(CHG) “Chỉ trong vòng 3 tháng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hai hội nghị liên quan đến phục hồi và phát triển du lịch. Việt Nam đã chủ động mở cửa với thế giới sau dịch Covid-19 rất sớm, thực hiện một số chính sách ưu đãi kích cầu du lịch. Đến tháng 4/2023, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt thấp so với các nước trong khu vực Đông Nam Á”.
Đó là phát biểu của ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, tại Hội thảo Hợp tác hàng không du lịch, giải pháp thu hút khách quốc tế, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 25/4. Ngành hàng không được ví như “cửa ngõ” của quốc gia trong hợp tác ngoại giao, văn hóa, kinh tế, du lich... với thế giới rộng lớn. Sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế thế giới gặp khó khăn, khách du lịch “chỉnh sửa” lại cách tiêu tiền. Chính phủ nước ta đang tìm mọi giải pháp để tháo gỡ những khúc mắc cho ngành hàng không, du lịch... phát triển, góp phần phục hồi nền kinh tế.
Tập trung hai thị trường lớn bậc nhất thế giới
“Chúng tôi so sánh ngành hàng không và du lịch giống như “hai cánh chim” của nền kinh tế. Muốn du lịch, kinh tế trong nước phát triển, hàng không phải lớn mạnh, đi trước một bước, đủ năng lực chuyên chở khách du lịch trên thế giới đến Việt Nam chi tiêu. Gỡ khó hàng không, đồng nghĩa đã gỡ khó cho du lịch, thương mại của nước ta với thế giới bên ngoài” - ông Bùi Minh Đăng, đại diện Cục Hàng không Việt Nam nêu ý kiến.
Theo ông Đăng, hiện nay, ở nước ta có 69 hãng hàng không của các nước mở đường bay trực tiếp đến Việt Nam, vừa là cơ hội và thách thức cho các hãng hàng không nước ta cạnh tranh vươn lên ngang tầm với quốc tế. Dịch Covid-19 đã làm cho các hãng hàng không trong nước rơi vào tình cảnh kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tục.
Tàu du lịch 5 sao vào vịnh Nha Trang.
“Thị trường hàng không quốc tế có dấu hiệu khởi sắc từ mùa hè năm 2022, với hoạt động khai thác của các hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Pacific Airlines) đã mở lại, mở mới các đường bay quốc tế, kết nối hơn 110 đường bay giữa Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong quý I/2023, sản lượng vận chuyển trên các đường bay quốc tế đạt 2,6 triệu khách, bằng xấp xỉ 60% so với cùng kỳ quý I năm 2019, khi chưa xảy dịch Covid-19” - ông Đăng cung cấp thông tin.
Ngoài thị trường khách du lịch truyền thống ở các châu lục, ngành hàng không và du lịch đang tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để khai thác hai thị trường có dân số đông nhất thế giới: Ấn Độ và Trung Quốc. Ông Đăng chia sẻ: “Trung Quốc đã mở cửa hoàn toàn, khách du lịch thoải mái bay sang Đà Nẵng, Khánh Hòa... Tới đây, riêng sân bay quốc tế Cam Ranh sẽ kết nối với 40 sân bay của Trung Quốc để đưa khách đến tham quan tỉnh Khánh Hòa và các tỉnh lân cận”.
Thị trường khách du lịch Ấn Độ sang Việt Nam được xếp vào thị trường mới nổi. Hãng hàng không Vietnam Airlines đã mở trực tiếp đường bay đến Ấn Độ. “Dân số Ấn Độ đứng đầu thế giới rồi, đã vượt qua Trung Quốc. Đây là thị trường cực lớn, tháng 5/2023, Vietnam Airlines sẽ khai thác đường bay mới giữa Hà Nội, TP. HCM và TP. Mumbai (Ấn Độ), bằng tàu bay Airbus A321. Mumbai chỉ đứng sau Thủ đô New Delhi, được coi là trung tâm kinh tế, văn hóa và xã hội lớn thứ 2 Ấn Độ. Vietnam Airlines khai thác 4 chuyến bay mỗi tuần trên đường bay giữa Hà Nội - Mumbai vào các ngày thứ 3, thứ 5, thứ 7, chủ nhật và 3 chuyến bay mỗi tuần trên đường bay TP. HCM - Mumbai vào các ngày thứ 2, thứ 4 và thứ 6. Khi lượng khách tăng nhiều, hãng sẽ tăng tần suất bay hàng ngày” - ông Trương Ngọc Hùng, Phó ban Tiếp thị sản phẩm Vietnam Airlines thông tin cụ thể.
Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Nha Trang kiểm tra thẻ lên bờ của du khách đi tàu biển.
Cải thiện hạ tầng du lịch
Các tỉnh ven biển duyên hải Nam Trung Bộ, có những bãi biển, đảo tuyệt đẹp, nơi khách du lịch Nga ưa thích, hơn một năm nay, lượng khách Nga đã giảm hẳn. Ông Bùi Quốc Đại, đại diện Công ty Anex Việt Nam (chuyên đón khách Nga) cho biết: “Do nhiều lý do khác nhau, các hãng hàng không chưa mở đường bay trực tiếp ở vùng Viễn Đông Nga để đưa khách sang Việt Nam. Khách Nga ở vùng này phải đi qua một số nước lân cận, rồi nối chuyến bay đáp xuống sân bay quốc tế Cam Ranh, giá vé đội lên 1.200USD/người (bay thẳng từ Viễn Đông đến Cam Ranh chỉ 600USD).
Một trở ngại khác, do các nước phương Tây cấm vận Nga, dẫn đến khách Nga không thể dùng thẻ ngân hàng quốc tế để chi tiêu tại Việt Nam. Tôi đề xuất, tại Nha Trang có chi nhánh ngân hàng Việt - Nga, khách có thể làm thẻ ngân hàng Việt - Nga, nạp tiền ở Nga, chi tiêu tại Việt Nam”.
Mục tiêu của ngành du lịch trong năm 2023 sẽ đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó, khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt, doanh thu 650.000 tỷ đồng.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang bị suy giảm và nhiều tác động khác đã ảnh hưởng đến thị trường du lịch toàn cầu, trong đó có Việt Nam, ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra giải pháp: “Cần rà soát lại các hiệp định về hàng không đã ký kết với các quốc gia và vùng lãnh thổ, để tạo thuận lợi cho các hãng hàng không quốc tế mở đường bay đến Việt Nam và các địa bàn là trọng điểm du lịch của Việt Nam. Nâng cao năng lực điều hành tại các cảng hàng không của Việt Nam, trọng tâm là cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Phát triển loại hình cho thuê nguyên chuyến phục vụ khách du lịch. Tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế thông qua các phương thức vận tải quốc tế như: đường biển, đường bộ”.
Phát triển cơ sở, hạ tầng du lịch ở các tỉnh mang ý nghĩa rất quan trọng, thời đại công nghệ thông tin và mạng xã hội luôn nằm trên tay mỗi du khách, điều hay - điều dở đều được chuyển tải nhanh chóng cho thế giới biết. Tỉnh Khánh Hòa đã đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch khá chuyên nghiệp, ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Tỉnh Khánh Hòa xác định tập trung xây dựng chiến lược phát triển du lịch vừa theo chiều rộng, vừa theo chiều sâu. Với mục tiêu là đa dạng thị trường khách du lịch, chú trọng thu hút khách nội địa và dần phục hồi các thị trường khách quốc tế có lượng khách lớn đến với Khánh Hòa trong những năm trở lại đây như: Nga, các nước khu vực Đông Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan. Riêng thị trường khách Ấn Độ, tỉnh Khánh Hòa và Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, đón các đoàn doanh nghiệp du lịch của Ấn Độ đến Nha Trang khảo sát. Tôi hy vọng sẽ sớm mở đường bay trực tiếp giữa Ấn Độ và Khánh Hòa”./.
Nguồn: https://www.bienphong.com.vn/cung-phat-trien-hai-canh-chim-cua-nen-kinh-te-post460878.html
0
TECHCOMBANK THAM GIA ĐỒNG SÁNG LẬP TRUNG TÂM CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP THỨ 2 ĐÔNG NAM Á
(CHG) Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thành phố (HEF) lần thứ 5 với chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP. Hồ Chí Minh", Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã đồng hành cùng các hoạt động của diễn đàn và trở thành một trong những thành viên đồng sáng lập Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là Trung tâm C4IR thứ 2 của Đông Nam Á sau Malaysia, tham gia vào mạng lưới Trung tâm cách mạng công nghiệp lần thứ 4 toàn cầu của WEF.
Xem chi tiết