Nhân dịp này, Thủ tướng cũng đã làm việc với lãnh đạo Tp.HCM và các Sở, Ngành có liên quan, về tình hình tiến độ triển khai thực hiện dự án đường Vành đai 3, Tp.HCM.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đơn vị liên quan nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc để Dự án được triển khai đúng tiến độ.
Tại buổi làm việc, báo cáo với Thủ tướng - Ông Lương Minh Phúc, giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Tp.HCM cho biết, tính từ thời điểm khởi công đến nay, tổng tiến độ thực hiện dự án tại các địa phương có đường Vành đai 3 đi qua, gồm: Tp.HCM đạt 11,3%, Bình Dương đạt 18%, Long An 25%, riêng Đồng Nai mới chỉ đạt 2% do chưa giải phóng được mặt bằng.
Như vậy, về tiến độ thực hiện: đoạn đi qua tỉnh Long An vượt tiến độ, đoạn đi qua Tp.HCM, Bình Dương đáp ứng tiến độ. Riêng đoạn đi qua tỉnh Đồng Nai đang chậm so với kế hoạch.
Về tiến độ giải phóng mặt bằng, toàn dự án tính đến nay đã bàn giao được 87% mặt bằng. Trong đó, Tp.HCM và Long An đã giao mặt bằng đạt 98%, Bình Dương đạt 86%. Riêng Đồng Nai mới chỉ đạt 6,2%.
“Cái khó khăn lớn hiện nay vẫn là chưa xác định được nhà cung cấp cát cho công tác san lấp, trong khi theo tính toán thì Dự án đường Vành đai 3 Tp.HCM phải cần 9,3 triệu m3 cát đắp nền đường”. Ông Phúc nêu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi và chúc tết CB, công nhân đang thi công Dự án đường Vành đai 3, hôm 13/2 (tức mồng 4 tết Giáp Thìn)
Vì vậy, ông Phúc kiến nghị Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo các tỉnh gồm Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp sớm cấp phép mỏ vật liệu cát đắp để cung cấp cho Dự án đường Vành đai 3, Tp.HCM.
Đồng thời, “Bộ GTVT, Bộ TN&MT sớm ban hành các quy định cho phép áp dụng đại trà sử dụng cát biển để thi công nền đường, nhằm giảm áp lực cho nguồn cát sông”. Ông Phúc kiến nghị.
Ngay sau khi nghe báo cáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các địa phương và đơn vị liên quan cần phải xác định, năm 2024 là năm tăng tốc, năm 2025 bứt phá để hoàn thành các chiến lược phát triển kinh tế- xã hội. Do đó, yêu cầu các đơn vị liên quan cần nhanh chóng xử lý dứt điểm các vướng mắc của dự án này trước ngày 28/2.
Cụ thể, Bộ TN&MT phải nhanh chóng phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan tích cực xử lý vấn đề liên quan đến mỏ nguyên vật liệu xây dựng trên tinh thần rút gọn các thủ tục, bảo đảm cấp đủ vật liệu kịp thời, để Dự án hoàn thành đúng tiến độ đã đặt ra.
Đường Vành đai 3 đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
”Khi làm việc, tất cả các Bộ - Nghành phải làm công khai, minh bạch, vì nước, vì dân, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; Các bộ, ngành liên quan sớm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp”. Thủ tướng nhấn mạnh.
Được biết, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm 8 Tỉnh, thành: Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang và Tp.HCM) được xác định là vùng quan trọng hàng đầu trong cả nước về phát triển kinh tế - xã hội.
Dự án đường Vành đai 3, Tp.HCM được xác định là đường vành đai đô thị được quy hoạch nằm trong mạng lưới đường bộ cao tốc, thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia và được ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2030
Do đó, theo kế hoạch thì thời gian triển khai xây dựng trong 3 năm (từ 6/2023- 2026), năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành và năm 2026 sẽ đưa vào khai thác.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 75 tỷ đồng bằng vốn ngân sách nhà nước, với tổng chiều dài toàn tuyến là hơn 76 km và sẽ đi qua 4 địa phương gồm: Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An.
Chính phủ cũng giao các địa phương có dự án đi qua là cơ quan chủ quản, chịu trách nhiệm triển khai đầu tư đoạn đi qua địa phương mình.
|