(CHG) Theo Cục Cảnh sát hình sự, từ năm 2021 đến nay, lực lượng Công an đã phát hiện hơn 2.700 vụ, khởi tố gần 3.400 bị can liên quan đến hoạt động tín dụng đen, riêng tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự đã tiếp nhận, phát hiện gần 1.600 vụ. Các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, người tiêu dùng cần chú ý các cảnh báo của công an để tránh bị lừa đảo, rơi "bẫy" tín dụng đen.
Dễ vay nhưng không dễ trả
Đại diện Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an nhận định, hoạt động liên quan đến tín dụng đen tuy được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp.
Các đối tượng chuyển hướng lập các doanh nghiệp “núp bóng”, cho vay trực tuyến, cho vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội… để len lỏi, tiếp cận, mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền với thủ đoạn quảng cáo không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng… nhưng thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật… Các ứng dụng cho vay nặng lãi thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng.
Ngày 7/4/2023, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Công an huyện Hậu Lộc vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh bắt giữ đối tượng Trương Văn Thịnh (SN 1987, ở thị trấn Hậu Lộc), là Giám đốc Công ty TNHH kinh doanh tài chính Đại Thịnh Phát về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Trước đó, từ đầu năm 2023, Công an huyện Hậu Lộc phát hiện Công ty TNHH kinh doanh tài chính Đại Thịnh Phát do Trương Văn Thịnh làm Giám đốc có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen” phức tạp, thường xuyên đi đòi nợ dưới hình thức mua bán nợ, gây bức xúc trong dư luận.
Theo kết quả điều tra, khi cho vay, Trương Văn Thịnh yêu cầu người vay phải viết giấy vay tiền, không ghi lãi suất mà thỏa thuận bằng hình thức tín chấp để người vay ký nhận hoặc điểm chỉ, sau đó các đối tượng dùng điện thoại di động chụp ảnh lưu lại để khi người vay không trả nợ đúng hạn, bọn chúng sẽ đăng tải lên mạng xã hội nhằm hạ uy tín hoặc uy hiếp gia đình, người thân của người vay để đòi nợ.
Với lãi suất cao 5.000 đồng/triệu/ngày tương đương với 194%, từ năm 2022 đến khi bị bắt, Trương Văn Thịnh đã cho nhiều cá nhân trên địa bàn huyện Hậu Lộc vay tiền qua đó thu lợi bất chính với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng.
Vào tháng 7/2022, cơ quan Công an đã triệt phá đường dây cho vay qua ứng dụng tại Lào Cai. Các đối tượng tạo lập trên 300 ứng dụng cho vay, liên kết với khoảng 200 công ty cầm đồ, công ty tài chính fintech để cho vay các gói từ 2 - 7 triệu đồng, kỳ hạn vay 7 ngày, với lãi suất trên 2.000%/năm. Điều tra ban đầu xác định có gần 160.000 người đã vay qua các ứng dụng do nhóm đối tượng điều hành với số tiền giao dịch hơn 1.800 tỷ đồng.
Đối tượng Vũ Văn Thọ cùng tang vật. (Ảnh: CAND)
Vào tháng 4/2022, Vũ Văn Thọ (SN 1991, ngụ xã Quảng Văn, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) vào tỉnh Tây Ninh để hoạt động cho vay nặng lãi. Thọ thừa nhận: “Em từ Thanh Hóa vào thuê căn nhà A306 khu đô thị Thuận Lợi, xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng để hoạt động cho vay chưa đầy một năm thì bị Công an bắt giữ”.
Thọ khai, trung bình, người vay 10 triệu đồng, phải đóng phí là 500.000đ và góp 25 ngày (mỗi ngày góp 500.000đ), tương đương 30%/tháng và 360%/năm. Hằng ngày, Thọ đến nhà “khách hàng” để thu tiền hoặc con nợ chuyển tiền vào số tài khoản cho Thọ. Đến thời điểm bị bắt, Thọ đã cho vay hơn 300 triệu đồng.
Dễ vay nhưng không hề dễ trả, chị Ngô Thúy Hồng, ngụ tại Quận Bình Tân, TP. HCM cho biết, theo thông tin quảng cáo dán tại cột điên khu trọ công nhân PouYuen “Chỉ cần alo là có tiền, không phải thế chấp”, chị đã vay với số tiền ban đầu là 10 triệu đồng, nhưng rồi “lãi mẹ đẻ lãi con”, giờ đây số tiền chị phải trả lên đến cả trăm triệu, mất việc làm vì bị khủng bố, chị phải làm đủ mọi nghề để có thể mưu sinh và trả nợ.
Dù lực lượng chức năng nỗ lực dẹp bỏ nhưng những loại hình cho vay phi chính thống này vẫn như chiếc “vòi bạch tuộc” len lỏi, bủa vây cuộc sống của người dân gặp khó khăn.
Tờ rơi quảng cáo cho vay tiền được dán tại cột điện.
Chuyên gia chỉ cách tránh “bẫy” tín dụng đen
Cho vay và thu hồi nợ thế nào để đúng quy định pháp luật, làm sao để phát triển lành mạnh, bền vững tín dụng tiêu dùng, tránh bị lừa đảo, rơi bẫy tín dụng đen…là những nội dung chính được các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra thảo luận, trao đổi tọa đàm Tín dụng tiêu dùng: “Cho vay và thu hồi nợ đúng pháp luật!” vừa diễn ra tại TP. HCM.
Các ý kiến đều cho rằng, tín dụng tiêu dùng là một phần không thể thiếu trong nền kinh tế, giúp tăng khả năng tiếp cận tài chính đối với người yếu thế trong xã hội, góp phần thúc đẩy tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế. Do đó, cần có giải pháp tăng cường tín dụng tiêu dùng. Hiện Việt Nam đã xây dựng hành lang pháp lý cho tín dụng tiêu dùng, nhưng vẫn cần điều chỉnh và tiếp tục xây dựng cho phù hợp với tình hình hiện tại.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu chỉ ra rằng, trong bối cảnh nhiều người mất việc, cần tiền phải đi vay tiêu dùng, mua sắm, nhưng lãi suất tín dụng tiêu dùng dù thuộc tổ chức tín dụng chính thức hay kênh không chính thức đều rất cao. Việt Nam có quy định lãi suất trên 20% được xem là lãi suất không hợp pháp. Tuy nhiên, thực tế không ai bị truy tố vì cho vay lãi suất cao hơn 20%.
“Luật thì có nhưng việc áp dụng luật chưa chặt chẽ, vì vậy lãi suất tín dụng có thể lên tới 20 - 30%, các tiệm cầm đồ, tín dụng đen còn tính lãi cao hơn rất nhiều, có thể lên đến vài trăm phần trăm”, TS Nguyễn Trí Hiếu nói. Hiện chưa có biện pháp để kiểm soát hiệu quả vấn đề lãi suất. Bên cạnh đó, rất nhiều tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính áp dụng lãi và phí cộng lại rất cao. Ngoài ra, vẫn còn hiện tượng cho vay kèm theo hợp đồng bảo hiểm.
Đối với vấn đề thu hồi nợ, Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP. HCM cho rằng, muốn thu hồi nợ đúng luật phải có quy định pháp luật đầy đủ. Ngân hàng Nhà nước đã có rất nhiều văn bản quy định về vấn đề này và phải được thực hiện, kiểm tra, giám sát. Về phía ngân hàng, công ty tài chính, để đòi được nợ thì cần có nghiệp vụ bài bản và chuyên nghiệp. Thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã có các Thông tư 43/2016/TT-NHNN, Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định rất rõ ràng về vấn đề đốc thúc thu hồi nợ, không được gọi điện thoại sau 21 giờ, không gọi quá 5 lần trong 1 ngày… Trong văn bản của Ngân hàng Nhà nước quy định không được đe dọa khi thu hồi nợ, nhưng thế nào là đe dọa thì lại chưa có quy định cụ thể.
Tọa đàm bàn về nhiều vấn đề nóng trong hoạt động cho vay tiêu dùng hiện nay. Ảnh: N.H
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng Đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP. HCM cho biết, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP. HCM vừa nhận được báo cáo của 10/12 hội viên. Qua tổng hợp các báo cáo thực trạng hoạt động, theo đó các hội viên đã thực hiện và tuân thủ khá đúng quy định về lĩnh vực cho vay tiêu dùng.
Tuy nhiên, 7/10 công ty tài chính báo cáo đã bị cơ quan chức năng kiểm tra, hiện chưa có kết luận. Cả nước hiện có 16 công ty được Ngân hàng nhà nước cấp phép trong khi các app (ứng dụng) không được cấp phép rất nhiều gây ảnh hưởng tới những công ty chính thống khiến họ bị đánh đồng, bị ngộ nhận, bị ảnh hưởng thương hiệu. Thậm chí, công ty tài chính tiêu dùng hợp pháp, được cấp phép quản lý đang bị đánh đồng với tín dụng đen.
Để thị trường cho vay tiêu dùng tăng trưởng trở lại, hạn chế tín dụng đen, ông Minh đề xuất cần tăng cường giải pháp tuyên truyền tránh để khách hàng nhầm lẫn công ty tài chính tiêu dùng hợp pháp với công ty trái pháp luật. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần công bố danh sách các doanh nghiệp tín dụng tiêu dùng được cấp phép, có quản lý để người dân nhận diện tốt hơn. Cần truyền thông thêm nghĩa vụ người đi vay, rủi ro trả nợ không đúng hạn, giúp người dân có niềm tin hơn.
Về phía các công ty tài chính, cần tiếp tục quảng bá hình ảnh là công ty chính thống hợp pháp. Đồng thời, cần đưa ra nhiều sản phẩm phong phú, hữu ích cho khách hàng. Cho công nhân khu chế xuất-khu công nghiệp vay trả góp, mở rộng mạng lưới về vùng sâu xa. Đặc biệt, phải cải tiến văn hóa thu hồi nợ…/.
0
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết