LTS: “Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu... trên địa bàn Thành Phố Hồ Chí Minh 6 tháng đầu năm đến nay vẫn còn, đang tiếp diễn và phức tạp”. Có lẽ đánh giá, nhận định từ chính đồng chí lãnh đạo phụ trách phát ngôn của Cục Quản lý thị trường Thành phố rất thẳng thắn, dám nhìn thẳng vào những thực trạng đang tồn tại, cũng như đang thách thức các cơ quan chức năng.
Thực tế chứng minh, nhiều địa điểm kinh doanh hàng tiêu dùng vi phạm các quy định của pháp luật đang có chiều hướng công khai và gia tăng, bất chấp các quy định của pháp luật, coi thường cơ quan chức năng như: Chợ Kim Biên, chợ Bình Tây, Trung tâm thương mại Sài Gòn Square... Vấn nạn đó là báo động đỏ, gióng lên tiếng chuông cảnh báo tới các cơ quan chức năng nơi đây trong việc chấn chỉnh lại công tác kiểm tra, xử lý, giám sát kinh doanh hàng tiêu dùng trên địa bàn thành phố nói chung và tại các trung tâm thương mại nói riêng.
Trung tâm thương mại Sài Gòn Square - 77-89 Đ. Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Bến Thành, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
Bài 3: Bát nháo hàng hóa tại “thiên đường hàng nhái” Sài Gòn Square
Hàng hiệu bán giá chợ dân sinh
Trung tâm thương mại Sài Gòn Square luôn được mệnh danh là “thiên đường mua sắm” dành cho người dân trên địa bàn thành phố, cũng như khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, có lẽ tại Việt Nam, chỉ có trung tâm mua sắm nói trên mới kinh doanh các sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ một cách công khai đến vậy. Phải chăng nơi đây là “vùng cấm”, “được phép” kinh doanh các loại hàng hóa vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh hàng tiêu dùng?
Nhằm củng cố thông tin do người tiêu dùng cung cấp tới Tổng đài Chống hàng giả, đồng thời tiếp tục thực hiện tuyến bài: “Thành Phố Hồ Chí Minh: Báo động đỏ về nguồn gốc hàng tiêu dùng”, phóng viên Tạp chí điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại đã nhiều lần khảo sát thực tế tại trung tâm thương mại Sài Gòn Square và nhận thấy hàng hóa tại đây rất phong phú về chủng loại: Quần - áo; giày - dép; va li - túi xách; đồng hồ; kính mắt; phụ kiện thời trang; phụ kiện điện thoại... cũng như đa dạng về khách hàng: Người tiêu dùng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, khách du lịch trong nước, khách du lịch nước ngoài... Tuy nhiên, điều đáng suy ngẫm: Phần nhiều hàng hóa bày bán tại đây đều không rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu đã đang ký bảo hộ tại Việt Nam: NY; HM; Louis Vuitton; Gucci; Chanel; Lacoste; Rolex; Citizen; Omega... với giá thành chỉ ngang bằng giá chợ dân sinh, từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn cho một sản phẩm thời trang. Riêng với các loại hàng hóa như túi xách (hàng sao chép) và đồng hồ, giá có thể lên tới vài triệu đồng cho một sản phẩm.
Hàng hóa không rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu đã đang ký bảo hộ tại Việt Nam: NY; HM; Louis Vuitton; Gucci; Chanel; Lacoste; Rolex; Citizen; Omega...
Chia sẻ về điều này, một tiểu thương đang kinh doanh tại đây cho biết: “Các sản phẩm tại đây chủ yếu là hàng nhái, bán cho khách du lịch là chính, nên làm gì có hóa đơn (giá trị gia tăng)”.
Một thực tế đáng buồn mà bất kỳ người tiêu dùng nào nếu tinh ý cũng có thể dễ dàng nhận thấy: Dường như nơi đây là một “thế giới” riêng biệt, trong quá trình kinh doanh, các tiểu thương nơi đây hoàn toàn không tuân thủ các quy định của pháp luật (?)
Phải chăng cơ quan chức năng bất lực, hay...
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh
Trong buổi trao đổi với ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh về việc Trung tâm thương mại Sài Gòn Square hiện đang kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, ông Đạt cho rằng: “Nói chung tình hình hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại... trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm và cho đến hiện nay vẫn còn, đang tiếp diễn và phức tạp... Riêng đối với Sài Gòn Square, từ đầu năm đến nay chúng tôi đã nhiều lần đi kiểm tra, xử lý... Tuy nhiên, với hơn 400 cửa hàng chúng tôi không bao giờ có thể kiểm tra đồng loạt được, chỉ có thể kiểm tra một số địa điểm mà thôi”.
Đồng thời ông Đạt cũng nêu lên nghịch lý, gây khó khăn, bất lợi cho đoàn công tác kiểm tra, xử lý như: Bị lộ, lọt thông tin ra ngoài, hay bị lực lựng bảo vệ nơi đây chặn đoàn công tác, chưa cho vào... với mục đích để các tiểu thương kịp thời đóng cửa, tránh đoàn kiểm tra (?)
Trước những thực trạng được ông Đạt nêu, phóng viên có đưa ra một số thắc mắc trong công tác quản lý các bộ địa bàn: Trước diễn biến không giảm mà còn gia tăng, phải chăng cán bộ địa bàn không đủ năng lực, phía Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh có quy trách nhiệm cụ thể cho cá nhân, tập thể khi chưa làm “tròn” vai trò, trách nhiệm?
Trước câu hỏi trên, ông Đạt chưa đưa ra câu trả lời và đề nghị: “Những câu hỏi như vậy của phóng viên đề nghị chuyển lại câu hỏi và chúng tôi chưa trả lời”.
Với câu hỏi liên quan đến việc gần 20 cán bộ bỏ nhiệm sở, dùng xe công vụ đi nhà hàng khi chưa hết giờ làm việc, ông Đạt cho biết: “Bây giờ tôi mới nghe nói về việc này, tôi sẽ báo cáo với anh Ba, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh”.
Nhà hàng Yeebo - số 76 Nguyễn Văn Trỗi, Phú Nhuận, TP.HCM - Nơi phóng viên CHG bắt gặp gần 20 cán bộ QLTT TP Hồ Chí Minh bỏ nhiệm sở, dùng xe công vụ đi nhà hàng khi chưa hết giờ làm việc
Nguy cơ mất an toàn cháy, nổ
Trong quá trình khảo sát, điều làm phóng viên không khỏi lo lắng đó là việc mất an toàn về cháy, nổ tại Trung tâm thương Sài Gòn Square: Những quầy hàng san sát, không gian chật hẹp, ngột ngạt, lượng khách đến mua hàng là rất lớn, các loại hàng hóa được bày bán nơi đây đều rất dễ cháy. Bởi vậy, nơi đây luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về cháy nổ, thậm chí khó kiểm soát.
Nhằm thông tin khách quan, đa chiều đến độc giả và người tiêu dùng, trước đó, ngày 31/7/2023 phóng viên Tạp chí CHG đặt lịch làm việc với UBND Quận 1 và Trung tâm thương mại Sài Gòn Square, tuy nhiên với lý do lãnh đạo bận, đang báo cáo lãnh đạo... đến nay đã 10 ngày trôi qua, phóng viên vẫn chưa thể trao đổi thông tin với cả hai đơn vị trên.
Sài Gòn Square, Trung tâm thương mại thuộc sở hữu của Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Phan Thành, nơi đây đã tốn không ít giấy mực của báo đài trong việc kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu... và hàng gian lận thương mại. Sau mỗi bài viết là những cuộc kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, bấy nhiêu thôi chưa thể đủ. Bởi nếu chỉ kiểm tra, xử lý mà thiếu kiểm soát, giám sát (hậu kiểm) thì đâu sẽ lại vào đó. Vì thế hiện nay tại Sài Gòn Square không khác gì một “vương quốc” riêng, công khai kinh doanh các hàng hóa vi phạm pháp luật với số lượng vô cùng lớn.
Để xảy ra vấn đề trên, trách nhiệm không chỉ ở phía Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, UBND Quận 1, Trung tâm thương mại Sài Gòn Square, mà còn là trách nhiệm của chính cán bộ phụ trách địa bàn và UBND phường sở tại. Bởi vậy kính đề nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan có liên quan sớm vào cuộc kiểm tra và xử lý dứt điểm tình trạng trên.
Trao đổi với ông Hồ Trường Giang, phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian Lận thương mại về vấn đề trên, ông Giang cho biết: “Có thể thấy tình trạng gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ... tại TP Hồ Chí Minh vẫn đang tiếp diễn và không có dấu hiệu thuyên giảm; hàng loạt cửa hàng, trung tâm thương mại như: Trang Nemo, tuyến phố chuyên kinh doanh linh kiện, phụ kiện điện thoại 3/2, quận 10, Sài Gòn Square....... vẫn ngang nhiên vi phạm các quy định pháp luật về hàng hóa. Vậy tại sao hàng loạt cán bộ công chức của Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh vẫn có thể vô tư rời nhiệm sở trong giờ làm việc, sử dụng xe công sai mục đích? Nếu họ rời nhiệm sở để kiểm tra, giám sát, xử lý... các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu gian lận thương mại, bảo vệ quyền và lợi của nhân dân thì sẽ không có gì đáng nói. Thế nhưng, lý do những cán bộ này đưa ra lại là: "về sớm để đón con", "liên hoan mừng sếp Huy được bổ nhiệm Phó Cục trưởng". Các cụ xưa có câu "thượng bất chính, hạ tắc loạn". Thiết nghĩ để xử lý và ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xử... tại TP Hồ Chí Minh cần phải bắt đầu từ công tác cán bộ. Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường TP Hồ chí Minh phải là những tấm gương sáng về đạo đức công vụ, đồng thời xử lý nghiêm, thậm chí loại bỏ khỏi đội ngũ ngành những cán bộ không đủ năng lực và phẩm chất đạo đức”.
27