(CHG) Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) thuộc chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, được chính phủ triển khai từ năm 2018. Đến nay, chương trình đã thu được nhiều thành tựu đáng kể, có sức lan tỏa lớn, tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.
Hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”
OCOP là từ viết tắt của cụm từ "One commune ond product" nghĩa là “Mỗi xã (phường) một sản phẩm”. Chương trình này bắt nguồn từ phong trào OVOP triển khai rất thành công ở Nhật Bản từ thập niên 70 của thế kỷ XX. Sau đó, mô hình OVOP của Nhật Bản được áp dụng tại 40 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Ở nước ta, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nhằm phát huy thế mạnh, đặc thù ở mỗi địa phương, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, từ đó cơ cấu lại lực lượng lao động, nhất là lao động ở vùng nông thôn.
Chương trình OCOP kết hợp với Chương trình Nông thôn mới, đã tạo sự thay đổi đáng kể đối với các vùng nông thôn, góp phần phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã Nông thôn mới. Và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam.
Trách nhiệm triển khai OCOP thuộc về các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh và tập trung áp dụng đối với các ngành hàng cơ bản phổ biển ở vùng nông thôn, gồm: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải – may mặc, thủ công mỹ nghệ, du lịch, nông thôn kết hợp bán hàng. Đây là các lĩnh vực phổ biến nhưng cũng khá đa dạng về sản phẩm, mang tính đặc trưng vùng miền cao, dễ tạo được dấu ấn riêng trên thị trường tiêu dùng.
Theo số liệu của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 31/8/2022, đã có 63/63 tỉnh thành tham gia chương trình. Trong đó, 62/62 tỉnh thành tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đi đầu là Quảng Ninh và Hà Nội, là hai địa phương đầu tư sâu cho việc triển khai các sản phẩm OCOP. Các tỉnh thuộc vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ cũng tích cực triển khai hiệu quả chương trình này.
Đến nay, số lượng chủ thể và số sản phẩm OCOP cũng lần lượt tăng đến 4,8 lần và 5,7 lần so với thời điểm năm 2019. Tính đến tháng 2/2022, số lượng chủ thể tham gia chương trình là 2.944 chủ thể. Số lượng sản phẩm OCOP đạt 5.401 sản phẩm, trong đó, số lượng sản phẩm 3 sao là 3.381, số lượng sản phẩm 4 sao là 1.934, số lượng sản phẩm 5 sao là 86.
Nếu năm 2019, cả nước mới chỉ thực hiện được 38,4% so với kế hoạch đề ra, thì đến 2020 đã thực hiện được 125%. Số tiền huy động được để triển khai Chương trình trong giai đoạn 2018-2020 là 22,845 tỷ đồng.
Năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp tại nhiều địa phương, nhưng hoạt động giao dịch các sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử vẫn tăng mạnh.
Những con số thống kê nêu trên cho thấy tiềm năng, hiệu quả của Chương trình OCOP là rất lớn. Quan trọng hơn, sự đánh giá, phân loại sản phẩm theo mức 3 sao, 4 sao, 5 sao đã chỉ ra sự phân cấp hàng hóa trên thị trường tiêu dùng, từng bước tạo ra nhu cầu “thăng hạng” sản phẩm cho các chủ thể OCOP, từ đó thúc đẩy sự phát triển sản xuất.
Về cơ cấu, các sản phẩm OCOP ở mỗi địa phương đều có sự khác nhau, mang đặc trưng vùng miền rõ rệt. Song, xét về thứ hạng thì phổ biến vẫn là các sản phẩm xếp hạng 3 sao. Những sản phẩm 5 sao có tỷ lệ khiêm tốn hơn, nhưng cũng vì thế lại trở thành “đặc sản” nổi bật hơn trên thị trường.
Trong giai đoạn 2018-2020, Chương trình OCOP có 20 sản phẩm của 8 chủ thể thuộc 11 tỉnh/thành phố được xếp hạng 5 sao quốc gia.
Đó là: Bộ bát đĩa hoa sen đỏ, Bộ bát đĩa chim én hoa sen, Bộ bát đĩa rồng phượng, Bộ ấm chén chim én hoa sen thuộc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, huyện Gia Lâm, Hà Nội); Trà xanh hộp 100g, Hồng trà 100g thuộc HTX chế biến chè Phìn Hồ, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang; Cà phê bộ nguyên chất Bích Thao thuộc HTX cà phê Bích Thao, TP Sơn La, tỉnh Sơn La; Miến Dong Tài Hoan thuộc HTX Tài Hoan, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn; Trà tôm nõn Hảo Đạt thuộc HTX chè Hảo Đạt, xã Tân cương, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái nguyên; Miến dong Việt Cường thuộc HTX miến Việt Cường, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên; Bộ ngọc trai Akoya, Bộ ngọc trai SouthSea, Bộ ngọc trai Tahiti thuộc Công ty Cổ phần Ngọc trai Hạ Long, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh; Cà phê rang xay Darmark thuộc Công ty TNHH MTV cà phê Nguyễn Huy Hùng, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum; Ladoactiso cao ống, Ladoactiso trà Nhất Diệp Nguyên Hương thuộc Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng; Gạo đặc sản Thiên Vương, Gạo tiến vua Tiên Nữ thuộc Công ty TNHH MTV Lương thực Thoại Sơn, tỉnh An Giang; Gạo ST24 thuộc Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, tỉnh Sóc Trăng.
Về cơ cấu chủ thể tham gia Chương trình, giai đoạn 2018-2020, số lượng chủ thể tham gia chương trình là 1.573, trong đó có 578 hợp tác xã (chiếm 36,75%), 476 doanh nghiệp (chiếm 30,3%), 489 cơ sở sản xuất (chiếm 31,1%), sản phẩm OCOP của các tổ hợp tác chỉ chiếm 1,85%. Hiện nay, số hợp tác xã chiếm khoảng 38%, bao gồm cả hợp tác xã quy mô nhỏ. Trước đó, vào cuối năm 2020, trong số 2.439 tổ chức kinh tế tham gia sản xuất sản phẩm OCOP được xếp hạng, kinh tế tư nhân chiếm 50%, còn lại là kinh tế tập thể, hợp tác xã chiếm 41%.
Về chất lượng, hiện nay có tới 60,7% chủ thể OCOP đạt từ 3 sao trở lên có doanh thu tăng bình quân 17,6%/năm; giá bán các sản phẩm sau khi được chính thức công nhận OCOP tăng bình quân 12,2%.
Sản phẩm OCOP của tỉnh Đồng Tháp.
Hướng đi cho giai đoạn 2020 - 2025
Các sản phẩm OCOP ngày càng có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, tinh xảo, bắt mắt, mang bản sắc riêng, đặc trưng cho vùng miền. Các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP đã và đang đầu tư công nghệ, tạo ra đa dạng sản phẩm và có quy trình sản xuất đạt chuẩn quốc gia, có áp dụng công nghệ cao để truy xuất được nguồn gốc.
Về hình thức giao dịch, các sản phẩm OCOP không chỉ được bán với hình thức trực tiếp tại các chuỗi cung ứng OCOP, siêu thị… mà còn được bán qua sàn thương mại điện tử, mang lại doanh thu cao, góp phần nâng cao đời sống cho người dân nông thôn.
Trong giai đoạn 2020-2025, Bộ Công thương đặt ra mục tiêu cho Chương trình OCOP ở mức khá cao: có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 3% sản phẩm OCOP đạt 5 sao; Có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị khép kín, gắn với vùng nguyên liệu ổn định; Có ít nhất 50% số làng nghề nông thôn có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của các địa phương; Tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 20%.
Với các mục tiêu đó, Bộ Công thương cũng đề ra 07 giải pháp cơ bản:
Một là các địa phương cần xác định rõ việc thực hiện Chương trình OCOP là một nhiệm vụ trọng tâm cần được quan tâm và triển khai. Cần nhận dạng chính xác và phát huy tốt các lợi thế, tiềm năng để áp dụng một cách hợp lý và linh hoạt các cơ sở lý luận cũng như bài học kinh nghiệm từ phong trào OVOP của Nhật Bản và Chương trình OCOP của Việt Nam.
Hai là phát triển Chương trình OCOP phải trên cơ sở cung – cầu gắn với điều kiện, tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng miền. Dựa vào giá trị đặc sắc bản địa, đồng thời hướng đến thị trường toàn cầu, tuyệt đối không chỉ làm theo phong trào hoặc lối mòn. Tăng cường công tác giám sát sau công nhận OCOP để kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ gìn và nâng cao uy tín cũng như xây dựng thương hiệu của sản phẩm OCOP ra thị trường vẫn cần tiếp tục kiểm tra, nếu sản phẩm không đảm bảo, kiên quyết loại ra khỏi chương trình.
Ba là chú trọng các loại hình kinh tế tham gia OCOP, trong đó hợp tác xã và doanh nghiệp phải là đầu tàu trong liên kết nông dân sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm.
Bốn là hoàn thiện cơ sở pháp lý, rà soát, đánh giá và hoàn thiện lại Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đảm bảo phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn.
Năm là tổ chức tập huấn nhằm nâng cao năng lực, sự hiểu biết của cán bộ các cấp và cộng đồng, người sản xuất, tổ chức kết nối giao thương cho các chủ thể cung ứng sản phẩm OCOP, tích cực tôn vinh và bảo hộ cho sản phẩm OCOP, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội…
Sáu là Chính phủ và các địa phương sớm xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn, đất đai, thuế, khoa học công nghệ. Mở rộng các kênh phân phối sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá và các hoạt động truyền thông, thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, tổ chức các hội chợ,.. nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức, cá nhân phát triển sản phẩm OCOP. Đặc biệt, cần phát huy vai trò của chính quyền xã trong việc tham gia tích cực nhất vào xây dựng sản phẩm OCOP tại địa phương.
Bảy là các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn đánh giá phân hạng sản phẩm tại địa phương, đảm bảo thực chất, tránh tình trạng chạy theo thành tích về số lượng sản phẩm đạt chuẩn.
Chương trình OCOP là chương trình mục tiêu quốc gia gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, có tính trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
Với mục tiêu hướng tới việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ, phát huy nội lực của địa phương, đa dạng hóa các loại hình quảng bá sản phẩm... các sản phẩm OCOP sẽ “chiếm lĩnh” thị trường tiêu dùng nội địa và chinh phục thị trường nước ngoài. Cùng với đó, đời sống tinh thần và môi trường sống của người dân nông thôn được nâng cao hơn, xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững hơn.
(Còn tiếp)
(CHG) Ngày 14/11/2024, Văn phòng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long đã hỗ trợ truy xuất nguồn gốc điện tử cho hơn 25 chủng loại sản phẩm nông sản của hơn 50 tổ chức, doanh nghiệp.
Xem chi tiết(CHG) UBND TP Cần Thơ vừa ban hành Kế hoạch tổ chức Triển lãm “Cần Thơ- 50 năm thành tựu và phát triển”.
Xem chi tiết(CHG)Năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ tổng số 185 tổ chức, cá nhân và đã tiến hành kiểm tra theo kế hoạch 185 tổ chức, cá nhân, đạt 100% kế hoạch, qua đó phát hiện 4 tổ chức, cá nhân vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 5 triệu đồng.
Xem chi tiết(CHG)Thực hiện Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2024 đã được ban hành theo Quyết định số 119/QĐ-QLTTGL ngày 26/12/2023 của Cục QLTT tỉnh Gia Lai. Các Phòng, Đội QLTT trực thuộc đã bám sát kế hoạch được phê duyệt, tiến hành kiểm tra theo danh sách được phân công. Đến nay lực lượng QLTT hoàn thành 100% kế hoạch kiểm tra, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 942 triệu đồng.
Xem chi tiết(CHG) Diễn ra trong 9 ngày (từ 09/11 - 17/11), Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội mở ra những cơ hội khám phá những di tích lịch sử, công trình di sản cũng như không gian sáng tạo chưa từng có.
Xem chi tiết