(CHG) Áp dụng thủ tục rút gọn giải quyết vụ án dân sự có thể làm gia tăng khối lượng công việc của hệ thống Tòa án nhưng sẽ bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng.
Đề nghị quy định người tiêu dùng bao gồm cả tổ chức
Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 05/04, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách xem xét, cho ý kiến về Báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, về khái niệm người tiêu dùng (khoản 1 Điều 3), có 02 loại ý kiến khác nhau:
Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định người tiêu dùng bao gồm cả tổ chức trong dự thảo Luật vì trên thực tế, việc mua hoặc sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không chỉ là hoạt động của cá nhân mà còn bao gồm cả tổ chức cho mục đích tiêu dùng, không vì mục đích thương mại.
Việc quy định này sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức khi tham gia tiêu dùng, khắc phục được hạn chế của cách quy định người tiêu dùng chỉ bao gồm cá nhân do không phải mọi tổ chức đều có khả năng tự bảo vệ trước các hành vi vi phạm từ phía nhà sản xuất, kinh doanh.
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy báo cáo một số vấn đề lớn về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Đồng thời, quy định này kế thừa quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành và Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999; đồng thời, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mặc dù quy định về vấn đề này tương đối khác nhau nhưng pháp luật một số nước vẫn điều chỉnh người tiêu dùng bao gồm cả cá nhân và tổ chức.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, không cần thiết đưa “tổ chức” vào khái niệm “người tiêu dùng” vì theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Bộ Công Thương, trong suốt quá trình 10 năm tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, số lượng các tổ chức có khiếu nại, khiếu kiện đến các cơ quan nhà nước là rất ít.
Người tiêu dùng là tổ chức có nhiều điều kiện tốt hơn so với người tiêu dùng là cá nhân khi thực hiện giao dịch mua, bán và giải quyết tranh chấp; kinh nghiệm quốc tế cho thấy, pháp luật nhiều nước chỉ tập trung điều chỉnh đối tượng người tiêu dùng là cá nhân. Chính vì vậy, dự thảo Luật nên quy định tập trung vào việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cá nhân. Đây cũng là phương án Chính phủ trình Quốc hội.
Sau khi nghiên cứu ý kiến đại biểu Quốc hội và trên cơ sở ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất với cơ quan soạn thảo bổ sung đối tượng “tổ chức” vào nội dung quy định giải thích từ ngữ về người tiêu dùng và thể hiện một phương án theo loại ý kiến thứ nhất như trong dự thảo Luật (khoản 1 Điều 3).
Áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự
Về giải quyết tranh chấp tại Tòa án (Mục 5 Chương V), ông Lê Quang Huy nêu, về thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, còn có 02 loại ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định rõ về việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong dự thảo Luật vì nếu chỉ căn cứ vào các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành thì sẽ không thể áp dụng thủ tục rút gọn đối với các vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong khi đa số các vụ tranh chấp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có giá trị nhỏ, cần được giải quyết kịp thời để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy hầu hết các nước trên thế giới đều quy định áp dụng thủ tục rút gọn trong việc giải quyết các vụ án dân sự bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đồng thời cần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự để đảm bảo tính khả thi, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, quy định về thủ tục rút gọn trong dự thảo Luật không thống nhất với điều kiện giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn quy định tại Điều 316, Điều 317 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Điều này sẽ dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng và ảnh hưởng đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tối cao có văn bản đề nghị không quy định về nội dung này trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là luật nội dung nhưng quy định tại Điều 69 và Điều 78 của dự thảo Luật về thủ tục rút gọn trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là quy định về thủ tục tố tụng. Vì vậy, để đảm bảo tính thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật, đề nghị không quy định thủ tục rút gọn trong dự thảo Luật.
Sau khi nghiên cứu ý kiến đại biểu Quốc hội và trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường thống nhất với Cơ quan soạn thảo lựa chọn một phương án theo loại ý kiến thứ nhất và thể hiện như trong dự thảo Luật, quy định rõ về việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Quy định như vậy tuy có thể làm gia tăng khối lượng công việc của hệ thống Tòa án nhưng sẽ bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Cụ thể, dự thảo Luật đã chỉnh lý khoản 2 Điều 70 vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Điều 78 sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 317 Bộ luật Tố tụng Dân sự, để đảm bảo tính khả thi, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Hội nghị Đại biểu quốc hội chuyên trách xem xét, cho ý kiến Báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Không làm phát sinh gánh nặng bất hợp lý
Ông Lê Quang Huy cũng cho biết, về việc bảo đảm cân bằng giữa quyền, nghĩa vụ của người tiêu dùng với quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh, một số ý kiến đề nghị rà soát bảo đảm cân bằng giữa quyền, nghĩa vụ của người tiêu dùng với quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh, không làm phát sinh gánh nặng bất hợp lý đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất với Cơ quan soạn thảo đã chỉnh lý, hoàn thiện một số quy định trong dự thảo Luật nhằm đảm bảo phù hợp và cân bằng quyền lợi, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong mối quan hệ với người tiêu dùng, không làm phát sinh gánh nặng bất hợp lý đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Cụ thể như sau, thay đổi từ “trách nhiệm” thành “nghĩa vụ” tại Điều 5, rà soát điều chỉnh tương ứng trong các điều, khoản liên quan (Điều 1). Đồng thời, dự thảo Luật đã hoàn thiện Điều 5 theo hướng phân tách rõ ràng 6 nghĩa vụ của người tiêu dùng; bổ sung một khoản quy định người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mà mình đưa ra, có trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật.
Chỉnh lý khoản 2 Điều 39 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng theo hướng không quy định lại trách nhiệm chung mà các đối tượng là tổ chức, cá nhân kinh doanh đều phải tuân thủ, chỉ quy định về trách nhiệm gắn liền với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù.
Theo đó, khoản 2 Điều 39 được chỉnh lý như sau “Tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có trách nhiệm thực hiện quy định tại Điều 37, Điều 38 của Luật này và Mục 2 Chương III trong trường hợp cung cấp dịch vụ liên tục”.
Chỉnh lý một số điểm tại khoản 3 Điều 39 để phù hợp với thực tiễn kinh doanh, không làm phát sinh trách nhiệm, chi phí bất hợp lý đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Cụ thể, bổ sung trường hợp loại trừ trong việc thực hiện trách nhiệm hiển thị nội dung phản hồi, đánh giá tại điểm d như sau: Cho phép người tiêu dùng phản hồi, đánh giá về tổ chức, cá nhân kinh doanh, đồng thời hiển thị kết quả phản hồi, đánh giá đó, trừ trường hợp phản hồi, đánh giá đó vi phạm các quy định của pháp luật, trái đạo đức xã hội”;
Sửa đổi cụm từ “công bố công khai” thành “cung cấp” tại điểm k, cụ thể: “Cung cấp báo cáo về các hoạt động kiểm duyệt nội dung đã thực hiện hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”; sửa đổi điểm l khoản 3 về trách nhiệm “Kết nối, cung cấp dữ liệu thông tin theo thời gian thực” theo hướng chỉ quy định trách nhiệm của tổ chức kinh doanh dịch vụ nền tảng số trung gian phải thực hiện nghĩa vụ báo cáo định kỳ, đột xuất phục vụ mục đích quản lý nhà nước đã được quy định tại pháp luật có liên quan thông qua việc duy trì nhiệm vụ gửi báo cáo vào tài khoản của mình được tạo lập tại các hệ thống thông tin do cơ quan quản lý nhà nước thiết lập, vận hành.
Cụ thể được chỉnh lý là “Duy trì tài khoản báo cáo trực tuyến và cung cấp thông tin, dữ liệu cập nhật tới thời điểm được yêu cầu báo cáo để phục vụ hoạt động thanh, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật”./.
Nguồn: https://congthuong.vn/ap-dung-thu-tuc-rut-gon-giai-quyet-vu-an-dan-su-bao-ve-tot-hon-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-249165.html
0
TECHCOMBANK THAM GIA ĐỒNG SÁNG LẬP TRUNG TÂM CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP THỨ 2 ĐÔNG NAM Á
(CHG) Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thành phố (HEF) lần thứ 5 với chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP. Hồ Chí Minh", Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã đồng hành cùng các hoạt động của diễn đàn và trở thành một trong những thành viên đồng sáng lập Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là Trung tâm C4IR thứ 2 của Đông Nam Á sau Malaysia, tham gia vào mạng lưới Trung tâm cách mạng công nghiệp lần thứ 4 toàn cầu của WEF.
Xem chi tiết