(CHG) Cục QLTT TP. Hà Nội vừa bắt quả tang một cơ sở sản xuất gần 12.000 lọ thực phẩm chức năng nghi là hàng giả tại thôn Cao sơn, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Sản xuất tại căn nhà cấp 4 nhưng gắn mác xuất xứ nước ngoài
Ngày 31/5, Đoàn kiểm tra do Đội QLTT số 1, Cục QLTT TP. Hà Nội chủ trì, phối hợp với Đội QLTT số 25 và Đội Cảnh sát kinh tế - Công an huyện Chương Mỹ tiến hành kiểm tra đột xuất tại căn nhà cấp 4 ở thôn Cao sơn, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Tại thời điểm kiểm tra, tại đây các công nhân đang thực hiện gia công, đóng gói những viên sủi, viên nén được đựng trong các bao nilon khác nhau vào các vỏ hộp nhựa không nhãn mác, với số lượng viên được định lượng trước. Sau đó sử dụng máy khò nhiệt và máy ép nhiệt dán các nhãn mác được in sẵn của các nhãn hiệu như Lady, V3, Xtraman, HYPOLY, HeBora Collggen Enrich; Collagen Top Queen New, Glucosamine, BORA… lên phía ngoài vỏ hộp. Bước cuối cùng, một tem chống hàng giả sẽ được dán vào sản phẩm, sẵn sàng tới tay người tiêu dùng.
Các bao tải nilon đựng viên nén được phát hiện tại hiện trường
Tại thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra, chủ cơ sở không có mặt tại hiện trường. Ông Đoàn Văn Đ., đại diện cho nhóm công nhân đang làm việc ở đây cho biết, mới được thuê đến để thực hiện các công việc trên và chưa được chủ cơ sở trả lương.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng ghi nhận có gần 12.000 lọ/ hộp thực phẩm chức năng đã được đóng gói thành phẩm với bao bì nhãn mác bắt mắt. Đáng chú ý, bên ngoài các vỏ hộp phần lớn được thể hiện có xuất xứ từ các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Bên cạnh đó, một lượng lớn sản phẩm thành phẩm tại đây còn thể hiện đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm là các doanh nghiệp trong nước như: Công ty TNHH Supharmco; Công ty TNHH thương mại dịch vụ xuất nhận khẩu Lady cara; Công ty TNHH Thương mại GENIX, Công ty Cổ phần Thịnh Tâm Đường, Công ty TNHH thương mại Tavuco Việt Nam...
Ngoài số hàng hóa thành phẩm trên, lực lượng chức năng còn ghi nhận tại cơ sở kinh doanh chứa 4.070 lọ nhựa đựng 20 viên sủi/lọ không có nhãn mác; 67 kg viên thuốc các loại không có nhãn mác; 44.656 chiếc tem nhãn giấy các loại có chữ Lady, Xtraman, Toca, V3, tem chống hàng giả; 15.478 chiếc vỏ hộp giấy các loại cùng 01 chiếc máy khò nhiệt và 01 chiếc máy ép nhiệt đã qua sử dụng nhãn có chữ nước ngoài.
Dấu hiệu vi phạm hình sự
Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở kinh doanh hoạt động không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; kinh doanh hàng hóa không niêm yết giá theo quy định; không xác định được có kinh doanh trên thương mại điện tử; có dấu hiệu sản xuất hàng giả là thực phẩm có nhãn hàng hóa và bao bì hàng hóa bị làm giả với tên, địa chỉ của doanh nghiệp sản xuất, phân phối sản phẩm; Giả mạo mã số đăng ký lưu hành sản phẩm được quy định tại Điểm đ Khoản 7 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với tổng trị giá hàng giả theo giá trị của hàng thật trên 278 triệu đồng.
Tại hiện trường, ông Kiều Trung Sơn - nhân viên Công ty TNHH Supharmco cho biết hàng hóa là viên sủi thực phẩm bảo vệ sức khỏe thành phẩm có nhãn LADY tại cơ sở kinh doanh không phải là sản phẩm của Công ty cổ phần dược phẩm Fresh Life sản xuất và Công ty TNHH Supharmco chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm. Sản phẩm có nhãn hàng hóa và bao bì hàng hóa bị làm giả với tên, địa chỉ của doanh nghiệp sản xuất, phân phối sản phẩm; Giả mạo mã số đăng ký lưu hành sản phẩm. Giá hàng thật của sản phẩm trên được thể hiện trên hóa đơn số 01 ngày 03/01/2023 nói trên có giá bán chưa có thuế là 52.000 đồng/ hộp.
Tương tự, ông Nguyễn Đình Huy - nhân viên Công ty Cổ phần Thịnh Tâm Đường cũng khẳng định, 5.000 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe thành phẩm có chữ XTraman hiện đang có tại cơ sở kinh doanh mà lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra không phải là sản phẩm của Công ty Cổ phần dược phẩm SANTEX sản xuất và Công ty Cổ phần Thịnh Tâm Đường chịu trách nhiệm trực tiếp về sản phẩm.
Tang vật tại hiện trường
Theo Lãnh đạo Đội QLTT số 1, đây là vụ việc sản xuất thực phẩm chức năng giả với quy mô lớn. Các đối tượng chủ động chọn một căn nhà dân nằm ở ngoại thành, xa trung tâm để thực hiện hoạt động sản xuất hàng giả.
Ngày 1/6, Đội QLTT số 1, Cục QLTT TP. Hà Nội đã chuyển toàn bộ hồ sơ và tang vật vụ việc có dấu hiệu hình sự tại cơ sở này đến Công an huyện Chương Mỹ để xử lý theo quy định.
Theo Khoản 7 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ: 7. “Hàng giả” gồm: a) Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký; b) Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; c) Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 của Luật Dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 của Luật Dược năm 2016; d) Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng; đ) Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa; e) Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả. |
(CHG)Vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cơ sở kinh doanh quần áo may sẵn tại thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông về hành vi trưng bày, bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Adidas đang được bảo hộ tại Việt Nam với số tiền xử phạt là 10.000.000 đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ 119 sản phẩm quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas.
Xem chi tiết(CHG) - Chiều ngày 31/10, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp với Cục Quản lý thị trường TP.HCM tổ chức kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh tại chợ Bến Thành và đã phát hiện nhiều sai phạm.
Xem chi tiết(CHG) Đội Quản lý thị trường số 6 tỉnh Khánh Hòa cho biết, vừa phát hiện 10 cơ sở vi phạm về buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Crocs được bảo hộ tại Việt Nam, Đội đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt trên 140 triệu đồng; đồng thời buộc tiêu hủy trên 700 đơn vị sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Crocs với tổng giá trị hàng hóa tiêu hủy trên 100 triệu đồng.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 9/9, Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đơn vị vừa có văn bản thông báo về hàng hoá nghi ngờ giả thuốc CEFUROXIM 500mg của Vidipha sản xuất.
Xem chi tiết(CHG) Trong thời đại công nghệ 4.0, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) đang phát triển mạnh mẽ và trở thành một phần không thể thiếu của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là cùng với sự phát triển của TMĐT là sự gia tăng các hình thức buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đe dọa cả người tiêu dùng và doanh nghiệp hợp pháp. Trong guồng quay đó, tỉnh Bình Dương cũng không phải là ngoại lệ khi thị trường trực tuyến trở thành điểm đến hấp dẫn cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Xem chi tiết