TÓM TẮT:
Bài viết phân tích các vấn đề về chức năng tố tụng hình sự đặt trong bối cảnh của cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay, từ đó đưa ra quan điểm mang tính đề xuất nhằm đổi mới tư duy về chức năng tố tụng hình sự trong cải cách tư pháp, trong đó có cải cách tư pháp hình sự.
Từ khóa: tố tụng hình sự, cải cách tư pháp hình sự, Việt Nam.
Công cuộc Cải cách tư pháp lần 1 (2005-2020) được triển khai theo 4 định hướng cơ bản, bao gồm: hoàn thiện thể chế hình sự, dân sự, thủ tục tư pháp; cải cách tổ chức các cơ quan tư pháp và các thiết chế bổ trợ tư pháp mà trung tâm là tòa án và khâu đột phá là tăng cường tranh tụng dân chủ; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp; đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp.
Trong đó, cải cách tư pháp hình sự được tập trung chủ yếu vào một số nhiệm vụ trọng tâm, gồm: (1) Nâng cao chất lượng hoạt động và đề cao trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng; (2) Tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện những chủ trương về cải cách, tổ chức và đổi mới hoạt động các cơ quan điều tra, VKS, Tòa án, xác định tòa án có vị trí trung tâm, xét xử là hoạt động trọng tâm.
Như vậy, có thể thấy, cải cách tư pháp nói chung, cải cách tư pháp hình sự được Đảng và Nhà nước ta xác định tập trung vào cách thức tổ chức bộ máy (cải cách đổi mới bộ máy Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) và đổi mới hoạt động của các thiết chế tư pháp hình sự này (bao gồm cả việc xác định tòa án là trung tâm của tư pháp, xét xử là trọng tâm và cải cách theo hướng tăng cường yếu tố tranh tụng trong tư pháp hình sự).
Tuy nhiên, có thể thấy cách thức đặt vấn đề của công cuộc cải cách tư pháp (ở bài viết này tôi chỉ xét đến cải cách tư pháp hình sự) có điểm xuất phát là bắt đầu từ cải cách bộ máy (thông qua đó tác động tới mô hình) và cũng nhằm hướng tới hoàn thiện bộ máy (mô hình) của tố tụng hình sự như đã được triển khai chưa phải là điểm xuất phát đúng.
Đến thời điểm này, công cuộc cải cách tư pháp lần 2 (năm 2023 - tầm nhìn đến năm 2050) đã được khởi động và bắt đầu có những hoạt động tích cực. Bài viết này nhằm đưa ra quan điểm mang tính đề xuất nhằm đổi mới tư duy về chức năng tố tụng hình sự trong cải cách tư pháp, trong đó có cải cách tư pháp hình sự.
Chúng tôi đặt vấn đề Cải cách tư pháp (ở đây đang xét về cải cách tư pháp hình sự) thay vì đặt điểm xuất phát từ yếu tố cơ cấu tổ chức (bộ máy và mô hình tố tụng) cần tiếp cận sớm hơn, cần phải cải cách bắt đầu từ yếu tố quyết định tới bộ máy và mô hình tố tụng, đó chính là yếu tố chức năng tố tụng hình sự.
Vì vậy, bài viết này được triển khai theo 3 nội dung lý thuyết, gồm:
(1). Đổi mới tư duy về vị trí, vai trò, ý nghĩa của chức năng của tố tụng hình sự
(2). Đổi mới tư duy về các mối quan hệ của chức năng tố tụng hình sự với quyền lực nhà nước (mối quan hệ bên ngoài) và với các phạm vi (lĩnh vực) tương ứng khác của tố tụng hình sự (mối quan hệ bên trong).
(3). Các kết luận quan trọng rút ra từ đổi mới tư duy về chức năng tố tụng hình sự trong cải cách tư pháp hình sự.
Và nhằm mục tiêu trả lời cho 2 câu hỏi:
a). Mô hình tố tụng quyết định các chức năng của tố tụng hình sự hay các chức năng của tố tụng hình sự quyết định mô hình tố tụng hình sự?
b). Chiến lược cải cách tư pháp (cùng với quan điểm tư tưởng chỉ đạo về cải cách tư pháp của Đảng - Nhà nước) sẽ quyết định và ảnh hưởng đến chức năng, mô hình của tố tụng hình sự, hay ngược lại, chính việc nhận thức và xác định đúng chức năng của tố tụng hình sự, mô hình của tố tụng hình sự mới có thể định hướng nội dung và cách thức, qui trình cải cách tư pháp hiện nay?
Để đánh giá vị trí, vai trò, ý nghĩa của các chức năng của tố tụng hình sự, chúng tôi xác định cần xem xét tổng thể các yếu tố hợp thành tố tụng hình sự. Lý luận khoa học tố tụng hình sự chỉ ra rằng bất kỳ một hệ thống tố tụng hình sự nào cũng bao gồm những yếu tố chủ đạo và cơ bản sau: Mục đích của tố tụng hình sự; Các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự; Các chức năng trong tố tụng hình sự; Địa vị pháp lý của các chủ thể trong tố tụng hình sự; Các giai đoạn tố tụng hình sự; Phương thức đạt được mục đích của tố tụng hình sự hay là vấn đề chứng cứ và chứng minh trong tố tụng hình sự1.
Các yếu tố này trong mối quan hệ tổng thể, hệ thống chính là hệ xương sống của tố tụng hình sự. Những yếu tố này liên hệ với nhau, qui định lẫn nhau và phụ thuộc lẫn nhau hợp thành sự hoạt động của tố tụng hình sự, còn gọi là guồng quay tố tụng. Trong các yếu tố hợp thành đó, mục đích của tố tụng hình sự là yếu tố quan trọng nhất, chi phối các yếu tố khác.
Qua nghiên cứu của mình, chúng tôi rút ra những kết luận quan trọng sau đây liên quan đến vị trí, vai trò, ý nghĩa của chức năng của tố tụng hình sự, cụ thể như sau2:
- Thứ nhất, chức năng của tố tụng hình sự là yếu tố hợp thành và mang tính bản lề của tố tụng hình sự.
- Thứ hai, chức năng của tố tụng hình sự bị chi phối, quyết định bởi mục đích, nguyên tắc của tố tụng hình sự.
- Thứ ba, chức năng của tố tụng hình sự quyết định mô hình của tố tụng hình sự.
- Thứ tư, chức năng của tố tụng hình sự định hướng cách thức của cải cách tư pháp.
- Thứ năm, chức năng của tố tụng hình sự định hướng nội dung của cải cách tư pháp.
Như vậy, các chức năng của tố tụng hình sự là một trong những yếu tố hợp thành của tố tụng hình sự. Hơn nữa, tính chất, đặc điểm và nội dung của các chức năng của tố tụng hình sự gắn liền và phụ thuộc vào tính chất và đặc điểm của tố tụng hình sự.
Xét về mặt vĩ mô, lý luận khoa học tư pháp hình sự của một số nước theo hệ thống common law và Việt Nam vẫn chỉ thừa nhận 2 mục tiêu cơ bản của hệ thống tư pháp hình sự truyền thống là (1) bảo đảm việc chứng minh sự thật VAHS “true finding of guilt” và (2) đấu tranh phòng, chống tội phạm - kiểm soát tội phạm - “controlling crime”. Trong đó, xác định tâm điểm của tố tụng hình sự là việc xác định trách nhiệm hình sự và quyết định hình phạt đối với người phạm tội. Với mục đích này, bản chất của nền Tố tụng hình sự được quan niệm là con đường đi tìm sự thật khách quan của vụ án và trên cơ sở đó Tòa án ra phát quyết về kết quả cuối cùng, liên quan đến sự phải gánh chịu hay không phải gánh chịu hình phạt của người bị xác định là đã thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, một số nền tư pháp hình sự theo mô hình Civil Law thừa nhận thêm mục tiêu thứ ba của tư pháp hình sự: đó là bảo vệ công lý3.
Có thể thấy, khoa học lý luận khoa học tư pháp hình sự (thế giới và Việt Nam) thừa nhận hai mục tiêu cơ bản của hệ thống tư pháp hình sự là (1) bảo đảm việc chứng minh sự thật vụ án hình sự “true finding of guilt” và (2) đấu tranh phòng, chống tội phạm - kiểm soát tội phạm - “controlling crime”, nên hệ quả tất yếu của việc này là mục tiêu của tố tụng hình sự chỉ nhằm vào “chứng minh tội phạm” và chức năng tố tụng hình sự chỉ tập trung: chức năng xét xử, chức năng buộc tội và chức năng gỡ tội4.
Cụ thể xem xét các mối quan hệ:
Mối quan hệ giữa chức năng của tố tụng hình sự với quyền lực nhà nước, với mối quan hệ giữa các phạm vi (lĩnh vực) quyền lực nhà nước (quyền hành pháp, quyền tư pháp).
Thứ nhất, về mối quan hệ giữa chức năng tố tụng hình sự với quyền lực nhà nước, với mối quan hệ giữa các phạm vi (lĩnh vực) quyền lực nhà nước (quyền hành pháp, quyền tư pháp).
Chức năng tố tụng hình sự có ảnh hưởng trực tiếp tới quyền, nghĩa vụ (địa vị pháp lý) cũng như cơ cấu, vị trí, vai trò của các cơ quan tiến hành tố tụng, cụ thể là của Tòa án, Viện Kiểm sát và Cơ quan điều tra. Đến lượt nó, sự quy định các chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này, lại ảnh hưởng liên đới và trực tiếp đến việc thực hiện các chức năng của cơ quan hành pháp.
Và đương nhiên, khi lập pháp, nhất là lập pháp lĩnh vực tố tụng hình sự, các nhà làm luật phải trước hết xuất phát từ các nguyên tắc và nội dung của các chức năng của tố tụng hình sự để xây dựng các chế định phù hợp với chức năng và nhiệm vụ, phù hợp với mô hình tố tụng hình sự tương ứng với từng chức năng và mối quan hệ giữa các chức năng.
Phân tích một ví dụ về sự ảnh hưởng của 1 chức năng của tố tụng hình sự đến quyền lập pháp và hành pháp, tư pháp sau đây cho thấy:
Chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử của tòa án khi được quy định không phù hợp sẽ: a) Làm giảm vai trò của tòa án, trong khi cần phải nâng cao vị thế của cơ quan này trong hoạt động xét xử với tư cách tòa án đại diện cho quyền tư pháp trong mối quan hệ với quyền lập pháp và quyền hành pháp của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; b) Ảnh hưởng tới tính khách quan của quá trình giải quyết vụ án do Viện Kiểm sát phải thực hiện trách nhiệm chứng minh tội phạm, thực hiện quyền công tố nên Viện Kiểm sát sẽ kháng nghị tất cả những bản án, quyết định của tòa án không phù hợp với quan điểm chủ quan của Viện Kiểm sát khi truy tố người phạm tội. Điều này lý giải tại sao án oan sai không giảm; quyền con người không được bảo đảm trong quá trình tố tụng; án bị kéo dài, vi phạm các quy định của luật tố tụng về thời hạn giải quyết vụ án...5 c) Ảnh hưởng tới nguyên tắc độc lập trong hoạt động xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm. Thẩm phán, Hội thẩm không thể tuyên một bản án khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật khi bản án của họ bị chính người truy tố sẽ kháng nghị mà hậu quả là bị trừ điểm thi đua, bị xem xét khi tái bổ nhiệm... d) Việc kiểm soát hoạt động xét xử sẽ thông qua chức năng kiểm soát quyền lực trong chính nội bộ của ngành tòa án (chúng ta coi trọng cơ chế kiểm soát quyền lực trong nội bộ các cơ quan nhà nước). Ngoài ra còn có việc giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và cơ chế kiểm soát quyền lực của các tổ chức và nhân dân trong cơ cấu kiểm soát quyền lực.
Khi xem xét mối quan hệ bên trong chính là xem xét tới các mối quan hệ của chức năng tố tụng hình sự với các yếu tố (lĩnh vực) khác của tố tụng hình sự, hay còn gọi là với các yếu tố hợp thành tố tụng hình sự.
Nghiên cứu mối quan hệ bên trong của nền tố tụng hình sự này sẽ nhằm trả lời cho 2 câu hỏi nghiên cứu quan trọng, gồm: 1. “Mô hình tố tụng quyết định các chức năng của tố tụng hình sự hay các chức năng của tố tụng hình sự quyết định mô hình tố tụng hình sự”?
2. Tố tụng hình sự Việt Nam cần được triển khai theo mô hình nào? Tố tụng hình sự Việt Nam nên dựa các yếu tố nào sau đây để cải cách: dựa vào cơ cấu tổ chức bộ máy cơ quan tố tụng hình sự? dựa vào mục đích của tố tụng hình sự? hay dựa vào yếu tố chức năng của tố tụng hình sự?
Lý luận khoa học tố tụng hình sự chỉ ra rằng bất kỳ một hệ thống tố tụng hình sự nào cũng bao gồm 6 yếu tố (lĩnh vực) chủ đạo và cơ bản sau6:
+ Mục đích tố tụng hình sự,
+ Nguyên tắc tố tụng hình sự,
+ Chức năng tố tụng hình sự,
+ Mô hình/ các cơ quan và chủ thể tố tụng hình sự,
+ Giai đoạn tố tụng hình sự,
+ Phương thức đạt được mục đích của tố tụng hình sự, hay chính là vấn đề chứng cứ và chứng minh trong tố tụng hình sự.
06 yếu tố này trong mối quan hệ tổng thể, hệ thống chính là hệ xương sống của tố tụng hình sự. Những yếu tố này liên hệ với nhau, quy định lẫn nhau và phụ thuộc lẫn nhau hợp thành sự hoạt động của tố tụng hình sự, còn gọi là guồng quay tố tụng.
Hình: Các yếu tố cấu thành tố tụng hình sự
Nghiên cứu về đổi mới tư duy và hoàn thiện chức năng tố tụng hình sự trong bối cảnh cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay, tác giả rút ra 10 kết luận, gồm:
- 05 quan điểm đổi mới về nhận thức lý luận chung về các chức năng của tố tụng hình sự gồm7:
+ Thứ nhất, xem “tố tụng hình sự” là một hệ thống có một sự thống nhất nhất định, gọi là sự thống nhất chức năng tố tụng hình sự.
+ Thứ hai, các chức năng của tố tụng hình sự vừa là một khái niệm tập hợp, vừa là một hệ thống, còn gọi là “hệ thống các chức năng” và hệ thống này có sự vận động, thay đổi.
+ Thứ ba, cần phân biệt “chức năng được thừa nhận”, “chức năng đang tồn tại” và “chức năng cần phải có”.
+ Thứ tư, cần đặt vấn đề nghiên cứu về “những thế lựa chọn chức năng khác” (functional alternatives), “những ngang giá về chức năng” (functional equivalents), “những thay thế chức năng” (functional substitutes) của tố tụng hình sự.
+ Thứ năm, cần nhấn mạnh 3 chức năng buộc tội, gỡ tội, xét xử cũng chỉ là một sự phân loại điển hình các chức năng của tố tụng hình sự Việt Nam và trên thế giới. Ngoài cách phân loại này, có thể phân loại các chức năng của tố tụng hình sự theo những tiêu chí khác.
- 05 kết luận liên quan đến đổi mới nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của chức năng của tố tụng hình sự (đặt trong mối quan hệ với 6 yếu tố cấu thành của tố tụng hình sự) gồm:
+ Thứ nhất, chức năng của tố tụng hình sự là yếu tố hợp thành và mang tính bản lề của tố tụng hình sự. Trong đó, chức năng của tố tụng hình sự bị chi phối, quyết định bởi mục đích, nguyên tắc của tố tụng hình sự. Đến lượt nó, chức năng của tố tụng hình sự quyết định mô hình của tố tụng hình sự.
+ Thứ hai, cần nhận thức đầy đủ và đúng đắn rằng chính chức năng của tố tụng hình sự là yếu tố quan trọng trong định hướng cách thức và nội dung của Cải cách tư pháp chứ không phải như một số quan niệm truyền thống cho rằng Cải cách tư pháp quyết định sự thay đổi về cơ chế, bộ máy các cơ quan tiến hành tố tụng, từ đó định hướng các chức năng của Tố tụng hình sự. Chức năng tố tụng hình sự đóng vai trò quan trọng trong việc đổi mới cơ cấu, tổ chức và cải cách thiết chế - bộ máy của các cơ quan tiến hành tố tụng (gồm Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án).
+ Thứ ba, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ tư pháp (gồm việc đào tạo đội ngũ thẩm phán, đào tạo đội ngũ kiểm sát viên, đào tạo đội ngũ điều tra viên, đào tạo đội ngũ luật sư, đào tạo các chức danh tư pháp khác) muốn thành công và bền vững, cần xuất phát từ vấn đề nhận thức và đổi mới quan điểm về các chức năng của tố tụng hình sự.
+ Thứ tư, hạn chế lớn nhất trong vấn đề các chức năng của tố tụng hình sự Việt Nam hiện nay là quan điểm không thống nhất trong việc thừa nhận sự tồn tại và độc lập tương đối của 3 chức năng: buộc tội, gỡ tội và xét xử, dẫn đến sự không rõ ràng chức năng của các chủ thể và trong tổng thể. Và do đó, không tạo ra được động cơ, động lực thúc đẩy hiệu quả của TTHS. Thay vào đó, tố tụng hình sự Việt Nam quá chú trọng đến tiêu chí xác định chính xác sự thật khách quan của vụ án và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, của công dân cho mọi chủ thể khi tiến hành tố tụng.
+ Thứ năm, ngoài ba chức năng cơ bản của tố tụng hình sự đã được thừa nhận (cách phân loại theo lát cắt ngang) gồm: chức năng buộc tội, chức năng gỡ tội, chức năng xét xử, cần bổ sung cách phân loại chức năng của tố tụng hình sự theo chiều bổ dọc, gồm: chức năng điều chỉnh (điều chỉnh hành vi của cơ quan tiến hành tố tụng, điều chỉnh hành vi của cơ quan nhà nước) và chức năng bảo vệ (bảo vệ quyền của những người tiến hành tố tụng, bảo vệ công lý.
Như vậy, nếu xem luật hình sự - tức luật nội dung - được xây dựng với mục đích bảo vệ xã hội khỏi sự xâm phạm của hành vi phạm tội, thì Luật Tố tụng hình sự cần được hiểu là nhằm mục đích bảo vệ quyền con người mà trước hết là người tham gia tố tụng - bảo vệ cá nhân người bị buộc tội, bị can, bị cáo - chống lại sự xâm hại quyền con người từ phía các cơ quan công quyền. Rõ ràng, lúc này, chức năng “buộc tội - gỡ tội - xét xử” chỉ là chức năng “công cụ” để phục vụ cho chức năng cao cả hơn, đó là: Chức năng điều chỉnh hành vi của cơ quan tiến hành tố tụng và “Chức năng bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, mà trước hết là quyền của những người tham gia tố tụng” của Luật Tố tụng hình sự.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
INNOVATING THINKING ABOUT CRIMINAL
PROCEEDINGS FUNCTIONS IN VIETNAM’S
CURRENT CRIMINAL JUSTICE REFORM
• Assoc.Prof.Ph.D DINH THI MAI
Department of Criminal Law, Institute of State and Law,
Vietnam Academy of Social Sciences
ABSTRACT:
This paper analyzed the issues of criminal proceedings functions in the context of Vietnam’s current judicial reform, thereby providing a proposed perspective to innovate thinking about criminal proceedings functions in the criminal justice reform.
Keywords: criminal proceedings, criminal justice reform, Vietnam.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24 tháng 10 năm 2023]
Nguồn: Tạp chí công thương
(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương do TS. Nguyễn Đồng Anh Xuân (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết