(CHG) Thời gian qua, trên thị trường đang xuất hiện những quảng cáo về nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng, kẹo... giúp thổi bay nồng độ cồn, giải rượu, bia thần tốc, xả nhanh lượng cồn, hỗ trợ giảm nhanh cơn say… Đáng báo động hơn, cư dân mạng đang truyền tai nhau thông tin thuốc tránh thai khẩn cấp hay một số loại thuốc nội tiết tố nói chung có thể "đánh bay" nồng độ cồn.
Lực lượng chức năng thường xuyên đo nồng độ cồn các phương tiện khi tham gia giao thông.
Thuốc nào có thể "đánh bay" nồng độ cồn?
Các chuyên gia khẳng định: Không có bằng chứng khoa học nào về những sản phẩm có khả năng "đánh bay" nồng độ cồn. Thông tin từ Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế cũng cho biết, chưa một số sản phẩm dược phẩm nào được cấp phép lưu hành tại Việt Nam có công dụng "đánh bay" nồng độ cồn như những lời đồn đoán hay rao quảng cáo trên mạng xã hội.
Ngay cả thế giới cũng chưa có loại thuốc nào chứng minh được công dụng này. Hiện chỉ có một số thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ quá trình chuyển hóa, làm tăng việc đào thải rượu của gan, giảm hấp thu rượu chứ không thể làm hết nồng độ cồn trong máu cũng như hơi thở.
Theo các chuyên gia, trên thực tế có một số thuốc gây cảm ứng enzym gan, giúp gan tăng cường chuyển hóa, đào thải rượu. Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ được dùng trong cấp cứu y khoa (nghiện rượu, ngộ độc…) với sự chỉ định của bác sĩ. Quá trình sử dụng thuốc phải được theo dõi chặt chẽ tại cơ sở y tế, vì những loại thuốc này có thể gây ra phản ứng nguy hại cho sức khoẻ.
Chẳng hạn, với 1 đơn vị cồn (tương đương 300ml bia hoặc 30ml rượu), bình thường cơ thể phải mất khoảng 1 giờ đồng hồ mới đào thải hết nhưng nếu sử dụng thuốc quá trình chuyển hoá có thể diễn ra nhanh hơn 30 - 45 phút. Mặc dù vậy, chuyên gia khuyến cáo không thể "đánh bay" được nồng độ cồn trong chốc lát.
Nhiều lái xe bị xử phạt do vi phạm về việc sử dụng phương tiện khi đã uống rượu, bia.
Trước thông tin về thuốc tránh thai có thể giải rượu, ThS.BS Phan Chí Thành – Chánh Văn phòng Trung tâm đào tạo – Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương khẳng định, thuốc tránh thai không thể giải được rượu, cũng không có bất kỳ mối liên quan nào giữa chuyển hóa cồn với các thành phần của thuốc.
"Không có mối liên quan giữa chuyển hoá cồn và thành phần thuốc tránh thai khẩn cấp. Vấn đề này chưa có số liệu khoa học, cũng không có khuyến cáo nào về việc uống thuốc tránh thai khẩn cấp để giải rượu", bác sĩ Thành khẳng định.
Bản chất thuốc tránh thai khẩn cấp là các chất nội tiết tố, đặc biệt là progesterone. Đây là loại hormone khi phụ nữ mang thai tiết ra để ngăn trứng không rụng, từ đó không thể tiếp tục thụ thai. Thuốc tránh trai khẩn cấp với một lượng lớn nội tiết progesterone vào cơ thể để "bắt chước" quá trình này.
Một số vấn đề đặt ra là các thuốc nội tiết đường uống sẽ được chuyển hóa qua gan. Khi đã sử dụng rượu, bia, gan đã phải làm việc rất vất vả để chuyển hóa ethanol, nếu sử dụng các thuốc nội tiết sẽ làm cho gan phải gánh thêm công việc chuyển hoá progesterone, điều này tiềm ẩn nguy cơ gan quá tải. Bởi nếu uống cùng lúc thuốc tránh thai và rượu có thể khiến gan bị quá tải, nguy cơ gây bệnh lý về gan cao hơn. Đàn ông lạm dụng nhiều thuốc tránh thai, tự bổ sung hormone nữ giới vào cơ thể cũng là điều ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.
Được biết, rượu làm giảm lượng glucose trong máu, dẫn tới chóng mặt ở người say. Uống rượu, bia khiến bạn mệt mỏi, mất nước nên càng nôn nao, đau đầu. Sử dụng thêm thuốc tránh thai lúc này có thể gây ngộ độc, nguy hiểm tính mạng.
Đã uống rượu, bia thì không điều khiển phương tiện giao thông
Theo chia sẻ của người dân, mục đích chính khi mua máy đo nồng độ cồn là giúp họ chủ động hơn trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Phổ biến vẫn là tâm lý, dám "chơi" nhưng không muốn "chịu". Sau cuộc nhậu rượu, bia, muốn thử xem có đủ điều kiện tham gia giao thông hay không thì dùng máy kiểm tra. Nếu máy báo quá nồng độ cồn thì nhờ bạn bè hay gọi xe đưa về. Còn nếu máy báo không vấn đề gì thì cứ tự tin điều khiển phương tiện.
Sự thật là muốn kiểm tra xem tỷ lệ bị cảnh sát giao thông phạt do sử dụng rượu, bia thông qua thiết bị thổi nồng độ cồn là bao nhiêu phần trăm. Nếu quá tự tin vào máy tự trang bị để đo nồng độ cồn mà vẫn sử dụng rượu, bia trước đó, nếu bị Cảnh sát giao thông (CSGT) kiểm tra về việc này thì cũng khó mà thoát mức phạt theo quy định.
Được biết, không chỉ có các cá nhân tự trang bị máy đo nồng độ cồn cho bản thân, mà còn có công ty vận tải cũng sử dụng công cụ này để kiểm tra lái xe trước khi vào ca lái.
Một kỹ sư trước khi vào ca chia sẻ: Tôi nghĩ những loại máy này không có nhiều ý nghĩa. Bởi một số người dân có xu hướng chọn máy giá rẻ, chất lượng kém. Khi người dùng uống chút rượu mà thổi vào máy thì máy có thể cho kết quả không chính xác. Ra đường, thổi vào máy chuyên dụng của CSGT thì vẫn bị phạt như thường. Như vậy thì mua máy đo không để làm gì cả.
Thông tư 07/2019/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ nêu rõ, phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở có chu kỳ kiểm định là 12 tháng. Máy đo nồng độ cồn đạt tiêu chuẩn phải dán tem kiểm định và còn trong thời hạn giá trị ghi trên tem. Các thiết bị này phải đáp ứng tiêu chuẩn kiểm định theo văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam ĐLVN 107:2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ về phương tiện đo hàm lượng cồn trong hơi thở, được cấp chứng chỉ kiểm định như tem kiểm định, dấu kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định theo quy định.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông, Cục CSGT, Bộ Công an cho biết: "Người dân có thể dùng những thiết bị này để tham khảo, còn để xử lý vi phạm hành chính đối với việc vi phạm nồng độ cồn thì phải thực hiện theo các quy định của pháp luật. Đó là những thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được lực lượng chức năng sử dụng. Thiết bị này được kiểm định và thỏa mãn giữa 2 kỳ kiểm định theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ. Kết quả của thiết bị này mới có giá trị để xử phạt vi phạm hành chính".
Như vậy, dẫu có "tự trang bị" máy đo nồng độ cồn thì người dân vẫn phải chịu sự kiểm tra của CSGT bằng thiết bị chuyên dụng. Ngay cả khi tài xế có sử dụng những bí quyết như ngậm đồng xu, hút thuốc lá, nhai tỏi... nhằm tạo mùi mới để đánh lạc hướng máy đo nồng độ cồn thì với những máy đo nồng độ cồn áp dụng công nghệ mới, có độ chính xác cao vẫn phát hiện ra.
Để đảm bảo an toàn cho chính mình và những người xung quanh, chủ các phương tiện giao thông nếu đã uống rượu thì không nên lái xe. Đồng thời, không nên tin vào thiết bị đo nồng độ cồn mua trên mạng cũng như các phương pháp "đánh bay" nồng độ cồn. Còn muốn để tự tin khi gặp CSGT kiểm tra nồng độ cồn, mỗi người chỉ cần thực hiện đúng "câu thần chú": Đã uống rượu, bia thì không điều khiển phương tiện giao thông. Thực hiện tốt điều này sẽ tránh gây tai nạn đáng tiếc cho bản thân và những người xung quanh. Đây chính là mục đích nhân văn của đợt cao điểm kiểm soát nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông mà lực lượng CSGT đang thực hiện.
9
TECHCOMBANK THAM GIA ĐỒNG SÁNG LẬP TRUNG TÂM CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP THỨ 2 ĐÔNG NAM Á
(CHG) Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thành phố (HEF) lần thứ 5 với chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP. Hồ Chí Minh", Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã đồng hành cùng các hoạt động của diễn đàn và trở thành một trong những thành viên đồng sáng lập Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là Trung tâm C4IR thứ 2 của Đông Nam Á sau Malaysia, tham gia vào mạng lưới Trung tâm cách mạng công nghiệp lần thứ 4 toàn cầu của WEF.
Xem chi tiết