TÓM TẮT:
Bài viết này nhằm mục đích trang bị cho người đọc có cái nhìn tổng quan về khái niệm chuyển đổi số, thực trạng chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam, từ đó vạch ra những cơ hội và thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt. Bằng phương pháp lược khảo các nghiên cứu trước đây và tổng hợp các mô hình chuyển đổi số, tác giả đưa ra mô hình 3 nhóm nhân tố, bao gồm: thứ nhất là nhóm nhân tố thúc đẩy việc chuyển đổi số, thứ hai là các giai đoạn chuyển đổi số và thứ ba là các nhân tố chiến lược của chuyển đổi số để giúp các doanh nghiệp phát huy tính hiệu quả trong hoạt động và tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường.
Từ khóa: chuyển đổi số, doanh nghiệp số, nhân tố, quy trình hóa, số hóa.
Năm 2020 là một năm thế giới bước vào những thay đổi lớn, đại dịch Covid-19 đã tạo ra một bước ngoặt lớn làm thay đổi phương thức hoạt động của tất cả các lĩnh vực, các mô hình kinh doanh mới, các dịch vụ mới đang được sản sinh ngày càng nhiều trên các nền tảng công nghệ. Tại Việt Nam, năm 2020 được Chính phủ Việt Nam xem là năm chuyển đổi số quốc gia khi mà có ngày càng nhiều nền tảng số “made in Vietnam” góp phần vào quá trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp (Thủ tướng chính phủ, 2020). Chuyển đổi số đã thực sự trở thành khẩu hiệu hành động của các doanh nghiệp, mang lại những thời cơ và có cả những thách thức (Đỗ Thị Lan Anh, 2022), là một trong những giải pháp căng cơ có tính chiến lược để giúp các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn hiện tại và hướng tới những bước phát triển mới trong tương lai.
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình hay chiến lược về chuyển đổi số quốc gia (Thủ tướng Chính phủ, 2020). Thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng phê duyệt vào ngày 3 tháng 6 năm 2020, công cuộc chuyển đổi số của Việt Nam đã nhanh chóng có được những kết quả rõ nét, đặc biệt là nhận thức về chuyển đổi số không ngừng được nâng cao trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực sản xuất.
Thêm vào đó, năm 2020, cụm từ chuyển đổi số quốc gia được nhắc đến nhiều lần, nếu như tháng 3/2020 trên không gian mạng có khoảng 3.000 đề cập có chứa từ khóa “chuyển đổi số” thì đến tháng 11/2020 có khoảng 30.000 đề cập, tăng gấp 10 lần (Thủy Diệu, 2020). Rõ ràng, chuyển đổi số đã trở thành mối quan tâm của rất nhiều người. Các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu có ý thức trong việc thay đổi tư duy và phương thức làm việc của doanh nghiệp mình. Những năm qua, ngành Công nghệ thông tin Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh, trở thành ngành hạ tầng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, là phương thức phát triển mới, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu ngành Công nghệ thông tin (CNTT) năm 2019 đạt khoảng 100 tỷ USD tương đương 1/3 GDP của Việt Nam, trong đó ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin có khoảng 12.000 doanh nghiệp, đạt doanh thu 11 tỷ USD, nhân lực ngành CNTT có khoảng 1 triệu lao động với khoảng 250.000 lập trình viên (Minh Hoàng, 2020). Theo IDC - Cisco (2020), mức độ sẵn sàng cho số hóa của Việt Nam đang ở mức trung bình với vị trí 70/141 quốc gia với điểm là 12.06/25 điểm (Vũ Trọng Nghĩa, 2021). Theo Temasek và Bain & Company, kinh tế số của Việt Nam dự kiến vượt 43 tỷ USD vào năm 2025 tăng trưởng nóng nhất trong các lĩnh vực gồm thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ. Rõ ràng chuyển đổi số sẽ mang lại nhiều giá trị cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Vì vậy, việc trang bị cho người đọc có cái nhìn tổng quan về khái niệm chuyển đổi số, thực trạng chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam, những cơ hội và thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt, đồng thời có được giải pháp giúp các doanh nghiệp phát huy tính hiệu quả và tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường là thực sự cần thiết.
Chuyển đổi số (digital transformation) là một khái niệm ra đời trong thời đại Internet bùng nổ đang phổ biến trong thời gian gần đây, mô tả việc ứng dụng công nghệ vào tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp, nếu đạt hiệu quả, hoạt động này sẽ thay đổi toàn diện cách thức một doanh nghiệp hoạt động, tăng hiệu quả hợp tác, nâng cao hiệu suất làm việc và mang lại giá trị cho khách hàng hay nói một cách đơn giản nhất, chuyển đổi số chính là chuyển tất cả các hoạt động lên môi trường mạng, số hóa mọi hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân (Trần Đức Tân và cộng sự, 2020; Bùi Ngọc Sơn và cộng sự, 2022). Chuyển đổi số sẽ tạo ra nhiều giá trị bằng việc ứng dụng các công nghệ mới như dữ liệu lớn (big data), Internet vạn vật (IOT), điện toán đám mây (iCloud) để thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo quy trình làm việc, văn hóa công ty (Phan Y Lan, 2022).
Theo Brynjoljsson (2011), chuyển đổi số (digital transformation) là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, thay đổi mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng. Trong quá trình chuyển đổi số, công nghệ được xem là nền tảng dẫn đến sự chuyển đổi về tư duy, chuyển đổi nhận thức, chuyển đổi thể chế, dẫn đến sự chuyển đổi mô hình kinh doanh và cuối cùng là cung cấp, tạo ra những cái mới, giá trị đột phá đem lại lợi ích cho con người.
Bản chất của chuyển đổi số là một quá trình chuyển đổi toàn diện, tổng thể của cá nhân, tổ chức về cách làm việc, cách quản lý, cách tổ chức hoạt động dựa trên công nghệ số (Nguyễn Thị Thu Vân, 2021). Trong bối cảnh nghiên cứu, chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu của tất cả các ngành nghề ở trong nước và trên thế giới, tuy nhiên hiểu biết về chuyển đổi số cũng có sự nhầm lẫn về thuật ngữ số hóa, chuyển đổi số, bối rối về mức độ và lộ trình của chuyển đổi số, thiếu hụt mô hình tổng quan về chuyển đổi số, đó cũng là lý do nghiên cứu của đề tài.
Theo kết quả khảo sát 400 doanh nghiệp về thực trạng chuyển đổi số trong doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI thực hiện năm 2020 cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu nhận thức về ứng dụng các công nghệ số vào các khâu như quản trị nội bộ sản xuất, logistics, marketing, mua bán hàng hóa và thanh toán (An An, 2023; Lê Vũ Văn và cộng sự, 2022). Cùng lúc này, tình hình đại dịch lan rộng buộc các doanh nghiệp phải ứng dụng nhiều hơn các công nghệ số trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình.
Trong một thời gian ngắn, tỷ lệ các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ số tăng nhanh so với trước đây. Cụ thể, như trong việc quản lý nhân sự từ xa, hội nghị trực tuyến, học trực tuyến, phê duyệt nội bộ, ứng dụng công nghệ trong quá trình sản xuất, trong lĩnh vực quản trị nội bộ, điện toán đám mây là công cụ kỹ thuật được nhiều doanh nghiệp Việt Nam sử dụng nhất với 60,6%, tăng 19,5% so với thời điểm trước đại dịch Covid-19 (Bạch Ngọc Hoàng Ánh và cộng sự, 2023). Đồng thời, khảo sát trên cũng cho thấy kỳ vọng lớn của đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam đối với quá trình chuyển đổi số có tới 98% số doanh nghiệp kỳ vọng có sự thay đổi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh khi thực hiện chuyển đổi số; trong đó, lớn nhất là khả năng giúp doanh nghiệp giảm chi phí, giảm các thủ tục giấy tờ, làm tăng giá trị gia tăng của sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ (An An, 2023).
Nền kinh tế số của Việt Nam đã tăng trưởng, đạt mức là 23 tỷ USD vào năm 2022 và được dự kiến là sẽ đạt mức 49 tỷ USD vào năm 2025 với mức tăng trưởng bình quân theo như được dự báo từ năm 2022 đến 2025 là trung bình 31%/năm (Duc và cộng sự, 2023). Theo nghiên cứu của Ngân hàng phát triển Singapore (DBS), một tổ chức tài chính của Singapore, ở Việt Nam trung bình có 68% doanh nghiệp đã và đang áp dụng một cách bài bản các chiến lược cũng như cách tiếp cận nhằm số hóa và tăng trải nghiệm của khách hàng cao hơn 4% so với mức trung bình trên thế giới là 64% (Thành An, 2023).
Để thích ứng với tình hình mới và tận dụng cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, ngày 27 tháng 09 năm 2019, Ban chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 52 về một số chủ trương chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; trong đó, nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, ngày 3 tháng 6 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 (Thủ tướng Chính phủ, 2020). Theo đó, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đặc biệt là các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chương trình hướng đến mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt nam có năng lực đi ra toàn cầu.
Như vậy, có thể thấy số lượng doanh nghiệp nhận thức và tham gia kiểm định số ngày càng tăng. Doanh nghiệp đã có những bước tiến trong việc áp dụng công nghệ số trong quản trị doanh nghiệp, lớn nhất là trong hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ số tại nhiều doanh nghiệp vẫn mang tính chất cục bộ, rời rạc, do thiếu mục tiêu kế hoạch, cũng như chiến lược thực hiện một cách rõ ràng ngay từ đầu (Bạch Ngọc Hoàng Ánh và cộng sự, 2023). Tiếp đến, từng ngành đã có mức độ sẵn sàng chuyển đổi số nhưng mức độ khác nhau và đòi hỏi cần xây dựng một lộ trình khéo léo để phù hợp với đặc trưng của từng doanh nghiệp và từng ngành nghề (Bạch Ngọc Hoàng Ánh và cộng sự, 2023). Ngoài ra, về trải nghiệm khách hàng và bán hàng đa kênh ở mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp là một khía cạnh đã có những thành công rất lớn. Tuy nhiên, có những lĩnh vực doanh nghiệp cần chú ý chẳng hạn như quản trị rủi ro vẫn là điểm hạn chế của hầu hết các doanh nghiệp trong các lĩnh vực, ngành nghề khi thực hiện quyền được số hóa.
Chuyển đổi số mang lại những lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp, tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí, tiếp cận khách hàng dễ hơn (khai thác dữ liệu khách hàng, hiểu rõ hơn cảm xúc, mong muốn của khách hàng), phục vụ khách hàng tốt hơn, làm cho công tác quản lí, quản trị doanh nghiệp dễ dàng hơn thông qua tự động hóa quy trình, ứng dụng. (ví dụ như RPA Robot Processing Automation), trí tuệ nhân tạo hay robot ảo.
Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số - Bộ Công Thương, xu hướng doanh nghiệp tìm kiếm quy trình chuyển đổi số tại Việt Nam tăng gấp 6 lần, đạt mức cao nhất Đông Nam Á. Chưa kể dân số hơn 97 triệu người, 143,3 triệu thuê bao di động, 66% dân số sử dụng Internet, 72% dân số sử dụng điện thoại thông minh tạo nền tảng kinh doanh đáng kể cho các doanh nghiệp (Thế Hoàng, 2020). Ngoài ra, tần suất mua sắm trực tuyến tăng 14% đối với mọi danh mục hàng hóa và dịch vụ, không những thế, mới đây các nhà mạng viễn thông lớn như VNPT, Vinaphone, Mobifone, Viettel đều đã chính thức thương mại hóa mạng 5G (Lương Văn Hải và Nguyễn Thị Hồng Lan, 2021). Mạng 5G có tốc độ gấp 10 lần mạng 4G phù hợp với nhiều công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 như thực tế ảo, Internet kết nối vạn vật, đem lại nhiều trải nghiệm thú vị cho người dùng, đây được coi là một trong những cơ hội lớn để Việt Nam thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Với quy mô dân số và tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong khu vực châu Á, dân số trẻ và có khả năng tiếp cận công nghệ cao nhanh chóng, Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng rất lớn trong việc chuyển đổi số. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tạo ra sự đột phá trên thị trường nhờ vào chuyển đổi số.
Cơ hội của chuyển đổi số rất lớn nhưng thách thức của chuyển đổi số cũng không hề nhỏ, khi hiện nay chỉ mới có khoảng 20% doanh nghiệp chuyển đổi số, 80% còn lại thực sự không biết nên bắt đầu chuyển đổi số từ đâu (Nguyen Thu Thao, 2023). Chuyển đổi số không phải là cuộc chuyển đổi của công nghệ mà chủ yếu là thay đổi trong nhận thức tư duy, thay đổi nhận thức của người đứng đầu doanh nghiệp, rồi mới đến việc xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động. Mỗi tổ chức, cá nhân khác nhau sẽ có những chiến lược khác nhau, đó không chỉ là việc ứng dụng công nghệ mà còn là việc xác định mô hình hoạt động trong môi trường số. Bản thân các doanh nghiệp cũng phải hành động ngay nếu không muốn bỏ lại phía sau.
Ngoài ra, tài chính thực sự là một vấn đề của không chỉ các doanh nghiệp gặp phải mà còn là thách thức của các địa phương. Đầu tư về công nghệ là một khoản đầu tư không hề nhỏ bao gồm cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, các giải pháp kỹ thuật, ngân sách hạn chế là thách thức vô cùng lớn làm chậm quá trình ra quyết định và buộc các nhà lãnh đạo phải lùi bước. Trong quá trình chuyển đổi số, dữ liệu được ví như là nguồn tài nguyên còn quý hơn dầu mỏ, càng khai thác không những không cạn kiệt mà còn giàu thêm. Doanh nghiệp công nghệ lớn cần tập trung vào việc phát triển hạ tầng và các nền tảng, tạo không gian để trên đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động, kết nối kinh doanh và đổi mới sáng tạo.
Chuyển đổi số không chỉ diễn ra trong một sớm một chiều mà là cả một quá trình dài, các doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong hành trình này nhưng cũng cần vượt qua những thách thức và khó khăn nhưng nhận thức của doanh nghiệp, hạn chế về năng lực tài chính, về trình độ sản xuất, về chất lượng nguồn nhân lực để có thể hoàn thiện và tận dụng các cơ hội từ chuyển đổi số.
Mô hình đề xuất về chuyển đổi số cho doanh nghiệp có 3 nhóm nhân tố, đầu tiên là nhóm nhân tố thúc đẩy việc chuyển đổi số (external drivers of digital transformation), thứ hai là các giai đoạn chuyển đổi số (phases of digital transformation), thứ ba là các nhân tố chiến lược của chuyển đổi số (Strategic aspects of digital transformation) (Verhoef và cộng sự, 2021). (Hình 1)
Trong các động lực chính của chuyển đổi số, nguyên nhân quan trọng nhất xuất phát từ sự phát triển vượt bậc của công nghệ trong thời gian gần đây, điều này dẫn đến sự kích thích gia tăng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong và ngoài nước (Verhoef và cộng sự, 2021). Tính toàn cầu hóa, đa dạng hóa, rào cản được xóa bỏ dẫn đến sự hành vi người tiêu dùng thay đổi và trở nên đa dạng, trải nghiệm mọi lúc mọi nơi bất cứ khi nào với hàng hóa cũng đa dạng không kém. Cụ thể, xuất phát từ sự phát triển công nghệ: Internet 4G, 5G; smartphone; web 2.0, 3.0; điện toán đám mây, nhận diện giọng nói, trí tuệ nhân tạo, blockchain, IOT, in 3D, robot, thanh toán trực tuyến. Xuất phát từ yếu tố cạnh tranh giữa các doanh nghiệp: yếu tố cạnh tranh toàn cầu, xuyên biên giới. Mật độ cạnh tranh tăng lên, nền kinh tế ngày càng hội nhập, độ mở cao, các quy tắc rào cản bị phá bỏ. Cuối cùng, xuất phát từ hành vi khách hàng: khách hàng được kết nối, trao quyền và chủ động hơn. Trải nghiệm mọi lúc, mọi nơi, nhanh chóng, mua sắm đa dạng trên nền tảng, quá trình mua sắm thay đổi, tò mò, khám phá công nghệ mới.
Tiếp đến là nhóm nhân tố về Các giai đoạn chuyển đổi số, từ số hóa dữ liệu đến số hóa quy trình và đỉnh cao của nó là chuyển đổi số (Verhoef và cộng sự, 2021). Trong giai đoạn số hóa dữ liệu: số hóa (Digitization) là quá trình hiện đại hóa, chuyển đổi các hệ thống thường sang hệ thống kỹ thuật số để hệ thống máy tính có thể lưu trữ và chuyển đổi thông tin. Theo đó, giai đoạn này không thay đổi hoạt động tạo ra giá trị. Trong đó: chuyển từ tài liệu dạng giấy sang các file mềm trên máy tính; Số hóa truyền hình chuyển từ phát sóng analog sang phát sóng kỹ thuật số; Biểu mẫu số cho các quy trình đặt hàng, sử dụng các điều tra online, ứng dụng điện tử để kê khai các báo cáo tài chính. Cao hơn, đó là giai đoạn số hóa quy trình. Số hóa quy trình (Digitalization) là một sự chuyển đổi sâu sắc của doanh nghiệp, liên quan đến việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số để tối ưu hóa quy trình kinh doanh, cải thiện năng suất của công ty và cải thiện trải nghiệm với khách hàng. Trong đó, tạo dựng các kênh truyền thông mobile hoặc online mới, sử dụng công nghệ để chuyển đổi quá trình báo cáo, thu thập, phân tích số liệu để cải thiện hiệu quả làm việc. Cuối cùng, đó là giai đoạn chuyển đổi số. Chuyển đổi số (Digital transformation) mô tả sự thay đổi toàn diện trong toàn công ty dẫn đến sự phát triển của những mô hình kinh doanh mới, cung cấp những giá trị mới cho xã hội (Huỳnh Xuân Hiệp và cộng sự, 2022). Trọng tâm là con người và tổ chức, công nghệ làm nền tảng, nhằm tạo ra giá trị mới.
Sau cùng là nhóm các nhân tố chiến lược của chuyển đổi số bao gồm 4 nhân tố quan trọng (Verhoef và cộng sự, 2021). Thứ nhất là, Nguồn lực số (Digital resources): trong giai đoạn số hóa bao gồm tài sản kĩ thuật số (digital assets), hệ thống lưu trữ dữ liệu, cơ sở hạ tầng thông tin; quy trình hóa bao gồm khả năng linh hoạt số (digital agility), khả năng kết nối số (digital networking capability), chuyển đổi số bao gồm khả năng phân tích dữ liệu lớn (big data analytics capability), khả năng thu thập phân tích để đưa ra các quyết định. Thứ hai là, Cấu trúc tổ chức (Organizational structure): giai đoạn số hóa bao gồm cấu trúc phân cấp từ trên xuống truyền thống (Standard top-down hierarchy); giai đoạn quy trình hóa: đơn vị kinh doanh riêng biệt (Separate business areas), thành lập bộ phận phát triển sáng tạo riêng biệt, tổ chức linh động (Agile organizational forms), loại bỏ cấu trúc nhiều lớp quản lý, linh hoạt cấu trúc; giai đoạn Chuyển đổi số: Đơn vị chức năng số (Digital functional areas), chuyển đổi chức năng IT sang chủ động tạo ra giá trị kỹ thuật số, nâng cao kỹ năng kỹ thuật số cho các nhân viên trong tiếp thị và hoạt động dịch vụ. Thứ ba là, Chiến lược kinh doanh/Chiến lược phát triển trong tiến trình chuyển đổi số như chiến lược đối với thị trường hiện tại (thâm nhập thị trường, phát triển sản phẩm, đồng sáng tạo) và thị trường mới (phát triển thị trường, đa dạng hóa nền tảng), xem xét các yếu tố sản phẩm hiện tại, sản phẩm mới và khách hàng. Cuối cùng, đó là nhân tố Chỉ số đo lường, trong giai đoạn số hóa: ROI (Lợi nhuận trên đầu tư), Lợi nhuận, Tăng trưởng doanh thu, giai đoạn Quy trình hóa: Trải nghiệm người dùng, số lượng khách hàng đang sử dụng, số lượng click website, tải ứng dụng, số lượt views và giai đoạn Chuyển đổi số: Chỉ số cảm xúc online (Online sentiment), Sự gắn kết (engagement), mạng lưới đồng sáng tạo và chia sẻ giá trị (network co-creation and value sharing).
Bài nghiên cứu đã phân tích khái quát về chuyển đổi số, thực trạng chuyển đổi số của doanh nghiệp, vạch ra cơ hội và thách thức, cũng như đề xuất mô hình chuyển đổi số cho doanh nghiệp, cung cấp bức tranh tổng quan cho lộ trình chuyển đổi số toàn diện của các doanh nghiệp, bao gồm: Số hóa (Digitization), Quy trình hóa (Digitalization), Chuyển đổi số (Digital transformation); nhận diện những nhân tố cốt lõi của từng giai đoạn của chuyển đổi số, bao gồm: (1) Nguồn lực và khả năng số; (2) Cấu trúc tổ chức; (3) Chiến lược và chiến thuật phát triển, và (4) Hệ thống đánh giá. Song song với việc tự nhận thức chuyển đổi số là điều cần thiết của bản thân mỗi doanh nghiệp, để giúp cho doanh nghiệp ở Việt Nam chuyển đổi số thành công trong thời gian tới, Việt Nam cần thúc đẩy nhanh hơn nữa sự phát triển của nền kinh tế số; tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng số đảm bảo quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp không bị gián đoạn, cần đảm bảo an toàn an ninh mạng cũng như cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số và triển khai các chương trình nâng cao nhận thức kết nối đối tác và hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi số thành công.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Digital transformation in doing business: Opportunities, challenges, and a proposed model
Ph.D Nguyen Nhat Tan
Faculty of Business Administration
Ho Chi Minh City University of Foreign Languages and Information Technology
Abstract:
This study presented an overview of the concept of digital transformation, the current digital transformation of Vietnamese businesses, and pointed out the opportunities and challenges for Vietnamese businesses during the digital transformation process. By reviewing previous studies and synthesizing digital transformation models, this study proposed a model of three groups of factors. The first group consists of the factors promoting digital transformation; the second group is the stages of digital transformation; and the last group consists of the strategic elements of digital transformation. This study is expected to help businesses improve their operational efficiency and enhance competitiveness in the market.
Keywords: digital transformation, digital business, factors, process, digitization.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4 tháng 3 năm 2024]
Nguồn: Tạp chí công thương
Bài báo nghiên cứu "Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia" do ThS. Nguyễn Trà My (Trường Đại học Sunderland London Campus, Vương quốc Anh) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết