(CHG) Cơ quan Thuế sẽ áp dụng phân tích dữ liệu lớn để xác định không bỏ sót, bỏ lọt các DN, tổ chức, cá nhân nước ngoài có doanh thu phát sinh tại Việt Nam mà chưa đăng ký, kê khai thuế đúng quy định.
Không bỏ sót DN nước ngoài có doanh thu phát sinh tại Việt Nam mà chưa đăng ký, kê khai thuế
Trong hơn 1 năm qua, việc Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế đưa vào vận hành Cổng Thông tin điện tử (TTĐT) dành cho nhà cung cấp nước ngoài để đăng ký, kê khai nộp thuế trực tiếp đã khẳng định Việt Nam là 1 trong 4 nước đi đầu trong khu vực ASEAN triển khai áp dụng thu thuế xuyên biên giới thông qua một Cổng TTĐT trực tuyến.
Ảnh minh hoạ
Chia sẻ về kết quả thu thuế đối với nhà cung cấp nước ngoài trong thời gian qua, ông Nguyễn Bằng Thắng, Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, thu ngân sách quốc gia từ NCCNN lũy kế từ ngày 21/3/2022 đến nay là 7.363 tỷ đồng, trong đó, năm 2022 là 3.478 tỷ đồng và năm 2023 là 3.919 tỷ đồng.
Với phương châm “lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ” cơ quan thuế sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhà cung cấp nước ngoài và tổ chức trong nước hoạt động nghiêm túc để mở rộng phát triển kinh doanh tại Việt Nam.
Nhưng bên cạnh đó, cơ quan thuế theo chức năng nhiệm vụ sẽ áp dụng các chế tài nghiêm khắc, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật đối các tổ chức cố tình sai phạm về thuế.
Trước thông tin cho rằng quản lý thuế đối với dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới nói chung, điển hình là TikTok nói riêng có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế, ông Nguyễn Bằng Thắng cho biết, thời gian qua Tổng cục Thuế đã chủ động tham mưu báo cáo Bộ Tài chính, trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật để các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) và cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải có nghĩa vụ đăng ký thuế, kê khai thuế và nộp thuế đầy đủ theo quy định về pháp luật.
Theo đó, Điều 42 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã quy định đối với các nhà cung cấp nước ngoài phải có trách nhiệm đăng ký, kê khai thuế trực tiếp qua Cổng TTĐT của Tổng cục Thuế hoặc ủy quyền cho các Tổ chức trong nước kê khai nộp thay theo quy định tại Thông tư số 103/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam.
Như vậy, trên cơ sở quy định pháp luật về thuế nhà cung cấp nước ngoài và các tổ chức trong nước được ủy quyền có trách nhiệm tự xác định doanh thu và phải kê khai nộp thuế tương ứng.
Cơ quan thuế thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng để thực hiện rà soát, đối chiếu dữ liệu, phân tích rủi ro về nghĩa vụ kê khai của các nhà cung cấp nước ngoài và các tổ chức được ủy quyền để áp dụng các biện pháp thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm nếu có.
Đồng thời, Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn khẳng định, cơ quan thuế sẽ áp dụng phân tích dữ liệu lớn để xác định không bỏ sót, bỏ lọt các DN, tổ chức, cá nhân nước ngoài có doanh thu phát sinh tại Việt Nam mà chưa đăng ký, kê khai thuế đúng quy định.
Chủ động nắm bắt, kịp thời áp dụng các biện pháp quản lý thuế phù hợp
Trên thực tế, mô hình và cách thức vận hành của hoạt động kinh doanh TMĐT có nhiều thay đổi với mô hình kinh doanh thương mại thông thường trước đây. Quản lý hoạt động TMĐT nói chung hay quản lý thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài nói riêng hiện tại còn nhiều khó khăn không chỉ Việt Nam mà ngay các nước có nền kinh tế, kỹ thuật tiên tiến trên thế giới cũng gặp phải.
Kinh nghiệm của các quốc gia trong đó có Hoa Kỳ và châu Âu phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan thuế để xây dựng cơ sở dữ liệu lớn đối với các giao dịch TMĐT, cung cấp dịch vụ xuyên biên giới để chống thất thu thuế, chống thông tin xấu độc và đảm bảo an ninh, an toàn trên môi trường mạng.
Theo ông Nguyễn Bằng Thắng, phát hiện mấu chốt quan trọng là phải có cơ sở dữ liệu lớn trong quản lý, Tổng cục Thuế đã chủ động tham mưu Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ về việc quản lý đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số. Thủ tướng Chính phủ đã nhanh chóng ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/5/2023 về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, đảm bảo an ninh tiền tệ.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm theo chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế để xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế đối với TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số để áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế trên cơ sở dữ liệu lớn.
Đối với cơ quan thuế, để nâng hiệu quả công tác quản lý thuế đối với nhà cung cấp nước ngoài, ông Nguyễn Bằng Thắng cho biết, ngay từ sau khi mở Cổng TTĐT dành cho nhà cung cấp nước ngoài để đăng ký kê khai thuế trực tiếp, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các Cục thuế thực hiện chủ động nắm bắt thông tin về tình hình kê khai của các tổ chức được ủy quyền trong nước để kịp thời áp dụng các biện pháp quản lý thuế phù hợp.
Đồng thời cơ quan Thuế cũng đã chủ động yêu cầu các nhà cung cấp nước ngoài cung cấp danh sách các tổ chức trong nước được ủy quyền kê khai thay, thường xuyên rà soát, phân tích dữ liệu để phối hợp với các cơ quan có liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Thông tin Truyền thông, các ngân hàng thương mại để thu thập, rà soát dữ liệu nhằm áp dụng biện pháp quản lý thuế phù hợp đối với các tổ chức, cá nhân chưa thực hiện nghĩa vụ thuế.
Cơ quan Thuế cũng đã làm việc và tới đây sẽ tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp nước ngoài để hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các nhà cung cấp nước ngoài từ đó tạo điều kiện cho các nhà cung cấp nước ngoài tuân thủ tốt chính sách pháp luật thuế Việt Nam, trong đó bao gồm cả trách nhiệm của các nhà cung cấp nước ngoài đối với nghĩa vụ kê khai, nộp thuế của các tổ chức kinh tế mà họ đã ủy quyền kê khai, nộp thay.
Nguồn: Hải quan Online
7