(CHG) Ngày 16/12, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HoSE: HVN) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Theo đó, tổng doanh thu hợp nhất đạt hơn 71 tỷ đồng, cao hơn 20% so với kế hoạch mà đại hội cổ đông đề ra. Số lỗ hợp nhất đã giảm so với kế hoạch đã báo cáo ĐHĐCĐ thường niên 2022.
Một năm nhiều thách thức
Năm 2022, các hãng hàng không phải đối mặt với khó khăn và thách thức lớn khi chi phí đầu vào tăng cao, đặc biệt là chi phí nhiên liệu. Bên cạnh đó, 2022 còn là năm chứng kiến nhiều biến động lớn về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội toàn cầu do ảnh hưởng từ đại dịch Covid và thị trường vận tải hàng không quốc tế mới chỉ được mở cửa trở lại chính thức từ 15/03 và ngay sau đó, là xung đột chính trị giữa Nga - Ukraine cùng với nguy cơ tiềm ẩn suy thoái kinh tế Châu Âu.
Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hoà phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông năm 2023 (Ảnh: HVN)
Ông Trần Thanh Hiền – Kế toán trưởng của HVN cho biết, những nguyên nhân trên đã tác động tiêu cực lớn đến hoạt động của các hãng hàng không trên toàn cầu nói chung và của HVN nói riêng, đã đẩy kết quả tài chính 2022 của HVN chỉ đạt doanh thu 50,214 tỷ đồng, hợp nhất là 71.775 tỷ đồng. Số lỗ của công ty mẹ và hợp nhất lần lượt là 8.841 tỷ đồng và 10.945 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính cũng cho thấy, tính đến 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của công ty mẹ và hợp nhất lần lượt là âm 3.579 tỷ đồng và 11.056 tỷ đồng. Như vậy, HVN đã lỗ trong 3 năm liên tiếp với hơn 35.000 tỷ đồng, khiến một số cổ đông lo lắng nguy cơ HVN có thể sẽ bị hủy niêm yết.
Tuy nhiên, ông Hiền cho biết, HVN cũng đang nỗ lực triển khai các giải pháp tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện công ty cũng đã bố trí được 7.000 tỷ đồng để trả những khoản nợ đến hạn. Đối với các khoản nợ đến hạn đã được hoãn, công ty cam kết cũng sẽ có lộ trình để trả nợ hoàn tất.
Ông Trần Thanh Hiền - Kế toán trưởng HVN cho biết, HVN mong muốn Chính phủ sẽ sớm thông qua Đề án tái cơ cấu (Ảnh: HVN)
Cũng theo ông Hiền, HVN cần một thời gian dài để có thể hoàn tất kế hoạch trả nợ và làm dương vốn chủ sợ hữu. Vì vậy, Công ty mong muốn Chính phủ sớm có thể thông qua đề án tái cơ cấu: bao gồm các công ty con, các danh mục đầu tư và cả việc thoái vốn Skypec. Đồng thời, HVN hy vọng sẽ không phải hủy niêm yết, để công ty có thể thuận lợi cho việc phát hàng thêm cổ phiếu, nhằm tháo gỡ khó khăn về tài chính cho HVN.
Sẽ tái cơ cấu toàn diện
Nhằm cải thiện tình hình tài chính và hướng đến việc tái cơ cấu toàn bộ, hiện nay các đường bay quốc tế được Vietnam Airlines nỗ lực nối lại và mở rộng, kết thúc năm 2022, Vietnam Airlines có mạng đường bay quốc tế gồm 44 đường bay đến 25 điểm thuộc 16 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Vietnam Airlines cũng thực hiện giải pháp cắt giảm chi phí, triệt để tiết kiệm. Tổng chi phí cắt giảm trong năm 2022 đạt xấp xỉ 7.226 tỷ đồng. Trong đó, chi phí cắt giảm được nhờ các giải pháp tự thân như nỗ lực đàm phán giảm giá, tiết kiệm… đạt khoảng 4.294 tỷ đồng.
Trong kế hoạch kinh doanh năm 2023, HVN dự kiến sẽ đặt mức doanh thu khoảng hơn 91 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. HVN vẫn dự kiến lỗ hơn 6.000 tỷ đồng.
Ban chủ toạ điều hành Đại hội đồng cổ đông năm 2023 (Ảnh: HVN)
Theo ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, trong nửa sau năm 2023 hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi đặc biệt chú trọng triển khai Đề án tái cơ cấu, với các giải pháp hướng đến mục tiêu tự cân đối được thu - chi kinh doanh bắt đầu từ năm 2024.
Ngoài ra, HVN sẽ tiếp tục nỗ lực triển khai các giải pháp tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ động xây dựng và triển khai các giải pháp tái cơ cấu tài chính, tái cấu trúc tài sản, tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, nâng cao chất lượng nguồn lực; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, bám sát chiến lược chuyển đổi số Vietnam Airlines giai đoạn 2022-2026.
0