhãn hàng hóa, những nội dung quy định tại điểm d khoản 1 Điều này được ghi trong tài liệu kèm theo hàng hóa và trên nhãn phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.
Theo Phụ lục I, nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa đối với sản phẩm bạc phải ghi: Định lượng; Thành phần định lượng; Thông tin cảnh báo (nếu có).
Tương tự, đối với sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ, trên nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện: Hàm lượng; Khối lượng; Khối lượng vật gắn (nếu có); Mã ký hiệu sản phẩm; Thông tin cảnh báo (nếu có).
Như vậy, theo thông tin của người tiêu dùng và phóng viên cung cấp, trên nhãn của nhiều sản phẩm là ngọc trai, bạc trang sức có gắn ngọc trai, vàng trang sức có gắn ngọc trai bày bán tại Ngọc Hiền Pearl Farm đang thiếu những thông tin tối thiểu đã nêu ở trên là vi phạm các pháp luật trong việc ghi nhãn hàng hóa”.
Việc những sản phẩm nêu trên ghi thiếu thông tin khiến không ít người tiêu dùng là khách du lịch trong và ngoài nước tỏ ra lo lắng và hoài nghi: liệu đơn vị Ngọc Hiền Pearl Farm có đang “lập lờ đánh lận con đen”, nhằm lừa dối người tiêu dùng?
Trước đó, khi thấy một số sản phẩm là dây chuyền trang sức vàng trắng gắn ngọc trai, nhẫn vàng trang sức gắn ngọc trai, có giá rất đắt (từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng), nhưng trên nhãn sản phẩm hoàn toàn không ghi thông tin về Hàm lượng; Khối lượng; Khối lượng vật gắn... phóng viên thắc mắc với nhân viên tư vấn bán hàng, người này cho cho rằng: “Bên em là Công ty lớn nên là vàng thật... vàng này là vàng 18k...”.
Thật lạ, chẳng lẽ “Công ty lớn” kinh doanh liên quan đến sản phẩm là vàng trang sức, bạc trang sức sẽ được quyền không cần ghi thông số tối thiểu hay sao? Liệu phía sau đó có gì mờ ám(?)
Không xuất hóa đơn giá trị gia tăng điện tử cho khách hàng
Bên cạnh việc bán hàng bằng “niềm tin”, tại Ngọc Hiền Peal Farm còn có dấu hiệu không xuất hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) cho người mua hàng.
Cụ thể, khi mua sản phẩm vòng cổ ngọc trai, lắc bạc gắn ngọc trai, nhẫn bạc đính ngọc trai... cả chị A., chị N. và nhiều du khách khác chỉ nhận được phiếu xuất hàng, kiêm giấy bảo hành sản phẩm, không có hóa đơn VAT.
Trong khi đó, tại Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định: “Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa)...”.
Với những luận cứ, luận điểm đã nêu, chắc hẳn không ít du khách đã đến đây mua sắm sẽ phải đặt những câu nghi vấn đơn vị này có đang cố tình không chấp hành nghĩa vụ thuế với nhà nước?
Phản ứng “chậm chạp” của cơ quan chức năng
Trước đó, ngày 06/8/2024, khi tới làm việc với Đội Quản lý thị trường số 4 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang), UBND thành phố Phú Quốc, phóng viên đã bổ sung thông tin về một số đơn vị có dấu hiệu vi phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh hàng hóa, trong đó có đơn vị Ngọc Hiền Pearl Farm.
Ngày 11/8/2024, sau khi Tạp chí CHG thông tin tới độc giả về một số dấu hiệu vi phạm và vi phạm của đơn vị Ngọc Hiền Pearl Farm, phóng viên đã gửi nội dung bài viết (qua zalo) cho một lãnh đạo UBND thành phố Phú Quốc.
Thế nhưng đến nay, sau 15 ngày phía UBND thành phố Phú Quốc, Ban Chỉ đạo 389 thành phố Phú Quốc, cùng các đơn vị liên quan vẫn “bình chân như vại”, chưa tiến hành kiểm tra đơn vị này. Hậu quả, hàng hóa vi phạm mà Tạp chí CHG đã nêu vẫn “chình ình” hiện hữu trên giá kệ và tiếp tục đến tay du khách. Những vi phạm vẫn tiếp nối vi phạm, vi phạm sau có tính chất nghiêm trọng hơn vi phạm trước (!)
Trao đổi với ông Lưu Tuấn Vũ, người nhận là quản lý của Ngọc Hiền Pearl Farm, ông Vũ khẳng định: “Trong quy trình vận hành, lỗi là do sơ xuất của cá nhân em trong việc mà em quản lý. Tuy nhiên về nguồn gốc hàng hóa, em khẳng định bên em có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng hết...”.
Trước câu hỏi liên quan đến việc đơn vị Ngọc Hiền không xuất hóa đơn VAT cho du khách sau khi mua hàng hóa tại đây, ông Vũ cho rằng: “Cái này để em coi lại cái phần quản lý của em xem có sai sót hay không... vừa rồi em đi công tác nhiều”.
Về những sản phẩm liên quan đến da cá sấu mà bài báo đã nêu trước đó, ông Vũ biện hộ: “Bên em có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, và nó thuộc hộ kinh doanh Hà. Hộ kinh doanh Hà nhập sản phẩm về bán tại showroom bên em, bên em cho thuê chỗ đó. Trong quá trình quản lý cá nhân của em nó bị sai sót trong phần dán tem nhầm là của Ngọc Hiền lên số sản phẩm đó (!)”.
Lời chia sẻ và biện hộ của Vũ cho thấy dường như ông này không hiểu hay cố tình không hiểu thế nào là vi phạm về việc ghi nhãn hàng hóa. Những kiến thức cơ bản pháp luật tối thiểu trong lĩnh vực kinh doanh hàng tiêu dùng, sản phẩm trang sức ngọc trai, sản phẩm vàng- bạc có gắn ngọc trai... ông Vũ còn nắm chưa vững, bảo sao bao nhiêu dấu hiệu vi phạm và vi phạm nghiêm trọng đang diễn ra tại đơn vị này, người quản lý cũng không hay.
Để công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và hàng hóa vi phạm... trên địa bàn thành phố Phú Quốc đạt hiệu quả, đề nghị Ban Chỉ đạo 389, cùng các đơn vị chức năng liên quan rốt ráo thẩm tra, xác minh, sớm đưa ra phương án kiểm tra các đơn vị vi phạm. Tránh việc những đơn vị này thay đổi hiện trạng, tẩu tán hàng hóa vi phạm...
Cùng với đó, UBND thành phố Phú Quốc, Ban Chỉ đạo 389 thành phố Phú Quốc và các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật tới từng đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, tránh việc “không hiểu” pháp luật như người quản lý của Ngọc Hiền Pearl Farm.
(CHG)Vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cơ sở kinh doanh quần áo may sẵn tại thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông về hành vi trưng bày, bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Adidas đang được bảo hộ tại Việt Nam với số tiền xử phạt là 10.000.000 đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ 119 sản phẩm quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas.
Xem chi tiết(CHG) - Chiều ngày 31/10, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp với Cục Quản lý thị trường TP.HCM tổ chức kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh tại chợ Bến Thành và đã phát hiện nhiều sai phạm.
Xem chi tiết(CHG) Đội Quản lý thị trường số 6 tỉnh Khánh Hòa cho biết, vừa phát hiện 10 cơ sở vi phạm về buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Crocs được bảo hộ tại Việt Nam, Đội đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt trên 140 triệu đồng; đồng thời buộc tiêu hủy trên 700 đơn vị sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Crocs với tổng giá trị hàng hóa tiêu hủy trên 100 triệu đồng.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 9/9, Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đơn vị vừa có văn bản thông báo về hàng hoá nghi ngờ giả thuốc CEFUROXIM 500mg của Vidipha sản xuất.
Xem chi tiết(CHG) Trong thời đại công nghệ 4.0, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) đang phát triển mạnh mẽ và trở thành một phần không thể thiếu của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là cùng với sự phát triển của TMĐT là sự gia tăng các hình thức buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đe dọa cả người tiêu dùng và doanh nghiệp hợp pháp. Trong guồng quay đó, tỉnh Bình Dương cũng không phải là ngoại lệ khi thị trường trực tuyến trở thành điểm đến hấp dẫn cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Xem chi tiết