(CHG) Với mong muốn đồng hành, giúp đỡ DN tự đánh giá được mức độ tuân thủ, từ đó có các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ DN tự nguyện tuân thủ, ngành Hải quan đã và đang quyết tâm hành động để đưa Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan vào thực tiễn.
Hội nghị trực tuyến triển khai Quyết định 1399/QĐ-TCHQ về Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan, ngày 6/9/2022. Ảnh: Quang Hùng
Thành lập đội “phản ứng nhanh”
Những năm gần đây, cơ quan Hải quan đã tích cực triển khai nhiều hoạt động hướng đến khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan, qua đó đảm bảo tạo sự cân bằng trong việc tạo thuận lợi cho các DN tuân thủ tốt, cũng như kiểm soát chặt chẽ đối với những DN không tuân thủ. Chính vì vậy, cơ quan Hải quan đã khuyến khích DN tự nguyện cung cấp thông tin để nâng cao chất lượng thông tin hồ sơ DN, phục vụ phân loại mức độ tuân thủ, mức độ rủi ro của người khai hải quan. Đồng thời, ban hành Kế hoạch thu thập, xử lý thông tin từng năm.
Nếu việc triển khai thí điểm được triển khai hiệu quả, qua sơ kết, tổng kết mức tuân thủ, cũng như DN hưởng lợi từ các dịch vụ của cơ quan Hải quan tăng lên, thì các DN tham gia Chương trình vô hình trung sẽ là những “tuyên truyền viên” để phổ biến cho các DN khác trong cộng đồng, trong từng lĩnh vực ngành hàng, tiến tới tuân thủ, tự tuân thủ pháp luật hải quan.
(Trích phát biểu của Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường tại Hội nghị trực tuyến triển khai Quyết định 1399/QĐ-TCHQ tổ chức ngày 6/9/2022) |
Kể từ 1/1/2021, cơ quan Hải quan đã công khai mức độ tuân thủ của DN trên Cổng thông tin điện tử Hải quan (https://www.customs.gov.vn/) và hướng dẫn DN tra cứu mức độ tuân thủ, kịp thời giải đáp các thắc mắc của DN về mức độ tuân thủ. Cùng với đó, để nâng cao mức độ tuân thủ, cũng như hỗ trợ DN trong quá trình làm thủ tục hải quan, ở cấp Tổng cục Hải quan, hàng năm đã ban hành Kế hoạch phát triển quan hệ đối tác Hải quan- DN và các bên liên quan. Còn tại cấp cục hải quan, các cục hải quan: Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai… cũng thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại DN để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cộng đồng DN trong các khâu thực hiện thủ tục hải quan, cung cấp thông tin về các quy định, chính sách của cơ quan Hải quan.
Tuy nhiên, trong số hơn 190.000 DN có hoạt động XNK được đánh giá trên hệ thống quản lý rủi ro thì có trên 10% DN tuân thủ ở mức trung bình và mức độ cao, chiếm trên 83% kim ngạch và tờ khai XNK. Có đến 89% DN đang ở mức độ tuân thủ thấp hoặc không tuân thủ, chiếm trên 16% kim ngạch và tờ khai XNK. Điều này cho thấy mức độ cần phải quan tâm đến nhóm DN tuân thủ thấp và không tuân thủ. Nắm bắt được điều đó cũng như với mong muốn đồng hành, giúp đỡ DN tự đánh giá được mức độ tuân thủ, từ đó có các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ DN tự nguyện tuân thủ, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 1399/QĐ-TCHQ ngày 15/7/2022 về việc ban hành Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.
Chương trình đã đặt ra mục tiêu 80% DN tham gia được tăng mức tuân thủ hoặc giữ nguyên mức độ tuân thủ cao và trên 80% DN tham gia hài lòng về các biện pháp hỗ trợ của cơ quan Hải quan. Và sau 2 năm triển khai, 100% DN tham gia Chương trình không bị xử lý về các hành vi vi phạm pháp luật hải quan, được đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật ở mức 2 (tuân thủ cao), mức 3 (tuân thủ trung bình). Tiếp đến, sau 5 năm thực hiện Chương trình, phấn đấu tăng tỷ lệ DN tuân thủ mức 2, mức 3 đạt trên 20% tổng số DN hoạt động XNK.
Để lan tỏa Chương trình trong toàn Ngành, một Nhóm chuyên trách thực hiện Chương trình được thành lập gồm 123 thành viên. Họ là cán bộ, công chức có chuyên môn giỏi, nghiêp vụ chuyên sâu thuộc các đơn vị như Cục Quản lý rủi ro, Vụ Pháp chế, Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan, Cục Giám sát quản lý về hải quan, Cục Thuế Xuất nhập khẩu, Cục Kiểm định Hải quan (Tổng cục Hải quan) và 35 cục hải quan tỉnh, thành phố. Đội “phản ứng nhanh" này có nhiệm vụ thực hiện các hoạt động hỗ trợ toàn Ngành về tư vấn, hỗ trợ hướng dẫn theo các cam kết tại Biên bản ghi nhớ đối với DN thành viên Chương trình khi có yêu cầu. Đồng thời, ghi nhận tư cách thành viên, quá trình tham gia Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan trên hồ sơ DN và các hệ thống thông tin nghiệp vụ của cơ quan Hải quan đối với DN tham gia Chương trình để đảm bảo việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng…
Sẽ tuyên dương, khen thưởng các DN tuân thủ tốt
Thời gian qua, với vai trò điều phối, Cục Quản lý rủi ro đã phối hợp chặt chẽ với cục hải quan tỉnh, thành phố và các tổ chức, hiệp hội DN tổ chức 4 hội nghị tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá Chương trình ở 4 khu vực phía Bắc, miền Trung, phía Nam và Tây Nam bộ. Bên cạnh đó, Cục đã thực hiện các nội dung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, phổ biến, đăng tải hoạt động, kết quả của Chương trình trên Cổng Thông tin điện tử Hải quan (http://customs.gov.vn) và Tạp chí Hải quan điện tử (http://haiquanonline.com.vn).
Tại các cục hải quan, hầu hết các đơn vị đã chủ động tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Chương trình đến với cộng đồng DN, đồng thời ký biên bản ghi nhớ, kế hoạch hành động.
Đơn cử như tại Hải quan Bắc Ninh, đơn vị đang quản lý 5.615 DN làm thủ tục hải quan tại các chi cục hải quan trực thuộc. Qua số liệu thống kê về phân loại mức độ tuân thủ pháp luật đối với người khai hải quan, có trên 58,4% DN có mức tuân thủ thấp (mức 4), 23,6% DN có mức tuân thủ trung bình (mức 3), còn lại là các DN mức 1, mức 2 (DN ưu tiên, tuân thủ cao).
Cục trưởng Cục Hải quan Bắc Ninh Trần Đức Hùng cho biết, để triển khai Chương trình, đơn vị đã lựa chọn 12 DN và ký kết biên bản ghi nhớ, kế hoạch hành động. Trong quá trình triển khai, Hải quan Bắc Ninh sẽ tổng kết những kết quả cụ thể đạt được, đồng thời tổ chức đánh giá hiệu quả mang lại cho cơ quan Hải quan và cộng đồng DN, qua đó báo cáo, đề xuất Tổng cục Hải quan mở rộng số lượng DN tham gia trong thời gian tiếp theo. Đây là một trong những tiền đề giúp Cục tiếp tục chuẩn hóa các thủ tục hành chính và cam kết tạo thuận lợi thương mại, tiến tới triển khai Hải quan số, Hải quan thông minh.
“Việc tham gia chương trình trước hết đem lại lợi ích cho cộng đồng DN, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan Hải quan và các cơ quan quản lý nhà nước, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Do vậy, các DN vừa có lợi ích vừa có nghĩa vụ chấp hành đúng pháp luật bằng việc phối hợp chặt chẽ với cơ quan Hải quan để đánh giá lại thực trạng, chỉ rõ các yếu tố, nguyên nhân ảnh hưởng đến mức độ tuân thủ, từ đó có kế hoạch cụ thể để từng bước cải thiện, nâng mức tuân thủ”, ông Trần Đức Hùng bày tỏ mong muốn.
Cùng với Hải quan Bắc Ninh, Cục Hải quan Hải Phòng cũng là một trong những đơn vị đầu tiên trong toàn Ngành được Tổng cục Hải quan lựa chọn thực hiện chương trình (cùng với các cục hải quan: Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai), Cục Hải quan Hải Phòng đã chủ động, tích cực triển khai các nội dung liên quan, lựa chọn và ký kết với 23 DN, là các DN có quy mô tờ khai, kim ngạch, số thuế lớn…
“Những năm qua, Hải quan Hải Phòng có nhiều nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi cho cộng đồng DN trong hoạt động xuất nhập khẩu, xem DN là đối tác. Vì vậy, khi Tổng cục Hải quan triển khai Chương trình, đơn vị đã chủ động triển khai, nhất là nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của cộng đồng DN để có giải pháp hỗ trợ hiệu quả. Trên cơ sở đó, trước tiên Cục Hải quan Hải Phòng lựa chọn ký kết là đơn vị có quy mô tờ khai, kim ngạch, số thuế lớn… Khi lựa chọn, ký kết với DN, cơ quan Hải quan nhận phần trách nhiệm nặng nề hơn là phải tìm ra nhiều giải pháp để hỗ trợ hiệu quả nhất cho DN nắm bắt, tuân thủ tốt pháp luật”, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng Nguyễn Kiên Giang chia sẻ.
Tới đây, để nâng cao hiệu quả của Chương trình, Cục Quản lý rủi ro đã tiến hành xây dựng các kế hoạch triển khai, trong đó phối hợp với cục hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện theo dõi, đánh giá quá trình các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình. Đồng thời, báo cáo Lãnh đạo Tổng cục Hải quan tổ chức tuyên dương, khen thưởng các DN tuân thủ tốt, có đóng góp tích cực cho Chương trình, đồng thời cảnh báo, nhắc nhở, thu hồi tư cách thành viên đối với DN không thực hiện hoặc vi phạm cam kết. Ngoài ra, tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo để DN kịp thời cập nhật, nắm vững và tuân thủ các quy định mới liên quan đến hoạt động quản lý rủi ro nói riêng và lĩnh vực XNK, quá cảnh nói chung.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Giám đốc Ban vật tư XNK, Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam: Doanh nghiệp được công nhận tư cách thành viên
Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan đã đem lại những lợi ích cho DN như: được cơ quan Hải quan hỗ trợ hướng dẫn theo các cam kết tại Biên bản ghi nhớ đối với DN khi có yêu cầu, được cơ quan Hải quan ghi nhận tư cách thành viên, quá trình tham gia Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan trên hồ sơ DN và các hệ thống thông tin nghiệp vụ để đảm bảo việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng.
Sau khi tham gia Chương trình, cơ quan Hải quan đã phân công bố trí công chức, chuyên gia về nghiệp vụ hải quan các cấp để trực tiếp hỗ trợ, tư vấn liên lạc giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK, quá cảnh. Mặt khác, cơ quan Hải quan cảnh báo các yếu tố làm giảm mức độ tuân thủ của DN, cũng như cung cấp thông tin cảnh báo, xu hướng rủi ro, xâm phạm sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực XNK.
Q. Hùng (ghi)
|
Bà Phạm Hương Giang, Trưởng phòng Logistics, Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Thái Tân: Tham gia Chương trình sẽ hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều
Công ty là đơn vị chuyên xuất nhập khẩu nguyên, phụ liệu trong sản xuất bia và nước giải khát tham gia thủ tục hải quan tại Cục Hải quan Hải Phòng.
Là DN quy mô lớn với lượng tờ khai xuất nhập khẩu khoảng 1.000 bộ/năm, Công ty luôn có ý thức trách nhiệm và chủ động trong tuân thủ tốt quy định của pháp luật. Dù vậy, với số lượng mặt hàng lớn liên quan đến nhiều mã số (HS), chính sách quản lý khác nhau… nên việc DN tự tìm hiểu là hết sức khó khăn. Tuy nhiên, với những cam kết của cơ quan Hải quan trong Chương trình này sẽ hỗ trợ cho DN rất nhiều. Đặc biệt là việc Hải quan Hải Phòng cam kết bố trí một đội ngũ chuyên trách ở Cục hoặc các chi cục để làm đầu mối hướng dẫn, tư vấn sẽ rất hiệu quả.
T. Bình (ghi)
|
Ông Phillip Wray, Tổng giám đốc DKHS Việt Nam: Mong muốn chương trình lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp
Chúng tôi nhận thấy thời gian gần đây, ngành Hải quan Việt Nam đã và đang đẩy mạnh phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào quá trình làm thủ tục hải quan và hoạt động xuất nhập khẩu. Là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam gần 25 năm, chúng tôi ghi nhận sự đồng hành và hướng dẫn của ngành Hải quan Việt Nam nói chung và Cục Hải quan TPHCM nói riêng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong quá trình thực hiện các công tác thông quan. Đồng thời, chúng tôi luôn mong đợi sự hỗ trợ tích cực từ các bộ, ngành và ngành Hải quan trong quá trình thực hiện các thủ tục, mà qua đó, chúng tôi có thể tiếp tục mang đến những sản phẩm chất lượng cao cho nhu cầu của người dân một cách dễ dàng hơn.
Được chọn là một trong những doanh nghiệp ký kết với Cục Hải quan TPHCM tham gia chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan là một vinh dự to lớn của DKSH Việt Nam. Doanh nghiệp luôn mong muốn được hợp tác và đồng hành cùng cơ quan Hải quan trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là khi nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19. Các doanh nghiệp đều đang nỗ lực từng ngày để phát triển sau đại dịch.
DKSH mong muốn những ý tưởng thí điểm này sẽ được lan toả trong cộng đồng doanh nghiệp, nhằm rút ngắn thời gian dịch vụ công, giảm gánh nặng thủ tục hành chính cho cả doanh nghiệp và cơ quan Hải quan.
Lê Thu (ghi) |
Bà Lý Vân Phương, Công ty TNHH Flat Việt Nam: Mong muốn được tạo điều kiện thông quan hơn nữa
Công ty chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tấm kính dùng cho tấm module năng lượng mặt trời, với khoảng 200 tờ khai xuất nhập khẩu/tháng.
Đã có 6 năm hoạt động ở Việt Nam, dù rất nỗ lực, cố gắng nhưng DN vẫn không tránh khỏi thiếu sót trong nắm bắt quy định của pháp luật. Vì vậy, Công ty mong muốn được tạo điều kiện hơn nữa thông quan các hoạt động tư vấn, trả lời vướng mắc, cung cấp thông tin, cảnh báo rủi ro… trong hoạt động xuất nhập khẩu, qua đó giúp DN nắm bắt, tuân thủ tốt pháp luật, không để xảy ra vi phạm. Thông qua Chương trình chúng tôi hy vọng Công ty tiếp tục là đối tác tin cậy của cơ quan Hải quan.
T. Bình (ghi) |
Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/cung-hanh-dong-de-doanh-nghiep-tuan-thu-tot-phap-luat-hai-quan-170800-170800.html
1