(CHG) Để vực dậy nghề muối, Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021 - 2030. Mục tiêu đến năm 2030, tổng diện tích sản xuất muối 14.244ha, sản lượng đạt 2 triệu tấn/năm, chú trọng hỗ trợ đồng bộ phát triển sản xuất muối chứa nhiều khoáng chất, vi chất dinh dưỡng tự nhiên với hàm lượng NaCl thấp, có lợi hơn cho sức khoẻ con người.
Phát triển ngành muối cần gắn với việc chế biến và thị trường tiêu thụ.
Đầu tư phát triển nghề muối gắn với thị trường
Một trong các nhiệm vụ của Đề án là đầu tư phát triển ngành muối gắn với chế biến và thị trường. Theo đó, đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất muối quy mô công nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngành công nghiệp hoá chất, nguyên liệu cho chế biến muối tinh cao cấp tại các tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Đối với sản xuất muối thủ công, đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, kiên cố hoá hệ thống thủy lợi đồng muối cho người dân sản xuất muối gắn với hỗ trợ xây dựng các mô hình chế biến, đa dạng hoá sản phẩm muối nhằm nâng cao giá trị gia tăng tại các tỉnh, thành phố: Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. HCM, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.
Hỗ trợ đầu tư hệ thống thiết bị chế biến, phân tích chất lượng muối, mẫu mã, bao bì cho các cơ sở sản xuất chế biến muối vừa và nhỏ đáp ứng nhu cầu thị trường; đầu tư, hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất muối theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ; mô hình thí điểm sản xuất muối kết hợp du lịch nông thôn, du lịch nghỉ dưỡng; mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất muối sạch; mô hình sản xuất muối chứa nhiều khoáng chất, vi chất dinh dưỡng tự nhiên với hàm lượng NaCl thấp, có lợi cho sức khoẻ.
Khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư, cải tạo nâng cấp hệ thống kho bảo quản muối, bảo đảm muối dự trữ phục vụ sản xuất kinh doanh, mua tạm trữ muối.
Đa dạng hoá các sản phẩm muối
Với Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021 - 2030 còn đề ra nhiệm vụ tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến muối để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm muối. Trong đó, đối với sản xuất muối theo công nghệ phơi cát và phơi nước phân tán (sản xuất muối thủ công), nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ và thiết bị sản xuất muối kết tinh trên nền vật liệu mới; xây dựng mô hình liên kết sản xuất muối theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, diêm dân; nghiên cứu ứng dụng công nghệ và xây dựng mô hình kết tinh muối ứng dụng hiệu ứng nhà kính nhằm giảm thiểu rủi ro do biến đổi khí hậu.
Đồng thời, nghiên cứu, hỗ trợ xây dựng thí điểm mô hình sản xuất muối kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng tại các làng nghề để quảng bá và tiêu thụ muối tại đồng muối Thuỵ Hải (Thái Bình); đồng muối Bạch Long (Nam Định); đồng muối Hộ Độ, Kỳ Hà - Kỳ Anh (Hà Tĩnh); đồng muối Sa Huỳnh (Quảng Ngãi); đồng muối Hòn Khói (Khánh Hòa); đồng muối Cần Giờ (TP. HCM).
Đối với sản xuất muối theo quy mô công nghệ phơi nước tập trung, nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất muối theo hướng cơ giới hóa, hiện đại hoá, đồng bộ các khâu từ cung cấp nước biển để thu hoạch, vận chuyển, làm sạch và đánh đống bảo quản muối; nghiên cứu các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ mới, công nghệ thôgn tin trong việc đo và xử lý số liệu về nồng độ nước biển, bức xạ nhiệt, gió trong quá trình sản xuất muối.
Xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm muối phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế và thực tiễn sản xuất, chế biến tại Việt Nam; hỗ trợ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất muối trực tiếp từ nước biển cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất muối theo công nghệ mới để tạo ra các sản phẩm muối tinh khiết, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Nghiên cứu, đánh giá tiềm năng xuất khẩu muối có hàm lượng NaCl thấp, chứa nhiều khoáng chất; xúc tiến thương mại và xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho mặt hàng muối xuất khẩu tại các tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh…
Toàn cảnh diễn đàn phát triển sản phẩm muối Việt Nam tại Nghệ An.
Tại diễn đàn thúc đẩy liên kết sản xuất nâng cao giá trị, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường sản phẩm muối Việt Nam do Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An tổ chức mới đây, TS. Ngô Kiều Oanh, chuyên gia Du lịch nông nghiệp, nông thôn cho biết: "Muối là sản vật kết tụ tinh hoa của sức lao động có nơi hàng nghìn năm tại đồng bằng ven biển Bắc và Trung Bộ, có chiều dài về văn hoá lịch sử do cộng đồng diêm dân ven biển tạo dựng qua các thế hệ. Các làng sản xuất muối truyền thống, nếu đáp ứng được các tiêu chí du lịch sẽ là các điểm hấp dẫn trong chương trình phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn".
Đến nay, cả nước có khoảng 10 địa phương vẫn còn duy trì những làng nghề muối truyền thống thủ công, có lịch sử lâu đời rải rác tại ba miền Bắc, Trung, Nam. Diêm dân sản xuất thủ công với công nghiệp phơi cát và phơi nước phân tán để hạt muối giữ được khoáng vi chất dinh dưỡng tự nhiên với hàm lượng NaCl thấp, có lợi cho sức khoẻ.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, trong đề án của Chính phủ đã có dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng sản xuất muối, trong đó các địa phương hỗ trợ một phần để xây dựng hạ tầng, quy hoạch đồng muối, giao thông, kho bãi... Chính vì thế, ông Thịnh đề nghị bàn nhiều hơn về các giải pháp “mềm” nâng cao chất lượng, giá trị hạt muối do diêm dân làm ra.
Mặc dù Chính phủ có xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về muối, nhưng đó là tiêu chuẩn, quy chuẩn muối quốc gia, phù hợp với sản xuất muối quy mô công nghiệp. Muối do diêm dân sản xuất thủ công có nhiều yếu tố đặc thù về chất lượng, nhưng chưa có chỉ số phản ánh để diêm dân có thể giới thiệu cho khách hàng và mở rộng thị trường tiêu thụ muối.
Như vậy, những giá trị của muối thủ công cần xây dựng lại và sát hơn để người dân có thể tự hào sản xuất muối của mình theo phương thức riêng, đặc thù của mình. Các địa phương cần tổ chức lại sản xuất muối của diêm dân, làm sao họ tham gia vào hợp tác xã và có thể bán trực tiếp sản phẩm của mình cho khách hàng, từ đó, đem lại thu nhập và lợi nhuận cao hơn. Đồng thời, cần hỗ trợ các diêm dân cơ sở hạ tầng, đặc biệt là nhà kho để người dân tích trữ muối, qua đó phát triển ngành muối bền vững và tạo thương hiệu cho ngành muối Việt Nam./.
Những giải pháp nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị muối
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc sử dụng muối an toàn thực phẩm và có lợi cho sức khoẻ bằng cách sử dụng muối sản xuất từ nước biển bằng phương pháp phơi cát, có hàm lượng NaCl thấp, nhiều vi chất có lợi cho sức khoẻ. Không sử dụng muối khai thác từ mỏ muối hoặc muối biển sản xuất bằng phương pháp công nghiệp có hàm lượng NaCl cao, chứa kim loại nặng, không có vi chất.
Hai là, bố trí nguồn nhân lực đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến và thương mại sản phẩm muối, nhất là các công trình thủy lợi, giao thông; ưu tiên đầu tư vùng sản xuất nguyên liệu muối có sự tham gia của các hợp tác xã (HTX), liên kết với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.
Ba là, đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu muối quốc gia. Củng cố, phát triển các thương hiệu muối đã có; xây dựng mới các thương hiệu đối với các sản phẩm muối có nhiều lợi thế.
Bốn là, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành giữa các cơ quan chức năng nhằm kiểm soát và minh bạch nguồn gốc muối, đặc biệt đối với muối công nghiệp nhập khẩu.
Năm là, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất muối gồm: Tiếp tục thành lập mới các HTX, tổ hợp tác (THT) mới trên cơ sở nhu cầu của hộ diêm dân, nhu cầu liên kết các doanh nghiệp chế biến, thương mại muối; Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động cho các HTX, THT muối; Hỗ trợ các HTX, THT muối tham gia các dự án, kế hoạch liên kết sản xuất - tiêu thụ muối với các doanh nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP; Hỗ trợ các HTX, THT đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, tham gia làm chủ thể OCOP đối với sản phẩm muối; Xây dựng các mô hình HTX muối điển hình trong tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ. |
7