Thời gian qua, nhiều sản phẩm mỳ ăn liền của Việt Nam đã bị kiểm tra và thu hồi ở nước ngoài. Trong đó có cả sản phẩm của các công ty lớn, có tên tuổi trong lĩnh vực này như Acecook, Masan Consumer...
Nhiều sản phẩm mỳ ăn liền bị yêu cầu thu hồi
Ngày 23/8, website của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (TFDA) đăng tải thông tin về sản phẩm mì Omachi xốt tôm chua cay do Công ty TNHH Qianyu (Thiên Du) nhập khẩu từ Việt Nam bị trả lại để tiêu hủy do không phù hợp các tiêu chuẩn của thị trường Đài Loan.
Theo đó, lô mì ăn liền nói trên có chất bảo vệ thực vật ethylene oxide chưa được cấp phép sử dụng tại Đài Loan (hàm lượng 0,195 mg/kg được phát hiện trong gói gia vị).
Một loại mì gói Omachi bán tại thị trường Đài Loan. Ảnh: CNA
Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc, Masan Consumer đã lập tức tiến hành các bước xác minh cần thiết. Trong thông cáo phát đi từ Masan Consumer, doanh nghiệp này không trực tiếp xuất khẩu hoặc bán sản phẩm mì Omachi xốt tôm chua cay cho đối tác có tên Công ty Qianyu để xuất khẩu cho thị trường Đài Loan như thông tin cảnh báo của TFDA.
“Chúng tôi đang phối hợp cùng Bộ Công Thương, Bộ Y tế và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác minh và xử lý vụ việc theo quy định pháp luật hiện hành” - Masan Consumer cho biết.
Doanh nghiệp này cũng cho biết, tiêu chuẩn quy định an toàn thực phẩm của mỗi nước khác nhau nên các sản phẩm mì Omachi mà Masan Consumer sản xuất khi xuất khẩu cho từng quốc gia và các khu vực cũng khác nhau để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các thị trường sở tại. Tại Việt Nam, sản phẩm mì Omachi đang được sản xuất đáp ứng đầy đủ mọi quy định về an toàn thực phẩm của Việt Nam và bảo đảm an toàn sức khoẻ cho người sử dụng.
Cuối tháng 7/2022, thông tin trên tờ Khmer Times, các cơ quan Campuchia sẽ tiến hành kiểm tra và ngăn chặn nhập khẩu các loại mì Việt Nam nếu có chứa chất ethylene oxide (EO). Tổng cục trưởng Tổng cục Bảo vệ người tiêu dùng, Cạnh tranh và Chống gian lận (KPR) của Camuchia cho biết, việc kiểm tra này diễn ra sau khi một số nước EU đưa ra cảnh báo với một số mặt hàng mì ăn liền của Việt Nam, trong đó có sản phẩm "Mì Hảo Hảo hương vị gà" của Công ty CP Acecook Việt Nam.
Tổng cục Hải quan Campuchia đã chỉ đạo hải quan các địa phương, yêu cầu mì ăn liền nhập khẩu vào nước này phải có giấy chứng nhận không chứa chất EO. Số lô mì ăn liền "Mì Hảo Hảo hương vị gà" mà EU phát hiện nhiễm EO sẽ không được phép nhập khẩu vào nước này.
Trước đó, tháng 12/2021, cơ quan chức năng của Pháp đã có văn bản yêu cầu thu hồi một số lô mỳ tôm Hảo Hảo, hủ tiếu và phở ăn liền Ricey, mỳ Đệ Nhất và mỳ lẩu thái của Acecook Việt Nam. Theo đó, những sản phẩm này có chứa 2-chloroetanol (2- CE, chất chuyển hoá từ ethylene oxide - EO) vượt ngưỡng cho phép theo tiêu chuẩn của EU.
Acecook Việt Nam còn bị yêu cầu 2 đợt thu hồi sản phẩm khác: Năm 2020, sản phẩm phở ăn liền Peacock do Acecook Việt Nam sản xuất bị thu hồi tại Hàn Quốc vì được cho là chứa chất benzopyrene (một chất gây ung thư). Ngày 20/8/2021, mì tôm chua cay Hảo Hảo (trọng lượng 77g, hạn sử dụng đến ngày 24/9/2022) và phở Good (trọng lượng 56g, hạn sử dụng đến ngày 10/11/2022) của Acecook Việt Nam bị Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồi do có chứa chất ethylene oxide.
Cũng trong tháng 8/2021, mì khô vị bò gà của Công ty Thiên Hương (số 1 Lê Đức Thọ, khu phố 02, Tân Thới Hiệp, quận 12, TP. HCM) cũng bị thu hồi tại Na Uy do có chứa 0,052 mg/kg – ppm ethylene oxide (vi phạm Chỉ thị số 91/414/EEC của EU).
Mì tôm chua cay Hảo Hảo và phở Good của Acecook Việt Nam. Ảnh: internet
Chính phủ yêu cầu bổ sung mức giới hạn chất ethylene oxide trong thực phẩm
Ngày 12/9/2021, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về vụ mì ăn liền Hảo Hảo nhiễm ethylene oxide bị thu hồi tại một số nước Châu Âu.
Theo đó, căn cứ quy định tại Điều 62 Luật An toàn thực phẩm, giao Bộ Y tế khẩn trương rà soát, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chỉ tiêu và mức giới hạn chất etylen oxide bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ NN-PTNT và Bộ Công Thương rà soát, cập nhật, thông tin rộng rãi về yêu cầu, mức giới hạn các chất hạn chế sử dụng, chất cấm... trong sản phẩm thực phẩm phù hợp với yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Là cơ quan đầu mối thực hiện các nghĩa vụ minh bạch hoá theo yêu cầu của Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của Tổ chức thương mại thế giới (WTO); thông báo và hỏi đáp các nội dung và quy định về SPS; yêu cầu các thành viên WTO cung cấp thông tin về thủ tục đánh giá rủi ro về thanh tra, kiểm tra và các vấn đề khác liên quan đến SPS, Văn phòng SPS Việt Nam thuộc Bộ NN-PTNT đã vào cuộc làm rõ các nội dung liên quan.
Văn phòng SPS Việt Nam đã liên hệ, trao đổi với Cơ quan đầu mối SPS các nước ra thông báo, đồng thời xử lý kiến nghị của các bên liên quan về ethylene oxide. Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết: “Doanh nghiệp trong nước phải nắm vững các quy định của thị trường nhập khẩu, đồng thời duy trì liên hệ, thông tin với Văn phòng SPS Việt Nam để có hướng xử lý kịp thời trước những vấn đề phát sinh”.
Trước sự việc sản phẩm mỳ ăn liên liên tục bị cảnh báo, Văn phòng SPS Việt Nam đã gửi công văn tới Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) - cơ quan quản lý Nhà nước về sản phẩm mì ăn liền mỗi khi có thông báo của các nước - đề nghị rà soát, kiểm tra và yêu cầu các nhà sản xuất rà soát các khâu trong chuỗi quản lý, nhằm xác định nguyên nhân và biện pháp khắc phục.
Theo Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, hiện nay Việt Nam chưa ban hành quy định cho phép, cấm sử dụng ethylene oxide trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng ethylene oxide trong thực phẩm. Việc quy định các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với từng loại thực phẩm mà mỗi quốc gia, khu vực đơn phương đưa ra khác nhau và phụ thuộc rất lớn vào cán cân thương mại giữa các quốc gia/khu vực hoặc chính sách xuất nhập khẩu mỗi nước, điều kiện kỹ thuật, phương thức quản lý, thói quen tiêu dùng.
(CHG) Ngày 14/11/2024, Văn phòng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long đã hỗ trợ truy xuất nguồn gốc điện tử cho hơn 25 chủng loại sản phẩm nông sản của hơn 50 tổ chức, doanh nghiệp.
Xem chi tiết(CHG) UBND TP Cần Thơ vừa ban hành Kế hoạch tổ chức Triển lãm “Cần Thơ- 50 năm thành tựu và phát triển”.
Xem chi tiết(CHG)Năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ tổng số 185 tổ chức, cá nhân và đã tiến hành kiểm tra theo kế hoạch 185 tổ chức, cá nhân, đạt 100% kế hoạch, qua đó phát hiện 4 tổ chức, cá nhân vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 5 triệu đồng.
Xem chi tiết(CHG)Thực hiện Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2024 đã được ban hành theo Quyết định số 119/QĐ-QLTTGL ngày 26/12/2023 của Cục QLTT tỉnh Gia Lai. Các Phòng, Đội QLTT trực thuộc đã bám sát kế hoạch được phê duyệt, tiến hành kiểm tra theo danh sách được phân công. Đến nay lực lượng QLTT hoàn thành 100% kế hoạch kiểm tra, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 942 triệu đồng.
Xem chi tiết(CHG) Diễn ra trong 9 ngày (từ 09/11 - 17/11), Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội mở ra những cơ hội khám phá những di tích lịch sử, công trình di sản cũng như không gian sáng tạo chưa từng có.
Xem chi tiết