(CHG) Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, khoảng 70% bệnh truyền nhiễm trong 50 năm qua đều bắt nguồn từ thói quen tiêu thụ động vật hoang dã. Việc buôn bán, sử dụng trái phép động vật hoang dã và những bộ phận của chúng đang là nguyên nhân gây ra nguy cơ tuyệt chủng loài, ảnh hưởng đến môi trường sống của nhân loại.
Sản phẩm ngà voi được bày bán công khai.
Vấn nạn buôn bán sản phẩm động vật hoang dã
Theo thống kê của Tổ chức Wildlife Justice Commission (WJC), từ ngăm 2016 - 2019, ước tính, có khoảng 206,4 tấn vảy tê tê bị thu giữ từ 52 vụ buôn lậu trên toàn cầu, trong đó, Việt Nam liên quan đến gần 70% các vụ thu giữ. Nghiên cứu mới nhất vừa công bố vào tháng 11/2021 do Cơ quan điều tra môi trường quốc tế (EIA) thực hiện chỉ ra rằng, từ năm 2010, Việt Nam có liên quan đến hơn 700 vụ bắt giữ động vật hoang dã với tổng cộng ít nhất 123 tấn ngà voi, 111 tấn vảy tê tê và 2,7 tấn sừng tê giác.
Cũng từ năm 2010, căn cứ vào các vụ bắt giữ động vật hoang dã được xác nhận trên toàn cầu, Việt Nam liên quan đến hoạt động buôn lậu bộ phận và sản phẩm của ít nhất 18.000 cá thể voi, 111.000 cá thể tê tê và 976 cá thể tê giác. Tuy nhiên, những con số này chỉ phản ánh một phần nhỏ tệ nạn mua bán, sử dụng động vật hoang dã mà Việt Nam liên quan, bởi phần lớn hoạt động buôn lậu diễn ra mà không bị phát hiện.
Theo thống kê của Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV), qua thông tin người dân phản ánh đến đường dây nóng 1800-1522, năm 2020 ghi nhận 2.907 vụ vi phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam với tổng vi phạm đơn lẻ lên tới 7.651, tăng gấp đôi vụ được ghi nhận năm 2019.
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) phân tích: số vụ việc vi phạm về buôn bán động vật hoang dã ngày càng tăng đến mức báo động. Năm 2019, con số này là 1.901 vụ việc. Đến 2021 đã ở mức 3.703 vụ việc. Tính riêng quý I/2022, cơ quan chức năng phát hiện 808 vụ việc với 1.631 vi phạm. Riêng ngà voi, năm 2021, cả nước phát hiện 575 vụ với 1.580 vi phạm.
Những phân tích này chứng minh tình trạng buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã vẫn đang tiếp tục có diễn biến phức tạp.
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết, với vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam đã và đang trở thành mắt xích quan trọng trong hoạt động buôn bán động vật hoang dã của các tổ chức tội phạm quốc tế. Thậm chí, đã hình thành nên những đường dây lớn do các đối tượng người Việt Nam cầm đầu, chuyên vận chuyển, buôn bán khối lượng lớn các sản phẩm động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm từ nước ngoài về Việt Nam.
Một trong những nguyên nhân cơ bản xuất phát từ lợi nhuận. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, lợi nhuận từ hoạt động buôn bán động vật hoang dã hay tội phạm môi trường nói chung chỉ đứng sau hoạt động buôn bán ma tuý, buôn bán người và buôn bán hàng giả.
Ví dụ, 1kg ngà voi mua ở Châu Phi có giá 50USD, nhưng đưa ra thị trường bán với giá 2.000USD/kg. Lợi nhuận gấp đến 50 lần.
Lý do thứ hai là rủi ro từ hoạt động vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã trái phép vẫn còn thấp. Hiện nay, chính sách pháp luật liên quan đến xử lý vi phạm về buôn bán động thực vật hoang dã đã được ban hành khá đầy đủ và phù hợp. Trên thực tế, lực lượng chức năng, nhất là cơ quan Hải quan đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vi phạm, thu giữ hàng tấn ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê bị vận chuyển trái phép từ châu Phi về Việt Nam.
Với lợi nhuận cao và rủi ro bị bắt giữ còn thấp, sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động giao thương quốc tế trở lại bình thường, các đối tượng tội phạm xuyên quốc gia sẽ còn tiếp tục đẩy mạnh việc buôn bán ngà voi, động vật hoang dã.
Theo quan niệm của một số nước phương Đông, trong đó có Việt Nam, sừng tê giác, vảy tê tê được sử dụng trong một số bài thuốc Đông y. Tuy nhiên đến nay, chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh tác dụng điều trị bệnh của các sản phẩm này.
Trong khi đó, ngà voi thường được sử dụng vào mục đích làm hàng thủ công mỹ nghệ và đồ phong thủy. Việc sở hữu các sản phẩm động vật hoang dã còn thể hiện độ giàu có, sự chịu chơi của một số đại gia. Tuy nhiên, quan niệm trên không còn phù hợp với lối sống văn minh, hội nhập hiện tại. Bởi chính nhận thức hạn chế của con người đã khiến nhiều loại động vật hoang dã bị săn lùng, tiêu thụ mà không biết rằng, việc sử dụng sản phẩm động vật hoang dã tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ truyền nhiễm dịch bệnh từ động vật sang người.
Lực lượng chức năng liên tục phát hiện và thu giữ hàng tấn ngà voi nhập lậu.
WHO đã cảnh báo, khoảng 70% bệnh truyền nhiễm trong 50 năm qua đều bắt nguồn từ động vật hoang dã. Thói quen tiêu thụ động vật hoang dã đã tạo điều kiện cho nhiều virus lạ tiến sang người và gây ra những đại dịch nghiêm trọng.
Ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ từ việc sử dụng sản phẩm của động vật hoang dã, thì việc khai thác, buôn bán, sử dụng trái phép động vật hoang dã và động vật nguy cấp quý hiếm sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học, môi trường tự nhiên, nhiều loài động vật đã tuyệt chủng và nguy cơ tuyệt chủng, gây ảnh hưởng đến môi trường sống của nhân loại.
|
Giải pháp ngăn chặn buôn bán sản phẩm động vật hoang dã
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho rằng, để đấu tranh hiệu quả với các đường dây buôn lậu động vật hoang dã quốc tế, các cơ quan chức năng cần thể hiện quyết tâm cao độ, tăng cường công tác kiểm tra, triệt phá các đường dây và đối tượng cầm đầu các đường dây đang vận chuyển hàng tấn động vật hoang dã trái phép về Việt Nam.
Để làm được điều này, việc hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan thực thi pháp luật trong nước và quốc tế (đặc biệt là ở các quốc gia nguồn đóng vai trò quan trọng). Bên cạnh đó, việc xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, nhất là những đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán động vật hoang dã lớn cũng rất cần thiết để đảm bảo tính răn đe.
Lĩnh vực nuôi thương mại động vật hoang dã tại Việt Nam cũng đang bị các đối tượng cố tình gian lận giữa loài được nuôi thương mại và các loài hoang dã khác.
Ông Thomas Lyons, Giám đốc Văn phòng Cơ quan Phòng chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cho rằng: “Giải pháp lâu dài tốt nhất để đối phó với hoạt động “rửa động vật hoang dã” là thắt chặt quản lý nuôi động vật hoang dã và tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật về động vật hoang dã”.
Việt Nam hiện đang có khoảng 9.000 cơ sở nuôi thương mại động vật hoang dã đã được cấp phép. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, còn nhiều cơ sở hoạt động tự phát hoặc đang trong quá trình chờ cấp phép.
Cơ chế quản lý hoạt động gây nuôi thương mại động vật hoang dã hiện tại chưa rõ ràng và không đủ hiệu quả để ngăn chặn tình trạng nhập lậu, buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Các cơ sở có thể dễ dàng mua bán “giấy phép vận chuyển” để chứng minh nguồn gốc hợp pháp của động vật hoang dã.
Theo ENV, việc ban hành một danh mục các loài động vật hoang dã được phép gây nuôi, vì mục đích thương mại là giải pháp bước đầu được kỳ vọng, có thể ngăn chặn tình trạng lợi dụng lỗ hổng pháp luật về quản lý hoạt động gây nuôi thương mại động vật hoang dã, loại bỏ những tác động tiêu cực của hoạt động này đối với các loài động vật hoang dã đang bị đe dọa.
Danh mục này sẽ giúp bảo đảm tất cả các loài động vật hoang dã không phù hợp cho nuôi thương mại sẽ không bị nuôi nhốt, buôn bán trái phép hay nhập lậu vào các cơ sở nuôi thương mại.
Từ danh mục loài động vật hoang dã được phép nuôi thương mại và cấp phép, khi kiểm tra, các cán bộ quản lý chỉ cần đối chiếu vào đây. Còn các chủ cơ sở cũng nắm rõ những loài được phép nuôi thương mại và đầu tư nguồn lực phù hợp cho hoạt động nuôi, danh mục được ban hành có thể đi kèm với quy trình đăng ký được đơn giản hóa tạo điều kiện cho các cơ sở nuôi.
Hãy chung tay bảo vệ động vật hoang dã.
Về lâu dài, giải pháp này cũng cần kết hợp cùng với việc hoàn thiện hệ thống chính sách, tăng cường thực thi pháp luật để quản lý toàn diện, hiệu quả hoạt động gây nuôi thương mại động vật hoang dã, vì lợi ích bảo tồn đa dạng sinh học, đảm bảo tương lai an toàn cho các loài động vật hoang dã. Đồng thời, cho phép người dân phát triển kinh tế và tăng lợi nhuận, nhưng không gây ảnh hưởng tiêu cực đến thiên nhiên.
Bà Michelle Owen, Giám đốc Văn phòng nhà thầu Dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp (WWF) cho biết, Dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp đã tăng cường nhận thức, hỗ trợ doanh nghiệp hiểu được chuỗi cung ứng và cách thức vận hành của các đường dây tội phạm buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật. Với kết nối quốc tế và khu vực, các công ty công nghệ Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng trong việc chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật, thông qua việc chặn quảng cáo, không cho phép hoạt động mua bán liên quan trên các nền tảng của mình.
Ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng nhấn mạnh, liên minh Chấm dứt buôn bán động vật hoang dã trực tuyến - tổ chức gồm 47 thành viên là các công ty công nghệ toàn cầu và khu vực, trong đó có Meta, Microsoft, Google và Lazada, với kỳ vọng hợp tác nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc chống lại buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật, thông qua việc thực thi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và đề xuất cải thiện khung chính sách.
Bên cạnh đó, dữ liệu vi phạm về động vật hoang dã của ENV cũng cho thấy xu hướng, đường dây, đối tượng cầm đầu của các đường dây buôn bán động vật hoang dã. Toàn bộ thông tin đã được ENV cung cấp cho cơ quan chức năng tại Việt Nam và thời gian tới, ENV cũng sẽ tiếp tục tổng hợp, tập hợp các thông tin cung cấp đầy đủ cho các cơ quan chức năng, với hy vọng những nguồn tin ban đầu này giúp phục vụ điều tra chuyên sâu, xử lý các đối tượng buôn bán động vật hoang dã.
Các cơ quan chức năng có thể nghiên cứu sử dụng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác như pháp luật về rửa tiền, cho phép khởi tố các đối tượng chuyển hoặc rửa tiền, thông qua các doanh nghiệp hợp pháp. Bên cạnh đó, pháp luật về trốn thuế cho phép khởi tố những đối tượng có thu nhập đáng kể, hoặc tài sản không phản ánh đúng thu nhập chịu thuế; pháp luật về gian lận trong kinh doanh nghiêm cấm các doanh nghiệp hoạt động, với mục đích “trá hình” cho hoạt động phạm tội. Các biện pháp kiểm soát hàng hóa của ngành Hải quan cũng góp phần xử lý triệt để các đối tượng, các đường dây buôn bán động vật hoang dã.
Hình phạt nghiêm khắc hơn với những đối tượng buôn bán động vật hoang dã, đặc biệt là việc xử lý triệt để những đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán động vật hoang dã lớn, sẽ góp phần hạn chế được nạn buôn bán động vật hoang dã.
Ngoài ra, cần tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội về việc bảo vệ động vật hoang dã để bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài động vật hoang dã trước nguy cơ tuyệt chủng do bị săn bắt, buôn bán./.
0
TECHCOMBANK THAM GIA ĐỒNG SÁNG LẬP TRUNG TÂM CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP THỨ 2 ĐÔNG NAM Á
(CHG) Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thành phố (HEF) lần thứ 5 với chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP. Hồ Chí Minh", Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã đồng hành cùng các hoạt động của diễn đàn và trở thành một trong những thành viên đồng sáng lập Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là Trung tâm C4IR thứ 2 của Đông Nam Á sau Malaysia, tham gia vào mạng lưới Trung tâm cách mạng công nghiệp lần thứ 4 toàn cầu của WEF.
Xem chi tiết