Năm 2025 là thời điểm lứa học sinh đầu tiên theo học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp THPT. Theo TS. Nguyễn Quốc Chính, kỳ thi sẽ tiếp tục được triển khai theo hình thức trắc nghiệm khách quan trên giấy, tổ chức đồng thời tại nhiều địa phương để thuận lợi cho thí sinh tham dự.
Đề thi vẫn gồm 3 phần: Sử dụng ngôn ngữ; Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu; Giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, cấu trúc đề có sự điều chỉnh, chủ yếu ở phần giải quyết vấn đề. Ngoài kiến thức Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, phần này sẽ thêm nhóm kiến thức về Giáo dục kinh tế và pháp luật. Đây là môn học mới, theo chương trình phổ thông 2018.
Cũng ở phần thi này, thí sinh được lựa chọn 3 trong số 6 nhóm vấn đề thay vì phải làm toàn bộ như hiện nay.
Những năm qua, cấu trúc đề thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm, thời gian làm bài 150 phút, thang điểm 1.200 với ba phần: Sử dụng ngôn ngữ; Toán học, Tư duy logic và Phân tích số liệu; Giải quyết vấn đề.
Phần Sử dụng ngôn ngữ gồm 20 câu tiếng Việt và 20 câu tiếng Anh, điểm tối đa là 400. Các câu hỏi, bài đọc đánh giá kiến thức văn học, khả năng dùng từ, đọc hiểu, phân tích bài viết tiếng Việt và tiếng Anh.
Phần Toán học, Tư duy logic và Phân tích số liệu có điểm tối đa là 300, gồm 10 câu toán học phổ thông; 10 câu tư duy logic theo dạng suy luận và xác định các quy luật logic; 10 câu phân tích số liệu với bảng dữ liệu được cho trước.
Phần Giải quyết vấn đề là những câu hỏi liên quan đến kiến thức khoa học tự nhiên và xã hội, tối đa 500 điểm. Mỗi lĩnh vực Hóa học, Vật lý, Sinh học, Địa lý, Lịch sử có 10 câu.
TS. Nguyễn Quốc Chính cho biết từ tháng 9, đội ngũ chuyên gia của Đại học Quốc gia TP HCM đã bắt đầu xây dựng ma trận ngân hàng câu hỏi và đề thi mẫu theo định hướng mới. Cuối năm nay, đơn vị này sẽ tổ chức các hội thảo, lấy ý kiến các bên liên quan để hoàn thiện cấu trúc đề thi và ma trận ngân hàng câu hỏi.
Mẫu đề thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP HCM từ năm 2025 sẽ được công bố vào đầu năm sau.