(CHG) Công tác quản lý đối với loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất cần thiết phải đẩy mạnh hiện đại hóa theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư- gia công (Cục Hải quan Hà Nội).
Ảnh: N.Linh
Gia công, sản xuất xuất khẩu ngày càng gia tăng
Theo Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), số lượng tờ khai cũng như kim ngạch xuất nhập khẩu ở tất cả loại hình gia công, nhập nguyên liệu để sản xuất xuất khẩu, chế xuất đều tăng. Hiện cả nước có khoảng 10.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Do đó, việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động quản lý là điều cần thiết.
Tại Cục Hải quan Hà Nội, đơn vị đang quản lý địa bàn trải rộng trên 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ, với khoảng 1.040 doanh nghiệp đang hoạt động theo loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất. Do vậy, công tác quản lý hải quan đối với loại hình này vừa đòi hỏi phải đúng quy định, nhưng lại phải thống nhất giữa các đơn vị trong toàn cục.
Cũng theo Cục Giám sát Quản lý về hải quan, năm 2022, Công tác quản lý hải quan đối với loại hình gia công, nhập nguyên liệu để sản xuất xuất khẩu, chế xuất tiếp tục được chú trọng, vừa đảm bảo công tác quản lý, vừa nghiên cứu triển khai quy định mới thống nhất, tạo thuận lợi, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.
Năm 2022 Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định 247/QĐ-TCHQ quy định về cách thức kết nối, trao đổi dữ liệu hệ thống camera giám sát của doanh nghiệp chế xuất với cơ quan Hải quan theo khoản 10 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP. Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng ban hành các văn bản tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp như: hướng dẫn về điều kiện hàng rào cứng trong quá trình triển khai thực hiện 10 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP; hướng dẫn, làm rõ quy định về doanh nghiệp chế xuất cho doanh nghiệp nội địa thuê, mượn máy móc, thiết bị...
Đặc biệt, để triển khai đề án tái thiết kế hệ thống công nghệ thông tin, Tổng cục Hải quan đã hoàn thiện việc rà soát, xác định bài toán nghiệp vụ liên quan đến hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất và hoàn thiện xây dựng các yêu cầu quản lý, chỉ tiêu thông tin đáp ứng theo mô hình hải quan số.
Tuy nhiên, theo Cục Giám sát quản lý về hải quan, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu là công nghệ mới, các doanh nghiệp phải chuẩn bị về cơ sở hạ tầng cũng như điều kiện kỹ thuật cần thiết để triển khai kết nối thử nghiệm với cơ quan Hải quan, vì vậy, cần thời gian thử nghiệm trước khi áp dụng rộng rãi dẫn đến thời gian thực hiện kéo dài.
Do số lượng doanh nghiệp thực hiện hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất lớn được phân bổ ở hầu hết các cục hải quan tỉnh, thành phố. Thời gian thực hiện kiểm tra, giám sát kéo dài từ khi nhập khẩu, trong quá trình sản xuất ra sản phẩm cho đến khi sản phẩm được xuất khẩu hoặc thay đổi mục đích sử dụng dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý, giám sát của cơ quan Hải quan, đặc biệt là trong khâu quản lý định mức, báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên vật liệu đang thực hiện theo nguyên tắc doanh nghiệp tự khai tự chịu trách nhiệm...
Thay đổi phương thức quản lý từ hàng hóa sang doanh nghiệp
Xác định công tác quản lý đối với loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất cần thiết phải đẩy mạnh hiện đại hóa theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, năm 2023, cơ quan Hải quan sẽ tiếp tục đổi mới phương thức quản lý hải quan đối với hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất theo hướng thay đổi phương thức quản lý từ quản lý theo đối tượng là hàng hoá sang quản lý theo đối tượng là doanh nghiệp trên cơ sở xây dựng cụ thể, chi tiết dữ liệu về doanh nghiệp và áp dụng cơ chế kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu quản trị sản xuất của doanh nghiệp với cơ quan Hải quan phù hợp với mô hình quản lý hải quan số; trước mắt áp dụng cho khối doanh nghiệp ưu tiên.
Đồng thời, nghiên cứu, đánh giá tổng thể thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP để đề xuất chính sách mới thay thế theo hướng chuyển thủ tục này thành giao dịch nội địa, cơ quan thuế nội địa chịu trách nhiệm theo dõi, thu thuế nội địa, cơ quan Hải quan không làm thủ tục đối với hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ cho phù hợp với bản chất giao dịch hàng hoá này; phê duyệt danh sách các doanh nghiệp thực hiện kiểm tra báo cáo quyết toán năm 2022 để cục hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện.
Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan cũng tiếp tục triển khai công tác quản lý đối với hàng xuất nhập khẩu tại chỗ đáp ứng yêu cầu quản lý tờ khai xuất nhập khẩu và rà soát, phân loại xử lý tờ khai xuất nhập khẩu tại chỗ để xử lý dứt điểm tồn đọng. Song song, Cục Giám sát quản lý về hải quan sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch làm việc với các Hiệp hội doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình làm thủ tục hải quan.
Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/tung-buoc-hien-dai-hoa-quan-ly-gia-cong-san-xuat-xuat-khau-170938-170938.html
0