(CHG) Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, các giao dịch quốc tế về hàng hóa và dịch vụ đang mở rộng, việc sử dụng tiêu chuẩn quốc tế (ISO, IEC...) nhằm loại bỏ các rào cản kỹ thuật đối với thương mại quốc tế được WTO đặc biệt quan tâm. Đây cũng là yêu cầu tối thiểu đối với hàng hóa của các nước khi gia nhập vào thị trường toàn cầu. Chính vì vậy, tiêu chuẩn hóa quốc tế có ý nghĩa chiến lược trong chính sách kinh tế của mỗi quốc gia.
Ảnh minh hoạ.
Xây dựng Chiến lược tiêu chuẩn hóa, xu thế của thế giới hiện nay
Tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương năm 2018 (APEC), Tiểu ban Tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp (APEC/SCSC1) cũng khuyến khích các quốc gia thành viên xây dựng Chiến lược tiêu chuẩn hóa. Hội nghị này cũng đã thông qua “Hướng dẫn của APEC về Cấu trúc hạ tầng Tiêu chuẩn” (APEC Guidelines on Standards Infrastructure), theo đó nhận định mục tiêu của chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia nằm trong việc cung cấp điều kiện cần thiết cho các ngành công nghiệp, để tối ưu hóa việc sử dụng tiêu chuẩn. Hoạt động tiêu chuẩn hóa cần có tầm nhìn, định hướng, mục tiêu cũng như quan điểm chỉ đạo rõ ràng để hoạch định, điều chỉnh, thực thi và đánh giá các hoạt động tiêu chuẩn hóa ở cấp quốc gia cũng như ở cấp ngành.
Kinh nghiệm quốc tế, các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế như: Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Ủy ban Kỹ thuật Điện quốc tế (IEC), Liên minh viễn thông quốc tế (ITU), Ủy ban Tiêu chuẩn châu Âu CEN/CENELIC hoặc các quốc gia như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Zawmbia, Indonesia... đã ban hành chiến lược tiêu chuẩn hóa nhằm xác định nguyên tắc, định hướng cơ bản, thiết lập chương trình hành động cụ thể, phát triển hệ thống tiêu chuẩn trên phạm vi toàn cầu hoặc quốc gia.
Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) đã công bố chiến lược ISO 2030, trong đó thiết lập tầm nhìn và sứ mệnh của tổ chức nhằm làm cho cuộc sống dễ dàng hơn, an toàn hơn và tốt hơn - được hỗ trợ bởi một loạt mục tiêu và ưu tiên có thể hành động. Với nỗ lực hợp tác, các thành viên từ 165 quốc gia đã đóng góp vào việc phát triển, hoàn thiện và công bố tiêu chuẩn.
ISO 2030 xác định bốn “động lực chính của sự thay đổi” là lĩnh vực mà tiêu chuẩn quốc tế có tác động, và có mức độ liên quan nhiều nhất trên toàn cầu, đó là: Kinh tế, công nghệ, xã hội và môi trường. Chiến lược kết hợp sáu hành động ưu tiên của ISO để đạt được mục tiêu và tối đa hóa tác động của nó.
Bằng tầm nhìn đến năm 2030, chiến lược này cho phép ISO áp dụng cách tiếp cận dài hạn đối với các vấn đề toàn cầu, mà quy mô “không thể giải quyết một cách thực tế” trong khoảng thời gian 5 năm. Chiến lược ISO 2030 cũng tạo cơ hội cho ISO cam kết tập trung nhất quán vào sự phát triển của chính hệ thống tiêu chuẩn hóa, trên cơ sở đồng thuận và tiến bộ.
Tại Hoa Kỳ, chiến lược tiêu chuẩn hóa Hoa Kỳ (USSS), tiền thân là chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia (NSS), được soạn thảo bởi Viện Tiêu chuẩn Quốc gia Hoa Kỳ (ANSI) và phê duyệt lần đầu vào tháng 8/2000. Đây là thành quả nỗ lực phối hợp giữa các bên liên quan trong ngành, các tổ chức tiêu chuẩn, tập đoàn, nhóm người tiêu dùng, chính phủ và các viện nghiên cứu.
Tại Trung Quốc, ngay sau khi gia nhập WTO, nước này đã bắt tay xây dựng và triển khai chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia với các bộ công cụ hữu ích, hỗ trợ hiệu quả sản xuất kinh doanh trong nước mà còn đưa hàng hóa, dịch vụ trong một số lĩnh vực như hàng không, công nghiệp chế tạo, điện tử, công nghệ bán dẫn, y dược cổ truyền... vươn tầm hàng đầu thế giới.
Bản thân nước này đã rà soát và thay đổi 85% tiêu chuẩn quốc gia, để đảm bảo hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực. Mục tiêu đặt ra là bộ công cụ tiêu chuẩn quốc gia phải giúp nâng cao năng lực sản xuất, tạo đòn bẩy cho hàng hóa Trung Quốc vươn ra thế giới. Đồng thời, Trung Quốc cũng đưa các chuyên gia của mình tham gia sâu vào hầu hết ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế như ISO, IEC, ITU.
Bài học của Việt Nam trên con đường xây dựng tiêu chuẩn
Hiện nay, Việt Nam đang vào kỳ hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, là thành viên của WTO, ASEAN, CPTPP… Nếu Việt Nam không có chiến lược, định hướng rõ ràng về việc phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, thì khó qua được thị trường cạnh tranh thế giới.
Xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hóa sẽ cho phép Việt Nam xác lập những mục tiêu dài hạn cho việc phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, tập trung nguồn lực của Nhà nước và doanh nghiệp vào việc thực hiện các nhiệm vụ, xác định phương thức tổ chức và hành động nhằm đạt được các mục tiêu mong muốn.
Bài học về cơ chế chính sách phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia: Quá trình xây dựng và phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia gắn với các cơ chế, chính sách đối với tiêu chuẩn quốc gia theo từng giai đoạn, đã đem lại những kết quả đáng kể trong phát triển tiêu chuẩn quốc gia.
Ở các nước phát triển, chính sách tiêu chuẩn hóa quốc gia đều định hướng vào việc nâng cao vai trò và vị trí, của tiêu chuẩn hóa trong xã hội và đối với nhà nước, cũng như đưa ra những định hướng cơ bản về phát triển hoạt động tiêu chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu và nhu cầu của thị trường đang thay đổi không ngừng và nhanh chóng.
Bài học về nguồn lực tài chính cho xây dựng tiêu chuẩn quốc gia: Ở các nước công nghiệp phát triển châu Âu, châu Mỹ hay châu Á, do hoạt động tiêu chuẩn hóa được hình thành và phát triển cùng với tiến trình công nghiệp hóa, nên hoạt động này được tiến hành từ dưới lên, theo nhu cầu tự thân của các ngành công nghiệp.
Phần lớn cơ quan tiêu chuẩn quốc gia (national standards body – NSB) của các nước công nghiệp phát triển ở châu Âu (Anh, CHLB Đức, Pháp…) hay châu Mỹ (Hoa Kỳ, Canada) là các tổ chức tư nhân được nhà nước thừa nhận và chính phủ chỉ tài trợ, hỗ trợ kinh phí cho hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc gia trong phạm vi nhất định, để không ảnh hưởng tới quy chế độc lập của các cơ quan tiêu chuẩn quốc gia này.
Chính vì vậy, cần huy động các nguồn lực tài chính cần thiết cho việc tham gia vào hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế từ cả nguồn ngân sách Nhà nước và cần đẩy mạnh nguồn tài chính từ phía các doanh nghiệp, như phần lớn cơ chế hoạt động của cơ quan tiêu chuẩn hóa ở các nước phát triển. Kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho xây dựng tiêu chuẩn quốc gia chỉ nên định hướng, sử dụng cho việc thực hiện các nhiệm vụ do Nhà nước giao.
Bài học về phát triển nguồn nhân lực phục vụ việc xây dựng tiêu chuẩn quốc gia: Kinh nghiệm của Hàn Quốc là hướng đến việc nâng cao nhận thức về tiêu chuẩn hóa đối với giới trẻ - những người sẽ thực hiện hoạt động tiêu chuẩn hóa trong tương lai, bằng cách triển khai các chương trình giảng dạy về tiêu chuẩn hóa cho các trường đại học, cao đẳng khoa học công nghệ.
Hoa Kỳ xây dựng các tiêu chuẩn và quy chuẩn quốc gia trên nguyên tắc minh bạch, công khai, đồng thuận và dưới sự phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan như tư nhân, người tiêu dùng…, và theo cách tiếp cận “từ dưới lên”. Từ đó, bộ tiêu chuẩn quốc gia có tính khả thi, hiệu quả và hiệu lực cao.
Bài học về sự kết nối giữa tiêu chuẩn cơ sở và tiêu chuẩn quốc gia: Từ kinh nghiệm của Hoa Kỳ, cần thiết phải xây dựng tiêu chuẩn cơ sở để làm tiền đề cho tiêu chuẩn quốc gia. Các doanh nghiệp có thể tự áp dụng các công cụ quản lý hoặc thực hiện theo tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật, cũng như quy định về chất lượng của các Hiệp hội mà họ là thành viên. Các tiêu chuẩn được xây dựng từ các doanh nghiệp, và thông qua cơ quan tiêu chuẩn quốc gia (Viện Tiêu chuẩn Quốc gia Hoa Kỳ) để ban hành trở thành tiêu chuẩn quốc gia.
(Còn tiếp)
2