(CHG) Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN và đứng thứ 11 trong số các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào EU. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam còn khiêm tốn, cần đẩy mạnh chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu thị trường quốc tế.
Ảnh minh hoạ.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào EU bình quân đạt 7,5%, chiếm tỷ trọng bình quân 13,6% trong tổng xuất khẩu cả nước (giai đoạn 2016-2021).
Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu sang EU tăng trưởng nhưng tỷ trọng thị trường EU trong tổng kim ngạch xuất khẩu tăng không đáng kể. Năm 2020, xuất khẩu sang EU đạt 35,1 tỷ USD chiếm 12,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; năm 2021, xuất khẩu sang EU đạt 40,12 tỷ USD, chiếm 11,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong 11 tháng năm 2022, xuất khẩu sang EU đạt 43,4 tỷ USD chiếm 12,69%.
Theo Bộ Công thương, dư địa và cơ hội từ thị trường EU còn rất rộng lớn, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc khi tiếp cận thị trường này, cả về lý do chủ quan và khách quan. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, thương hiệu Việt Nam chưa được xây dựng hoặc chưa được biết đến nhiều tại các nước Châu Âu, giá trị và lợi ích mà các doanh nghiệp Việt Nam thu về còn chưa tương xứng với tiềm năng.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho rằng: Việt Nam có khoảng 200 doanh nghiệp nằm trong top tương đối lớn về xuất khẩu gạo. Các doanh nghiệp cần lựa chọn sản phẩm, phân khúc, thị trường theo khả năng và quy mô doanh nghiệp, sản xuất sản phẩm theo nhu cầu người tiêu dùng chứ không thể bán những gì chúng ta có sẵn. Gạo Việt Nam dù luôn xuất khẩu sản lượng lớn, đứng thứ 2, thứ 3 thế giới, song có năm bán được có năm phải “giải cứu”. Trong khi gạo sạch, gạo an toàn năm nào cũng không đủ để đáp ứng cho các thị trường cao cấp, khó tính.
Theo ông Ngô Chung Khanh Phó Vụ trưởng vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương cho biết: Thời gian tới để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả thị trường EU thông qua EVFTA, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành tập trung triển khai 4 nội dung, bao gồm: xử lý vấn đề kết nối cho doanh nghiệp thông qua cập nhật và nâng cấp cổng thông tin FTA (FTAP), để kết nối với toàn bộ trang thông tin điện tử của các bộ, ngành, hiệp hội; triển khai đánh giá việc thực thi FTA tại các tỉnh, thành phố thông qua chỉ số FTA INDEX, bộ chỉ số này dự kiến sẽ được công bố vào cuối năm 2023.
Bên cạnh đó, để tận dụng lợi thế xuất khẩu từ EVFTA, Việt Nam nên kinh doanh mặt hàng trọng điểm và có thế mạnh. Điều quan trọng là cần chọn lọc sản phẩm có chất lượng để xuất khẩu đáp ứng thị trường quốc tế.
5