Hải quan TP HCM chia sẻ nhiều kinh nghiệm thu hồi nợ thuế


(CHG) Nhiều kinh nghiệm trong thu hồi, xử lý nợ thuế được đúc kết từ thực tiễn đã được các đơn vị thuộc và trực thuộc Cục Hải quan TPHCM chia sẻ tại hội nghị quán triệt, triển khai công tác thuế XNK được tổ chức mới đây.
Xuất hiện khi bị hoãn xuất cảnh
Là đơn vị dẫn đầu toàn Cục về kết quả thu hồi và xử lý nợ thuế, ông Lý Seng Nguôn, Đội trưởng Đội quản lý thuế- Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (Cục Hải quan TPHCM) cho biết, số tài khoản nợ được giao cho đơn vị thực hiện thu hồi nợ là số nợ tồn từ 4 đơn vị, với số tiền nợ thuế và số lượng doanh nghiệp rất lớn, với trên 2.700 doanh nghiệp toàn quốc. Theo ông Lý Seng Nguôn, hiện nay, số nợ tại đơn vị phần lớn là nợ khó đòi. Tuy nhiên, khi áp dụng biệp pháp cưỡng chế tạm hoãn xuất cảnh, người đại diện doanh nghiệp đã xuất hiện sau khi "lặn" mất tăm cả chục năm trời. Tuy nhiên, để áp dụng biện pháp này hồ sơ nợ thuế phải đầy đủ, chặt chẽ, nếu hồ sơ không được lập đầy đủ dễ dẫn đến khiếu nại, thậm chí khiếu kiện.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, Hải quan TPHCM đã xử lý, thu hồi trên 624 tỷ đồng nợ thuế. Ảnh: T.H

Ông Lý Seng Nguôn dẫn chứng 3 vụ việc cụ thể. Trường hợp thứ nhất, một phụ nữ người Việt lấy chồng Đài Loan, nhưng đứng tên là người đại diện pháp luật thành lập doanh nghiệp cho chồng, sau khi doanh nghiệp phát sinh nợ thuế, cả hai xuất cảnh đi Đài Loan. Sau khi về nước, cơ quan Hải quan ban hành Thông báo tạm hoãn xuất cảnh, người đại diện pháp luật liên hệ làm việc nộp hơn 600 triệu đồng tiền nợ thuế và hơn 1 tỷ đồng tiền chậm nộp thuế. Trường hợp thứ hai, một trường hợp chủ doanh nghiệp nợ thuế bị cơ quan Hải quan thông báo tạm hoãn xuất cảnh, khi đã ra sân bay, không xuất cảnh được, người này quay lại liên hệ, làm việc với cơ quan Hải quan. Lúc này, ông giám đốc doanh nghiệp mới thừa nhận chỉ làm giám đốc thuê, và không hề biết về số nợ thuế của doanh nghiệp mà ông này đứng tên làm giám đốc...
Tương tại, tại Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư, sau khi thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế, như: Dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK, cưỡng chế hóa đơn… nhưng chủ doanh nghiệp nợ thuế đều không xuất hiện, mặc dù cơ quan Hải quan đã gửi giấy mời nhiều lần. Tuy nhiên, đến bước áp dụng thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật thì giám đốc doanh nghiệp xuất hiện ngay, đồng thời nộp hơn 1,4 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.
Chia sẻ kinh nghiệm về cưỡng chế nợ thuế bằng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, đối với lĩnh vực gia công, ông Lê Hoàng Minh, Đội trưởng đội quản lý thuế, Chi cục Hải quan quản lý hàng Gia công cho rằng, đối với lĩnh vực gia công, doanh nghiệp nợ thuế thường đã ngưng hoạt động. “Biện pháp cưỡng chế tạm hoãn xuất cảnh hiệu quả, tuy nhiên nếu hồ sơ nợ thuế không chặt chẽ, đầy đủ giấy tờ liên quan, không nên ban hành thông báo tạm hoãn xuất cảnh”- ông Minh lưu ý. Bên cạnh đó, trước khi ấn định thuế, cần xác minh tình trạng hoạt động của doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp đã giải thể, mà thực hiện ấn định thuế sẽ không thể thu hồi được, quyết định ấn định thuế cũng không đúng quy định…
Thực hiện tốt công tác quản lý, theo dõi, đôn đốc
Với đặc thù nợ thuế của kiểm tra sau thông quan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan Nguyễn Dũng cho biết, phần lớn phát sinh nợ thuế tại đơn vị thuộc diện nợ có khả năng thu hồi, nên năm 2023, Chi cục Kiểm tra sau thông quan được giao chỉ tiêu thu hồi nợ trên 700 tỷ đồng. Đến hết tháng 5/2023, đơn vị đã xử lý, thu hồi trên 574 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn là số thuế xử lý từ số nợ thuế truy thu từ mặt hàng ô tô nhập khẩu của Công ty CP Tập đoàn Tân Thành Đô.
Một điểm sáng trong công tác thuế tại Cục Hải quan TPHCM trong nửa đầu năm 2023 đó là kết quả thu hồi, xử lý nợ thuế đạt rất cao. Phó Trưởng phòng Thuế XNK Trần Ngọc Anh cho biết, tính đến thời điểm 31/5/2023, Cục Hải quan TPHCM đã thu hồi, xử lý nợ được 421 doanh nghiệp nợ thuế, số tiền nợ trên 624 tỷ đồng, đạt 77,54% chỉ tiêu thu hồi nợ được giao, trong đó có một số chi cục đạt kết quả thu hồi, xử lý nợ rất cao, như: Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 thu hồi, xử lý nợ trên 28,4 tỷ đồng, đạt 130,71%; Chi cục Hải quan Quản lý hàng Đầu tư thu hồi, xử lý nợ 7,4 tỷ đồng đạt 90,87%; Chi cục Kiểm tra sau thông quan thu hồi, xử lý nợ 574 triệu đồng đạt 81,67% chỉ tiêu thu hồi nợ được giao…
Theo ông Trần Ngọc Anh, trong 5 tháng đầu năm 2023, Cục Hải quan TPHCM đã có kết quả xử lý nợ rất khả quan so với những năm trước. Kết quả này ngoài xuất phát từ việc điều chỉnh khoản nợ từ Công ty Cổ phần tập đoàn Tân Thành Đô (hơn 574 tỷ đồng), thì thu hồi và xử lý các khoản nợ khác đạt hơn 50 tỷ đồng, khoanh nợ theo Nghị quyết 94/2019/QH14 là 23 tỷ đồng.
Theo phân tích của Cục Hải quan TPHCM, hiện nay, văn bản quy phạm pháp luật đối với công tác Quản lý nợ thuế thường xuyên được rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Trong đó, quy trình quản lý nợ thuế và khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo Quyết định số 2317/QĐ-TCHQ ngày 24/10/2022 của Tổng cục Hải quan đã giúp các đơn vị thực hiện tốt công tác quản lý, theo dõi, đôn đốc và áp dụng các biện pháp xử lý nợ phù hợp, riêng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật của doanh nghiệp nợ thuế đang được áp dụng khá hiệu quả. Quy trình dễ thực hiện, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nợ thuế trong toàn ngành.
Tuy nhiên, do đặc thù về công tác quản lý nợ thuế vẫn còn là một bài toán khó khi nhiều doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, bỏ trốn... và số nợ đã trên 10 năm, có những doanh nghiệp nợ đã gần 20 năm; một số biện pháp cưỡng chế rất khó để áp dụng như tịch biên tài sản hiện nay khó thực hiện, do doanh nghiệp nợ thuế đã bỏ trốn, mất tích thì tài sản không còn. Trình tự tịch biên thu hồi cũng là một khó khăn bởi ngành Hải quan chưa có được trình tự thủ tục riêng đối với việc này.
 

Nguồn: Hải quan Online

Còn lại: 1000 ký tự
Bộ Công Thương lấy ý kiến dự thảo quy định về giá bán điện bình quân

Bộ Công Thương hiện đã đăng tải công khai Dự thảo 2 Thông tư quy định tính toán giá bán điện bình quân để lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

Xem chi tiết
Vì sao đề xuất điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu dư thừa phát lên lưới giá 0 đồng?

Phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu được miễn giảm thực hiện một số quy định, tiêu chí khắt khe của pháp luật và có nhiều ưu đãi về chính sách… do đó, nếu bán điện thì sẽ xảy ra tình huống vỡ quy hoạch điện của quốc gia và khó kiểm soát hệ thống lưới điện, làm mất an toàn, trục lợi chính sách của nhà nước.

Xem chi tiết
Đề xuất quy định mới về phát hành chứng chỉ tiền gửi trong nước

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Thông tư quy định về phát hành chứng chỉ tiền gửi trong nước của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Xem chi tiết
Xử lý thông tin xấu độc trên TikTok, phải làm nghiêm từ gốc!

TikTok phải ủy quyền cho pháp nhân ở Việt Nam quản lý nội dung, có như vậy mới xử lý triệt để các tồn tại, mối nguy cho an ninh quốc gia.

Xem chi tiết
Phú Yên: Tạm giữ 28 tấn đường kính trắng có dấu hiệu gian lận thời hạn sử dụng

(CHG) Lực lượng chức năng tỉnh Phú Yên kiểm tra, tạm giữ 28.000 kg đường kính trắng hiệu Mitr Phol. Bản tự công bố sản phẩm số: 12/TP/2022 ngày 03/08/2022 thể hiện thời hạn sử dụng sản phẩm là 02 năm kể từ ngày sản xuất, nhưng trên bao bì hàng hóa ghi NSX: 03/07/2022, HSD: 03/07/2025.

Xem chi tiết
2
2
2
3